CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Đoàn công tác của VKSND tối cao tham gia Hội nghị toàn thể của Mạng lưới tư pháp khu vực Đông Nam Á

08/05/2023
Cỡ chữ:   Tương phản
Thực hiện Quyết định số 140/QĐ-VKSTC ngày 13/4/2023 của Viện trưởng VKSND tối cao, Đoàn đại biểu VKSND tối cao do đồng chí Nguyễn Duy Giảng, Phó Viện trưởng làm Trưởng đoàn đã tham dự Hội nghị toàn thể của Mạng lưới tư pháp khu vực Đông Nam Á (SEAJust) được tổ chức tại Seoul, Hàn Quốc trong 03 ngày, từ ngày 26 - 28/4/2023. Cùng tham dự có Lãnh đạo và cán bộ Vụ Hợp tác quốc tế và Tương trợ tư pháp về hình sự (Vụ 13) VKSND tối cao.

Tham dự Hội nghị có các đại biểu đến từ 15 quốc gia là thành viên của Mạng lưới SEAJust và một số quốc gia, tổ chức có liên quan.

Đồng chí Nguyễn Duy Giảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao
chụp ảnh lưu niệm cùng các Trưởng đoàn tham dự Hội nghị

Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Duy Giảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao đã tham gia trao đổi, chia sẻ thông tin tại Phiên toàn thể. Qua đó, đồng chí đã nêu lên thực tiễn tốt mà Việt Nam đã phối hợp thực hiện cùng các cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, cũng như một số thách thức cản trở quá trình hợp tác quốc tế khi các cơ quan tiến hành tố tụng của Việt Nam xử lý các vụ án có yếu tố nước ngoài nói chung và tội phạm về tham nhũng nói riêng. Điồng thời, đồng chí Trưởng đoàn cũng đưa ra một số giải pháp mà Việt Nam đã thực hiện trong thời gian qua nhằm tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh với tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.

Đồng chí Nguyễn Duy Giảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao
phát biểu tại Phiên toàn thể

Sau Phiên toàn thể, Đoàn đại biểu của VKSND tối cao tham gia đồng thời các Hội thảo về những chủ đề khác nhau, bao gồm: Hội thảo về “Xử lý tội phạm tham nhũng và tội phạm kinh tế: Truy tìm nguồn tiền và thu thập chứng cứ tài chính”; Hội thảo về “Tội phạm sử dụng tài sản kỹ thuật số và hợp tác quốc tế” và Hội thảo 3 về “Xu hướng mới nổi trong thu hồi tài sản và hợp tác quốc tế”.

Tại Hội thảo về “Xu hướng mới nổi trong thu hồi tài sản và hợp tác quốc tế”, đồng chí Ngô Thị Quỳnh Anh, Phó Vụ trưởng Vụ 13 VKSND tối cao là một trong 04 diễn giả đã có bài trình bày về tương trợ tư pháp hình sự và hoạt động thu hồi tài sản ở Việt Nam.

Đồng chí Ngô Thị Quỳnh Anh, Phó Vụ trưởng Vụ 13 VKSND tối cao cùng các diễn giả
tại Hội thảo về “Xu hướng mới nổi trong thu hồi tài sản và hợp tác quốc tế”

Song song với các Hội thảo trên là sự kiện bên lề về nội dung “Hợp tác quốc tế về truy bắt và dẫn độ tội phạm bỏ trốn”.

Bên cạnh các hoạt động dành cho toàn thể các đại biểu tham dự, tại Hội nghị lần này, các đầu mối liên lạc của các quốc gia là thành viên của Mạng lưới SEAJust đã có các cuộc họp riêng để trao đổi và thảo luận các vấn đề liên quan đến tổ chức hoạt động của Mạng lưới.

Trong chuyến công tác, Đoàn đại biểu VKSND tối cao đã có những hoạt động hợp tác bên lề Hội nghị. Đoàn đại biểu VKSND tối cao đã có cuộc họp song phương với ông José de la Mata Amaya, Chủ tịch Uỷ ban hợp tác của Cơ quan hợp tác tư pháp hình sự Liên minh Châu Âu (viết tắt là Eurojust) và là thành viên quốc gia của Tây Ban Nha. Tại cuộc họp, ông José de la Mata Amaya đã đề nghị Việt Nam xem xét khả năng tham gia là thành viên của Eurojust. Đến nay, tổ chức này đã có 37 quốc gia tham gia, trong đó có 27 quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu và 10 quốc gia ngoài Liên minh Châu Âu. Nhiệm vụ của tổ chức này là phối hợp, điều phối hợp tác giữa các cơ quan tư pháp của các nước thành viên và giữa tổ chức này với các tổ chức hay mạng lưới khác.

Cuộc gặp song phương giữa Đoàn đại biểu Việt Nam và Eurojust

Trong quá trình tham gia Hội nghị, Đoàn đại biểu Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực. Thứ nhất, Việt Nam đã có cơ hội khẳng định cam kết tăng cường hợp tác quốc tế để đấu tranh với tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. Thứ hai, tăng cường tiếp xúc, gắn kết và hiểu hơn về pháp luật của các nước tham gia Hội nghị. Thứ ba, thông qua các phiên làm việc và các Hội thảo, Việt Nam cũng có nguồn ý tưởng tốt để cải tiến hiệu quả trong hoạt động tương trợ tư pháp của nước mình. Thứ tư, với tư cách là thành viên của Mạng lưới tư pháp khu vực Đông Nam Á (SEAJust), việc tham gia Hội nghị toàn thể lần này thể hiện sự tích cực, chủ động của Việt Nam trong việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện tổ chức hoạt động của Mạng lưới SEAJust.

Đoàn đại biểu VKSND tối cao tham dự Hội nghị toàn thể
của Mạng lưới tư pháp khu vực Đông Nam Á (SEAJust)

 

Vụ Hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp về hình sự VKSND tối cao
Tìm kiếm