Ngày 14/7/2020, VKSND tối cao tổ chức Hội thảo khoa học "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về tổ chức và hoạt động của VKSND qua 60 năm xây dựng và phát triển". Đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Bí thư Ban cán sự đảng, Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao và đồng chí Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSND tối cao đồng chủ trì Hội thảo.
Đại biểu khách mời tham dự Hội thảo có đồng chí Nguyễn Thái Học, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương; đại diện một số bộ, ban, ngành Trung ương: Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Tạp chí Cộng sản, Báo Nhân dân, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành.
Về phía ngành Kiểm sát nhân dân tham dự Hội thảo có đồng chí Lê Thanh Đạo, nguyên Viện trưởng VKSND tối cao; đồng chí Nguyễn Duy Giảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao; đồng chí Tạ Quang Khải, Phó Viện trưởng VKSND tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự Trung ương; các đồng chí nguyên Phó Viện trưởng VKSND tối cao qua các thời kỳ; các đồng chí Kiểm sát viên VKSND tối cao; nguyên Thủ trưởng các đơn vị thuộc VKSND tối cao; lãnh đạo, công chức một số đơn vị thuộc VKSND tối cao và Viện trưởng một số VKSND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao nhấn mạnh, ngày 26/7/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh số 20-LCT công bố Luật Tổ chức VKSND, đánh dấu sự ra đời của hệ thống cơ quan VKSND, thực hiện nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật, đảm bảo cho pháp luật được thi hành nghiêm chỉnh và thống nhất, pháp chế dân chủ được giữ vững. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của Quốc Hội, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan nhà nước ở Trung ương, địa phương và sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, trong 60 năm qua, VKSND đã không ngừng phấn đấu, trưởng thành, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần vào thắng lợi vĩ đại của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cũng như của sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước.
Đồng chí Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao khẳng định, việc tổ chức Hội thảo góp phần vào việc tổng kết Nghị quyết số 48-NQ/TW về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và tổng kết Nghị quyết số 49-NQ/TW về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 mà Đảng ta đang tiến hành. Trên cơ sở kết quả Hội thảo, ngành Kiểm sát nhân dân sẽ tiếp thu một cách hợp lý, để nghiên cứu, vận dụng và tiếp tục đề xuất với Đảng, Nhà nước xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp, phát triển ngành Kiểm sát nhân dân nói riêng và hệ thống cơ quan tư pháp nói chung, bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Một số hình ảnh tham luận tại Hội thảo:
Tại Hội thảo, đại biểu được nghe 09 ý kiến tâm huyết, trí tuệ của các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành và đại biểu tham dự Hội thảo. Các ý kiến tham luận đã cung cấp nhiều luận điểm để làm rõ, sâu sắc thêm một số vấn đề lý luận và thực tiễn về tổ chức và hoạt động của VKSND qua từng giai đoạn cách mạng. Đây là tư liệu hết sức quý báu đối với ngành Kiểm sát nhân dân, góp phần hệ thống lý luận và rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao Nguyễn Huy Tiến cảm ơn những ý kiến tham luận tâm huyết của các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành và đại biểu tham dự Hội thảo. VKSND tối cao sẽ ghi nhận để nghiên cứu, bổ sung vào hệ thống lý luận của Ngành. Đồng thời, biên tập Kỷ yếu Hội thảo để phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy và công tác thông tin, tuyên truyền để các tầng lớp nhân dân hiểu rõ hơn về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát nhân dân trong bộ máy nhà nước…