Tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 5, sáng ngày 23/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết giải thích Khoản 1 Điều 289 của Bộ luật Hình sự năm 2015.
Trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, trên cơ sở văn bản số 148/TB-TTKQH thông báo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã có văn bản số 6754/VPCP-PL giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các Bộ, ngành liên quan khẩn trương nghiên cứu, soạn thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích một số quy định của Bộ luật Hình sự liên quan đến hành vi vi phạm bí mật kinh doanh. Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Bộ Tư pháp đã khẩn trương tổ chức việc soạn thảo dự thảo Nghị quyết, phối hợp chặt chẽ với Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương trong việc rà soát, đề xuất phương án giải thích một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015.
Mục đích của việc ban hành Nghị quyết là nhằm đảm bảo thực hiện có hiệu quả và đúng lộ trình các cam kết của Chính phủ Việt Nam trong Hiệp định CPTPP. Việc xây dựng dự thảo Nghị quyết giải thích một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 bảo đảm sự phù hợp, thống nhất trong hệ thống pháp luật; bảo đảm sự rõ ràng, minh bạch để áp dụng thống nhất các quy định của Bộ luật Hình sự trong xử lý hành vi phạm tội cũng như bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp của người phạm tội; bảo đảm thực hiện có hiệu quả và đúng lộ trình các cam kết của Việt Nam đối với Hiệp định CPTPP.
Báo cáo cụ thể về nội dung của dự thảo Nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, dự thảo Nghị quyết gồm 03 điều. Cụ thể, Điều 1 giải thích hành vi cố ý vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa, sử dụng quyền quản trị của người khác hoặc bằng phương thức khác xâm nhập trái phép mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác lấy cắp dữ liệu quy định tại khoản 1 Điều 289 Bộ luật Hình sự được hiểu là bao gồm cả hành vi cố ý vượt qua cảnh báo, mã truy cập, tường lửa, sử dụng quyền quản trị của người khác hoặc bằng phương thức khác xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác chiếm đoạt dữ liệu có chứa bí mật kinh doanh, kể cả nghe, đọc, ghi chép, chụp ảnh, ghi âm, ghi hình dữ liệu có chứa bí mật kinh doanh; Điều 2 quy định về trách nhiệm tổ chức thực hiện theo hướng giao Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình chịu trách nhiệm thi hành Nghị quyết này; Điều 3 quy định thời điểm có hiệu lực thi hành.
Thẩm tra nội dung của dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, để bảo đảm thực hiện hiệu quả và đúng lộ trình các cam kết của Việt Nam trong Hiệp định CPTPP, bảo đảm sự phù hợp, thống nhất trong hệ thống pháp luật, bảo đảm sự rõ ràng, minh bạch để áp dụng thống nhất các quy định của Bộ luật hình sự, đồng thời để phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam thì việc Ủy ban Thường vụ Quố chội ban hành Nghị quyết để giải thích một số điều của Bộ luật hình sự trong xử lý hành vi vi phạm bí mật kinh doanh là cần thiết, đúng thẩm quyền và đúng với Thông báo số 148/TB-TTKQH của Tổng Thư ký Quốc hội. Ủy ban Tư pháp nhất trí với việc ban hành Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn với những lý do đã nêu trong Tờ trình. Đồng thời, hồ sơ gửi thẩm tra được chuẩn bị theo trình tự, thủ tục rút gọn là phù hợp với quy định tại Điều 148 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Bên cạnh đó, Ủy ban Tư pháp cũng nhất trí với tên gọi của Nghị quyết là: “Nghị quyết giải thích khoản 1 Điều 289 của Bộ luật Hình sự năm 2015”.
Về nội dung giải thích đáp ứng yêu cầu tại khoản 2 Điều 18.78 của Hiệp định, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, Ủy ban Tư pháp nhất trí với việc lựa chọn khoản 1 Điều 289 của Bộ luật hình sự để giải thích nhằm đáp ứng yêu cầu của Hiệp định.
Đối với nội dung giải thích đáp ứng yêu cầu tại khoản 3 Điều 18.78 của Hiệp định, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, khoản 3 Điều 18.78 của Hiệp định khuyến nghị các quốc gia thành viên rằng, “đối với một trong 03 hành vi nêu trên có thể áp dụng ở một hoặc các trường hợp, gồm: (a) những hành vi đó nhằm mục đích đạt được lợi thế thương mại hoặc thu lợi tài chính; (b) những hành vi đó liên quan tới các sản phẩm hoặc dịch vụ trong thương mại quốc gia hoặc quốc tế; (c) những hành vi đó nhằm mục đích gây tổn hại tới chủ sở hữu của những bí mật thương mại đó; (d) những hành vi đó bị chi phối bởi, hoặc lợi nhuận của, hoặc có liên quan tới một tổ chức kinh tế nước ngoài hoặc (e) những hành vi đó gây thiệt hại cho lợi ích kinh tế, quan hệ quốc tế hoặc an ninh quốc gia, quốc phòng của một Bên”. Đây là khuyến nghị của Hiệp định mà không phải là yêu cầu bắt buộc đối với các quốc gia thành viên.
Do vậy, Ủy ban Tư pháp nhất trí không bổ sung mục đích vào nội dung giải thích, vì không phù hợp với quy định điểm c khoản 2 Điều 158 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật “Việc giải thích luật phải bảo đảm nguyên tắc không được sửa đổi, bổ sung hoặc đặt ra quy định mới”. Nếu bổ sung mục đích phạm tội sẽ thu hẹp phạm vi xử lý hình sự, không phù hợp với cấu thành cơ bản của Tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác. Hơn nữa, tạo ra sự không thống nhất, không bình đẳng trong chính sách hình sự đối với các hành vi trong cùng một điều luật, gây khó khăn trong quá trình áp dụng; nếu chiếm đoạt dữ liệu có chứa bí mật kinh doanh thì phải chứng minh được mục đích phạm tội thì mới xử lý hình sự, còn chiếm đoạt dữ liệu khác thì không cần chứng minh mục đích phạm tội. Ngoài ra, đây không phải là nội dung bắt buộc theo yêu cầu của Hiệp định.
Về hiệu lực thi hành của Nghị quyết, Ủy ban Tư pháp nhất trí thời điểm có hiệu lực thi hành Nghị quyết kể từ ngày 14/01/2022.
Qua thảo luận, các ý kiến đều cho rằng, việc trình dự thảo Nghị quyết giải thích Khoản 1 Điều 289 của Bộ luật Hình sự năm 2015 ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét là cần thiết và đúng thẩm quyền nhằm đảm bảo thực hiện các cam kết quốc tế trong Hiệp định CPTPP; đồng thời đánh giá cao sự chuẩn bị, tinh thần trách nhiệm của Chính phủ, các cơ quan có liên quan trong việc chuẩn bị hồ sơ dự thảo Nghị quyết và nội dung thẩm tra của Ủy ban Tư pháp.
Tại phiên họp, 100% Ủy viên của ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết giải thích Khoản 1 Điều 289 của Bộ luật Hình sự năm 2015. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 14/1/2022 và được áp dụng cùng với Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14.
Phát biểu kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị ngay sau phiên họp hôm nay, Ủy ban Tư pháp hoàn chỉnh thủ tục để trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành theo quy định./.
Thu Phương – Minh Thành