(ĐCSVN)- Để giám sát việc thực hiện pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã thực hiện tốt về đổi mới tổ chức và hoạt động theo tinh thần Nghị quyết 08 và 49 của Bộ Chính trị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đề ra.
VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO: ĐỔI MỚI TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG
(ĐCSVN)- Để giám sát việc thực hiện pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã thực hiện tốt về đổi mới tổ chức và hoạt động theo tinh thần Nghị quyết 08 và 49 của Bộ Chính trị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đề ra.
Kể từ khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đến nay, trải qua hơn 60 năm hoạt động, các thế hệ công tố viên, kiểm sát viên, lớp lớp người luôn trung thành và tận tuỵ thực hiện các chủ trương cải cách tư pháp của Đảng ta. Đặc biệt là trong 20 năm đổi mới và từ khi có Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị “Về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới” đến nay, cơ quan VKS từ Trung ương đến địa phương đã thực hiện một cách mạnh mẽ các chủ trương về đổi mới tổ chức và hoạt động của VKS.
Đó là việc toàn ngành thực hiện việc điều chuyển chức năng kiểm sát, VKS nhân dân các cấp đã thôi không thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực hành chính, kinh tế để tập trung làm tốt chức năng công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Có hàng nghìn kiểm sát viên, cán bộ được điều chuyển và tăng cường cho công tác kiểm sát hình sự và dân sự. Cơ quan điều tra hình sự của VKS đã đổi mới căn bản theo phương hướng tập trung ở VKS nhân dân tối cao (VKSNDTC) để hướng mạnh vào việc điều tra các loại tội xâm phạm hoạt động tư pháp do những người tiến hành tố tụng thực hiện hành vi tội phạm.
Quán triệt quan điểm của Nghị quyết 08 là “Hoạt động công tố phải được thực hiện ngay từ khi khởi tố vụ án và trong suốt quá trình tố tụng, nhằm bảo đảm không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội” và với việc thực hiện Bộ luật Hình sự năm 1999, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003, VKS nhân dân các cấp đã tập trung làm tốt chức năng công tố và kiểm sát tư pháp bằng việc thực hiện có hiệu quả các thẩm quyền mới của VKS trong lĩnh vực tư pháp hình sự mà trước đây chưa.
Với việc thực hiện quy định kiểm sát viên của VKS phải trả lời từng vấn đề, từng câu hỏi của luật sư tại phiên toà, các kiểm sát viên của VKS các cấp đã thực hiện ngày một tốt hơn việc tranh tụng tại các phiên toà xét xử. Thực hiện việc tăng thẩm quyền đối với các VKS cấp quận, huyện cho phù hợp với hoạt động của cơ quan điều tra và xét xử. Nhờ những đổi mới đó, VKS đã thực hiện sắc bén hơn công tác truy tố. Một công việc riêng đối với cơ quan thực hiện chức năng công tố, thực hiện việc truy tố đúng người, đúng tội, đúng pháp luật đối với hàng vạn kẻ tội phạm trong một năm. Qua đó, VKS các cấp đã phối hợp với cơ quan điều tra và toà phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ tham nhũng lớn... được dư luận nhân dân đồng tình và ủng hộ.
Với việc thực hiện Bộ luật dân sự năm 1995 và Bộ luật dân sự năm 2005, đặc biệt là Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004, công tác kiểm sát dân sự của VKS các cấp đã thực hiện việc chuyển hướng trọng tâm công tác, đổi mới phương thức hoạt động. Kể từ đầu năm 2005, VKS các cấp đã không thực hiện khởi tố vụ án dân sự, không tham gia 100% các phiên toà xét xử sơ và phúc thẩm dân sự mà tập trung vào kiểm sát các quyết định và bản án của cơ quan xét xử như quyết định thụ lý án, quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Đề cao được nguyên tắc tự định đoạt và nguyên tắc tự chứng minh của đương sự trong tố tụng dân sự, đồng thời kịp thời thực hiện các hoạt động kiểm sát đối với vụ việc dân sự để bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của công dân.
Để củng cố và kiện toàn công tác cán bộ, việc bổ nhiệm lại hơn 7000 kiểm sát viên và bổ nhiệm mới 265 kiểm sát viên các cấp theo tiêu chuẩn mới cao hơn, thông qua một hội đồng tuyển chọn với các thành phần rộng rãi, đã thực hiện có kết quả ở các cấp kiểm sát. Đồng thời chế độ lương mới cho họ đã được áp dụng, góp phần tăng cường tiềm lực cho cơ quan VKS, góp phần xây dựng đội ngũ kiểm sát viên trong sạch, vững mạnh. Cơ sở vật chất kỹ thuật của VKS các cấp cũng được tăng cường hơn trước. Các cơ sở và trung tâm đào tạo bồi dưỡng kiểm sát viên của VKS cũng đã được đổi mới về tổ chức và phương hướng hoạt động phù hợp với yêu cầu mới.
Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị “Về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” đã mở ra một thời kỳ mới cho tổ chức và hoạt động của VKS, khẳng định các cơ quan tư pháp phải thực sự là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người, đồng thời phải là công cụ hữu hiệu bảo vệ pháp luật và pháp chế XHCN, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm và vi phạm. Trước mắt VKS tiếp tục thực hành tốt hơn quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Đồng thời VKS có trách nhiệm chủ động nghiên cứu để đề xuất với Đảng và Nhà nước mô hình tổ chức và hoạt động của Viện Công tố những năm sau 2010.
(Theo báo điện tử ĐCSVN) Thanh Huyền