CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Hạn chế, bất cập trong xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về nghĩa vụ quân sự

12/09/2019
Cỡ chữ:   Tương phản
Thời gian gần đây, tỉ lệ thanh niên không chấp hành pháp luật nghĩa vụ tại huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định có chiều hướng gia tăng; tuy nhiên, việc xử lý còn chậm, thiếu tính...

Thời gian gần đây, tỉ lệ thanh niên không chấp hành pháp luật nghĩa vụ tại huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định có chiều hướng gia tăng; tuy nhiên, việc xử lý còn chậm, thiếu tính giáo dục và răn đe, nhiều trường hợp thể hiện sự lúng túng, thậm chí bế tắc trong khâu xử lý hình sự

Trong những năm qua, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định luôn được đánh giá là đơn vị dẫn đầu trong việc hoàn thành chỉ tiêu giao quân hàng năm; tuy nhiên gần đây, tình trạng thanh niên không chấp hành pháp luật nghĩa vụ có biểu hiện gia tăng; trong đó trường hợp không chấp hành lệnh khám sức khoẻ gia tăng đột biến, từ 128 trường hợp (năm 2018) lên 379 trường hợp (năm 2019), có trường hợp tái phạm đến 03 lần; năm 2018, có 03 xã lập hồ sơ, báo cáo kiến nghị xử lý hình sự đối với 11 trường hợp vi phạm có tính chất tái phạm, trong đó có 06 trường hợp vi phạm do không chấp hành lệnh khám sức khỏe.

Đâu là nguyên nhân?

Theo chủ thể xử phạt vi phạm hành chính cũng như các cơ quan tiến hành tố tụng cấp huyện, việc xác lập hồ sơ ban đầu để xử lý thanh niên vi phạm thuộc trách nhiệm của cấp cơ sở; tuy nhiên, do trình độ và năng lực của một số xã đội trưởng còn hạn chế nên thiếu chặt chẽ, quy trình còn thiếu nhưng không thể khắc phục được. Sự hạn chế này dẫn đến tuy hành vi vi phạm (trốn lệnh nhập ngũ) đã được quy định trong Bộ luật Hình sự nhưng thiếu sót trong khâu lập thủ tục nên không thể xử lý được; có trường hợp hồ sơ tương đối chặt chẽ nhưng hành vi vi phạm chưa được quy định trong Bộ luật Hình sự dẫn đến tình trạng lúng túng, hay nói đúng hơn là bế tắc trong quá trình xử lý về hình sự, nhất là đối với các trường hợp không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe.

Việc quyết định xử phạt vi phạm hành chính nói chung, đối với hành vi không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe nói riêng, chủ thể xử phạt là chủ tịch UBND các xã, thị trấn chưa thực hiện đúng nguyên tắc về xử phạt (tính chất, mức độ; hậu quả và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ) từ đó nảy sinh tình trạng cào bằng, trung bình trong xử phạt.

Ngoài ra, quy định về xử phạt, trong đó có mức xử phạt vi phạm pháp luật nghĩa vụ quân sự đã khá lạc hậu không đáp ứng được yêu cầu phòng, chống vi phạm pháp luật. Dễ nhận thấy, sở dĩ các trường hợp bị xử phạt dù nặng hay nhẹ; dù xử phạt ở mức cao nhất hay trung bình của khung xử phạt cũng không nảy sinh tình trạng khiếu nại quyết định xử phạt. Cũng có lẽ, do mức phạt tối đa đối với hành vi không chấp hành lệnh nhập ngũ cũng chỉ 2,5 triệu đồng, chênh lệch khoản cách giữa các khung cũng chỉ 500.000đ; mức phạt tối đa đối với hành vi không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe cũng chỉ 1,2 triệu đồng, chênh lệch giữa các khung chỉ 200.000 đồng.

Có thể nói, chế tài xử phạt và khoản cách giữa các khung phạt như quy định hiện nay còn khá thấp. Có trường hợp không chấp hành lệnh khám sức khỏe 03 năm liên tục nhưng chỉ bị phạt tổng cộng 3,4 triệu đồng (cho lần xử phạt đầu tiên được đánh giá là không có tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ 1 triệu đồng; cho 02 lần tiếp theo được đánh giá là tái phạm, áp dụng mức khung tăng nặng 1,2 triệu đồng/ lần); có trường hợp, năm trước bị xử phạt hành chính về hành vi không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ bị phạt 2,5 triệu đồng, năm sau đó vi phạm về hành vi không chấp hành lệnh khám sức khỏe, bị phạt 1,2 triệu đồng. Điều đó cho thấy, người vi phạm đã cố tình “lách luật” bằng cách hoặc chỉ vi phạm không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe với mức phạt thấp hơn; hoặc trốn theo kiểu “giã gạo”, nếu năm trước bị xử phạt về hành vi không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ thì năm sau không chấp hành lệnh khám sức khỏe (sẽ không bị xử lý hình sự và mức phạt sẽ thấp hơn).

Quy định về xử lý hình sự đối với các trường hợp không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe mang tính chất tái phạm thiếu tính thống nhất giữa Bộ luật Hình sự 2015 và Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 dẫn đến ách tắc, không xử lý hình sự được. Năm 2018, UBND các xã, thị trấn đã lập thủ tục và đề nghị cơ quan cảnh sát điều tra huyện xử lý hình sự 11 trường hợp. Tuy nhiên, hầu hết các cơ quan tiến hành tố tụng đều cho rằng cơ sở xác định trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 2 Bộ luật Hình sự năm 2015 là “Chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự”. Điều đó cũng có nghĩa là, chỉ được xử lý hình sự những hành vi đã được quy định trong Bộ luật Hình sự.

Khoản 1 Điều 332 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: “Người nào không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tính mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữu đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm”. Như vậy, đối chiếu với quy định mang tính liệt kê trên thì về mặt khách quan của tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự chỉ 03 hành vi độc lập (không đăng ký, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, không chấp hành lệnh gọi tập trung huấn luyện); hành vi không chấp hành lệnh khám sức khỏe chưa được quy định trong Bộ luật Hình sự 2015 và được hiểu là độc lập với hành vi “không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự” như quy định tại Khoản 1 Điều 332 Bộ luật Hình sự.

Trong khi đó, tại Khoản 8 Điều 3 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 quy định “Trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự là hành vi không chấp hành lệnh gọi đăng ký nghĩa vụ quân sự; lệnh gọi khám sức khoẻ nghĩa vụ quân sự; lệnh gọi nhập ngũ; lệnh gọi tập trung huấn luyện, diễn tập…”. Tại Nghị định số 13/2016/NĐ-CP ngày 19/2/2016 của Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục đăng ký, kiểm tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự thì việc sau khi công dân đăng ký, Ban chủ huy quân sự cấp giấy chứng nhận đăng ký nghĩa vụ quân sự cho công dân; Chương 2 của Nghị định quy định về trình tự, thủ tục đăng ký nghĩa vụ quân sự; tuy nhiên, việc gọi công dân khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự không được đề cập như một bước thủ tục, quy trình của sau việc đăng ký nghĩa vụ quân sự. Như vậy, việc gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự được thực hiện sau khi đăng ký nghĩa vụ quân sự; là bước trung gian, mang tính độc lập giữa đăng ký nghĩa vụ quân sự và gọi công dân nhập ngũ. Do đó, việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự không được xem là tình tiết “đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm”.

Cần sớm sửa đổi, bổ sung chế tài xử phạt

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc thực thi pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm pháp luật nghĩa vụ quân sự, cần sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định số 120/2013/NĐ-CP ngày 09/10/2013 của Chính phủ theo hướng nâng mức phạt tiền, tăng khoảng cách giữa các mức phạt đối với hành vi không chấp hành lệnh gọi khám sức khoẻ để bảo đảm tính răn đe.

Về xử lý hình sự đối với hành vi không chấp hành lệnh khám sức khỏe có yếu tố tái phạm, cần sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 332 Bộ luật Hình sự theo hướng liệt kê thêm hành vi không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe; đồng thời sửa đổi quy định tại Chương 2, Nghị Định số 13/2016/NĐ-CP ngày 19/2/2016 của Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục đăng ký, kiểm tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự theo hướng: Hoặc bổ sung cụm từ “và các hành vi vi phạm pháp luật nghĩa vụ quân sự khác” (bao hàm cả hành vi không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe); hoặc lấy nguyên tắc trường hợp có xung đột thì ưu tiên sử dụng luật chuyên ngành quy định trong Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật 2015 để tháo gỡ vướng mắc.

Trước mắt, các cơ quan chức năng cần sớm có văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật theo Điều 332 Bộ luật Hình sự, Điều 3 Luật Nghĩa vụ quân sự về tội trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự, làm cơ sở cho việc xử lý đúng pháp luật, bảo đảm nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa, góp phần phục vụ nhiệm vụ chính trị tại các địa phương trong cả nước nói chung, tại huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định nói riêng.

Ths. Phạm Dân - Trưởng ban Pháp chế HĐND huyện Hoài An

(Theo kiemsat.vn)

 

 

Tìm kiếm