Bộ luật Hình sự năm 2015 mới chỉ dừng lại ở việc xử lý đối với hành vi từ chối cung cấp tài liệu, cung cấp tài liệu sai sự thật của người làm chứng, người giám định, người định giá...
Bộ luật Hình sự năm 2015 mới chỉ dừng lại ở việc xử lý đối với hành vi từ chối cung cấp tài liệu, cung cấp tài liệu sai sự thật của người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật, người bào chữa; còn các cá nhân, tổ chức, cơ quan khác thì chưa có chế tài xử lý trong trường hợp không cung cấp hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật.
Điều 168 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có quy định yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện các yêu cầu của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự; trường hợp không chấp hành mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì bị xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, thực tế hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao gặp không ít khó khăn khi yêu cầu các cơ quan, tổ chức khác cung cấp các tài liệu, chứng cứ do nhiều nguyên nhân khác nhau, cụ thể:
Điều 382, 383 Bộ luật Hình sự năm 2015 mới chỉ dừng lại ở việc xử lý đối với hành vi từ chối cung cấp tài liệu, cung cấp tài liệu sai sự thật của người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật, người bào chữa; còn các cá nhân, tổ chức, cơ quan khác thì chưa có chế tài xử lý trong trường hợp không cung cấp hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật.
Xuất phát từ đối tượng điều tra của Cơ quan điều tra VKSND tối cao là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra, Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án thường có mối quan hệ công tác, với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình họ thực thi nhiệm vụ. Họ cùng cơ quan, ban ngành ở địa phương, vậy nên, các cơ quan, tổ chức, cá nhân e ngại trong việc cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến việc thực hiện hành vi vi phạm của các cán bộ, công chức nói trên, có tâm lý sợ ảnh hưởng đến công việc bình thường của cơ quan, tổ chức mình.
Thiết nghĩ, để đảm bảo cho hoạt động điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, pháp luật, cần có chế tài xử lý đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện cung cấp tài liệu theo yêu cầu của Cơ quan điều tra VKSND tối cao, hay nói cách khác là ngoài chế tài xử lý đối với người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật, người bào chữa thì pháp luật cần có chế tài xử lý đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác nếu không cung cấp tài liệu theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan nhằm răn đe các trường hợp vi phạm.
Đối với các cơ quan trong hệ thống cơ quan nhà nước như: Cơ quan thi hành án, Tòa án, Ngân hàng... thì cần có quy chế phối hợp trong việc cung cấp tài liệu theo yêu cầu của Cơ quan điều tra VKSND tối cao. Đối với các tổ chức, cá nhân khác thì cần phải có các buổi tập huấn, tuyên truyền pháp luật để tổ chức, cá nhân hiểu được nghĩa vụ của họ trong hoạt động đấu tranh phòng ngừa tội phạm nói chung và tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp nói riêng.
Bên cạnh đó, nên có sự phân công Điều tra viên, Cán bộ điều tra của Cơ quan điều tra VKSND tối cao theo từng nhóm, phụ trách từng địa bàn cụ thể, từ đó các nhóm thông qua Viện kiểm sát địa phương để nắm tình hình về các hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp và tạo lập mối quan hệ với các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn để tạo lập mối quan hệ phối hợp của các tổ chức, cá nhân khi Cơ quan điều tra VKSND tối cao có yêu cầu.
Lê Tiến Sinh - Cơ quan điều tra VKSND tối cao (LL)
(kiemsat.vn)