CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Về việc giải quyết vụ án cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự theo quy định tại Điều 201 Bộ luật Hình sự

30/09/2019
Cỡ chữ:   Tương phản
Trong những năm gần đây, nền kinh tế thị trường phát triển mạnh mẽ đã đem lại nhiều đổi thay cho đời sống xã hội, nhưng mặt trái của kinh tế thị trường cũng ảnh hưởng không nhỏ...

Trong những năm gần đây, nền kinh tế thị trường phát triển mạnh mẽ đã đem lại nhiều đổi thay cho đời sống xã hội, nhưng mặt trái của kinh tế thị trường cũng ảnh hưởng không nhỏ đến trật tự an toàn xã hội, cụ thể đã làm xuất hiện một số loại tội phạm mới trong đó có tội phạm liên quan đến hoạt động đầu tư cho vay tài chính được gọi là “tín dụng đen” đã gây ra những hệ lụy nặng nề, khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh “khuynh gia bại sản”, sống cùng quẫn trong nợ nần chồng chất. Các hành vi đòi nợ kiểu “xã hội đen” còn có thể dẫn đến phát sinh một số tội phạm khác như: Cướp tài sản, Cưỡng đoạt tài sản, Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, Bắt giữ người trái pháp luật... khi các con nợ không trả tiền.

Mặc dù tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp, song việc xử lý đối với các hành vi liên quan đến “tín dụng đen” còn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong đó vướng mắc lớn nhất là các quy định pháp luật đối với tội phạm này chưa có văn bản hướng dẫn trong thực tiễn, cho nên số lượng các vụ án điều tra, truy tố, xét xử đối với loại tội này vẫn chiếm tỷ lệ thấp.

Qua công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử vụ án Đào Quang T phạm tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” theo quy định tại Điều 201 Bộ luật Hình sự, Viện kiểm sát nhân dân quận Hồng Bàng thấy còn vướng mắc cả trong thực tiễn và trong việc áp dụng lý luận như sau:

Về lý luận, cấu thành tội phạm quy định tại khoản 1 Điều 201 Bộ luật Hình sự “Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng...”.

Điều 468 Bộ luật Dân sự quy định: “Lãi suất do các bên thỏa thuận, trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/ năm của khoản tiền vay...”

Như vậy để khởi tố một người có hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự thì phải đáp ứng về mức lãi suất “gấp 5 lần”đồng thời thu lời bất chính phải từ “30.000.000 đồng ...” trở lên.

Trong thực tiễn đời sống xã hội, khi bản thân người đầu tư không đủ năng lực tài chính cho hoạt động sản xuất, kinh doanh đồng thời năng lực của hệ thống ngân hàng và các định chế tài chính khác chưa đáp ứng được nhu cầu vay của người dân thì việc tìm đến quan hệ vay – nợ là tất yếu. Chỉ khi cho vay lãi nặng đến mức “bóc lột” thì mới cần đến sự điều chỉnh của pháp luật Hình sự.

Thực tế, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Hồng Bàng phát hiện một số hoạt động liên quan đến cho vay lãi nặng như bắt giữ người trái pháp luật, gây thương tích… nhưng không xử lý được bằng việc xem xét trách nhiệm hình sự đối với tội Cho vay lãi nặng mà buộc phải xử lý hành chính hoặc xử lý sang tội phạm khác. Nhưng bằng sự nỗ lực trong đấu tranh phòng chống tội phạm các Cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn quận Hồng Bàng đã khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử được 01 vụ/01 bị cáo về tội  “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”. Tuy nhiên, còn rất nhiều những quan điểm trái chiều khi giải quyết vụ án, cụ thể như: Cách tính khối lượng buộc tội, số tiền thu lợi bất chính, chứng cứ vật chất để giải quyết vụ án còn thiếu và việc thay đổi lời khai là hoàn toàn có thể xảy ra. Trong vụ án mà chúng tôi đã giải quyết, khi khám xét nhà đối tượng thu được hơn năm mươi hợp đồng và rất nhiều các loại giấy tờ khác liên quan nhưng quá trình đấu tranh với đối tượng và người vay tiền thì chỉ xem xét trách nhiệm hình sự được 05 hợp đồng trên tổng số 50 hợp đồng trong thời điểm Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực pháp luật (từ 01/01/2018 đến nay) để khởi tố đối với bị can, cụ thể: Hợp đồng 1 bị can cho vay số tiền gốc 170.000.000 đồng từ  30/3/2018 đến 30/7/2018, , thu lãi 41.200.000 đồng; Hợp đồng 2 cho vay 100.000.000 đồng từ 01/01/2018 đến 01/7/2018, thu lãi 54.000.000 đồng; Hợp đồng 3 cho vay 50.000.000 đồng từ 01/01/2018 đến 01/4/2018, thu lãi 13.500.000 đồng; Hợp đồng số 4 và 5 cho cùng một người vay 100.000.000 đồng từ 15/4/2018 đến 15/6/2018 và 22/7/2018 đến 22/8/2018, thu lãi 13.500.000 đồng (số lãi thu này chưa tính trừ đi 20% giá trị tài sản vay được pháp luật bảo vệ). Quá trình điều tra, sau khi cùng Cơ quan điều tra phân loại Kiểm sát viên đã cùng Điều tra viên thống nhất một số biện pháp điều tra để xác định sự thật khách quan của vụ án trong đó phải chú ý đến đặc điểm nhân thân của người có quyền lợi liên quan; gửi công văn đến Ngân hàng Nhà nước, giám định chữ viết, đối chất. Kết quả đã truy tố bị can ra trước Tòa án nhân dân quận Hồng Bàng để xét xử về tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự theo quy định tại Điều 201 Bộ luật Hình sự. Trong quá trình giải quyết vụ án chúng tôi thấy:

- Về cấu thành tội phạm: Đa số các hợp đồng chưa đủ đáp ứng yêu cầu thứ hai về số tiền thu lời bất chính từ 30.000.000 đồng trở lên.

-Về cách tính số tiền thu lời bất chính có các quan điểm:

Quan điểm thứ nhất: Số tiền thu lợi bất chính là cộng tất cả các loại lãi mà bị cáo đã thu  trên tất cả các hợp đồng truy tố, không trừ đi 20% giá trị tài sản vay được pháp luật bảo vệ.

Quan điểm thứ hai: Số tiền thu lời bất chính được trừ đi 20% giá trị tài sản vay được pháp luật bảo vệ và cộng tất cả các hợp đồngtrong diện truy tố.

Quan điểm thứ ba: Trừ 20% được pháp luật cho phép và chỉ truy tố hợp đồng nào đủ cấu thành cơ bản theo quy định tại khoản 1 Điều 201 Bộ luật Hình sự.

- Về đường lối xử lý với số tiền thu lời bất chính: Đây là một loại tội phạm mới, lần đầu tiên được điều tra, truy tố và xét xử tại Hải Phòng, chưa có văn bản hướng dẫn nhưng Viện kiểm sát nhân dân quận Hồng Bàng đã nghiên cứu áp dụng, cụ thể các vấn đề được giải quyết như sau:

Về tính khối lượng buộc tội cộng tất cả các hợp đồng sau khi trừ đi 20%của giá trị tài sản vay được pháp luật bảo vệ.

Về số tiền gốc căn cứ theo quy định Điều 47 Bộ luật Hình sự, Điều 106 Bộ luật Hình sự, coi đây là phương tiện phạm tội nên tịch thu của bị cáo sung quỹ Nhà nước tất cả số tiền gốc mà bị cáo cho người vay vay. Nếu khoản gốc mà người vay chưa trả cho bị cáo thì khoản này sẽ phải buộc người vay nộp vào Ngân sách nhà nước.

Về số tiền thu lợi bất chính chia làm hai mốc lãi suất:

+ Từ 0% đến 20% buộc bị cáo phải nộp sung quỹ nhà nước vì coi đây là tiền phát sinh từ hành vi phạm tội;

+ Từ phần trăm 21% đến 108% thì khoản thu lời bất chính này sẽ được chia làm hai mục. Với khoản vay mà người vay có lý do chính đáng như đóng tiền học, xây nhà cửa hoặc tiền viện phí... thì sẽ được trả lại cho người vay. Còn khoản vay mà người vay sử dụng để chơi cờ bạc, ăn tiêu không có lý do chính đáng thì sẽ sung quỹ nhà nước số tiền trên.

Trong khi chờ hướng dẫn chính thức của Hội đồng thẩm phán Tòa  án nhân dân tối cao, quan điểm cá nhân của tác giả cho rằng việc tịch thu tất cả số tiền gốc là không thỏa đáng. Bởi lẽ đây là loại tội ít nghiêm trọng có khung hình phạt cao nhất đến ba năm. Mặt khác đây là giao dịch dân sự, là sự tự nguyện vay mượn của hai bên, không ai ép buộc. Thực tế có người đi vay của Ngân hàng, sau đó cho người khác vay lại để hưởng chênh lệch. Vậy lý do tại sao lại tịch thu tất cả số tiền gốc? Bên cạnh đó khi năng lực tài chính của Ngân hàng không đáp ứng hoặc thủ tục cho vay của Ngân hàng quá rườm rà, không đáp ứng được nhu cầu của người dân buộc người dân phải tìm đến hình thức vay mượn này. Nếu như giao dịch là tự nguyện, dựa trên thỏa thuận và không trái pháp luật thì các hợp đồng cho vay hoàn toàn giải quyết được nhu cầu vốn của người dân, qua đó giúp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế.

Lê Thị Kiều Dung, VKSND quận Hồng Bàng

(Theo Trang thông tin điện tử VKSND thành phố Hải Phòng)

 

 

Tìm kiếm