Tôi rất hân hạnh được thay mặt cán bộ, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân Việt Nam nhiệt liệt chào mừng các đoàn đại biểu Viện kiểm sát, Viện công tố các nước ASEAN và Trung Quốc đến Thủ đô Hà Nội tham dự Hội nghị thường niên Viện trưởng Viện kiểm sát, Viện trưởng Viện công tố các nước ASEAN và Trung Quốc lần thứ 6. Tôi xin trân trọng gửi tới ngài Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, các quý vị đại biểu khách quý, các quý ông, quý bà lời chào mừng nồng nhiệt nhất.
Diễn văn của Viện trưởng VKSNDTC Việt Nam
khai mạc Hội nghị Viện trưởng Viện kiểm sát,
Viện trưởng Viện công tố các nước ASEAN và Trung Quốc lần thứ 6
(Hà Nội, ngày 24/11/2009)
Viện trưởng VKSNDTC Việt Nam Trần Quốc Vượng đọc diễn văn khai mạc Hội nghị
Kính thưa:
- Ngài Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
- Các vị khách quí;
- Các quý ông, quý bà!
Tôi rất hân hạnh được thay mặt cán bộ, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân Việt Nam nhiệt liệt chào mừng các đoàn đại biểu Viện kiểm sát, Viện công tố các nước ASEAN và Trung Quốc đến Thủ đô Hà Nội tham dự Hội nghị thường niên Viện trưởng Viện kiểm sát, Viện trưởng Viện công tố các nước ASEAN và Trung Quốc lần thứ 6. Tôi xin trân trọng gửi tới ngài Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, các quý vị đại biểu khách quý, các quý ông, quý bà lời chào mừng nồng nhiệt nhất.
Viện kiểm sát nhân dân Việt Nam rất vinh dự là nước chủ nhà tổ chức một Hội nghị có ý nghĩa và tầm quan trọng đối với Kiểm sát viên, Công tố viên của các nước trong khu vực. Cho phép tôi được bày tỏ sự cảm ơn chân thành về sự tín nhiệm và đánh giá cao của Viện kiểm sát, Viện công tố các nước ASEAN và Trung Quốc đối với Viện kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam.
Hội nghị thường niên Viện trưởng Viện kiểm sát, Viện trưởng Viện công tố các nước ASEAN và Trung Quốc lần thứ 6 diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp và đa dạng; thế giới chưa thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế. Các quốc gia và khu vực trên thế giới đang phải đối mặt với nhiều mối đe dọa đến vấn đề an ninh và ổn định như hoạt động khủng bố, ma túy, dịch bệnh, những tác động tiêu cực của toàn cầu hóa…, trong đó có vấn đề tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.
Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia ngày càng diễn biến phức tạp, với sự gia tăng về số lượng, với nhiều thủ đoạn tinh vi và nguy hiểm. Các băng nhóm tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia gia tăng ở mức cao hơn, chúng tạo vỏ bọc hợp pháp, gây án một cách kín đáo với nhiều hình thức che đậy khôn khéo. Các hoạt động tội phạm này không dừng lại là vấn đề của một quốc gia, một vài quốc gia mà đã trở thành vấn đề mang tính khu vực và toàn cầu. Trước tình hình đó, việc tăng cường hợp tác giữa các quốc gia để ngăn chặn và chống lại những tội phạm này có ý nghĩa rất quan trọng đối với cộng đồng quốc tế nói chung, cộng đồng ASEAN nói riêng.
Năm 2000, Liên hợp quốc đã thông qua Công ước phòng, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và thành lập Trung tâm phòng chống tội phạm quốc tế (CICP). Hưởng ứng lời kêu gọi của Liên hợp quốc, 122 nước đã ký cam kết tham gia Công ước này. Cùng với cộng đồng thế giới, các nước ASEAN và Trung Quốc cũng rất quan tâm tới hợp tác đấu tranh chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.
Các nước ASEAN đã thường xuyên quan tâm đến việc phối hợp, đề ra các biện pháp nhằm hạn chế và phấn đấu loại trừ tình trạng tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. Một số cơ quan của ASEAN đã được thành lập nhằm hoạch định các chính sách và phối hợp hành động chống lại các loại tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia: Hiệp hội cảnh sát các nước ASEAN (ASEANAPOL) là diễn đàn của Tư lệnh trưởng cảnh sát quốc gia các nước ASEAN được thành lập năm 1981, hoạt động theo phương hướng tăng cường hợp tác quốc tế của các lực lượng cảnh sát đấu tranh chống các loại tội phạm xuyên quốc gia; Hội nghị các quan chức cao cấp ASEAN về các vấn đề ma túy (ASOD), được thành lập năm 1984 nhằm tăng cường hợp tác khu vực chống lại nguy cơ ngày một gia tăng của tệ lạm dụng ma túy và buôn lậu ma túy, một trong các hiểm họa của cả cộng đồng quốc tế và khu vực ASEAN; Hội nghị các Bộ trưởng Tài chính ASEAN (AFMM), được thành lập năm 1997 nhằm thúc đẩy hoạt động hành pháp và phòng ngừa buôn lậu nói chung, buôn lậu ma túy nói riêng. Tuyên bố ASEAN - Manila (năm 1997) đã khẳng định quyết tâm hợp tác của ASEAN ở mức độ khu vực và toàn cầu về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa các nước ASEAN ký kết ngày 29/11/2004 là điều ước quốc tế đa phương đầu tiên về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự giữa các nước Đông Nam á, thể hiện sự nhất trí và quyết tâm chung của các nước ASEAN trong hợp tác phòng, chống tội phạm trong khu vực, nhất là tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia.
Tại Việt Nam, việc đấu tranh chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia đã và đang là một nhiệm vụ quan trọng trong Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm. Việt Nam đã hợp tác chặt chẽ với Liên hợp quốc và các nước. Cảnh sát Việt Nam đã tham gia INTERPOL và ASEANAPOL. Năm 1997, Việt Nam trở thành thành viên các Công ước Liên hợp quốc về kiểm soát ma túy. Năm 2000,Việt Nam đã tham gia Công ước của Liên hợp quốc về phòng, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. Tháng 6 năm 2009, Nhà nước Việt Nam đã ký phê chuẩn công ước của Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng. Bằng việc phê chuẩn Công ước này, Việt Nam đã chính thức cùng gần 140 nước tham gia vào khuôn khổ pháp lý toàn cầu cho sự hợp tác trong phòng, chống tham nhũng… Bên cạnh đó, Nhà nước Việt Nam đã tham gia, phê chuẩn, ký kết hàng chục công ước, hiệp định với Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế và với các nước khác trên thế giới về chống khủng bố, chống các tội phạm quốc tế.
Đặc biệt, Việt Nam hết sức coi trọng hoạt động tương trợ tư pháp với các nước, coi đây là biện pháp trực tiếp góp phần đấu tranh có hiệu quả đối với các loại tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. Viện kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam được Nhà nước Việt Nam giao thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, đảm nhiệm vai trò là cơ quan đầu mối trong hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự, có trách nhiệm tiếp nhận, chuyển giao, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các ủy thác tư pháp về hình sự ; xem xét, quyết định việc thực hiện; từ chối hoặc hoãn thực hiện ủy thác tư pháp về hình sự với các nước. Thông qua việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong lĩnh vực tương trợ tư pháp về hình sự, Viện kiểm sát nhân dân có trách nhiệm đề xuất với Nhà nước Việt Nam việc ký kết, gia nhập và thực hiện các điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp; kiến nghị sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện pháp luật Việt Nam về tương trợ tư pháp.
Thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình trong lĩnh vực tương trợ tư pháp về hình sự, trong thời gian qua, Viện kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam đã tiếp nhận và giải quyết hàng trăm hồ sơ ủy thác tư pháp hình sự và công văn, công hàm liên quan đến yêu cầu tương trợ tư pháp hình sự của các nước. Các hồ sơ ủy thác tư pháp đều được tiếp nhận và xử lý, giải quyết kịp thời, theo đúng quy định của pháp luật; chất lượng, hiệu quả hoạt động tương trợ tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân Việt Nam ngày càng cao. Viện kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam đã tích cực, chủ động phối hợp với Đại sứ quán của các nước tại Hà Nội và các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài thực hiện đầy đủ, kịp thời các yêu cầu tương trợ tư pháp của phía Việt Nam. Nhờ vậy, đã góp phần giải quyết các vụ án hình sự chính xác và đúng thời hạn luật định.
Tại Hội nghị lần này, với chủ đề “Tăng cường hợp tác trong việc thực hiện các yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống các tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia”, Viện trưởng Viện kiểm sát, Viện trưởng Viện công tố các nước ASEAN và Trung Quốc sẽ cùng nhau trao đổi các vấn đề cùng quan tâm, bàn bạc, đưa ra những giải pháp và chương trình hành động nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa cơ chế hợp tác giữa Viện kiểm sát, Viện Công tố các nước ASEAN và Trung Quốc trên lĩnh vực phòng, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. Viện kiểm sát nhân dân Việt Nam cam kết thực thi một cách có hiệu quả, nhanh chóng, đáp ứng kịp thời các yêu cầu hợp tác của cơ quan công tố các nước và mong muốn nhận được sự hợp tác và hỗ trợ từ phía Viện kiểm sát, Viện công tố các nước ASEAN và Trung Quốc trong đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia nói riêng.
Viện kiểm sát nhân dân Việt Nam tin tưởng rằng, việc hợp tác giữa Viện kiểm sát, Viện công tố các nước ASEAN và Trung Quốc trong phòng, chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia sẽ ngày càng có hiệu quả tốt hơn.
Với niềm tin vào tương lai phồn vinh và phát triển bền vững, vào sựổn định và an ninh của khu vực, tin tưởng vào thành công của Hội nghị, tôi xin trân trọng tuyên bố khai mạc Hội nghị thường niên Viện trưởng Viện kiểm sát, Viện trưởng Viện công tố các nước ASEAN và Trung Quốc lần thứ 6.
Chúc Hội nghị của chúng ta thành công tốt đẹp, chúc sức khỏe ngài Chủ tịch; chúc sức khỏe các vị khách quý, các quý ông, quý bà.
Xin trân trọng cảm ơn!