CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Tọa đàm “Định hướng nghiên cứu và đào tạo đa ngành, liên ngành về tư pháp hình sự ở Việt Nam hiện nay”

19/08/2024
Cỡ chữ:   Tương phản
Hiện nay, tiếp cận đa ngành, liên ngành là cách tiếp cận mới, hiện đại trong nghiên cứu khoa học và đào tạo, trong đó có lĩnh vực luật học nói chung và tư pháp hình sự nói riêng. Trước xu thế đó, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội tổ chức Tọa đàm “Định hướng nghiên cứu và đào tạo đa ngành, liên ngành về tư pháp hình sự ở Việt Nam hiện nay” nhằm đưa ra những chia sẻ, trao đổi về việc triển khai và áp dụng nội dung này trong đào tạo, giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại Trường.

Tọa đàm dưới sự chủ trì của TS. Nguyễn Văn Khoát, Hiệu trưởng Nhà trường. Tham dự Toạ đàm có GS.TS. Võ Khánh Vinh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; các đồng chí trong Ban Giám hiệu, cùng các đại biểu khách mời đến từ Trường Đại học Luật Hà Nội, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Mở Hà Nội, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh, Học viện An ninh nhân dân… và nhiều giảng viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh của Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội.

TS. Nguyễn Văn Khoát, Hiệu trưởng Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội
 phát biểu khai mạc Tọa đàm

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, TS. Nguyễn Văn Khoát, Hiệu trưởng Nhà trường nhấn mạnh, trong bối cảnh cải cách tư pháp đặc biệt là tư pháp hình sự ở Việt Nam hiện nay, cũng như hội nhập và hợp tác quốc tế về pháp luật sâu rộng, cần thiết phải có cách tiếp cận đa ngành, liên ngành trong nghiên cứu và đào tạo luật học. Hướng tiếp cận này giúp giải quyết các vấn đề thực tiễn về nhà nước và pháp luật; hình thành đa dạng hơn về chủ đề và hướng nghiên cứu luật học; xây dựng các môn học mới; mang lại các giá trị nghiên cứu mới…

Tuy đã được nhiều cơ sở giáo dục trên thế giới tiếp cận, áp dụng và mang lại những kết quả tích cực. Nhưng tại Việt Nam, việc nghiên cứu và đào tạo đa ngành, liên ngành về tư pháp hình sự vẫn là cách tiếp cận mới, hiện đại, còn nhiều vấn đề cần trao đổi và làm rõ trong tương lai. Tiếp cận đa ngành, liên ngành trong nghiên cứu và giảng dạy tư pháp hình sự đòi hỏi phải được triển khai thực hiện một cách tổng thể, toàn diện, hệ thống nhiều nội dung. Vì vậy, việc tổ chức Tọa đàm có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm lĩnh hội, tiếp thu những ý kiến của các chuyên gia từ chia sẻ tại Tọa đàm.

Đồng chí Hiệu trưởng Nhà trường cũng chia sẻ, thời gian tới, trong hoạt động nghiên cứu khoa học, hay khi viết luận văn, luận án, học viên và nghiên cứu sinh của Trường cần sử dụng cách tiếp cận đa ngành, liên ngành trong nghiên cứu của mình để làm sâu sắc, toàn diện hơn vấn đề nghiên cứu.

GS.TS. Võ Khánh Vinh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Hàn lâm
 Khoa học xã hội Việt Nam, Diễn giả buổi Tọa đàm

Tọa đàm được nghe GS.TS. Võ Khánh Vinh chia sẻ về cách tiếp cận, định hướng nghiên cứu và đào tạo đa ngành, liên ngành về tư pháp hình sự cũng như việc triển khai thực hiện. Cụ thể: cần phải đổi mới tư duy, xây dựng con người, tổ chức nghiên cứu, chương trình đào tạo; tập trung nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế, nhất là phải chú trọng tổng kết thực tiễn hoạt động này. GS.TS. Võ Khánh Vinh nhấn mạnh, xã hội càng phát triển thì sự phân hóa càng sâu, trong đó có sự phân hóa của các ngành, các lĩnh vực. Và càng đi sâu nghiên cứu theo chuyên ngành, lĩnh vực, thì càng sâu sắc. Nhưng cần chú ý nguyên tắc, càng phân hóa bao nhiêu thì càng cần phải tích hợp bấy nhiêu. Cần phải tích hợp lại để hiểu đúng, toàn diện mới giải quyết được vấn đề đúng đắn nhất, bản chất nhất.

Toàn cảnh Tọa đàm

Các nội dung chia sẻ của diễn giả đã nhận được sự quan tâm, đồng tình và thảo luận sôi nổi của các đại biểu là các chuyên gia, các nhà quản lý, giảng dạy tại các cơ sở đào tạo Luật trong cả nước. Các ý kiến thảo luận đều nhất trí, cần định hướng quan điểm đa ngành, liên ngành trong nghiên cứu, giảng dạy, không chỉ về pháp luật nói chung, tư pháp hình sự nói riêng mà còn trong các lĩnh vực nghiên cứu trong các cơ sở đào tạo. Đây là xu hướng khách quan của thời đại, giúp giải quyết triệt để vấn đề đặt ra, giúp người học, người nghiên cứu năng động, sáng tạo hơn, mở rộng kiến thức, tư duy rộng mở cũng như giúp tăng khả năng hợp tác hơn.

Phát biểu bế mạc Tọa đàm, TS. Nguyễn Văn Khoát thay mặt Ban Giám hiệu, trân trọng cảm ơn GS.TS. Võ Khánh Vinh cùng các chuyên gia, các nhà khoa học và giảng viên, học viên, nghiên cứu sinh của Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội về những luận giải hết sức sâu sắc và thiết thực cùng các ý kiến đóng góp của các quý vị đại biểu tại Tọa đàm. Đây là cơ sở để Nhà trường tiếp cận, triển khai việc nghiên cứu và đào tạo đa ngành, liên ngành về tư pháp hình sự trong thời gian tới. Đồng chí hy vọng, Tọa đàm sẽ giúp các cơ sở đào tạo chuyên ngành Luật khác có cách tiếp cận, triển khai hướng nghiên cứu này một cách hiệu quả tại đơn vị mình.

Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội
Tìm kiếm