Sáng 13-2, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 20. Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội chủ trì, phát biểu khai mạc phiên họp.
Tham dự phiên khai mạc có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; các đồng chí trong Văn phòng Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội...
Phát biểu khai mạc phiên họp thứ 20, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, ngày 13-2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thường kỳ tháng 2-2023. Phiên họp diễn ra trong 3 ngày với các nội dung lớn, quan trọng.
Bảo đảm nội dung Luật Phòng thủ dân sự càng chi tiết càng tốt
Đó là Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý 3 dự án luật: Dự án Luật Phòng thủ dân sự, dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) – đây là những dự án luật đã được cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV.
Về dự án Luật Phòng thủ dân sự, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, dự án luật có cơ sở chính trị rất quan trọng - đó là Nghị quyết của Bộ Chính trị về phòng thủ dân sự và cũng là yêu cầu cấp bách của nước ta trong việc phòng, chống thiên tai, địch họa...
Đánh giá cao việc Chính phủ cùng với các cơ quan thẩm tra đã có nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu, cho ý kiến để dự án luật này có nội dung càng chi tiết càng tốt, khắc phục tối đa tính luật khung, luật ống.
Về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) đã được ban hành từ rất lâu và có nhiều yếu tố mới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về những nội dung cần tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ tư vừa qua.
Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội cũng gợi ý xem có cần cần thiết tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách về 3 dự án Luật gồm: Dự án Luật Phòng thủ dân sự, dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) hay không.
Nhiều nội dung quan trọng theo thẩm quyền
Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho biết, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét, cho ý kiến, quyết định nhiều nội dung quan trọng khác theo thẩm quyền.
Đó là, xem xét thông qua dự thảo Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Kiểm toán nhà nước; xem xét, cho ý kiến 3 dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Nghị quyết về hướng dẫn thi hành một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội; nghị quyết về nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức và Ban Thư ký; nghị quyết quy định chi tiết một số điều Bộ luật thi đua, khen thưởng. Xem xét, cho ý kiến dự thảo nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Về xem xét, cho ý kiến về dự thảo Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là lĩnh vực rất khó và mới; đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến về sự cần thiết ban hành nghị định; trình tự, thủ tục và hồ sơ dự thảo nghị định; tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tính tương thích với điều ước quốc tế có liên quan và các nội dung cụ thể của dự thảo, làm cơ sở để Chính phủ hoàn thiện và ban hành theo thẩm quyền.
Nhóm vấn đề tiếp theo, Chủ tịch Quốc hội cho biết: Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định thành lập một số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của 10 tỉnh: An Giang, Bắc Ninh, Bắc Kạn, Bến Tre, Bình Dương, Đắk Lắk, Quảng Nam, Thái Nguyên, Trà Vinh, Vĩnh Phúc.
Về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Nghị quyết về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương được ban hành tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Nghị quyết này đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15 ngày 21-9-2022. Tại điều khoản chuyển tiếp, những hồ sơ đã được triển khai theo tinh thần Nghị quyết số 1211 vẫn được tiếp tục cho đến khi kết thúc.
Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của một số tỉnh trên trong phiên họp này, nhằm bảo đảm phù hợp với quy hoạch, đáp ứng yêu cầu tổ chức quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn đã được đô thị hóa, tạo điều kiện phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương.
Xem xét phân bổ tiếp gần 15.000 tỷ đồng vốn cho Chương trình Phục hồi kinh tế - xã hội
Một vấn đề quan trọng khác được cho ý kiến tại phiên họp là Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét việc giao danh mục và mức vốn cho nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
UBTVQH đã giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (đợt 1) cho 94 nhiệm vụ, dự án với tổng số vốn 147.138 tỷ đồng.
Lần này, Chính phủ đề nghị tiếp tục phân bổ 14.710.315 tỷ đồng trong tổng số vốn 28.862 tỷ đồng còn lại cho 129 dự án thuộc Chương trình đã hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định, đủ điều kiện giao kế hoạch vốn.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị, đây là nội dung cần sớm triển khai để bảo đảm tiến độ các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về tính hợp lý của phương án phân bổ, danh mục, số vốn phân bổ cho các dự án; những vấn đề cần lưu ý để triển khai hiệu quả Chương trình và một số nội dung khác Chính phủ xin ý kiến.
Ngoài ra, cũng tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành tổng kết Kỳ họp bất thường lần thứ hai, Kỳ họp bất thường lần thứ ba. Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo thẩm quyền.
Cũng tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội định kỳ xem xét công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 12-2022 và tháng 1-2023.
Nhấn mạnh thời gian diễn ra phiên họp chỉ có 3 ngày nhưng khối lượng nội dung rất lớn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các đồng chí Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan hữu quan bố trí, sắp xếp thời gian họp theo quy định để kỳ họp có chất lượng cao nhất, mở đầu cho năm Quý Mão “đại cát vạn sự thành”.
* Theo chương trình, tại phiên họp họp sáng 13-2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm toán nhà nước và xem xét việc giao danh mục và mức vốn cho nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (đợt 2).