Thông qua công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp trên địa bàn huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc, từ ngày 01/12/2019 cho đến nay, VKSND huyện Lập Thạch...
Thông qua công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp trên địa bàn huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc, từ ngày 01/12/2019 cho đến nay, Viện kiểm sát nhân dân huyện Lập Thạch nhận thấy tình hình an ninh - chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, các hành vi phạm tội đều nhanh chóng được điều tra làm rõ. Tuy nhiên, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn huyện Lập Thạch vẫn diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng, đặc biệt tội phạm sử dụng thủ đoạn lừa nhận bưu phẩm, quà tặng để chiếm đoạt tài sản.
Từ ngày 01/12/2019 đến ngày 15/02/2020, Viện kiểm sát nhân dân huyện Lập Thạch đã thụ lý, kiểm sát việc giải quyết 05 tin báo, tố giác về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong đó có 02 vụ tội phạm sử dụng thủ đoạn lừa nhận bưu phẩm, quà tặng để chiếm đoạt tài sản (chiếm tỉ lệ 40%).
Quá trình điều tra, xác minh cho thấy thủ đoạn gây án là thông qua mạng xã hội, như: Zalo, Facebook… Các đối tượng làm quen, kết bạn và tạo lòng tin với các nạn nhân, đặc biệt là phụ nữ rồi hứa hẹn tặng quà hoặc ngỏ ý giúp đỡ tạo điều kiện để kinh doanh,… Sau khi nạn nhân tin tưởng, các đối tượng thông báo sẽ chuyển tiền hoặc đồ vật có giá trị từ nước ngoài về Việt Nam. Tiếp đó, các đối tượng cho người đóng giả làm nhân viên giao hàng, nhân viên ngân hàng,… gọi điện thoại hoặc nhắn tin thông báo nạn nhân phải chuyển tiền bằng hình thức chuyển khoản tới tài khoản ngân hàng của các đối tượng để làm phí gửi hàng hoặc thủ tục hải quan. Các đối tượng này thường sử dụng chứng minh nhân dân giả để làm thẻ ATM, hay sử dụng sim điện thoại rác, tài khoản Facebook ảo để liên lạc. Điện hình như:
Vụ thứ nhất: Vào khoảng tháng 5/2019, chị Hà Thị L, sinh năm 1986 trú tại Hải Lựu, Sông Lô, Vĩnh Phúc qua mạng xã hội facebook được tài khoản có tên là NICKY ELLA kết bạn, làm quen. Đến ngày 30/11/2019, tài khoản trên chat nói chuyện qua mạng xã hội với chị L và xin địa chỉ nhà để gửi tặng chị một số món quà gồm đồ trang sức, tiền, đồng hồ để làm quen, chị L đã nhắn địa chỉ nhà cho người này. Đến ngày 02/12/2019 có một người phụ nữ gọi điện thoại cho chị L thông báo về việc chị nhận được một bưu phẩm trong có tiền và đồ vật trang sức đắt tiền, chị phải nộp một khoản tiền phí vận chuyển, phí luật sư, phí giấy tờ,… mới có thể nhận được. Sau đó chị L đã làm theo hướng dẫn của người phụ nữ và người có tên facebook trên và gửi số tiền tổng cộng là 211 triệu đồng vào tài khoản cho các đối tượng. Do không nhận được hàng, tiền hoàn trả nên chị L mới biết mình bị lừa và trình báo cơ quan công an.
Vụ thứ hai: Sáng ngày 17/12/2019, chị Nguyễn Thị Tuyết M, sinh năm 1997 trú xã Quang Sơn, huyện Lập Thạch nhận được điện thoại từ một người phụ nữ tự giới thiệu là nhân viên giao hàng ở sân bay Tân Sơn Nhất thông báo chị M nhận được gói hàng gửi từ nước ngoài chuyển về và đề nghị chị M chuyển số tiền 86.400.000đ vào tài khoản với lý do đóng phí hải quan sau đó sẽ được hoàn trả lại tiền. Chị M đã đến Ngân hàng Agribank Lập Thạch gửi số tiền trên, nhưng tới nay vẫn chưa nhận được hàng và tiền hoàn trả nên đã trình báo cơ quan Công an.
Qua tổng hợp các hành vi, thủ đoạn gây án có thể khái quát được 02 nhóm đối tượng câu kết với nhau để thực hiện tội phạm. Nhóm thứ nhất gồm các đối tượng là người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài giả làm người nước ngoài: Các đối tượng này chịu trách nhiệm lập các tài khoản ảo trên mạng xã hội với chân dung là các “ông chủ giàu có, thành đạt, các nhà chính trị gia,...” muốn gặp những hoàn cảnh éo le về gia đình hoặc có ý định làm từ thiện,... để làm quen với người Việt Nam, đặc biệt là phụ nữ có hoàn cảnh độc thân,... Sau khi tạo lòng tin, các đối tượng bày tỏ nguyện vọng muốn gửi về cho các bị hại một số tiền, hiện vật có giá trị cao để giữ dùm hoặc hàng hóa để cứu trợ hay làm quà tặng... Sau đó, các đối tượng xin thông tin của bị hại, như: Họ và tên, địa chỉ liên lạc, số điện thoại và cung cấp những thông tin đó cho nhóm thứ hai là người Việt Nam.
Nhóm thứ hai gồm các đối tượng là người Việt Nam: Để giúp sức cho nhóm đối tượng trên, những người này thường sử dụng thông tin cá nhân giả, sim điện thoại rác để trốn tránh việc truy tìm, xử lý của các cơ quan chức năng. Các đối tượng này chịu trách nhiệm đóng giả là nhân viên của công ty giao hàng, sân bay, ngân hàng thông báo với người bị hại là đã nhận được các bưu phẩm, thùng hàng do người nước ngoài gửi về và yêu cầu các bị hại nộp phí để nhận hàng.
Tình hình tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn lừa nhận bưu phẩm, quà tặng diễn ra ngày càng nhiều, cách thức thực hiện mới và tinh vi, tài sản chiếm đoạt ngày càng có giá trị lớn. Loại tội phạm này hoạt động trên khắp cả nước, nhắm vào nhiều loại đối tượng khác nhau, không những gây tâm lý hoang mang cho người dân mà còn làm mất lòng tin của người dân, đặc biệt là những người phụ nữ mất lòng tin vào cuộc sống. Do cách thức thực hiện hành vi vi phạm, tội phạm là sử dụng công nghệ cao, được thực hiện thông qua các giao dịch, hoạt động trên internet và các trang mạng xã hội có tính ẩn danh nên công tác xác minh, đấu tranh để chứng minh, làm rõ các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội rất khó khăn, việc chứng minh nguồn tiền lừa đảo được chuyển hoá nhiều lần thông qua các tài khoản của các đối tượng cũng phức tạp, đòi hỏi nhiều biện pháp nghiệp vụ dẫn đến thời gian giải quyết bị kéo dài.
Nguyên nhân nảy sinh, gia tăng các vụ, việc vi phạm, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn lừa nhận bưu phẩm, quà tặng thông qua mạng xã hội, internet xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, song chủ yếu là do:
- Công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực này còn nhiều sơ hở, chưa theo kịp với diễn biến của tình hình thực tiễn xã hội. Hệ thống pháp luật về phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao tuy được quan tâm xây dựng, bổ sung, sửa đổi nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
- Một số cơ quan, doanh nghiệp và người dân chưa ý thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác bảo mật cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin, chủ quan với các cảnh báo an ninh, an toàn thông tin mạng. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp chưa chú trọng đến đầu tư hệ thống bảo mật thông tin của đơn vị mình. Khách hàng, người sử dụng mạng xã hội còn chủ quan, mất cảnh giác, không bảo mật thông tin cá nhân dẫn đến bị tội phạm lợi dụng để thực hiện hành vi phạm tội.
- Ý thức phòng ngừa, cảnh giác với các thủ đoạn phạm tội của một số người dân chưa cao.
- Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tới quần chúng nhân dân liên quan tới hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn lừa nhận bưu phẩm, quà tặng chưa được thường xuyên.
Để hạn chế những nguyên nhân, điều kiện dẫn tới tình trạng vi phạm, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn lừa nhận bưu phẩm, quà tặng thông qua mạng xã hội, internet góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn huyện Lập Thạch, VKSND huyện Lập Thạch đề xuất một số biện pháp hạn chế loại tội phạm này như sau:
1. Đối với UBND các xã, thị trấn: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn lừa nhận bưu phẩm, quà tặng qua mạng xã hội, internet; khuyến cáo người dân không nên công khai các hình ảnh và thông tin cá nhân, như: Tên tuổi, ngày, tháng, năm sinh, địa chỉ cư trú, số điện thoại, email,... của mình lên mạng xã hội, không cung cấp mật khẩu, tài khoản cá nhân cho người khác. Khi sử dụng tài khoản ngân hàng, nhất là các ngân hàng có giao dịch chuyển tiền quốc tế cần cẩn thận bảo mật dữ liệu tài khoản nhằm tránh bị lộ thông tin cá nhân.
2. Đối với Công an các cấp: Triển khai các biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật để thu thập thông tin, tài liệu về tình hình có liên quan tại các địa bàn, lĩnh vực phụ trách nhằm phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan. Phối hợp chặt chẽ với các Ngân hàng, tổ chức tín dụng kịp thời ngăn chặn các hành vi lợi dụng hoạt động thanh toán của ngân hàng để hoạt động phạm tội. Phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp có liên quan đến công nghệ thông tin và viễn thông để phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn các hành vi lợi dụng mạng viễn thông, mạng internet, mạng xã hội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản; giải quyết các yêu cầu phát hiện, xác minh, điều tra tội phạm một cách kịp thời, triệt để.
3. Đối với Ban Tuyên giáo huyện, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện, Trung tâm Văn hóa huyện, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, Huyện Đoàn Lập Thạch:Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức phòng, chống vi phạm, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đặc biệt là tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng sử dụng mạng xã hội, internet để phạm tội tới toàn thể nhân dân trong huyện. Nâng cao ý thức của nhân dân trong phòng ngừa và tố giác tội phạm.
4. Cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng ngừa và hỗ trợ về phương tiện, kinh phí cho các cơ quan tiến hành tố tụng xây dựng một số vụ án điểm để điều tra, truy tố, xét xử nhanh với những mức án thật nghiêm minh nhằm tuyên truyền, giáo dục và phòng ngừa chung.
Phạm Hảo
VKSND huyện Lập Thạch - Vĩnh Phúc