Tại kỳ họp thứ 9 của Quốc hội khoá XII, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật tố tụng dân sự để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này.
Một trong những nội dung quan trọng của dự thảo Luật là việc kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự (khoản 2 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 21 BLTTDS), Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, Kiểm sát viên tham gia các phiên tòa, phiên họp giải quyết các vụ việc dân sự là để thực hiện chức năng, nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động xét xử của Tòa án nhằm bảo đảm tuân thủ đúng pháp luật trong việc giải quyết các vụ việc dân sự, góp phần bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa trong tố tụng dân sự, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, lợi ích của nhà nước....
Viện kiểm sát tham gia các phiên họp, phiên tòa giải quyết các vụ việc dân sự là cần thiết
Viện trưởng VKSND tối cao Trần Quốc Vượng trình bày Báo cáo tổng kết công tác
của Ngành KSND trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá XII
Tại kỳ họp thứ 9 của Quốc hội khoá XII, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật tố tụng dân sự để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này.
Một trong những nội dung quan trọng của dự thảo Luật là việc kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự (khoản 2 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 21 BLTTDS), Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, Kiểm sát viên tham gia các phiên tòa, phiên họp giải quyết các vụ việc dân sự là để thực hiện chức năng, nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động xét xử của Tòa án nhằm bảo đảm tuân thủ đúng pháp luật trong việc giải quyết các vụ việc dân sự, góp phần bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa trong tố tụng dân sự, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, lợi ích của nhà nước.... Tuy nhiên, do tính chất của phiên tòa, phiên họp sơ thẩm; phiên tòa, phiên họp phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm có khác nhau nên không thể quy định trách nhiệm của Kiểm sát viên khi tham gia phiên tòa, phiên họp tại mỗi giai đoạn tố tụng cũng như nhau. Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng trong phiên tòa, phiên họp sơ thẩm, Kiểm sát viên phát biểu quan điểm về việc tuân theo pháp luật về tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng; trong phiên tòa, phiên họp phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm, Kiểm sát viên ngoài việc phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng, còn phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án của Tòa án, đồng thời bảo vệ kháng nghị trong trường hợp Viện trưởng Viện kiểm sát có kháng nghị. Quy định như vậy vừa bảo đảm điều kiện để Viện kiểm sát thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình trong tố tụng dân sự, vừa bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự phù hợp với từng giai đoạn tố tụng.
Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, BLTTDS hiện hành quy định Viện kiểm sát tham gia phiên tòa đối với những vụ án dân sự do Tòa án thu thập chứng cứ mà đương sự có khiếu nại, tham gia các phiên họp giải quyết các việc dân sự thuộc thẩm quyền của Tòa án, các vụ việc dân sự mà Viện kiểm sát kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án dựa trên quan điểm tôn trọng quyền tự định đoạt của các bên đương sự trong tố tụng dân sự. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành BLTTDStrong thời gian qua cho thấy quy định của BLTTDS về sự tham gia của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa tạo điều kiện cho Viện kiểm sát thực hiện được đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của mình theo quy định của Hiến pháp và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân. Trong điều kiện trình độ dân trí còn hạn chế, người dân còn gặp nhiều khó khăn trong việc tự chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước Tòa án. Trong khi thu nhập của đa số người dân còn thấp nên chưa thể mời Luật sư bảo vệ quyền lợi cho mình khi có tranh chấp. Mặt khác, số lượng Luật sư hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu tham gia tất cả các phiên tòa thì cần thiết phải mở rộng thẩm quyền của Viện kiểm sát tham gia các phiên tòa dân sự tạo điều kiện đảm bảo để Viện kiểm sát thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của mình. Thực tiễn xét xử dân sự trong thời gian qua cho thấy nhiều vụ việc được giải quyết thiếu khách quan, vi phạm nghiêm trọng tố tụng nhưng Viện kiểm sát không kịp thời phát hiện để kháng nghị theo thẩm quyền trong khi đó tỷ lệ bản án, quyết định dân sự của Tòa án bị hủy, bị sửa do có sai sót hàng năm không giảm. Theo Thông báo Kết luận của Bộ Chính trị số 230-TB/TW ngày 26/3/2009 về sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đánh giá “Tiến độ giải quyết các vụ việc còn chậm, chất lượng xét xử các vụ án dân sự còn thấp,.... trong đó có nguyên nhân là chưa có cơ chế giám sát, kiểm sát có hiệu quả việc giải quyết các vụ án dân sự”. Kết luận số 79-KL/TW ngày 28/7/2010 của Bộ Chính trị về Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án, Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra theo Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 nêu rõ Viện kiểm sát nhân dân tiếp tục thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp như hiện nay. Vì vậy, khi chưa thực hiện việc chuyển Viện kiểm sát thành Viện công tố như tinh thần của Nghị quyết số 49-NQ/TW và trong khi Viện kiểm sát còn thực hiện chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp thì quy định thẩm quyền của Viện kiểm sát tham gia các phiên tòa, phiên họp giải quyết vụ việc dân sự để tạo điều kiện cho Viện kiểm sát thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của mình là cần thiết. Về việc quy định Viện kiểm sát có tham gia tất cả các phiên tòa, phiên họp hay chỉ tham gia khi xét thấy cần thiết, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, khi Viện kiểm sát còn thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp thì dự thảo Luật cần quy định Viện kiểm sát có thẩm quyền tham gia phiên tòa, phiên họp để bảo đảm điều kiện thực hiện chức năng này, còn việc Viện kiểm sát tham gia tất cả hay chỉ tham gia khi thấy cần thiết thì phải căn cứ vào yêu cầu công việc, điều kiện thực tiễn của ngành kiểm sát và tính chất, đối tượng của vụ án dân sự. Do đó, dự thảo Luật nên quy định theo hướng mở, một mặt quy định Viện kiểm sát có thẩm quyền tham gia các phiên tòa, phiên họp của Tòa án để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình nhưng mặt khác cũng quy định cho Viện kiểm sát có quyền căn cứ vào tính chất, đối tượng của từng loại vụ việc dân sự mà quyết định việc tham gia phiên tòa, phiên họp (sơ thẩm). Vì vậy, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã quy định: “Viện kiểm sát tham gia các phiên tòa, phiên họp sơ thẩm của Tòa án khi xét thấy cần thiết”. Việc xác định trường hợp nào là cần thiết thuộc trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Trên cơ sở quy định của Luật này, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao căn cứ vào tính chất, đối tượng của vụ việc dân sự mà ban hành văn bản hướng dẫn Viện kiểm sát các cấp thực hiện.
Về thẩm quyền của Viện kiểm sát trong việc yêu cầu Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ (khoản 17 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 85 BLTTDS), Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc quy định thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân trong việc yêu cầu Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ phải căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát về kiểm sát các hoạt động tư pháp. BLTTDS hiện hành quy định các đương sự có quyền và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ cho Tòa án và chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Trường hợp đương sự đã áp dụng các biện pháp cần thiết để thu thập chứng cứ mà vẫn không thể tự mình thu thập được thì có thể yêu cầu Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ nhằm bảo đảm cho việc giải quyết vụ việc dân sự đúng đắn. Với quy định như vậy là có đủ cơ sở pháp luật để bảo đảm cho việc thu thập tài liệu, chứng cứ trong quá trình Tòa án giải quyết các vụ việc dân sự bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự. Do đó không cần thiết phải quy định Viện kiểm sát có thẩm quyền yêu cầu Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ thay cho đương sự. Ngoài ra, theo quy định tại Điều 85 BLTTDS hiện hành thì Viện kiểm sát có thẩm quyền tự mình thu thập hồ sơ, tài liệu, vật chứng trong trường hợp cần thiết để phục vụ cho việc kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án.
Hoàng Long