CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

File ghi âm, ghi hình có phải di chúc hay không?

13/05/2022
Cỡ chữ:   Tương phản

Di chúc là văn bản thể hiện ý chí, nguyện vọng của chủ sở hữu hợp pháp về việc định đoạt tài sản của mình sau khi chết. Di chúc lập vào thời điểm chủ sở hữu hợp pháp còn sống, có hiệu lực thi hành khi người đó chết. Việc lập di chúc có thể công khai hoặc bí mật tùy thuộc vào yêu cầu của người lập di chúc. Một người có thể lập một hoặc nhiều di chúc khác nhau với cùng nội dung hoặc khác nội dung để định đoạt đối với nhiều tài sản hoặc cùng một tài sản của mình. Khi công khai các bản di chúc của người chết, sẽ căn cứ vào thời điểm lập di chúc sau cùng để xác định ý chí, nguyện vọng cuối cùng của người chết về việc định đoạt tài sản của mình. Trường hợp người chết có nhiều di chúc khác nhau và nội dung các bản di chúc này không trùng lặp, không phủ nhận nội dung di chúc khác thì ở thời điểm mở thừa kế, những bản di chúc này đồng loạt có hiệu lực thi hành. Đối với trường hợp có nhiều bản di chúc thể hiện ý chí, nguyện vọng của người chết định đoạt cùng một hoặc một số tài sản nhưng nội dung lại phủ nhận nhau thì đương nhiên bản di chúc được lập sau cùng (về mặt thời gian) sẽ là bản di chúc có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp bản di chúc được lập trước đã thực hiện đúng các quy định của BLDS (lập bằng văn bản có công chứng, chứng thực) và đương nhiên có hiệu lực nhưng vào thời điểm hấp hối, người để lại di sản lại có sự thay đổi ý chí, nguyện vọng đối với tài sản của mình. Thậm chí sự thay này có nội dung trái ngược, hoặc thay đổi một phần hoặc toàn bộ nội dung di chúc đã được lập trước đó. Di chúc vào thời điểm người để lại di sản hấp hối trước khi qua đời thường chỉ là di chúc miệng, hoặc là bản ghi âm, ghi hình của người để lại di sản mà không tuân thủ trình tự, thủ tục do BLDS quy định. Vậy những di chúc tồn tại dưới dạng file ghi âm, ghi hình có được coi là di chúc hợp pháp không, có giá trị pháp lý và hiệu lực pháp luật hay không?

Thực tiễn giải quyết các vụ án dân sự về tranh chấp chia di sản thừa kế ở địa phương trong thời gian vừa qua, chúng tôi thấy có nhiều bất cập trong việc đánh giá tính hợp pháp của di chúc theo quy định của Bộ luật Dân sự (BLDS), xem xét có chấp nhận chia di sản thừa kế theo di chúc hay theo pháp luật. Đặc biệt là từ khi BLDS và Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017 thì Nhà nước ta đã chính thức thừa nhận chứng cứ là dữ liệu điện tử bao gồm các tài liệu nghe được, nhìn được… thì việc đánh giá các file ghi âm, ghi hình có âm thanh (video) của chủ sở hữu tài sản trước khi chết trong đó thể hiện ý chí, nguyện vọng của họ về việc định đoạt tài sản của mình có được coi là di chúc theo quy định của BLDS hay không? Vấn đề này còn có nhiều quan điểm đánh giá khác nhau giữa những người tiến hành tố tụng và giữa các cơ quan tố tụng tại địa phương, cụ thể:

1. Những khó khăn, vướng mắc về việc giải quyết án dân sự tranh chấp về chia di sản thừa kế theo di chúc ở địa phương

- Tính hợp pháp của di chúc: Theo quy định tại các Điều 627, 628, 629, 630 BLDS thì di chúc tồn tại dưới hai dạng là di chúc văn bản (di chúc không có người làm chứng do chính người để lại di sản tự mình viết, kí vào văn bản; di chúc có người làm chứng; di chúc có công chứng, chứng thực) và di chúc miệng. Việc lập di chúc văn bản không có người làm chứng không được viết tắt, không được gạch xóa, nếu có sửa chữa, tẩy xóa thì người lập di chúc hoặc người làm chứng phải ký xác nhận từng vị trí sửa, phải ký từng trang và điểm chỉ từng trang trong trường hợp di chúc có nhiều trang (Điều 631, 633 BLDS). Việc lập di chúc miệng thì phải có ít nhất người làm chứng và những nội dung di chúc miệng phải được những người làm chứng kí, xác nhận điểm chỉ và phải được công chứng, chứng thực trong thời hạn 05 ngày. Và nếu người lập di chúc còn sống, minh mẫn, tỉnh táo sau 03 tháng kể từ thời điểm để lại di chúc miệng thì đương nhiên di chúc miệng bị hủy bỏ (Điều 629, 630). BLDS không quy định di chúc tồn tại dưới dạng dữ liệu điện tử (file ghi âm, ghi hình). Vậy những di nguyện của người chết tồn tại dưới dạng file ghi âm, ghi hình có được coi là di chúc miệng hoặc di chúc văn bản mà không có người làm chứng hay không? Theo chúng tôi, nếu không có tài liệu chứng cứ chứng minh được tại thời điểm người để lại di sản (tự mình ghi âm, ghi hình) hoặc khoảnh khắc hấp hối có người khác ghi âm, ghi hình lại… không minh mẫn, tỉnh táo, đe dọa, cưỡng ép hoặc bị lừa dối thì cần xác định nội dung chứa trong file ghi âm, ghi hình là di chúc miệng. Và từ thời điểm tìm thấy được file ghi âm, ghi hình đó trong thời hạn 05 ngày làm việc, người phát hiện phải hoàn tất các thủ tục người làm chứng được quy định tại Điều 630 BLDS để đảm bảo tính hợp pháp của di chúc.

- Điều kiện có hiệu lực của di chúc: Theo BLDS quy định thì mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc trừ những người được thừa kế theo di chúc, hoặc thuộc diện hưởng thừa kế theo pháp luật; người có quyền và nghĩa vụ tài sản liên quan đến nội dung di chúc; người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức làm chủ hành vi (Điều 632). Như vậy, có thể nói những người thân thích của người để lại di sản không được làm chứng cho việc lập di chúc. Thực tế cho thấy, khi người thân ốm đau, bệnh tật, hoặc gặp tai nạn nguy hiểm đến tính mạng thì thường sẽ trăn trối lại nguyện vọng của mình trước khi chết. Theo lẽ thường thì những người thân thích luôn là người chăm sóc người thân của mình khi ốm đau, bệnh tật và cũng là những người chứng kiến khoảnh khắc cuối đời và di nguyện của người thân trước khi chết. Việc tôn trọng di nguyện của người chết là tôn trọng quyền định đoạt của sở hữu hợp pháp đối với tài sản của mình. Có những gia đình con cháu cư xử không đúng chuẩn mực, đối xử tồi tệ, không yêu thương, chăm sóc người đã chết nhưng lại muốn được hưởng di sản của họ nên thường xảy ra tranh chấp đối với di sản thừa kế. Việc pháp luật loại trừ những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật không được làm chứng cho việc lập di chúc (miệng, văn bản) là chưa phù hợp với thực tế. Theo chúng tôi, cần mở rộng phạm vi người làm chứng di chúc trong trường hợp di chúc miệng đối với những người thân thích nếu chứng minh được họ vô tư, khách quan trong việc làm chứng.

- Một số trường hợp ảnh hưởng đến hiệu lực của di chúc: Trong trường hợp người lập di chúc văn bản không có người làm chứng, họ tự mình viết di chúc nhưng do không hiểu biết pháp luật nên vi phạm một số điều kiện có hiệu lực của di chúc như không đánh số trang, không kí vào từng trang chỉ là những điều kiện về mặt hình thức, còn nội dung không vi phạm quy định pháp luật, điều cấm, đạo đức xã hội… những người thân thích đều khẳng định chữ viết là của chết hoặc có tài liệu chứng minh là chữ viết của người chết thì trong trường hợp này vẫn nên xem xét tính hợp pháp của di chúc văn bản không có người làm chứng. Thực tiễn giải quyết án tranh chấp chia di sản thừa kế cho thấy, có những vụ án, người tiến hành tố tụng máy móc trong việc áp dụng pháp luật cho rằng di chúc có nhiều trang không được đánh số trang và ký từng trang nên không công nhận hiệu lực của di chúc, tiến hành chia thừa kế theo pháp luật. Điều này đã làm ảnh hưởng đến quyền tự định đoạt của người để lại di sản và không tôn trọng di nguyện của người đã chết.

Trường hợp công dân không biết chữ đến UBND cấp xã nhờ công chức xã viết hộ hoặc họ đã tự viết di chúc trước mang di chúc đến UBND cấp xã để chứng thực. UBND xã đã sao thành 02 bản (có giá trị pháp lý như nhau) nhưng lại giao cho công dân bản foto (có chữ kí chứng thực dấu đỏ, điểm chỉ). Quá trình giải quyết tranh chấp dân sự, Tòa án tiến hành giám định dấu vân tay được công dân điểm chỉ trực tiếp trên bản di chúc foto (do thời gian lâu, công dân lại ép nhựa plastic để bảo quản di chúc) nên không thể lấy được mẫu vân tay trên di chúc để so sánh, giám định. Việc chính quyền địa phương nhận thức chưa đầy đủ, lưu trữ bản gốc di chúc của công dân đã gây khó khăn cho đương sự trong việc bảo vệ di nguyện của người đã chết.

2. Một số kiến nghị, đề xuất

- Cần sửa đổi, bổ sung các quy định tại các Điều 627, 629 BLDS năm 2015 về việc công nhận file ghi âm, ghi hình có chứa nội dung di nguyện của người chết đối với tài sản của mình là một dạng di chúc miệng tồn tại dưới dạng file điện tử. Theo đó, cũng cần quy định các điều kiện có hiệu lực của di chúc.

- Cần hướng dẫn cụ thể các trường hợp di chúc có nhiều trang do tự công dân lập (viết tay) nhưng do thiếu hiểu biết pháp luật mà không đánh số trang và điểm chỉ từng trang (khoản 3 Điều 631 BLDS) nếu vẫn đảm bảo các điều kiện khác (minh mẫn, tỉnh táo, không bị cưỡng ép, lừa dối…) theo quy định pháp luật thì vẫn công nhận tính hợp pháp của di chúc, tôn trọng ý chí của người đã chết.

- Cần sửa đổi, bổ sung các quy định tại Điều 632 BLDS theo hướng mở rộng trường hợp người làm chứng là người thân thích, con cháu của người chết nếu những người này chứng kiến thời điểm hấp hối của người chết và có thể ghi âm, ghi hình lại hoặc mời thêm người khác cùng mình chứng kiến di nguyện của người chết.

- Cần tăng cường tuyên truyền pháp luật về thừa kế trên hệ thống loa truyền thanh của chính quyền địa phương để người dân có thể hiểu và nâng cao nhận thức về pháp luật khi lập di chúc.

- Nâng cao tinh thần trách nhiệm của công chức địa phương trong hoạt động công chứng, chứng thực để đảm bảo việc công chứng, chứng thực khách quan, lưu trữ văn bản đúng quy định tránh gây khó khăn, phức tạp cho công dân khi công bố nội dung di chúc.

Trên đây là một số vấn đề vướng mắc trong khi giải quyết án dân sự tranh chấp chia di sản thừa kế theo di chúc. Việc sửa đổi, bổ sung, hướng dẫn kịp thời những trường hợp này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan tố tụng xử lý các tranh chấp này đồng thời góp phần đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của công dân./.

* Tài liệu tham khảo:

1. Bộ luật dân sự năm 2015;

2. Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình;

3. Một số vụ án tranh chấp chia di sản thừa kế trên địa bàn huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng.

Ts. Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Phó Viện trưởng

VKSND huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng

(vienkiemsathaiphong.gov.vn)
Tìm kiếm