Trong những ngày đầu xuân Kỷ Sửu, theo chân đoàn công tác của đồng chí Trần Quốc Vượng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSNDTC, chúng tôi lên đường hướng tới điểm cực Bắc của Tổ quốc dự Hội nghị triển khai công tác kiểm sát năm 2009 của VKSND tỉnh Hà Giang, trong sự tươi mát của những ngọn gió xuân trong lành lồng lộng khắp những nẻo đường xuân xanh ngợp lá hoa. Theo những người có kinh nghiệm đường xa, mùa xuân cũng là thời khắc đẹp nhất để ngắm núi rừng biên giới phía Bắc xanh mướt một màu như ngọc, chen lẫn những đám mây trắng lô xô cuối chân trời trong không khí se lạnh
Xuân về trên miền cực Bắc của Tổ quốc
(Đồng chí Trần Quốc Vượng, Viện trưởng VKSNDTC
phát biểu ý kiến chỉ đạo tại Hội nghị triển khai công tác năm 2009
VKSND tỉnh Hà Giang)
Trong những ngày đầu xuân Kỷ Sửu, theo chân đoàn công tác của đồng chí Trần Quốc Vượng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSNDTC, chúng tôi lên đường hướng tới điểm cực Bắc của Tổ quốc dự Hội nghị triển khai công tác kiểm sát năm 2009 của VKSND tỉnh Hà Giang, trong sự tươi mát của những ngọn gió xuân trong lành lồng lộng khắp những nẻo đường xuân xanh ngợp lá hoa. Theo những người có kinh nghiệm đường xa, mùa xuân cũng là thời khắc đẹp nhất để ngắm núi rừng biên giới phía Bắc xanh mướt một màu như ngọc, chen lẫn những đám mây trắng lô xô cuối chân trời trong không khí se lạnh. Rời Hà Nội, qua Tuyên Quang, chúng tôi tiếp tục chặng đường ngập nắng chạy vòng vèo qua các dãy núi cánh cung, có lẽ đây là một trong những vùng đất có cảnh núi non hùng vĩ bậc nhất Việt Nam. Phần lớn đoạn đường này, đoàn xe chúng tôi theo một dòng sông cuồn cuộn ngập màu đỏ phù sa nằm giữa thung lũng. Hai bên vách núi đá dựng đứng và phía chân trời xa tít trước mắt là những ánh sương mù huyền ảo, càng đi con đường càng trở nên kỳ diệu dẫn tới một khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ đẹp như tranh. Điểm dừng chân đầu tiên của đoàn công tác là huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang.
Quản Bạ là huyện vùng cao cách trung tâm tỉnh Hà Giang 46 km, có 3 xã giáp biên giới Việt - Trung. Địa hình nơi đây bị chia cắt, sông suối dày đặc núi đá cao xen lẫn vực sâu, dân cư phân tán. Được thành lập trong giai đoạn chiến tranh khốc liệt của đất nước - năm 1963, từ xuất phát điểm kinh tế rất thấp 14 dân tộc anh em trên vùng cao Quản Bạ đã đoàn kết xây dựng huyện phát triển về mọi mặt. Hiện nay, thế mạnh chính của Quản Bạ vẫn là nông nghiệp. Chính vì vậy, trong thời gian qua huyện đã chú trọng đến việc phát triển theo hướng mở rộng diện tích trồng trọt, thâm canh tăng vụ, tìm giống ngắn ngày có năng suất cao. Phát triển kinh tế xã hội trên cơ sở trân trọng và gìn giữ những giá trị truyền thống, huyện đã và đang tiến hành nhiều biện pháp nhằm giúp bà con các dân tộc lưu giữ được bản sắc văn hoá riêng, tiến hành tìm kiếm, sưu tầm và tái hiện các giá trị văn hoá mang tính đặc trưng của từng dân tộc trên địa bàn. Bên cạnh đó, huyện cũng cho xây dựng nhiều điểm văn hoá vừa để nâng cao trình độ dân trí cho bà con các dân tộc, vừa tuyên truyền đường lối chính sách để bà con hiểu và làm theo. Phong trào xây dựng làng bản, gia đình văn hoá được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân trong huyện đã góp phần đẩy lùi tệ nạn. hình thành nếp sống mới.Đến cổng trời Quản Bạ, Hà Giang hôm nay không còn gian truân vất vả như những năm trước. Con đường trải nhựa uốn lượn bên sườn núi. Ở độ cao gần 1.000 mét so với mặt biển, không gian như huyền ảo, thấp thoáng xa xa những nóc nhà bám cheo leo vào vách núi, những hàng ngô xanh mơn mởn mọc lên từ khe đá và đâu đó vang vọng tiếng khèn gọi bạn của những đôi trai gái Mông khi mùa xuân về. Đến thăm VKSND huyện Quản Bạ, Viện trưởng VKSNDTC Trần Quốc Vượng ghi nhận những cố gắng tích cực của lãnh đạo, cán bộ VKSND huyện Quản Bạ trong công tác tham mưu cho cấp uỷ địa phương, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Viện trưởng VKSNDTC Trần Quốc Vượng lưu ý, VKSND huyện Quản Bạ cần chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng nắm chắc thông tin về tội phạm; tập trung giải quyết kịp thời, chính xác các tin báo tố giác tội phạm, tăng cường công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự, bảo đảm không để lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội.
(Viện trưởng VKSNDTC Trần Quốc Vượng
chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu dự hội nghị)
Trở lại với trung tâm Hà Giang, đoàn công tác đến thăm trụ sở VKSND tỉnh Hà Giang. Tại đây, Viện trưởng VKSNDTC Trần Quốc Vượng cùng các đồng chí trong Đoàn đã nghe lãnh đạo VKSND tỉnh Hà Giang báo cáo công tác kiểm sát năm 2008 và những nhiệm vụ trọng tâm năm 2009. Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại Hội nghị, Viện trưởng VKSNDTC Trần Quốc Vượng chỉ rõ, tuy Hà Giang có số lượng các vụ việc cần giải quyết không lớn so với nhiều địa phương khác trong cả nước nhưng tình hình vi phạm và tội phạm trên địa bàn có những diễn biến phức tạp, trong đó có nhiều loại tội phạm tăng nhiều so với năm 2007 như tội phạm về ma tuý. Trong điều kiện đó, Viện trưởng VKSNDTC Trần Quốc Vượng biểu dương lãnh đạo, cán bộ VKSND tỉnh Hà Giang đã có nhiều cố gắng hoàn thành tốt các chỉ tiêu công tác cơ bản. Trong lĩnh vực thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp hình sự, VKSND tỉnh Hà Giang đã bảo đảm không để xảy ra việc đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án do bị can không phạm tội; không có trường hợp nào Viện kiểm sát truy tố, sau phải rút quyết định truy tố hoặc Toà án tuyên không phạm tội. VKSND tỉnh Hà Giang đã phối hợp cùng các cơ quan tư pháp xác định nhiều vụ án trọng điểm để tập trung lực lượng, tiến hành khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử kịp thời, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm của địa phương. Viện trưởng VKSNDTC Trần Quốc Vượng lưu ý, công tác của ngành KSND vốn đã mang ý nghĩa pháp lý và ý nghĩa chính trị sâu sắc, trong hoàn cảnh mới hiện nay với nhu cầu mới về đấu tranh phòng chống vi phạm và tội phạm, những ý nghĩa đó càng nâng lên ở tầm cao hơn. Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp của ngành KSND không chỉ trực tiếp đấu tranh với vi phạm và tội phạm, bảo vệ pháp chế thống nhất mà còn qua đó củng cố lòng tin của nhân dân vào chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; góp phần xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, tạo môi trường pháp lý lãnh mạnh, củng cố lòng tin của các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước. Hà Giang là một tỉnh miền núi có những đặc thù về địa lý, kinh tế, xã hội do đó yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương đặt ra cũng có những đặc điểm riêng so với các địa phương khác. Ngành KSND Hà Giang phải luôn luôn gắn việc thực hiện các nhiệm vụ công tác trọng tâm của Ngành với phục vụ các nhiệm vụ chính trị của địa phương, cần tích cực tham mưu cho cấp uỷ mở các Hội nghị pháp chế về các vấn đề như tội phạm xâm hại đến phụ nữ và trẻ em, tội phạm về ma tuý…; tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật thông qua các phiên Toà xét xử lưu động. Đây chính là những biện pháp thiết thực gắn công tác của ngành KSND với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Rời Hà Giang, xe chúng tôi lại tiếp tục lắc lư theo trục đường quanh co, uốn lượn quanh những sườn núi mịt mờ khói sương.Quãng đường trở về Thủ đô trở nên gần hơn bao giờ hết, chuyến công tác ngắn ngủi nhưng đem lại cho chúng tôi bao cảm xúc lẫn lộn. Mong những lời chúc sức khỏe, mùa xuân ấm áp luôn đến với những cán bộ Kiểm sát vẫn miệt mài công việc đem lại sự bình yên trên mặt trận bảo vệ pháp chế XHCN nơi vùng địa đầu Đông Bắc Tổ quốc .