Ngày 28/9/2022, VKSND tối cao tổ chức Hội nghị tập huấn “Kỹ năng thực hành quyền công tố, kiểm sát việc áp dụng các biện pháp thu hồi tài sản cho Nhà nước trong các vụ việc, vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế liên quan đến chức vụ”. Đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tối cao dự và chỉ đạo Hội nghị.
Cùng dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Bí thư Ban cán sự đảng, Bí thư Đảng uỷ, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao; các đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao: Đồng chí Nguyễn Hải Trâm, đồng chí Nguyễn Duy Giảng, đồng chí Nguyễn Quang Dũng.
Tham dự Hội nghị tại điểm cầu trung tâm (trụ sở VKSND tối cao) có các đồng chí Kiểm sát viên VKSND tối cao, Lãnh đạo và toàn thể công chức các đơn vị: Vụ 1, Vụ 3, Vụ 5, Vụ 6, Vụ 7, Vụ 11 và Cục 1; Lãnh đạo và một số công chức các đơn vị: Vụ 13, Vụ 14, Vụ 15, Văn phòng, Cục 2, Thanh tra VKSND tối cao, Viện cấp cao 1.
Tại hơn 800 điểm cầu các đơn vị, VKSND và VKS quân sự các cấp có lãnh đạo và công chức các đơn vị thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử án hình sự; đại diện Ban Giám hiệu, Lãnh đạo, giảng viên các khoa, phòng liên quan đến pháp luật hình sự, kiểm sát hình sự và điều tra tội phạm của Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội; Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm sát tại thành phố Hồ Chí Minh.
Tại Hội nghị, các đại biểu được xem video clip về chuyên đề “Kỹ năng thực hành quyền công tố, kiểm sát việc áp dụng các biện pháp thu hồi tài sản cho Nhà nước trong các vụ việc, vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế liên quan đến chức vụ”.
Chuyên đề nêu rõ, hiện nay, tình hình tội phạm tham nhũng, chức vụ và kinh tế luôn có diễn biến phức tạp, xảy ra ở hầu hết các lĩnh vực, các cấp, các ngành; Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tối cao đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn Ngành quán triệt, thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại các Hội nghị và các Phiên họp Ban Chỉ đạo, Cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo. Đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo toàn Ngành tăng cường công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án và thu hồi tài sản; chỉ đạo Thủ trưởng các đơn vị, Viện trưởng VKSND các cấp chủ động, quyết liệt hơn trong công tác thu hồi tài sản; xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt quá trình giải quyết vụ án tham nhũng, kinh tế. Tập trung chỉ đạo tăng cường trách nhiệm công tố, phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng, chiếm đoạt trong các vụ án, vụ việc và áp dụng các biện pháp để bảo đảm thu hồi tài sản; động viên, khuyến khích bị can, bị cáo tự nguyện giao nộp tài sản, khắc phục hậu quả thiệt hại; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo kiểm sát việc thi hành phần dân sự trong các bản án. Chú trọng công tác nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về thu hồi tài sản bảo đảm đồng bộ, khả thi; xây dựng Hướng dẫn và tổ chức hội nghị tập huấn nghiệp vụ để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thu hồi tài sản. Đẩy mạnh việc xây dựng các Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự, thỏa thuận hợp tác quốc tế trong phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có yếu tố nước ngoài, đặc biệt là tăng cường phối hợp để thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.
Thực hiện chỉ đạo của Viện trưởng VKSND tối cao, VKS các cấp đã có nhiều cố gắng, thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao tỷ lệ thu hồi tài sản; chủ động đề ra yêu cầu điều tra, yêu cầu xác minh tài sản, phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra áp dụng các biện pháp để phát hiện, thu giữ tài sản; động viên, khuyến khích người phạm tội tự nguyện giao nộp tài sản đã chiếm đoạt, tự nguyện khắc phục hậu quả thiệt hại.
Nhìn chung kết quả công tác thu hồi tài sản có nhiều chuyển biến, thể hiện rõ sự quyết tâm của các cơ quan tiến hành tố tụng nói chung và vai trò, trách nhiệm, sự quyết liệt của VKS nói riêng.
Bên cạnh những chuyển biến tích cực, chuyên đề cũng nêu rõ những tồn tại, hạn chế trong công tác thu hồi tài sản bị thất thoát chiếm đoạt, chỉ ra nguyên nhân khách quan, chủ quan, những khó khăn, vướng mắc các cơ quan tiến hành tố tụng gặp phải trong quá trình giải quyết vụ việc, vụ án tham nhũng, chức vụ. Từ đó, đề xuất những giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tối cao nhấn mạnh, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Đảng và Nhà nước ta xác định là nhiệm vụ quan trọng và lâu dài. Trong những năm qua, nhất là từ Đại hội XII của Đảng đến nay, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà trực tiếp là đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban chỉ đạo và sự nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã có bước tiến mạnh, đạt được những kết quả rất quan trọng, toàn diện, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Công tác thu hồi tài sản tham nhũng và tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế cũng được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và có nhiều chuyển biến tích cực. Kết quả thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế có xu hướng tăng dần, năm sau cao hơn năm trước, góp phần quan trọng vào kết quả chung của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vẫn còn có những hạn chế, trong đó có việc xử lý tội phạm và thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ thu hồi thấp so với số tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt.
Để nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản, đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao yêu cầu toàn ngành Kiểm sát cần nhận thức sâu sắc rằng, bên cạnh việc quyết tâm ngăn chặn, phát hiện, xử lý tội phạm tham nhũng thì các cơ quan tiến hành tố tụng, trong đó có Viện kiểm sát cần phải đặc biệt chú trọng công tác phát hiện, xác minh, truy tìm tài sản, tiền có nguồn gốc từ tham nhũng và từ các hành vi sai phạm trong các vụ án kinh tế, chức vụ để thu hồi triệt để về cho Nhà nước. Những quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của Ngành về công tác thu hồi tài sản hiện nay đã khá đầy đủ, tuy có những khó khăn, vướng mắc nhất định nhưng yêu cầu trước mắt, toàn thể các cán bộ, Kiểm sát viên phải nắm vững, hiểu sâu và áp dụng chính xác quy định hiện hành; tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng và giữa các khâu công tác nghiệp vụ từ điều tra, truy tố, xét xử đến thi hành án nhằm bảo đảm đạt hiệu quả cao nhất trong công tác thu hồi tài sản. Có như vậy ngành Kiểm sát mới đảm bảo thực hiện đầy đủ và đạt yêu cầu mà Đảng, Nhà nước và nhân dân kỳ vọng thông qua công tác xử lý án tham nhũng, chức vụ.
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Hải Trâm, Phó Bí thư Đảng uỷ, Phó Viện trưởng VKSND tối cao đánh giá các chuyên đề báo cáo tại Hội nghị và chuyên đề tham luận của các đơn vị đã tập trung phân tích, làm sáng tỏ những chủ trương lớn của Đảng được thể hiện qua nhiều văn kiện quan trọng.
Đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Hải Trâm đề nghị Lãnh đạo, Kiểm sát viên Viện kiểm sát các cấp trong toàn Ngành, khi được giao thực hành quyền công tố, kiểm sát giải quyết các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ và kiểm sát thi hành án dân sự cần chú ý thực hiện tốt một số nội dung sau:
Một là, chủ động, tích cực nghiên cứu, quán triệt việc thực hiện chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Quy định, Quy chế, Hướng dẫn nghiệp vụ của Ngành về công tác thu hồi tài sản trong các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, chức vụ. Viện kiểm sát các cấp tùy theo đặc điểm tình hình đơn vị, địa phương mình trong thời gian tới cần tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu cho các Kiểm sát viên trong đơn vị về các biện pháp nghiệp vụ trong từng giai đoạn tố tụng gắn với trách nhiệm của Viện kiểm sát; hoặc phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp tổ chức Hội nghị trao đổi, thảo luận nhằm phối hợp thực hiện có hiệu quả công tác thu hồi tài sản trong các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, chức vụ.
Hai là, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết án, yêu cầu Lãnh đạo Viện kiểm sát phải thường xuyên đặt ra yêu cầu đối với Kiểm sát viên và tích cực, chủ động đề ra biện pháp để yêu cầu Cơ quan điều tra và các cơ quan liên quan khẩn trương xác minh, truy tìm, hạn chế, ngăn chặn việc giao dịch, chuyển dịch tài sản liên quan đến đối tượng trong vụ án, vụ việc.
Ba là, đối với Kiểm sát viên trong quá trình trực tiếp thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, truy tố, kiểm sát xét xử và thi hành án cần nhạy bén khi tiếp cận thông tin và xử lý kịp thời thông tin về tài sản của đối tượng phạm tội. Việc xác minh, truy tìm, ngăn chặn, phong tỏa, kê biên thu hồi được tài sản của người phạm tội cũng mang ý nghĩa chứng minh hành vi phạm tội một cách đầy đủ và chính xác nhất. Do đó, trong các yêu cầu điều tra của Viện kiểm sát, yêu cầu xác minh, truy tìm nguồn gốc dòng tiền, tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt luôn phải là yêu cầu đầu tiên, quan trọng trong giải quyết các vụ án kinh tế, tham nhũng, chức vụ.
Bốn là, đối với các đơn vị thuộc VKSND tối cao (nhất là Vụ 3, Vụ 5, Vụ 11, Vụ 14) đặc biệt chú ý công tác hướng dẫn nghiệp vụ, giải đáp vướng mắc. Các đơn vị Vụ 3, Vụ 5, Vụ 11 và Vụ 14 chủ động phối hợp trong cập nhật những yêu cầu, chủ trương, quy định mới của Đảng và pháp luật về công tác thu hồi tài sản để xây dựng hướng dẫn thực hiện trong toàn Ngành; đồng thời nghiên cứu và tham mưu Lãnh đạo VKSND tối cao trong kiến nghị đề xuất Quốc hội, cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, quy định, chính sách theo hướng minh bạch tài sản của cán bộ, gia đình cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo quản lý trong hệ thống chính trị; quy định Luật đăng ký tài sản nhằm tạo điều kiện tốt hơn trong quản lý tài sản và khi cần thiết đáp ứng yêu cầu quản lý, truy tìm, truy nguyên nguồn gốc tài sản phục vụ tốt nhất công tác thu hồi tài sản của Nhà nước bị chiếm đoạt, thất thoát do hành vi phạm tội tham nhũng, kinh tế và chức vụ gây ra.
Năm là, các cơ sở đào tạo của Ngành bao gồm Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm sát tại thành phố Hồ Chí Minh cần tiếp thu nội dung các chuyên đề tại Hội nghị và ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo VKSND tối cao để xây dựng thành các chuyên đề giảng dạy trong Nhà trường…
Một số hình ảnh tại Hội nghị