Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 góp phần quan trọng trong việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự nói chung và...
Những thuận lợi và khó khăn, vướng mắc
trong việc giải quyết các vụ án tham nhũng
Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 góp phần quan trọng trong việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự nói chung và tội phạm tham nhũng nói riêng. BLHS năm 2015 quy định chủ thể của tội phạm tham nhũng theo hướng mở rộng hơn, quy định cụ thể về định lượng đối với hành vi chiếm đoạt, gây thiệt hại. Đây là những thuận lợi để các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng xử lý hành vi tham nhũng thống nhất, hiệu quả.
Những quy định mới của Bộ luật Hình sự năm 2015 thuận lợi để xử lý tội phạm tham nhũng, bao gồm:
- Không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với: Tội tham ô tài sản thuộc trường hợp quy định tại khoản 3, và khoản 4 Điều 353; tội nhận hối lộ quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 354 BLHS năm 2015.
Việc quy định nêu trên phù hợp với thực tiễn công tác đấu tranh phòng chống tội phạm tham nhũng do tính chất đặc thù loại tội phạm này là khó phát hiện.
- Quy định chủ thể tội phạm tham nhũng rộng hơn, dễ áp dụng để xử lý:
Chủ thể của tội phạm tham nhũng, chức vụ theo quy định tại Điều 277 BLHS năm 1999 xác định là người có chức vụ thực hiện trong khi thực hiện công vụ. Nhưng chủ thể của tội phạm tham nhũng, chức vụ theo quy định tại Điều 352 Bộ luật Hình sự năm 2015 được mở rộng hơn là người có chức vụ thực hiện trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ.
Việc quy định thêm chủ thể là người có chức vụ thực hiện trong khi thực hiện nhiệm vụ là quy định tạo điều kiện thuận lợi khi xem xét xác định tội phạm tham nhũng và phù hợp với quy định người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà tham ô tài sản, nhận hối lộ, thì bị xử lý về tội tham ô tài sản và nhận hối lộ.
- Các tội phạm tham nhũng có 07 tội danh theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, bao gồm: Tội tham ô tài sản (Điều 353); tội nhận hối lộ (Điều 354); tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 355); tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 356); tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ (Điều 357); tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi (Điều 358); tội giả mạo trong công tác (Điều 359) được quy định cụ thể về định lượng chiếm đoạt, gây thiệt hại cấu thành cơ bản và tình tiết định khung so với BLHS năm 1999 (chỉ quy định tính gây thiệt hại là: “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” là tình tiết định khung của các tội phạm tham nhũng).
Việc quy định về định lượng chiếm đoạt và gây thiệt hại đối với tội phạm tham nhũng tạo điều kiện thuận lợi khi áp dụng BLHS năm 2015 mà không phải chờ Thông tư hướng dẫn.
Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai thi hành BLHS năm 2015, nhận thấy có một số khó khăn, vướng mắc như sau:
(1) BLHS năm 2015 cơ bản khắc phục những quy định mang tính định tính về các tội phạm tham nhũng nhưng đối với một số tội danh quy định tình tiết định khung vẫn còn khó khăn để áp dụng, cụ thể như:
- Quy định tình tiết định khung “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” tại điểm c khoản 3 Điều 353 (Tội tham ô tài sản) và điểm d khoản 3 Điều 355 (Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản) là hành vi phạm tội có khung hình phạt từ 13 năm đến 20 năm (là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng). Việc xác định tính chất, mức độ gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội như thế nào là do nhận thức, đánh giá chủ quan của các cơ quan tiến hành tố tụng, dễ dẫn đến việc đánh giá áp dụng quy định này không thống nhất, không chính xác.
- Đối với tội nhận hối lộ (điểm b khoản 1 Điều 354) quy định: Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận lợi ích phi vật chất cho chính bản thân người đó hoặc cho tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.
Việc quy định nhận hối lộ là lợi ích phi vật chất sẽ gây khó khăn cho khi xem xét trách nhiệm hình sự do không xác định được tính chất, mức độ của lợi ích phi vật chất, hơn nữa việc nhận là sẽ nhận (tương lai). Do vậy, cần phải có Thông tư hướng dẫn thực hiện, tránh việc đánh giá chủ quan, không thống nhất giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.
(2) Về yếu tố xác định chủ thể của tội phạm tham nhũng, chức vụ theo quy định tại Điều 277 Bộ luật Hình sự năm 1999 xác định là người có chức vụ thực hiện trong khi thực hiện công vụ. Nhưng chủ thể của tội phạm tham nhũng, chức vụ theo quy định tại Điều 352 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã được mở rộng hơn do quy định bổ sung là người có chức vụ thực hiện trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ.
Thực tế áp dụng pháp luật cho thấy hành vi vi phạm của chủ thể là Trưởng thôn, Phó Trưởng thôn thực hiện hành vi giao đất, bán đất, cho thuê đất trái thẩm quyền bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 356).Trong khi đó, theo quy định của Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 có hiệu lực thi hành 01/7/2019 và Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, cho thấy:
+ Tại khoản 2, Điều 3, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 quy định: Người có chức vụ, quyền hạn bao gồm: a) Cán bộ, công chức, viên chức; b) Sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân… d) Những người khác được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó.
+ Khoản 1 Điều 3 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước giải thích người thi hành công vụ là người được bầu cử, phê chuẩn, tuyển dụng vào một vị trí trong cơ quan Nhà nước để thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án hoặc người khác được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ có liên quan đến hoạt động quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án.
Theo Quy chế hoạt động của thôn thì thôn là tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư ở xã và thôn không phải là một cấp chính quyền; Trưởng thôn, Phó Trưởng thôn tuy là người có chức vụ, quyền hạn của tổ chức tự quản nhưng để thực hiện nhiệm vụ mà không có đủ điều kiện là người có chức vụ, quyền hạn để thực hiện công vụ.
Vì vậy, đối với 02 tội danh mà điều luật quy định rõ ràng là phải thực hiện trong khi thi hành công vụ (không quy định nhiệm vụ) đó là: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 356) và tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ (Điều 357) mà trên thực tế hiện nay đang áp dụng có sự bất cập, không thống nhất, cần phải xem xét để áp dụng cho chính xác, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và chính xác giữa quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 và các đạo luật khác.
(3) Đối với các tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ và tội giả mạo trong công tác Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác… thì động cơ, mục đích vì vụ lợi được hiểu là vụ lợi về vật chất và vụ lợi phi vật chất. Như vậy, khi áp dụng quy định mang tính định tính này, sẽ gặp những khó khăn, vướng mắc, hơn nữa, vụ lợi phi vật chất có tính trìu tượng, có thể là vì động cơ, mục đích tích cực và ngược lại. Vì vậy, việc đánh giá, xác định động cơ vụ lợi phi vật chất phụ thuộc vào sự đánh giá mang tính chủ quan của các cơ quan tiến hành tố tụng.
Do vậy, cần phải có hướng dẫn áp dụng pháp luật để làm cơ sở xác định những căn cứ cấu thành tội phạm và xem xét trách nhiệm hình sự theo đúng quy định của pháp luật.
(4) Việc xác định thiệt hại trong các vụ án tham nhũng, chức vụ hiện nay cũng là một vấn đề còn nhiều vướng mắc, đặc biệt là trong các vụ án liên quan đến đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản… Một số vụ án tham nhũng liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản gặp nhiều vướng mắc trong việc xác định thiệt hại do các công trình thi công trong nhiều năm, chưa quyết toán, dẫn đến không thực hiện giám định được. Đây chính là nguyên nhân mà có rất ít các vụ án tham nhũng trong lĩnh vực xây dựng cơ bản được khởi tố để điều tra, truy tố, xét xử trong thời gian qua.
(5) Công tác thu hồi tài sản do tội phạm tham nhũng gây ra hiện đang gặp nhiều khó khăn, khó thu hồi (vì thực tiễn tỷ lệ thu hồi thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu quy định) do vướng mắc của quy định pháp luật. Theo quy định tại khoản 3 Điều 128 và khoản 3 Điều 129 BLTTHS năm 2015 thì chỉ kê biên phần tài sản hoặc phong tỏa tài khoản tương ứng với mức có thể bị phạt tiền, bị tịch thu hoặc phải bồi thường thiệt hại.
Tuy nhiên, trong trường hợp áp dụng việc kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản từ giai đoạn điều tra thì việc xác định phần tài sản tương ứng với mức có thể bị phạt tiền hoặc bồi thường thiệt hại là rất khó khăn, do hoạt động điều tra ban đầu chưa thể xác định được chính xác mức độ thiệt hại để có thể áp dụng việc kê biên, phong tỏa đúng quy định.
Các quy định của pháp luật cần phải đồng bộ và dễ thực hiện hơn theo hướng khi có căn cứ xác định tài sản hình thành có liên quan đến hành vi tham nhũng thì bị kê biên, thời hạn kê biên theo thời hạn điều tra, truy tố, xét xử. Quy định như vậy bảo đảm dễ áp dụng và sẽ bảo vệ quyền lợi của những người liên quan đến phần tài sản không phải do hình thành từ hành vi tham nhũng.
Sau một năm triển khai thi hành BLHS năm 2015, thực tiễn tiến hành tố tụng trên địa bàn thành phố Hà Nội cho thấy việc áp dụng để xử lý hình sự đối với tội phạm tham nhũng bên cạnh những thuận lợi cơ bản, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc cần được tiếp tục tham gia đóng góp và có sự tổng hợp đầy đủ hơn để có những kiến nghị, đề xuất sủa đổi, bổ sung quy định của pháp luật hình sự xử lý đối tội phạm tham nhũng trong thời gian tới./.
Hoàng Lê Thông, Trưởng Phòng 5 VKSND thành phố Hà Nội
(Theo Trang thông tin điện tử VKSND thành phố Hà Nội)