CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăm và làm việc với Ban cán sự đảng, Lãnh đạo VKSND tối cao

11/05/2023
Cỡ chữ:   Tương phản
Ngày 11/5/2023, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cùng Đoàn công tác đến thăm và làm việc với Ban cán sự đảng, Lãnh đạo VKSND tối cao; đồng thời chứng kiến Lễ ký Nghị quyết liên tịch giữa Ban cán sự đảng TAND tối cao và Ban cán sự đảng VKSND tối cao.
Đồng chí Võ Văn Thưởng, Chủ tịch nước phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc

Tham dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; đồng chí Lê Khánh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; đồng chí Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; đồng chí Đặng Khánh Toàn, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; đồng chí Nguyễn Văn Yên, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương; đồng chí Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội; đồng chí Nguyễn Thị Mai Phương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình
và Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí tại buổi làm việc

Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chánh án TAND tối cao: Đồng chí Nguyễn Trí Tuệ, đồng chí Nguyễn Văn Du, đồng chí Dương Văn Thắng, đồng chí Nguyễn Văn Tiến, đồng chí Phạm Quốc Hưng.

Đồng chí Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu tại buổi làm việc

Đại biểu ngành Kiểm sát nhân dân tham dự buổi làm việc có đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tối cao. Cùng dự có đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Bí thư Ban cán sự đảng, Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao; các đồng chí Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao: Đồng chí Nguyễn Hải Trâm, đồng chí Nguyễn Duy Giảng, đồng chí Nguyễn Quang Dũng; các đồng chí Kiểm sát viên VKSND tối cao, Thủ trưởng các đơn vị  thuộc VKSND tối cao; đồng chí Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy VKSND tối cao,  Lãnh đạo Viện cấp cao 1; Viện trưởng Viện cấp cao 2, 3.

Đồng chí Lê Khánh Hải, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước
phát biểu tham luận tại buổi làm việc
Đồng chí Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an
phát biểu tham luận tại buổi làm việc
Đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao
phát biểu tại buổi làm việc
Toàn cảnh buổi làm việc

Phát biểu khai mạc buổi làm việc, đồng chí Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND tối cao cho biết, trong những năm qua, trên phạm vi cả nước, tình hình an ninh, chính trị được đảm bảo nhưng tình hình tội phạm và tranh chấp dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại có những diễn biến phức tạp. Trước tình hình đó, ngành Kiểm sát nhân dân luôn nỗ lực phấn đấu, đoàn kết, đổi mới, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ. Toàn Ngành đã nghiêm túc học tập và làm theo lời dạy của Bác Hồ đối với cán bộ ngành Kiểm sát, đó là “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Trong công tác chuyên môn nghiệp vụ, ngành Kiểm sát nhân dân luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành đạt và vượt nhiệm vụ, chỉ tiêu Quốc hội giao, kết quả năm sau tốt hơn năm trước. Kết quả này có được là nhờ sự quan tâm của toàn Đảng mà trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và sự phối hợp của các Bộ, ngành trung ương. Trong đó, ngành Kiểm sát nhân dân luôn nhận được sự quan tâm và chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Chủ tịch nước.

Đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao nhấn mạnh, để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ ngày càng nặng nề, phức tạp, thời gian qua, Ban cán sự đảng và Lãnh đạo VKSND tối cao đã đề ra nhiều yêu cầu cũng như giải pháp công tác trọng tâm để nâng cao chất lượng công tác của ngành Kiểm sát, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao phó, đồng thời góp phần phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Đại biểu tham dự buổi làm việc

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã theo dõi Báo cáo kết quả công tác của Ngành Kiểm sát nhân dân bằng hình ảnh. Theo đó, đa số các mặt công tác đều đạt và vượt chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội.

Về công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự, xác định “chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm” là nhiệm vụ trọng tâm công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự nhằm bảo vệ cao nhất quyền con người, Viện trưởng VKSND tối cao đã chỉ đạo toàn ngành Kiểm sát nhân dân thực hiện nhiều giải pháp, biện pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác giải quyết án hình sự. Cụ thể: Tăng cường trách nhiệm công tố; thực hiện nghiêm các nguyên tắc của pháp luật hình sự, tố tụng hình sự, trong đó chú trọng nguyên tắc “suy đoán vô tội”, “bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội”; nâng cao chất lượng và kỹ năng tranh tụng của Kiểm sát viên tại các phiên tòa.

Trong công tác giải quyết các vụ án về tham nhũng, kinh tế, chức vụ, VKSND tối cao đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao trong trực tiếp chỉ đạo, giải quyết những vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ và chỉ đạo toàn Ngành thực hiện nghiêm những yêu cầu của Trung ương cũng như quy định của pháp luật trong xử lý đối với những tội phạm này. Thông qua giải quyết các vụ án, VKSND các cấp đã thực hiện tốt công tác kiến nghị các cơ quan hữu quan về phòng ngừa vi phạm, tội phạm; thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời, ngăn chặn việc chuyển nhượng, tẩu tán tài sản; áp dụng chặt chẽ các biện pháp thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát ngay từ giai đoạn tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm cho đến giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.

Đối với công tác kiểm sát hoạt động tư pháp trong lĩnh vực dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại, ngành Kiểm sát đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác này. Cụ thể: Viện trưởng VKSND cấp tỉnh phải trực tiếp chịu trách nhiệm kết quả thực hiện, đồng thời phân công, bố trí, sắp xếp, đào tạo những Kiểm sát viên có kinh nghiệm, có năng lực chuyên môn để thực hiện nhiệm vụ; tăng cường tổ chức tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, đầu tư dự án và những lĩnh vực khác có liên quan. Do đó, công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự trong những năm qua đã có nhiều chuyển biến. Bên cạnh đó, công tác kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính và việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của Viện kiểm sát cũng đạt được nhiều kết quả tích cực, nhiều chỉ tiêu vượt so với yêu cầu của Quốc hội.

Về hoạt động của Cơ quan điều tra VKSND tối cao, trong thời gian qua, Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã đạt những kết quả tích cực, như: Kịp thời xác minh, khởi tố, điều tra nhiều vụ án tham nhũng và xâm phạm hoạt động tư pháp được dư luận quan tâm; không để xảy ra trường hợp oan thuộc trách nhiệm của Cơ quan điều tra VKSND tối cao.

Đại biểu tham dự buổi làm việc

Xác định công tác cán bộ là khâu then chốt, quyết định nên thời gian qua, Ban cán sự đảng, Lãnh đạo VKSND tối cao đã ban hành nhiều Nghị quyết cán bộ và tập trung chỉ đạo từ khâu quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đến phân công công tác giao việc, bố trí cán bộ theo hướng phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp Kiểm sát. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng với yêu cầu đào tạo cán bộ “một người biết nhiều việc, chuyên sâu một, hai việc” với các hình thức đào tạo linh hoạt. Hầu hết các cán bộ được lựa chọn, phân công đều phù hợp với năng lực, sở trường của cán bộ; các đơn vị có cán bộ được điều động, bổ nhiệm, chuyển đổi vị trí đều phát huy năng lực, kết quả công tác của đơn vị được nâng lên. Nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm minh sai phạm, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong Ngành; đồng thời nghiên cứu, xây dựng cơ chế bảo vệ cán bộ làm công tác phòng, chống tội phạm.

VKSND tối cao thường xuyên phối hợp tốt với các Bộ, Ban, ngành Trung ương và địa phương, nhất là với các cơ quan tố tụng, các cơ quan khác trong khối nội chính để xây dựng Thông tư liên tịch, quy chế phối hợp và tổ chức các hội nghị pháp chế về công tác giải quyết các vụ việc, vụ án hành chính.

Với trách nhiệm là cơ quan đầu mối Trung ương trong hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự, VKSND tối cao đã chú trọng và tăng cường hợp tác quốc tế. Đặc biệt là quan hệ đối với các nước láng giềng truyền thống, nước có nhiều công dân Việt Nam sinh sống, học tập, làm việc và với những nước có mối quan hệ kinh tế lớn, quan hệ đối tác chiến lược, toàn diện. Điều này góp phần quan trọng cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia, tội phạm phi truyền thống và việc thu hồi tài sản trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế có yếu tố nước ngoài, đồng thời tăng cường trao đổi kinh nghiệm với Viện kiểm sát, cơ quan công tố các nước nhằm nâng cao năng lực thực hiện chức năng, nhiệm vụ và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

Dưới sự điều hành của đồng chí Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, các đại biểu đã phát biểu ý kiến tham luận, tập trung về các vấn đề: Những khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; giải quyết các vụ án liên quan đến tội phạm công nghệ cao, tội phạm không gian mạng; tương trợ tư pháp về hình sự trong giải quyết các vụ án. Làm rõ kết quả đạt được của ngành Kiểm sát trong cải cách tư pháp, nhất là trong việc tranh tụng tại phiên tòa; ban hành các kiến nghị, kháng nghị giám đốc thẩm, phối hợp thực hiện tốt các phiên tòa rút kinh nghiệm. Về kiểm soát ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; công tác phối hợp giữa ngành Kiểm sát nhân dân với các bộ, ban ngành liên quan trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ…

Đồng chí Đặng Khánh Toàn, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng
phát biểu tham luận tại buổi làm việc
Đồng chí Nguyễn Văn Yên, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương
phát biểu tham luận tại buổi làm việc
Đồng chí Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội
phát biểu tham luận tại buổi làm việc

Phát biểu chỉ đạo buổi làm việc, đồng chí Võ Văn Thưởng, Chủ tịch nước nhấn mạnh, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, bên cạnh thuận lợi, đất nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình tội phạm diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới, ngày càng phức tạp, đa dạng... Với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, ngành Kiểm sát nhân dân đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra, kết quả công tác năm sau đạt cao hơn năm trước, góp phần xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, liêm chính. Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Chủ tịch nước biểu dương, đánh giá cao thành tích mà ngành Kiểm sát đạt được trong thời gian qua. Kết quả đó đã góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức và công dân, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Để góp phần xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân, đồng chí Chủ tịch nước đề nghị ngành Kiểm sát nhân dân quan tâm, chú trọng thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, cấp ủy, tổ chức đảng và Lãnh đạo Viện kiểm sát các cấp tiếp tục quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN và xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại. Chủ động, tích cực tham mưu, thể chế hóa kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng về công tác tư pháp, bảo đảm thống nhất, đồng bộ. Trong đó, tập trung “thể chế để VKSND thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; hoàn thiện cơ chế tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, tăng cường kiểm soát bên trong việc thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động xét xử”.

Thứ hai, chú trọng nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố; tăng cường vai trò, trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra ngay từ giai đoạn đầu của tố tụng hình sự, thực hiện đúng nguyên tắc tố tụng theo quy định. Tiếp tục nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa, xác định đây là khâu đột phá, góp phần bảo đảm tố tụng tư pháp dân chủ, công bằng, văn minh, pháp quyền, hiện đại, nghiêm minh, dễ tiếp cận, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Cùng với đó, phải nâng cao hơn nữa hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; chú trọng việc thu hồi tài sản của Nhà nước bị chiếm đoạt, thiệt hại, thất thoát; không hình sự hóa quan hệ dân sự, kinh tế, tạo điều kiện, môi trường ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng Lãnh đạo TAND tối cao, VKSND tối cao,
Văn phòng Chủ tịch nước, Bộ Công an chụp ảnh lưu niệm 
và thăm quan Phòng Truyền thống VKSND tối cao

Thứ ba, ngành Kiểm sát phải thực hiện đúng chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp; không ngừng nâng cao năng lực, hiệu quả công tác này, nhất là phát huy vai trò Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát, bảo đảm cơ quan này thực sự là một trong những thiết chế quan trọng kiểm soát quyền lực trong hoạt động tư pháp. Chú trọng phát hiện kịp thời vi phạm, nhất là vi phạm của cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh tế - xã hội; kiến nghị các biện pháp phòng ngừa, khắc phục, xử lý hiệu quả. Tăng cường kiểm sát hoạt động thi hành án dân sự, nhất là kiểm sát thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.

Thứ tư, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình, VKSND tối cao cần chủ động phối hợp với các cơ quan hữu quan tăng cường trách nhiệm, tích cực, quyết liệt, nghiêm túc trong việc nghiên cứu, tham mưu trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định về việc xin ân giảm án tử hình và tổ chức thi hành án tử hình. Đây là việc làm nhân đạo, thể hiện sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước đối với những người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân đã quy định trong Hiến pháp và pháp luật nước ta.

Thứ năm, để hoàn thành nhiệm vụ được giao, ngành Kiểm sát phải đặc biệt quan tâm nhiệm vụ đào tạo, giáo dục, xây dựng đội ngũ cán bộ Kiểm sát có đạo đức cách mạng, bản lĩnh, kinh nghiệm, tính chiến đấu cao, trọng danh dự, tâm huyết, chuyên nghiệp, giỏi chuyên môn, phương pháp công tác khoa học, sâu sát, thận trọng. Tiếp tục đổi mới, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy VKSND theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, luân chuyển, điều động, biệt phái cán bộ lãnh đạo, quản lý, tạo điều kiện để rèn luyện, thử thách cán bộ, phát huy năng lực, sở trường công tác.

Thứ sáu, tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và các đoàn thể trong ngành Kiểm sát thực sự trong sạch, vững mạnh. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của VKSND, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng và đoàn thể trong cơ quan.

Thứ bảy, tích cực đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong công tác đào tạo cán bộ, trao đổi kinh nghiệm nhằm tăng cường năng lực hoạt động của ngành Kiểm sát. Mở rộng, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm xuyên quốc gia; làm tốt vai trò cơ quan Trung ương về tương trợ tư pháp hình sự. Tiếp tục tăng cường cơ sở vật chất, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong ngành Kiểm sát; nghiên cứu, đề xuất chế độ, chính sách phù hợp nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm điều kiện hoạt động của Viện kiểm sát các cấp trong thời gian tới.

Đồng chí Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tin tưởng, mỗi cán bộ, công chức, Kiểm sát viên, Điều tra viên và người lao động ngành Kiểm sát với tinh thần đoàn kết, quyết tâm, chung sức, đồng lòng sẽ vượt qua khó khăn, thách thức và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong thời gian tới, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Đồng chí Nguyễn Thị Mai Phương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội
phát biểu tham luận tại buổi làm việc
Đồng chí Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án Thường trực Tòa án nhân dân tối cao
phát biểu tham luận tại buổi làm việc

Thay mặt Ban cán sự đảng, Lãnh đạo VKSND tối cao, đồng chí Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND tối cao nghiêm túc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch nước. Thời gian tới, VKSND tối cao sẽ phối hợp với các Bộ, ban, ngành liên quan tham mưu Chủ tịch nước các biện pháp nhằm hiện thực hoá những kiến nghị của Ngành, giải quyết tốt khó khăn, vướng mắc, góp phần tạo sự phát triển tích cực cho toàn hệ thống tư pháp. Đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao cảm ơn các đồng chí đại diện Bộ, ban, ngành đã có những ý kiến đánh giá khách quan, trách nhiệm về ngành Kiểm sát; sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của đồng chí Chủ tịch nước, cũng như sự phối hợp của các Bộ, ngành trung ương; chính sự phối hợp chặt chẽ đã góp phần tạo nên thành tích chung của ngành Kiểm sát nhân dân trong suốt thời gian qua.

Đồng chí Võ Văn Thưởng, Chủ tịch nước và các đại biểu chứng kiến Lễ ký Nghị quyết liên tịch
giữa Ban cán sự đảng TAND tối cao và Ban cán sự đảng VKSND tối cao

Tiếp theo chương trình làm việc, VKSND tối cao tổ chức Lễ ký Nghị quyết liên tịch về tăng cường công tác phối hợp giữa Ban cán sự đảng TAND tối cao và Ban cán sự đảng VKSND tối cao. Lễ ký kết được thực hiện dưới sự chứng kiến của đồng chí Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.

Ngày 22/3/2016, Ban cán sự đảng TAND tối cao và Ban cán sự đảng VKSND tối cao đã ký ban hành Nghị quyết số 01 về tăng cường công tác phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Ngày 25/6/2022, hai cơ quan tổ chức Hội nghị sơ kết 6 năm thực hiện Nghị quyết và đánh giá công tác phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chức năng, nhiệm vụ đã đạt được nhiều kết quả. Trên cơ sở thực hiện Nghị quyết, công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm cơ bản được thực hiện kịp thời; công tác truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng phức tạp do Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo bảo đảm kịp thời, hiệu quả; công tác hợp tác quốc tế, phổ biến, tuyên truyền các đạo luật được hai cơ quan phối hợp chặt chẽ. Bên cạnh đó, qua sơ kết đã chỉ ra Nghị quyết số 01 còn một số tồn tại, một số nội dung chưa phù hợp và đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Do vậy, Ban cán sự đảng hai cơ quan đã thống nhất xây dựng và ký kết Nghị quyết liên tịch mới để sửa đổi, bổ sung và khắc phục các hạn chế nhằm tăng cường công tác phối hợp trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chức năng, nhiệm vụ giữa hai cơ quan.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

 

BBT
Tìm kiếm