Thông qua công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giải quyết các vụ việc dân sự năm 2019, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ nhận thấy Tòa án nhân dân hai cấp của tỉnh Phú Thọ còn có một số vi phạm về áp dụng...
Thông qua công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giải quyết các vụ việc dân sự năm 2019, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ nhận thấy Tòa án nhân dân hai cấp của tỉnh Phú Thọ còn có một số vi phạm về áp dụng pháp luật, cụ thể:
1. Giải quyết về án phí trong các vụ án ly hôn không phù hợp với quy định của pháp luật
Trong các vụ án tranh chấp hôn nhân gia đình, trước khi mở phiên tòa xét xử, đương sự thỏa thuận được với nhau về việc thuận tình ly hôn, nhưng không thỏa thuận được về con chung và tài sản chung. Do đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án nên Tòa án quyết định đưa vụ án ra xét xử và ra bản án sơ thẩm: Công nhận thuận tình ly hôn và giải quyết về con chung, tài sản chung.
Đối với các trường hợp này, hầu hết các bản án đều tuyên buộc nguyên đơn phải chịu toàn bộ khoản tiền án phí ly hôn sơ thẩm 300.000 đồng. Giải quyết về án phí ly hôn sơ thẩm như vậy là không đúng với quy định tại khoản 4 Điều 147 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015 và điểm a Khoản 5, Điều 27, Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14.
Theo quy định tại các điều luật nêu trên, do vụ án được đưa ra xét xử nên đương sự phải chịu 100% án phí dân sự sơ thẩm đối với tranh chấp về hôn nhân gia đình không có giá ngạch, là 300.000 đồng; do các đương sự thuận tình ly hôn nên mỗi bên bị buộc phải chịu 150.000 đồng.
Tuy nhiên, đối với những trường hợp này nguyên đơn đều đã nộp khoản tiền tạm ứng án phí (trừ những trường hợp không phải nộp hoặc được miễn nộp). Do đó, để thuận tiện và cũng tránh phức tạp trong giai đoạn thi hành án, Tòa án cần phải hỏi quan điểm của nguyên đơn, nếu nguyên đơn tự nguyện nộp thay khoản tiền án phí 150.000 đồng này cho bị đơn, thì ghi nhận sự tự nguyện này trong bản án sơ thẩm.
2. Vi phạm trong việc không giải thích, hướng dẫn cho đương sự biết về quyền được yêu cầu trợ giúp pháp lý
Chế định trợ giúp pháp lý đã được ghi nhận là một trong những nguyên tắc của tố tụng dân sự. Khoản 3 Điều 9 BLTTDS năm 2015 ghi nhận nguyên tắc: “Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm trợ giúp pháp lý cho các đối tượng theo quy định của pháp luật để họ thực hiện quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trước Tòa”. Để bảo đảm nguyên tắc này, BLTTDS năm 2015 đã có một số quy định, như: Ghi nhận chức danh Trợ giúp viên pháp lý là một trong những người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự (Điều 75 BLTTDS năm 2015), quy định Thẩm phán có trách nhiệm “giải thích, hướng dẫn cho đương sự biết để họ thực hiện quyền được yêu cầu trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý” (Điều 48 BLTTDS năm 2015). Luật trợ giúp pháp lý có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 đã quy định rất cụ thể về hoạt động trợ giúp pháp lý và những người thuộc diện được trợ giúp pháp lý. Triển khai thực hiện những quy định trên, ngày 29/6/2018, liên ngành Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC quy định về phối hợp thực hiện trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng.
Theo đó, Thẩm phán cần giải thích để đương sự được biết về quyền được yêu cầu trợ giúp pháp lý; bản thân đương sự có thuộc trường hợp được trợ giúp pháp lý hay không? Đương sự có quyền yêu cầu trợ giúp pháp lý hoặc từ chối. Thẩm phán có trách nhiệm thông báo cho Trung tâm trợ giúp pháp lý trong trường hợp họ có yêu cầu… Tuy nhiên, hiện nay nhiều Thẩm phán khi giải quyết vụ việc dân sự còn chưa làm hết trách nhiệm dẫn đến phần lớn các đương sự đều không được nghe giải thích về quyền được yêu cầu trợ giúp pháp lý, nhiều vụ việc đương sự thuộc trường hợp được trợ giúp pháp lý theo quy định tại Điều 7 của Luật trợ giúp pháp lý (như người cao tuổi, người thuộc hộ nghèo…) nhưng không được giải thích nên không biết để thực hiện quyền được trợ giúp pháp lý.
Việc không giải thích quyền được trợ giúp pháp lý cho các đương sự đã vi phạm nguyên tắc của tố tụng dân sự và ảnh hưởng đến quyền bình đẳng trước pháp luật, quyền được tiếp cận công lý của người dân.
Ngày 10/02/2020 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ đã ban hành Kiến nghị số 76/KN-VKS, yêu cầu Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ có biện pháp chỉ đạo, kiểm tra để khắc phục những vi phạm nêu trên.
Trương Thị Kim Dung
VKSND tỉnh Phú Thọ