Một trong các nhiệm vụ quan trọng nhằm cải cách tư pháp là xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp và bổ trợ tư pháp trong sạch, vững mạnh.
Ðể tuyển chọn kiểm sát viên tiêu biểu của ngành, Viện kiểm sát Nhân dân (KSND) tối cao đã quy định chỉ tuyển chọn trong số các kiểm sát viên (KSV) hiện đang thực hiện nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp tại Viện KSND các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Viện KSND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các đơn vị trực thuộc Viện KSND tối cao và Viện kiểm sát Quân sự các cấp.
XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ KIỂM SÁT VIÊN TIÊU BIỂU
Một trong các nhiệm vụ quan trọng nhằm cải cách tư pháp là xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp và bổ trợ tư pháp trong sạch, vững mạnh.
Ðể tuyển chọn kiểm sát viên tiêu biểu của ngành, Viện kiểm sát Nhân dân (KSND) tối cao đã quy định chỉ tuyển chọn trong số các kiểm sát viên (KSV) hiện đang thực hiện nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp tại Viện KSND các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Viện KSND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các đơn vị trực thuộc Viện KSND tối cao và Viện kiểm sát Quân sự các cấp.
Ðó phải là những người có phẩm chất, đạo đức tốt; chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương của Ðảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và kỷ luật của ngành; thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng phấn đấu thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ kiểm sát, không tham nhũng, không tiêu cực; không vi phạm pháp luật và kỷ luật của ngành; nắm vững kiến thức pháp luật và có trình độ chuyên môn nghiệp vụ khá, giỏi; đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và luôn chịu khó học tập để nâng cao trình độ về mọi mặt.
Ðó còn là người có bản lĩnh và ý chí kiên quyết đấu tranh bảo vệ công lý và pháp luật; kiên quyết chống tội phạm, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội, không làm sai pháp luật; thấy đúng phải bảo vệ, thấy sai phải đấu tranh. Có kinh nghiệm trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp; đã trực tiếp làm công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp từ ba năm trở lên; có kinh nghiệm về khâu công tác được giao đảm nhiệm.
Những người được tuyển chọn phải có tinh thần gương mẫu, đoàn kết xây dựng cơ quan, đơn vị; không bè phái cục bộ, không gây mất đoàn kết nội bộ; có tinh thần tương trợ, giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp, đã đạt được nhiều thành tích trong công tác; là người tiêu biểu trong phong trào thi đua của đơn vị; được khen thưởng nhiều lần và được đơn vị suy tôn, bình chọn.
Với tiêu chí như vậy, đến nay đã có 98 đơn vị trong toàn ngành KSND (gồm 62 Viện KSND tỉnh, thành phố; 14 đơn vị trực thuộc Viện KSND tối cao và 22 Viện kiểm sát Quân sự các cấp) đã tuyển chọn và đề nghị, được Viện KSND tối cao công nhận 156 KSV tiêu biểu của ngành KSND lần thứ nhất.
Trong số 156 KSV tiêu biểu được tôn vinh lần này có 11 đồng chí là người các dân tộc thiểu số, 39 đồng chí là nữ; người ít tuổi nhất sinh năm 1978.
Các KSV tiêu biểu là những người nắm vững kiến thức pháp luật và có trình độ chuyên môn nghiệp vụ khá, giỏi; đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong sáu năm qua, kể từ khi có Luật Tổ chức Viện KSND năm 2002, trong ngành KSND đã dấy lên một phong trào thi đua học tập chuyên môn, nghiệp vụ và nghiên cứu pháp luật, thực hiện chuyên đề để nâng cao trình độ và kỹ năng công tác của cán bộ, KSV. Trong phong trào thi đua học tập đó; các KSV tiêu biểu đã có vai trò tích cực, chủ động.
Nhiệm vụ của KSV là thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp; bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Xác định rõ trách nhiệm của mình, các KSV tiêu biểu đã có tinh thần dũng cảm đấu tranh bảo vệ công lý và pháp luật xã hội chủ nghĩa, có bản lĩnh và ý chí kiên quyết đấu tranh chống tội phạm, kiên quyết không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội, không làm sai pháp luật; thấy đúng đã bảo vệ, thấy sai đã đấu tranh.
Ðể làm được việc đó, chính KSV tiêu biểu là những người không tham nhũng, tiêu cực; không vi phạm pháp luật, không vi phạm kỷ luật nghiệp vụ của ngành. Nhiều đồng chí đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, kiên trì thuyết phục bảo vệ quan điểm của mình trước những sự việc có nhiều ý kiến khác nhau về xác định có hay không sự việc phạm tội, việc xử lý trách nhiệm hình sự trong các vụ án và việc giải quyết các vụ việc dân sự... có lý, có tình; được dư luận đồng tình ủng hộ. Nhiều đồng chí KSV tiêu biểu mặc dù hoàn cảnh gia đình còn khó khăn về kinh tế, song đã từ chối việc nhận hối lộ của đương sự và giải thích cặn kẽ cho đương sự hiểu rằng làm như vậy là vi phạm pháp luật.
(Theo báo điện tử ĐCSVN)