(BNCTW) - Ngày 06-3, tại Hà Nội, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 15, thẩm tra dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi), chuẩn bị trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Phiên họp 36 trước khi trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5-2015)...
Ủy ban Tư pháp thẩm tra dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi)
(BNCTW) - Ngày 06-3, tại Hà Nội, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 15, thẩm tra dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi), chuẩn bị trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Phiên họp 36 trước khi trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5-2015).
Tại Phiên họp, đại diện Tòa án nhân dân (TAND) tối cao trình bày Tờ trình về dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi), nêu sự cần thiết của việc ban hành Luật; quan điểm chỉ đạo và yêu cầu của việc soạn thảo dự án Luật; những nội dung cơ bản và một số vấn đề xin ý kiến Quốc hội. Theo đó, một trong những mục tiêu quan trọng của việc xây dựng dự thảo Luật là bảo đảm trình tự và thủ tục tố tụng hành chính có tính khả thi, dân chủ, công khai, công bằng, thuận lợi cho người tham gia tố tụng thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình; đề cao trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong hoạt động tố tụng hành chính.
Toàn cảnh Phiên họp
Về những khiếu kiện thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND, đa số ý kiến đề nghị mở rộng hơn nữa thẩm quyền của Tòa án đối với các khiếu kiện hành chính, cụ thể là đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức để tránh việc xem xét các quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính chất nội bộ là đối tượng khởi kiện còn tùy tiện, không thống nhất, từ đó hạn chế quyền khởi kiện của công dân. Ý kiến khác đề nghị loại trừ quyết định xử lý hành chính của TAND ra ngoài phạm vi thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án để bảo đảm khách quan trong quá trình giải quyết.
Về phân định thẩm quyền của TAND cấp huyện, TAND cấp tỉnh, một số ý kiến đề nghị quy định TAND cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết sơ thẩm các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện để bảo đảm tính khả thi và hiệu quả trong giải quyết vụ án vì thực tiễn cho thấy, tỷ lệ các bản án, quyết định của TAND cấp huyện khi giải quyết đối với các khiếu kiện này bị hủy, sửa rất cao. Tuy nhiên, đa số ý kiến đề nghị giữ như quy định hiện hành về thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện để tránh làm TAND cấp tỉnh quá tải trong giải quyết các vụ án hành chính; tăng cường bản lĩnh và trách nhiệm của thẩm phán; bảo đảm phù hợp với định hướng cải cách tư pháp theo hướng tăng thẩm quyền của TAND cấp huyện để tòa án gần dân, sát dân hơn.
Về địa vị pháp lý của Viện kiểm sát trong tố tụng hành chính, đa số ý kiến đề nghị giữ như quy định hiện hành về địa vị pháp lý của Viện kiểm sát trong tố tụng hành chính. Riêng trong quá trình giải quyết vụ án theo thủ tục sơ thẩm, Viện kiểm sát chỉ có vai trò là cơ quan kiểm sát việc tuân theo pháp luật nên không phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án hành chính. Quy định như vậy cũng để đảm bảo phù hợp, đồng bộ với dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự đang được trình xin ý kiến.
Về thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm, đa số ý kiến tán thành với việc giữ quy định hiện hành về thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án hành chính gồm 02 Hội thẩm nhân dân và 01 Thẩm phán để phù hợp với đặc thù tố tụng của nước ta, bảo đảm thực hiện quyền lực nhân dân.
Về thẩm quyền của Hội đồng xét xử, đa số ý kiến đề nghị giữ nguyên thẩm quyền của Hội đồng xét xử theo quy định hiện hành, theo đó Hội đồng xét xử có quyền tuyên hủy một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính trái pháp luật mà không có thẩm quyền sửa một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính đó, do chức năng, nhiệm vụ của Tòa án là cơ quan xét xử (cơ quan thực hiện quyền tư pháp), Tòa án không can thiệp trực tiếp vào các hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước. Ý kiến khác đề nghị quy định Hội đồng xét xử có thẩm quyền sửa một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính trái pháp luật để tránh tình trạng vô hiệu hóa các quyết định của tòa án
Về thủ tục rút gọn, đa số ý kiến tán thành với việc quy định thủ tục rút gọn trong dự thảo Luật. Đồng thời, quy định bản án, quyết định sơ thẩm trong trường hợp được giải quyết theo thủ tục rút gọn vẫn có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Việc xét xử theo thủ tục phúc thẩm cũng có thể được áp dụng theo thủ tục rút gọn (về hồ sơ, thành phần tham gia hoặc có thể áp dụng xét xử bút lục).
Về căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm, đa số ý kiến đề nghị giữ như quy định hiện hành về căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm. Theo đó, tất cả các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mà phát hiện có sai lầm nghiêm trọng không chỉ về việc áp dụng pháp luật mà cả vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng… đều phải được xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm. Vì trong nhiều trường hợp, việc vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng các bản án, quyết định của Tòa án.
Về thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm, một số ý kiến đồng tình với việc cho phép Hội đồng giám đốc thẩm có quyền sửa một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật vì cho rằng, quy định này sẽ khắc phục thực tế giải quyết vụ án quay vòng nhiều lần, gây tốn kém về chi phí, thời gian của đương sự và Nhà nước. Ý kiến khác cho rằng, quy định này có thể phá vỡ nguyên tắc 2 cấp xét xử, khiến cho giám đốc thẩm trở thành cấp xét xử thứ 3. Mặt khác, có thể ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự trong vụ án, vì họ sẽ mất quyền tranh tụng tại phiên tòa, mất quyền kháng cáo.
Về thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, đa số ý kiến tán thành với việc quy định thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao trong Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi). Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, để bảo vệ sự tôn nghiêm của pháp luật, biểu tượng công lý của quốc gia và việc xét xử phải có điểm dừng, đề nghị không quy định thủ tục đặc biệt này trong dự thảo Luật.
Về người đại diện trong tố tụng hành chính, có ý kiến đề nghị quy định người bị khởi kiện không được ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng hành chính vì cho rằng người ra quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khởi kiện phải tham gia tố tụng để bảo đảm thực hiện việc tranh tụng tại phiên tòa. Ý kiến khác cho rằng, nếu quy định người bị khởi kiện phải ra hầu tòa thì rất cứng nhắc, khó khả thi, do vậy, đề nghị cần sửa đổi, bổ sung quy định về việc người đại diện ủy quyền cho thật chặt chẽ, khắc phục những bất cập trong việc ủy quyền cho những người không có đủ thẩm quyền trong việc xử lý các quyết định hành chính, hành vi hành chính có liên quan khi tham gia tố tụng.
Phương Thảo