CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Kết quả công tác xây dựng pháp luật, triển khai thi hành pháp luật năm 2017 của ngành Kiểm sát nhân dân

09/05/2018
Cỡ chữ:   Tương phản
Năm 2017, trên cơ sở Nghị quyết số 67/2013/QH13 ngày 29/11/2013 của Quốc hội “Về việc tăng cường công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành” ...

Năm 2017, trên cơ sở Nghị quyết số 67/2013/QH13 ngày 29/11/2013 của Quốc hội “Về việc tăng cường công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành” (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 67), Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 28/12/2016 của Viện trưởng VKSND tối cao về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2017, Kế hoạch số 03/KH-VKSTC ngày 28/12/2016 về Kế hoạch công tác trọng tâm của VKSND tối cao năm 2017, toàn ngành Kiểm sát nhân dân đã nỗ lực đẩy mạnh công tác xây dựng pháp luật, triển khai thi hành pháp luật và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

1. Về công tác xây dựng các luật, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Năm 2017, mặc dù không được giao trách nhiệm chủ trì xây dựng các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, VKSND  tối cao đã chủ động, tích cực phối hợp với các các bộ, ngành hữu quan (TAND tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước) và các Ủy ban của Quốc hội (Ủy ban Tư pháp; Ủy ban Pháp luật; Ủy ban Quốc phòng, An ninh; Ủy ban Kinh tế) với tư cách thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập trực tiếp xây dựng 09 dự án Luật và 03 dự thảo Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong đó, có 04 dự án Luật và 02 dự thảo Nghị quyết trong lĩnh vực tư pháp liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của VKSND đã được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp Thứ 3 với tỷ lệ biểu quyết nhất trí cao (gần 90% trở lên), bao gồm: (1) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015; (2) Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; (3) Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; (4) Luật Trợ giúp pháp lý; (5) Nghị quyết số 41/2017/QH14 về việc thi hành Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 và về hiệu lực thi hành của Bộ luật tố tụng hình sự số 101/2015/QH13, Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13; (6) Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, VKSND tối cao cũng đã phối hợp xây dựng dưới hình thức nghiên cứu, góp ý 06 dự án luật khác do các bộ, ngành hữu quan chủ trì soạn thảo1.

Nhìn chung, công tác phối hợp xây dựng các luật, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội được VKSND tối cao thực hiện chủ động, nghiêm túc, bảo đảm tuân thủ trình tự, thủ tục theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015; tham gia đầy đủ các cuộc họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập, hội nghị, hội thảo. Ý kiến góp ý của VKSND tối cao được các bộ, ngành hữu quan đánh giá cao và được nghiên cứu, tiếp thu nghiêm túc trong quá trình chỉnh lý, hoàn thiện các dự án luật, nghị quyết.

2. Công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Nhằm quán triệt, triển khai đầy đủ, tổ chức thi hành kịp thời, hiệu quả các đạo luật về tư pháp được Quốc hội khóa XIII, XIV thông qua và các nghị quyết thi hành2, Viện trưởng VKSND tối cao đã chỉ đạo toàn Ngành tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 03/CT-VKSTC ngày 12/01/2016 của Viện trưởng VKSND tối cao về triển khai thi hành Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự trong ngành Kiểm sát nhân dân; Kế hoạch số 05/KH-VKSTC ngày 12/01/2016 về việc thực hiện Chỉ thị số 03/CT-VKSTC ngày 12/01/2016; Kế hoạch số 39/KH-VKSTC ngày 28/3/2016 về tập huấn 07 đạo luật trong ngành Kiểm sát nhân dân; khẩn trương xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch số 81/KH-VKSTC ngày 18/7/2017 về việc tổ chức Hội nghị thông báo nhanh nội dung các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 3 liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của VKSND; Kế hoạch số 90/KH-VKSTC ngày 10/8/2017 về việc triển khai thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp Thứ 3 liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của VKSND với 07 nội dung cơ bản: (1) Tổ chức Hội nghị trực tuyến thông báo nhanh các luật, nghị quyết; (2) Tổ chức tập huấn nội dung các luật, nghị quyết; (3) Xây dựng văn bản và tài liệu hướng dẫn thực hiện quy định của các luật, nghị quyết; (4) Kiện toàn tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ; (5) Biên soạn lại giáo trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng; (6) Bảo đảm cơ sở vật chất cho việc thi hành các luật, nghị quyết; (7) Tuyên truyền, phổ biến các luật, nghị quyết và việc triển khai thực hiện.

Trên cơ sở đó, công tác quán triệt, tập huấn những nội dung mới cơ bản của các luật, nghị quyết đã được triển khai, thực hiện kịp thời, hiệu quả trong toàn hệ thống VKSND với nhiều hình thức phong phú, linh hoạt như Hội nghị trực tuyến, Hội nghị thông báo nhanh, Hội nghị trực tiếp, sinh hoạt chuyên đề… Qua đó, tạo thuận lợi cho đội ngũ Kiểm sát viên, Điều tra viên, công chức khác, viên chức của VKSND nhận thức một cách sâu sắc để vận dụng đúng đắn, thống nhất nội dung của các luật, nghị quyết, nhất là những nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của VKSND trong thực tiễn công tác chuyên môn, nghiệp vụ của mình.

Bên cạnh đó, công tác tổ chức tiến hành rà soát để sửa đổi, bổ sung chế độ báo cáo, hệ thống biểu mẫu, văn bản tố tụng nghiệp vụ, hệ thống quy chế nghiệp vụ, quyết định, chỉ thị, hướng dẫn và các văn bản khác trong nội bộ Ngành, bảo đảm triển khai hiệu quả các bộ luật, luật cũng được tiến hành khẩn trương, tích cực. Kết quả là, VKSND tối cao đã tiến hành xây dựng mới, sửa đổi, bổ sung 22 quy chế, quy định và các văn bản khác trong nội bộ Ngành, 448 mẫu văn bản tố tụng thuộc 08 lĩnh vực công tác.

Để việc triển khai thi hành Bộ luật hình sự năm 2015 được kịp thời, hiệu quả, VKSND tối cao đã chủ động ban hành Công văn số 3010/VKSTC-V14 ngày 09/8/2017 hướng dẫn thực hiện một số nội dung trong Nghị quyết số 41/2017/QH14 của Quốc hội về thi hành Bộ luật Hình sự năm 2015; Xây dựng và phối hợp với Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP.Hồ Chí Minh xuất bản cuốn so sánh Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) với Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); phối hợp xây dựng dự thảo Kế hoạch của Chính phủ về việc triển khai thi hành Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi); phối hợp cùng Bộ Tư pháp biên soạn tài liệu tập huấn chuyên sâu Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi) theo sự phân công của cơ quan chủ trì.

Trên cơ sở quy định mới của pháp luật, toàn Ngành đã tiến hành đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ bảo đảm thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ. Cụ thể, đã kiện toàn tổ chức bộ máy của Viện kiểm sát quân sự Trung ương và của các đơn vị: Thanh tra VKSND tối cao3, Văn phòng VKSND tối cao; Cơ quan điều tra VKSND tối cao và các Viện nghiệp vụ thuộc VKSND cấp cao đảm bảo các đơn vị, VKSND thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định mới của pháp luật; xây dựng bộ đề thi tuyển các chức danh tư pháp theo yêu cầu của các đạo luật mới; tổ chức thi tuyển, bổ nhiệm các chức danh tư pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công chức trực tiếp làm nhiệm vụ công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong ngành KSND; thực hiện tốt công tác tổ chức biên soạn lại hệ thống giáo trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng; tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên sâu về các đạo luật mới tại Trường Đại học kiểm sát Hà Nội và Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP. Hồ Chí Minh.

Thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung các đạo luật, nghị quyết, các cơ quan báo chí của Ngành đã đăng tải nhiều tin bài giới thiệu, phân tích những điểm mới trong các đạo luật, nghị quyết nhằm tạo sự thống nhất trong nhận thức.

Năm 2017, công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội được tiến hành khẩn trương, chặt chẽ, đồng bộ trên cơ sở kế hoạch cụ thể, khoa học. Theo đó, đã tạo sự nhận thức thông suốt từ VKSND tối cao tới các VKSND cấp dưới, nâng cao tinh thần chủ động, trách nhiệm của Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Điều tra viên, cán bộ điều tra trong áp dụng, thực thi nhiệm vụ đảm bảo đúng quy định của pháp luật, đạt chỉ tiêu, yêu cầu đặt ra, góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp. Công tác tập huấn các luật, nghị quyết được tiến hành bài bản, qua nhiều bước với các hình thức phong phú, đa dạng, bảo đảm tính chuyên sâu; thành phần tham dự được mở rộng đến toàn thể công chức của Ngành. Báo cáo viên là những người trực tiếp tham gia soạn thảo luật, nghị quyết nắm vững những nội dung mới và có khả năng truyền đạt. Việc xây dựng tài liệu tập huấn được chuẩn bị kỹ lưỡng, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, học tập luật, nghị quyết của toàn Ngành. Các đơn vị VKSND cấp dưới được giao nhiệm vụ triển khai thi hành luật, nghị quyết đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của VKSND tối cao, hoạt động rất tích cực, triển khai bài bản, chặt chẽ, khoa học. Công tác triển khai thi hành luật, nghị quyết có sự phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành hữu quan bảo đảm sự thống nhất cao trong nhận thức pháp luật.

3. Kết quả công tác xây dựng văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Năm 2017, VKSND tối cao đã tích cực chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành hữu quan rà soát, xây dựng 11 văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, bao gồm: 01 nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập VKSND thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hoá phục vụ việc triển khai thi hành Luật tổ chức VKSND năm 2014; 01 quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Danh mục bí mật nhà nước độ “Tuyệt mật” và “Tối mật” trong ngành Kiểm sát nhân dân và 01 thông tư về Danh mục bí mật Nhà nước độ “Mật” trong ngành Kiểm sát nhân dân phục vụ việc việc thi hành Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước; 08 thông tư liên tịch phục vụ việc triển khai thi hành Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.

Đối với các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong lĩnh vực tư pháp do các bộ, ngành chủ trì soạn thảo, VKSND tối cao đã tích cực phối hợp xây dựng theo hình thức cử thành viên trực tiếp tham gia Ban soạn thảo, Tổ biên tập của 03 nghị định, 10 thông tư liên tịch; phối hợp xây dựng theo hình thức nghiên cứu, góp ý 06 nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao, 08 nghị định của Chính phủ và 14 thông tư. 

Năm 2017, VKSND tối cao đã quán triệt, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 67/2013/QH13 của Quốc hội về việc rà soát các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực từ ngày 01/01/2014 để xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Trên cơ sở kết quả rà soát hiệu lực thi hành các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, VKSND tối cao đã chủ động chủ trì hoặc phối hợp với các bộ, ngành hữu quan xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, bảo đảm việc tuân thủ đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các nghị quyết của Quốc hội về hình thức văn bản; thẩm quyền ban hành; trình tự, thủ tục và thứ bậc hiệu lực pháp lý; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Kỹ thuật soạn thảo, nội dung các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đáp ứng yêu cầu cụ thể, rõ ràng, không sao chép lại những nội dung quy định của luật, pháp lệnh, nghị quyết và chỉ quy định chi tiết những điều, khoản được luật, pháp lệnh, nghị quyết giao; bảo đảm tính khả thi, giảm thiểu tối đa tình trạng quy định chung chung mang tính nguyên tắc, khó thực hiện; nâng cao trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, tạo sự chuyển biến tích cực trong quan hệ phối hợp giữa các cơ quan tư pháp trong giải quyết và kiểm sát việc giải quyết các vụ việc; kịp thời hướng dẫn, xử lý những vướng mắc phát sinh trong thực tiễn áp dụng pháp luật của các cơ quan tư pháp nói chung và của VKSND nói riêng. Theo đó, đã góp phần tích cực đưa các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào thực tiễn cuộc sống nói chung và thực tiễn công tác của ngành KSND nói riêng./.



             1 Bao gồm: (1) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động; (1) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng; (3) Luật Tố cáo (sửa đổi); (4) Luật Cạnh tranh (sửa đổi); (5) Luật Công an xã; (6) Luật Cảnh vệ
            2 Quốc hội khóa XIII, kỳ họp Thứ 10 đã thông qua 07 đạo luật về tư pháp, gồm: (1) Bộ luật hình sự, (2) Bộ luật tố tụng hình sự, (3) Bộ luật dân sự, (4) Bộ luật tố tụng dân sự, (5) Luật tố tụng hành chính, (6) Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự, (7) Luật thi hành tạm giữ, tạm giam và các Nghị quyết thi hành
            3 Đã thành lập Thanh tra VKSND cấp tỉnh tại 42 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

ThS. Lại Thị Thu Hà

Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học
 

Tìm kiếm