Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự và các tội phạm phát sinh từ hoạt động “tín dụng đen”, Kiểm sát viên được phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra cần nắm chắc các quy định của pháp luật, có kinh nghiệm thực tiễn và thực hiện tốt một số kỹ năng cơ bản.
1. Một số khó khăn, vướng mắc khi giải quyết vụ án “cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”
Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS năm 2015) quy định về Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự như sau:
“1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.
Để hiểu đúng quy định của BLHS năm 2015 về Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự cần xác định thế nào là “cho vay lãi nặng” và thế nào là “giao dịch dân sự”. Theo quy định tại Điều 116 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì: Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Theo khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 01/2021/NQ-HĐTP ngày 20/12/2021 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 201 của BLHS và việc xét xử vụ án hình sự về Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, thì cho vay nặng lãi được hiểu là “trường hợp bên cho vay cho bên vay vay tiền với mức lãi suất gấp 05 lần trở lên so với mức lãi suất cao nhất quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự”. Mức lãi suất cao nhất được quy định tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 là 20%/năm.
Như vậy, Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự là: Hành vi cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự và thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên hoặc đã có tiền án, tiền sự về tội này của một người hoặc một nhóm người có năng lực trách nhiệm hình sự, được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế của Nhà nước.
Hiện nay, các quy định của pháp luật về Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự đã được quy định chặt chẽ và cụ thể hơn so với quy định của BLHS năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009, nhất là hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2021 nêu trên. Điều này đã giúp cơ quan tiến hành tố tụng có căn cứ phát hiện, xử lý nhiều vụ án về cho vay lãi nặng. Tuy nhiên, quá trình thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ án đối với loại tội này vẫn còn gặp một số khó khăn vướng mắc, cần tiếp tục hướng dẫn để đảm bảo việc áp dụng pháp luật thống nhất trong giải quyết án.
Từ kết quả nghiên cứu các quy định của pháp luật và thực tiễn giải quyết vụ án cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, tác giả nêu ra một số khó khăn, vướng mắc và kiến nghị như sau:
Một là, các đối tượng cho vay thường có thủ đoạn tinh vi, thực hiện nhiều hành vi che giấu tội phạm như: Ký kết hợp đồng giả tạo, không ghi thỏa thuận lãi, sử dụng thông tin về nhân thân giả, không có địa chỉ rõ ràng nên khó xác minh đối tượng để làm rõ hành vi phạm tội. Để đấu tranh, làm rõ các hành vi phạm tội cho vay lãi nặng, ngay sau khi được phân công, Kiểm sát viên cần nhanh chóng phối hợp với Điều tra viên tiến hành thu thập xác minh tài liệu về nhân thân, khám xét khẩn cấp nơi ở, làm việc của các đối tượng để kịp thời thu thập chứng cứ, không để các đối tượng có thời gian tẩu tán tài sản, tiêu hủy chứng cứ.
Hai là, việc thu giữ chứng cứ vật chất làm căn cứ chứng minh hành vi phạm tội của đối tượng rất khó khăn. Đối tượng phạm tội thường có biểu hiện quanh co, chối tội, tiêu hủy chứng cứ. Do vậy, cần chủ động thu thập các chứng cứ khác từ người thân của người đi vay, sao kê biến động tài khoản tại các tổ chức tín dụng, quá trình lấy lời khai cần yêu cầu các đối tượng viết bản tự khai, ghi âm, ghi hình, thu giữ điện thoại để làm căn cứ vững chắc cho việc chứng minh tội phạm.
Ba là, tâm lý của người đi vay do lo sợ bị đe dọa, trả thù nên ngại khai báo, xuất trình chứng cứ gây khó khăn cho việc chứng minh tội phạm. Bằng nhiều hình thức khác nhau cần tăng cường công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của công dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm liên quan đến hoạt động tín dụng đen, trách nhiệm của những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để họ nhận thức đúng pháp luật, tích cực hợp tác với cơ quan tiến hành tố tụng.
Bốn là, các cơ quan tổ chức có liên quan như ngân hàng, công ty viễn thông;… thường chậm phối hợp trong việc thực hiện yêu cầu cung cấp thông tin khách hành. Do vậy, cần tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan tiến hành tố tụng với các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc cung cấp thông tin, tài liệu chứng cứ, ban hành kiến nghị khắc phục vi phạm, kiến nghị phòng ngừa đối với cơ quan, tổ chức chưa thực hiện hoặc không thực hiện việc cung cấp thông tin, tài liệu do cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu.
Năm là, hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn trường hợp người đi vay không yêu cầu người cho vay trả lại số tiền thu lợi bất chính đã nhận được từ người vay, nên thực tiễn việc giải quyết còn lúng túng, xử lý chưa thống nhất. Do đó, cần bổ sung hướng dẫn của Nghị quyết số 01/2021 quy định đối với tiền thu lợi bất chính là lãi suất và các khoản phí do người cho vay đã nhận từ người vay được tịch thu nộp vào ngân sách Nhà nước.
Sáu là, pháp luật hiện hành chưa có quy định về việc xem xét trách nhiệm của người đi vay nên họ không chủ động tố giác hoặc phối hợp trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử gây khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng. Xét về khía cạnh pháp luật người đi vay chính là người liên quan nhưng cũng là người đồng phạm với vai trò giúp sức của người cho vay để tội phạm cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự được thực hiện. Do đó, cần quy định theo hướng nếu người đi vay chủ động, tích cực tố giác, khai báo và hợp tác với Cơ quan điều tra trong việc đấu tranh làm rõ hành vi phạm tội của đối tượng cho vay thì không bị pháp luật xử lý. Trường hợp người đi vay che giấu, không hợp tác thì cần quy định chế tài xử lý đối với họ nhằm nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm của công dân.
2. Kinh nghiệm thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra vụ án “cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”
Thứ nhất, ngay sau khi được phân công, Kiểm sát viên cần kịp thời kiểm tra tính có căn cứ của quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can của Cơ quan điều tra, nghiên cứu kỹ các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, nhân thân của đối tượng, đối chiếu với các quy định của pháp luật để xác định có đủ yếu tố cấu thành tội phạm hay chưa. Để xác định được đối tượng phạm tội hay không cần xác định hai dấu hiệu đặc trưng của Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, đó là:
Xác định có hành vi cho vay với mức lãi suất cao hơn gấp 05 lần so với mức lãi suất cao nhất được quy định trong Bộ luật Dân sự không? Mức lãi suất cao nhất của Bộ luật Dân sự năm 2015 là 20%/năm, cao hơn gấp 05 lần sẽ là trên 100%/năm. Ví dụ: Cho vay số tiền gốc 100.000.000 đồng với mức lãi suất thỏa thuận 3.000 đồng/1 triệu/1 ngày. Như vậy, mức lãi suất 1 ngày = 0,3% (100.000.000 đồng x 0,3% = 300.000 đồng), lãi suất 1 tháng là 9%/tháng (100.000.000 đồng x 9% = 9.000.000 đồng); lãi suất 1 năm là 108% (100.000.000 đồng x 108% = 108.000.000 đồng). Có thể thấy, mức lãi suất cho vay sẽ là 108%/năm, gấp hơn 05 lần so với lãi suất do BLDS quy định (20%/ năm).
Người cho vay đã thu lợi số tiền từ 30.000.000 đồng trở lên hay chưa? Trường hợp chưa thu lợi hoặc thu lợi dưới 30.000.000 đồng thì xác định nhân thân đối tượng đã có tiền án, tiền sự về Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự hay chưa.
Sau khi xác định được hai dấu hiệu trên Kiểm sát viên sẽ có đủ căn cứ để đề xuất lãnh đạo quyết định việc phê chuẩn hay không phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, đảm bảo có đủ căn cứ, đúng người, đúng tội.
Thứ hai, nghiên cứu việc áp dụng hoặc không áp dụng các biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế.
Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự được quy định tại Điều 201 BLHS năm 2015 là tội phạm ít nghiêm trọng. Khoản 1 Điều luật không có hình phạt tù, khoản 2 quy định mức phạt cao nhất đến 03 năm tù. Do đó, việc áp dụng biện pháp ngăn chặn để phục vụ cho công tác điều tra thu thập thêm chứng cứ sẽ bị hạn chế và gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, bị can phạm tội theo khoản 1 thì không áp dụng biện pháp tạm giam. Đối với bị can phạm tội theo khoản 2 có thể nghiên cứu các điều kiện áp dụng biện pháp tạm giam quy định tại Điều 119 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2021 nhất là điều kiện về nhân thân của bị can nhằm ngăn chặn việc bị can có hành vi mua chuộc, khai báo gian dối, tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, đe dọa trả thù người tố giác, người làm chứng nhằm phục vụ công tác điều tra, thu thập chứng cứ, mở rộng điều tra, truy tìm đồng phạm.
Kịp thời trao đổi với Điều tra viên để tiến hành xác minh, quyết định việc phong tỏa tài khoản, kê biên tài sản nhằm đảm bảo việc tịch thu tiền là công cụ phạm tội và tiền thu lợi bất chính để sung vào ngân sách nhà nước và trả lại cho người liên quan theo quy định của pháp luật, tránh tình trạng đối tượng tẩu tán tài sản.
Thứ ba, phối hợp với Điều tra viên tiến hành hỏi cung bị can, người làm chứng, người liên quan ngay sau khi được phân công để kịp thời mở rộng những vấn đề liên quan đến vụ án.
Kiểm sát viên cần chú trọng công tác phối hợp khi khám xét khẩn cấp, thu giữ đồ vật tài liệu liên quan đến hoạt động cho vay lãi nặng. Thực tiễn cho thấy, cần thiết phải thu giữ ngay tại nơi ở và nơi hoạt động cho vay của các đối tượng, thu giữ đồ vật tài liệu liên quan, sau đó tiến hành kiểm tra trong thời gian sớm nhất. Qua đó góp phần giúp các cơ quan tiến hành tố tụng sử dụng làm chứng cứ để giải quyết vụ án đúng quy định của pháp luật. Tăng cường phối hợp trong việc điều tra thu thập, đánh giá chứng cứ nhất là những vụ án có vướng mắc, tranh chấp về xác định số lần cho vay, mức lãi suất, số tiền gốc cho vay, số tiền thu lợi bất chính, số tiền hưởng theo quy định pháp luật.
Mặt khác, khi giải quyết vụ án này cần chú ý làm rõ những điểm còn mâu thuẫn trong lời khai của bị can và mối liên hệ giữa lời khai của bị can với các nguồn chứng cứ khác, tránh tình trạng đánh giá chứng cứ một chiều, suy diễn chủ quan, áp đặt. Kiểm sát viên phải tham gia trực tiếp các hoạt động điều tra như hỏi cung bị can, lấy lời khai người liên quan và các hoạt động điều tra khác; kiểm sát chặt chẽ các hoạt động điều tra đảm bảo tuân thủ đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2021. Đối với những vụ án không thu được chứng cứ vật chất, thì khi hỏi cung bị can, người liên quan cần tiến hành biện pháp ghi âm, ghi hình để làm chứng cứ, tránh trường hợp bị can, người liên quan thay đổi lời khai, gây khó khăn cho quá trình truy tố, xét xử. Thông qua việc phối hợp, kiểm sát việc thu thập chứng cứ, hỏi cung, Kiểm sát viên cần trao đổi và tiếp tục phối hợp với Điều tra viên tiến hành các biện pháp nghiệp vụ khác để chứng minh, mở rộng đối tượng phạm tội nhằm kịp thời xử lý theo quy định của pháp luật.
Thứ tư, đề ra bản yêu cầu điều tra với những nội dung cụ thể, có ý nghĩa cho việc giải quyết vụ án.
Trong giai đoạn điều tra, sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, Kiểm sát viên phải kịp thời đề ra yêu cầu điều tra. Nội dung yêu cầu điều tra phải đầy đủ nội dung, chặt chẽ nhằm giúp Điều tra viên có định hướng trong quá trình điều tra. Để ban hành bản yêu cầu điều tra có chất lượng và đủ căn cứ pháp lý, Kiểm sát viên cần có nhận thức đúng đắn và tuân thủ các quy định của pháp luật, của ngành. Việc đề ra yêu cầu điều tra cần bám sát nội dung diễn biến vụ án như các dấu hiệu cấu thành cơ bản, tính chất mức độ của hành vi phạm tội, xác định đồng phạm, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ. Đối với Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự thì Kiểm sát viên cần tập trung yêu cầu làm rõ số tiền vay, mức lãi suất, ngày vay, ngày trả, cách tính lãi, các loại phí, số tiền đã thu được, chưa thu được; người vay tiền sử dụng tiền vay vào mục đích gì, ai là người thực hiện hành vi phạm tội. Tất cả nội dung trên có ý nghĩa quan trọng trong việc chứng minh tội phạm, xử lý vật chứng và quyết định hình phạt đối với người phạm tội.
Sau khi ban hành yêu cầu điều tra, Kiểm sát viên cần thường xuyên theo dõi, đôn đốc Điều tra viên thực hiện theo đúng yêu cầu, trường hợp Điều tra viên không thực hiện cần báo cáo lãnh đạo thực hiện việc kiến nghị hoặc thay đổi Điều tra viên theo quy định của pháp luật.
Thứ năm, phát hiện các dấu hiệu tội phạm liên quan đến hoạt động tín dụng đen.
Thời gian qua, hoạt động cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự diễn ra nhiều, khi người vay vi phạm nghĩa vụ trả nợ người cho vay thường có hành vi đe dọa, bắt giữ, gây thương tích đối với người đi vay nhằm gây áp lực đối với người vay và gia đình họ để buộc họ phải tìm mọi cách để trả nợ. Đây là nguyên nhân chính làm phát sinh nhiều loại tội phạm khác xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, xâm phạm tài sản của người khác. Chính vì vậy, thông qua việc điều tra vụ án cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, quá trình tiến hành hỏi cung lấy lời khai, thu tập tài liệu, chứng cứ Kiểm sát viên cần xem xét các dấu hiệu của một số tội phạm có liên quan có thể phát sinh từ hoạt động cho vay lãi nặng. Do đó, cần yêu cầu điều tra, xác minh làm rõ các dấu hiệu của một số tội có thể phát sinh từ hoạt động cho vay như: Hành vi bắt giữ người trái pháp luật, cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản, đe dọa giết người… để kịp thời phát hiện xử lý nghiêm minh đối tượng phạm tội.
Thứ sáu, đề xuất ban hành kiến nghị vi phạm, kiến nghị phòng ngừa thông qua việc điều tra xử lý Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự
Để tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm của công dân trong quá trình đấu tranh, phát hiện tội phạm cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, thông qua công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa, nhất là các phiên tòa lưu động, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về hoạt động cho vay trong các giao dịch dân sự để người dân chấp hành quy định của pháp luật. Cập nhật, thông báo những phương thức, thủ đoạn cho vay nặng lãi, lừa đảo thông qua huy động vốn tự phát với lãi suất cao bất thường, các hành vi đòi nợ trái pháp luật, hậu quả của “tín dụng đen” và các vụ, việc nghiêm trọng liên quan đến vỡ hụi, biêu, phường... để người dân biết, từ đó nâng cao cảnh giác và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. Vận động người dân không tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp các hoạt động cho vay lãi nặng, “tín dụng đen” hoặc lợi dụng kinh doanh dịch vụ cầm đồ, đòi nợ, kinh doanh tài chính để vi phạm pháp luật.
Kiến nghị các cơ quan có liên quan có trách nhiệm kịp thời phối hợp trong việc cung cấp thông tin, tài liệu chứng cứ nhằm phục vụ cho quá trình điều tra, xử lý tội phạm.