(Báo điệntử ĐCS)- Ngày 19/9, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định), Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cùng Chương trình đối tác tư pháp đã tổ chức hội thảo “Nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát hoạt động bán đấu giá tài sản để thi hành án”...
Nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát hoạt động bán đấu giá tài sản để thi hành án
(Báo điệntử ĐCS)- Ngày 19/9, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định), Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cùng Chương trình đối tác tư pháp đã tổ chức hội thảo “Nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát hoạt động bán đấu giá tài sản để thi hành án”.
Nhiều vấn đề bất cập trong công tác kiểm sát đối với quá trình, tổ chức bán đấu giá tài sản để thi hành án được nêu ra tại hội thảo.
Trong quá trình thực hiện các quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản thi hành án, mỗi địa phương lại có nhiều cách hiểu, viện dẫn luật khác nhau nên chưa có sự nhất quán trong một số hoạt động bán đấu giá tài sản thi hành án. Khi kiểm sát các vụ việc thi hành án, nhiều Viện Kiểm sát cấp tỉnh, thành phố đã phát hiện một số vi phạm trong hoạt động bán đấu giá tài sản có thể phải hủy kết quả bán đấu giá. Theo quy định tại điều 102 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 về hủy kết quả bán đấu giá do đương sự, chấp hành viên khởi kiện, yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản. Do vậy, công tác kiểm sát hoạt động bán đấu giá tài sản để thi hành án thực sự khó khăn. Mặt khác, các đơn vị bán đấu giá tài sản thường viện dẫn nghị định, thông tư và các văn bản pháp luật liên quan không quy định về chức năng kiểm sát việc bán đấu giá tài sản để thi hành án nên thường không cung cấp hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu của Viện Kiểm sát và không có chế tài bắt buộc phải thực hiện.
Đồng thời, các tổ chức bán đấu giá là doanh nghiệp hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp, trong khi chưa có hành lang pháp lý cho việc kiểm sát bán đấu giá tài sản để thi hành án nên khi phát hiện các vi phạm, tổ chức kiểm sát còn lúng túng trong việc kiến nghị, kháng nghị.
Tại hội thảo, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao viện dẫn các bộ luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân, Tố tụng dân sự, Luật dân sự, Luật thi hành án dân sự, Nghị định 17/NĐ-CP về bán đấu giá, Nghị định 60/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tư pháp... xác định rằng các chủ thể trong kiểm sát thi hành án dân sự có cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến việc thi hành án, bao gồm: Trung tâm đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp; doanh nghiệp bán đấu giá tài sản thi hành án; cơ quan quản lý thu nhập của người phải thi hành án... Theo đó, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xác định Viện Kiểm sát có quyền và nhiệm vụ kiểm sát và quyền kháng nghị đối với các tổ chức, đơn vị bán đấu giá tài sản để thi hành án.
Trong khi đó, trong văn bản số 1568/BTP-BTTP về việc trao đổi, hướng dẫn nghiệp vụ do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên ký ngày 29/2/2013 được nêu ra tại hội thảo lại xác định: “Đối với hoạt động của tổ chức bán đấu giá tài sản chuyên nghiệp thì không thuộc đối tượng kiểm sát của Viện Kiểm sát. Bởi lẽ, việc ký và thực hiện hợp đồng bán đấu giá tài sản với cơ quan thi hành án thuộc lĩnh vực dân sự, quyền và nghĩa vụ của các bên được thực hiện theo hợp đồng, tuân theo pháp luật dân sự, pháp luật về bán đấu giá tài sản và pháp luật khác có liên quan. Như vậy, Viện Kiểm sát sẽ không tiến hành kiểm sát độc lập đối với tổ chức bán đấu giá tài sản; không có quyền kháng nghị đối với tổ chức bán đấu giá tài sản trong việc thực hiện hợp đồng bán đấu giá tài sản thi hành án”.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp cần phối hợp xây dựng thông tư liên tịch về vấn đề này./.
Ly Kha (TTXVN)