Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ vừa tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2009 và triển khai công tác năm 2010. Đồng chí Trần Quốc Vượng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và đồng chí Ngô Đức Vượng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ đã dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo.
Viện trưởng VKSNDTC dự và chỉ đạo công tác năm 2010 tại VKSND tỉnh Phú Thọ: Cần có chuyển biến đột phá trong lĩnh vực công tác trọng tâm.
(Đ/c Trần Quốc Vượng, Uỷ viên TW Đảng, Viện trưởng VKSNDTC trao cờ thi đua của Chính phủ
cho lãnh đạo VKSND tỉnh Phú Thọ)
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ vừa tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2009 và triển khai công tác năm 2010. Đồng chí Trần Quốc Vượng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và đồng chí Ngô Đức Vượng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ đã dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo.
Năm 2009, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ đã chủ động phối hợp với các cơ quan Công an, Hải quan, Kiểm lâm, Thanh tra, Quản lý thị trường... làm tốt công tác nắm và xử lý các tin báo, tố giác về tội phạm nên đã xử lý kịp thời, đúng pháp luật các tin báo, tố giác về tội phạm đã không để xảy ra oan sai và bỏ lọt tội phạm. Số người bị bắt giữ theo tố tụng hình sự sau phải xử lý hành chính chỉ có 0,35%. Viện kiểm sát hai cấp đã truy tố 1.047 vụ án/1822 bị can (đạt 95, 88%), số án bị đình chỉ điều tra có 1,37%. Năm 2009, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo tập trung nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử nên số vụ phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung ở cả hai cấp chỉ có 3 vụ (giảm 82%). Công tác kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm được chú trọng theo đúng yêu cầu nêu trong Chỉ thị số 03/2008/CT-VKSTC-PT ngày 19/6/2008 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Công tác kiểm sát thi hành án, kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù; kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính và giải quyết khiếu nại, tố cao được tăng cường và chú trọng hơn năm 2009. Thông qua các hoạt động kiểm sát nói trên, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ đã kịp thời phát hiện những vi phạm và ban hành nhiều bản kiến nghị tới các cơ quan có liên quan để kịp thời có biện pháp khắc phục các vi phạm.
Trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ đã tập trung thực hiện nhiều chuyên đề nghiệp vụ, tổ chức các hội nghị tập huấn, hội nghị rút kinh nghiệm về nghiệp vụ và tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ; vì vậy chất lượng công tác kiểm sát ở cả hai cấp đều được nâng cao hơn trước. Trách nhiệm của Lãnh đạo, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên trong công tác được nâng cao. Công tác quản lý, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được chú trọng; vì vậy không có cán bộ nào vi phạm phải xử lý kỷ luật.
Đồng chí Ngô Đức Vượng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ đã biểu dương Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ đã có nhiều thành tích nổi bật trong công tác năm 2009, góp phần cùng các cơ quan tư pháp của tỉnh làm tốt công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ở địa phương. Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ cũng mong muốn Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ tập trung làm tốt công tác thực hành quyền công tố kiểm sát các hoạt động tư pháp trong năm 2010; phấn đấu không để oan sai và bỏ lọt tội phạm. Đồng chí Ngô Đức Vượng lưu ý Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ cần quan tâm hơn nữa tới công tác kháng nghị, nhất là kháng nghị dân sự, trong khi số đơn khiếu nại về dân sự ngày càng nhiều; chú ý làm tốt hơn nữa công tác phối hợp với các cơ quan điều tra, xét xử trong khi giải quyết các vụ án hình sự ở địa phương và tăng cường việc phát hiện các nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh vi phạm và tội phạm để kiến nghị áp dụng các biện pháp về phòng ngừa tội phạm ở địa phương.
Với kết quả và thành tích nổi bật, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ đã được Viện kiểm sát nhân dân tối cao công nhận là 1 trong 12 đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua của ngành Kiểm sát nhân dân và được Chính phủ tặng Cờ "Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua năm 2009".
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trần Quốc Vượng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã biểu dương những kết quả và thành tích của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ trong năm 2009, đã thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tỉnh uỷ Phú Thọ, triển khai công tác của Ngành ở địa phương với hiệu quả và chất lượng cao hơn năm trước và mong muốn tập thể cán bộ Lãnh đạo, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, cán bộ Viện kiểm sát nhân dân tỉnh và các Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện đoàn kết, phát huy thành tích, tiếp tục có những biện pháp cụ thể, thiết thực để nâng cao chất lượng công tác chuyên môn và xây dựng ngành trong năm 2010 để chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Viện kiểm sát nhân dân.
Về công tác năm 2010, đồng chí Viện trưởng Trần Quốc Vượng nhấn mạnh: Năm 2010 là năm có nhiều sự kiện chính trị – xã hội lớn của Đảng và Nhà nước, cũng là năm ngành Kiểm sát nhân dân tròn nửa thế kỷ xây dựng và phát triển. Năm 2010 còn là năm kết thúc giai đoạn đầu tiên (2006-2010) của công cuộc cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, chuẩn bị thực hiện những nhiệm vụ cải cách tư pháp trong giai đoạn tiếp theo (2011-2020). Do vậy, mỗi cán bộ, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên và công chức, viên chức của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ cần nhận thức sâu sắc những nhiệm vụ chính trị của Ngành trong khi xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch công tác năm nay ở cả hai cấp kiểm sát cũng như khi tiến hành giải quyết các vụ việc cụ thể để góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước giao cho ngành Kiểm sát nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ pháp chế Xã hội chủ nghĩa trong hoạt động tư pháp, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước ở địa phương. Công tác kiểm sát phải phục vụ nhiệm vụ chính trị ở địa phương, cần tiếp tục có những chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện trên tất cả các mặt công tác; có chuyển biến đột phá trong một số lĩnh vực công tác trọng tâm, tạo ra những cơ sở, tiền đề quan trọng cho những năm tiếp theo. Trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp hình sự, cần bám sát tư tưởng, quan điểm cải cách tư pháp được nêu trong Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị là tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra và nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố tại phiên toà vì đó là khâu trung tâm của cải cách tư pháp. Khi kiểm sát việc khởi tố, kiểm sát việc phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, cần giữ vững tính nguyên tắc, thận trọng khi phê chuẩn việc khởi tố, kiên quyết không phê chuẩn nếu việc khởi tố không đúng pháp luật và chưa có đầy đủ chứng cứ. Làm tốt công tác này trong thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra ngay từ đầu có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần chống làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm. Tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 03/2008/CT-VKSTC-PT ngày 19/6/2008 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về tăng cường công tác kháng nghị phúc thẩm, bao gồm cả kháng nghị ngang cấp và trên một cấp; trong đó chú ý khắc phục tư tưởng ngại kháng nghị. Thực tiễn hoạt động tư pháp đã và đang ngày càng khẳng định sự cần thiết của công tác kiểm sát hoạt động tư pháp của ngành Kiểm sát nhân dân. Viện trưởng Viện kiểm sát hai cấp cần chỉ đạo quyết liệt, đầu tư lực lượng để chủ động kiểm sát 100% các bản án, quyết định giải quyết các vụ việc dân sự, hành chính; phát hiện vi phạm để kháng nghị, kiến nghị.
Về công tác chỉ đạo, điều hành, đồng chí Viện trưởng Trần Quốc Vượng lưu ý: Phải nghiêm túc thực hiện đầy đủ, đúng đắn nguyên tắc tập trung thống nhất lãnh đạo trong Ngành; nêu cao vai trò, trách nhiệm của các đồng chí Lãnh đạo Viện, cán bộ quản lý của Viện kiểm sát nhân dân các cấp trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình và chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra cấp dưới; không được buông lỏng quản lý, buông lỏng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, chuyên môn nghiệp vụ cho cấp dưới. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ cần quan tâm hơn nữa đến công tác đào tạo nguồn nhân lực cao của cả hai cấp kiểm sát và tiến hành tổng kết lý luận, thực tiễn về tổ chức và hoạt động của ngành ở địa phương.
Lại Hợp Việt