CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng

28/08/2022
Cỡ chữ:   Tương phản
Sáng ngày 29/8, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng. Trước đó, ngày 18/8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành xem xét, thông qua dự án Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.
Toàn cảnh cuộc họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước
về Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.

Tham dự cuộc họp báo có Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà; Phó Chánh án Thường trực Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Trí Tuệ; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần cùng đại biểu đại diện cho các cơ quan và đông đảo phóng viên báo chí.

Phát biểu tại cuộc họp báo, Phó Chánh án Thường trực Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Trí Tuệ nhấn mạnh: Thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 05/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc triển khai Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Nghị quyết số 443/NQ-UBTVQH15 ngày 30/12/2021 ban hành Chương trình công tác năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao đã phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng dự án Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.

Ngày 18/8/2022, tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV đã thông qua Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.

Đề cập về sự cần thiết ban hành Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, Phó Chánh án Thường trực Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Trí Tuệ cho biết, Luật Xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13 ngày 20/6/2012 của Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2013 (được sửa đổi, bổ sung bởi Luật Hải quan số 54/2014/QH13 ngày 23/6/2014, Luật Thủy sản số 18/2017/QH14, Luật số 67/2020/QH14 ngày 13/11/2020 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính). Theo đó, khoản 3 Điều 4 Luật này quy định “Căn cứ quy định của Luật này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kiểm toán nhà nước và đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng”. Như vậy, Quốc hội đã giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhiệm vụ ban hành quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.

Thực tiễn xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động tố tụng cho thấy, các hành vi cản trở hoạt động tố tụng xảy ra ngày càng nhiều, có xu hướng gia tăng, gây khó khăn cho việc giải quyết vụ việc, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giải quyết vụ việc của cơ quan, người có thẩm quyền, tính tôn nghiêm và quyền uy của tư pháp. Trong khi đó, pháp luật nước ta chưa có văn bản quy định có hệ thống về việc xử phạt các hành vi cản trở hoạt động tố tụng mà chỉ có một số quy định chung, chưa cụ thể, chưa rõ ràng về xử lý hành vị cản trở hoạt động tố tụng nằm rải rác trong Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính. Việc ban hành một văn bản pháp luật thống nhất và chi tiết, tạo cơ sở pháp lý để xử lý nghiêm minh những hành vi cản trở hoạt động tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong tố tụng và ý thức chấp hành pháp luật, phòng ngừa những vi phạm có thể xảy ra; nâng cao uy tín của cơ quan nhà nước, bảo đảm sự tôn nghiệm của Tòa án, bảo đảm sự tôn trọng của cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với cơ quan tiến hành tố tụng; tạo điều kiện giải quyết các vụ việc nhanh chóng, hiệu quả, đúng pháp luật. Với những lý do đó, việc ban hành Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng là cần thiết.

Phó Chánh án Thường trực Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Trí Tuệ phát biểu tại cuộc họp báo.

Pháp lệnh gồm 04 chương, 48 điều. Chương I về “Những quy định chung” gồm có 08 điều, từ Điều 1 đến Điều 8. Chương II về “Hành vi cản trở hoạt động tố tụng, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả” gồm có 03 Mục với 16 điều, từ Điều 9 đến Điều 24. Chương III quy định về “Thẩm quyền, thủ tục xử phạt, thi hành quyết định xử phạt và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính” gồm 22 điêu, từ Điều 25 đến Điều 46. Chương IV quy định về “Điều khoản thi hành” gồm có 02 Điều, Điều 47 và Điều 48.

Về phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh (Điều 1 và Điều 2): Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng quy định về hành vi cản trở hoạt động tố tụng bị xử phạt vi phạm hành chính; hình thức, mức xử phạt; biện pháp khắc phục hậu quả; biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính; thẩm quyền, thủ tục xử phạt, thị hành quyết định xử phạt và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.

Đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng (Điều 4): Đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng gồm cá nhân, tổ chức quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 5 của Luật Xử lý vi phạm hành chính thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Chương II của Pháp lệnh này.

Các hình thức xử phạt và nguyên tắc áp dụng (Điều 5): Phù hợp với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Pháp lệnh quy định các hình thức xử phạt chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng gồm phạt cảnh cáo và phạt tiên; hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính (sau đây gọi chung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính). Nguyên tắc áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vị cản trở hoạt động tố tụng được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 21 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Các phóng viên báo chí tham dự cuộc họp báo.

Các biện pháp khắc phục hậu quả và nguyên tắc áp dụng (Điều 7): Các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Pháp lệnh này, bao gồm: 02 biện pháp đã được quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu và Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi cản trở hoạt động tố tụng. 06 biện pháp khác đã được Chính phủ quy định tại các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong một số lĩnh vực có liên quan, bao gồm: (1) Buộc xin lỗi công khai; (2) Buộc thu hồi thông tin, tài liệu, dữ liệu, vật có chứa bí mật điều tra; (3) Buộc gỡ bỏ thông tin, tài liệu, dữ liệu có chứa bí mật điều tra; (4) Buộc thu hồi thông tin sai sự thật; (5) Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật và (6) Buộc thu hồi, nộp lại tư liệu, tài liệu, hình ảnh. Nguyên tắc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 28 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Biện pháp ngăn chặn, bảo đảm xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng và nguyên tắc áp dụng (Điều 8): Pháp lệnh quy định trường hợp cần ngăn chặn kịp thời vi phạm hành chính hoặc để bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng thì có thể áp dụng các biện pháp quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều 119 của Luật Xử lý vi phạm hành chính, gồm: (1) Tạm giữ người; (2) Áp giải người vi phạm; (3) Tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề; (4) Khám người; (5) Khám phương tiện vận tải, đồ vật và (6) Khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vị phạm hành chính. Nguyên tắc áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng thực hiện theo quy định tại Điều 120 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Hành vi cản trở hoạt động tố tụng, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả (Chương II): Pháp lệnh quy định cụ thể hành vi cản trở hoạt động tố tụng, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với 03 nhóm hành vi. Cụ thể như sau:

Thứ nhất là nhóm các hành vi cản trở hoạt động tố tụng hình sự (Mục 1 Chương II), gồm: Hành vi tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật, hành vi tiết lộ bí mật điều tra; hành vi vi phạm quy định về sự có mặt theo giấy triệu tập; hành vi cản trở đại diện của cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân tham gia tố tụng; hành vi cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ, hành vi ngăn cản việc cấp, giao, nhận, thông báo hoặc không thực hiện trách nhiệm cấp, giao, chuyển, gửi, niêm yết, thông báo văn bản tố tụng hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, xâm hại sức khỏe của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Thứ hai là nhóm các hành vi cản trở hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân, đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (Mục 2 Chương II), gồm: Hành vi cố ý không có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án; hành vi cản trở đại diện của cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân tham gia tố tụng theo yêu cầu của Tòa án; hành vi cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ của cơ quan, người có thẩm quyền; hành vi cản trở việc cấp, giao, nhận, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng của Tòa án; hành vi can thiệp vào việc giải quyết vụ án, vụ việc, hành vi xúc phạm, xâm hại đến sự tôn nghiêm, uy tín của Tòa án; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, xâm hại sức khỏe của người có thẩm quyền hoặc những người khác thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của Tòa án và hành vi đưa tin sai sự thật.

Thứ ba là hành vi vi phạm nội quy phiên tòa, phiên họp; hành vi khác cản trở hoạt động tố tụng; hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả (Mục 3 Chương II), gồm: Hành vi vi phạm nội quy phiên tòa, phiên họp và hành vi khác cản trở hoạt động tố tụng.

Về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng (Chương III): Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng bao gồm:

Các chức danh có thẩm quyền xử phạt của Tòa án nhân dân (Điều 25), gồm: Thẩm phán chủ tọa phiên tòa; Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện; Chánh tòa chuyên trách Tòa án nhân dân cấp tỉnh;  Chánh án Tòa án quân sự khu vực;  Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh; Chánh tòa chuyên trách Tòa án nhân dân cấp cao; Chánh án Tòa án quân sự quân khu và tương đương.

Các chức danh có thẩm quyền xử phạt của Công an nhân dân, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, Kiểm lâm, Kiểm ngư (các điều từ Điều 26 đến Điều 31), gồm những chức danh trong các cơ quan này có thẩm quyền xử phạt theo Luật Xử lý vi phạm hành chính và có thẩm quyền giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, điều tra hoặc được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp (Điều 32).

Pháp lệnh quy định rõ việc xác định thẩm quyền xử phạt của Tòa án nhân dân, Công an nhân dân, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, Kiểm lâm, Kiểm ngư và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp (các điều từ Điều 33 đến Điều 40) theo hướng chỉ rõ đến từng điểm, khoản/hành vi mà từng chủ thể có thẩm quyền xử phạt.

Theo Phó Chánh án Thường trực Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Trí Tuệ, để phù hợp với đặc thù về thẩm quyền của các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; đồng thời, để khắc phục vướng mắc của thực tiễn, bảo đảm mọi hành vi cản trở hoạt động tố tụng phải được xử lý nghiêm minh, ngoài việc quy định thẩm quyền xử phạt của các cơ quan có thẩm quyền xử phạt theo Luật Xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng các cơ quan này, Pháp lệnh phân định thẩm quyền xử phạt cho người có thẩm quyền của Công an nhân dân, Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp xử phạt đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng khi Viện kiểm sát nhân dân, Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát quân sự, Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát quân sự Trung ương và Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân thực hiện nhiệm vụ trong hoạt động tố tụng (là những cơ quan không được Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định có thẩm quyền xử phạt).

Về thủ tục xử phạt vi phạm hành chính (Điều 42): Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng được thực hiện theo quy định tại các điều từ Điều 55 đến Điều 68 của Luật Xử lý vi phạm hành chính và quy định khác của pháp luật có liên quan. Quy định việc lập, chuyển biên bản đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Viện kiểm sát nhân dân, Viện kiểm sát quân sự, Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát quân sự trung ương, Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân, các cơ quan trong Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, trừ Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển.

Về lập biên bản vi phạm hành chính (Điều 43): Nội dung này quy định cụ thể người có thẩm quyền lập biên bản về hành vi cản trở hoạt động tố tụng của từng cơ quan Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự, Viện kiểm sát nhân dân, Viện kiểm sát quân sự, Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát quân sự trung ương, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biến, Hải quan, Kiểm lâm, Kiểm ngư.

Về Chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự, chuyển hồ sơ vụ vi phạm để xử phạt hành chính (Điều 44): Để bảo đảm nguyên tắc mọi hành vi vi phạm pháp luật phải được xử lý đúng với tính chất, mức độ vi phạm theo pháp luật hành chính và pháp luật hình sự thì Pháp lệnh quy định: Khi xem xét vụ vi phạm để quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu xét thấy hành vi vi phạm quy định tại Pháp lệnh này có dấu hiệu tội phạm thì người có thẩm quyền xử phạt phải chuyển ngay hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự.

Về thi hành quyết định xử phạt và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính (Điều 45): Việc thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định tại các điều từ Điều 69 đến Điều 88 của Luật Xử lý vi phạm hành chính và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Về nguyên tắc, thẩm quyền, thủ tục áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính (Điều 46): Nguyên tắc, thẩm quyền, thủ tục áp dụng, việc hủy bỏ hoặc thay thế các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính đối với hành vị cản trở hoạt động tố tụng được thực hiện theo quy định tại các điều từ Điều 120 đến Điều 129 của Luật Xử lý vi phạm hành chính và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng có hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/2022./.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại cuộc họp báo:

Toàn cảnh cuộc họp báo.

Phó Chánh án Thường trực Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Trí Tuệ phát biểu tại cuộc họp báo.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà phát biểu tại cuộc họp báo và nhấn mạnh
tầm quan trọng của Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.
Các đại biểu tham dự cuộc họp báo.
Các phóng viên báo chí tham dự họp báo.

Các phóng viên báo chí đặt câu hỏi tại cuộc họp báo và đề nghị cho biết rõ hơn về những nội dung nổi bật của Pháp lệnh.

 

Bích Lan - Bùi Hùng (quochoi.vn)
Tìm kiếm