CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Hướng dẫn kiểm sát việc giải quyết các vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà

31/08/2021
Cỡ chữ:   Tương phản
Vừa qua, VKSND tối cao ban hành Hướng dẫn số 32/HD-VKSTC hướng dẫn một số nội dung trong kiểm sát việc giải quyết các vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà.

Thời gian qua, hoạt động kiểm sát việc giải quyết các vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất, tranh chấp quyền sở hữu nhà đã đạt được một số kết quả tích cực, như: Phát hiện được nhiều vi phạm trong việc giải quyết vụ án của Tòa án, đặc biệt là vi phạm về nội dung; số lượng và chất lượng kháng nghị, kiến nghị tăng... Tuy nhiên, đây là các tranh chấp phức tạp liên quan đến nhiều chính sách về nhà, đất và văn bản pháp luật qua các thời kỳ. Thực tiễn kiểm sát việc giải quyết các vụ án cho thấy còn một số bản án, quyết định, trong đó có cả bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị Tòa án cấp trên hủy, sửa; cá biệt có vụ án xét xử nhiều lần, qua nhiều cấp mà nguyên nhân chủ yếu do việc đánh giá chứng cứ và áp dụng pháp luật chưa chính xác.

Để nâng cao chất lượng kiểm sát việc giải quyết các vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất, tranh chấp quyền sở hữu nhà hoặc quyền sở hữu nhà gắn liền với quyền sử dụng đất, VKSND tối cao hướng dẫn một số nội dung để các Kiểm sát viên, công chức vận dụng, thực hiện, gồm: Một số vấn đề về tố tụng; một số vấn đề lưu ý khi kiểm sát giải quyết về nội dung vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất.

Về một số vấn đề về tố tụng, VKSND tối cao hướng dẫn cụ thể các nội dung: Xác định người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án; thời hiệu khởi kiện; điều kiện thụ lý vụ án; thẩm quyền giải quyết vụ án. Trong đó, việc xác định người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà cần lưu ý một số trường hợp sau đây:

- Trường hợp giấy chứng nhận quyền sử dụng (GCNQSD) đất; giấy chứng nhận quyền sở hữu (GCNQSH) nhà hoặc GCNQSD đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất được cấp cho hộ gia đình (Ví dụ: Hộ ông Nguyễn Văn A) thì phải căn cứ vào hộ khẩu tại thời điểm được cấp GCNQSD đất; GCNQSH nhà hoặc GCNQSD đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất để xác định các thành viên trong hộ có tên trong hộ khẩu là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

- Trường hợp nhà, đất tranh chấp đang do người khác trực tiếp quản lý, sử dụng hoặc đang cho thuê, thế chấp tại ngân hàng thì khi giải quyết vụ án, người đang quản lý, sử dụng, đang thuê, ngân hàng đang nhận thế chấp nhà, đất được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

- Trường hợp đất tranh chấp có một phần diện tích nằm trong GCNQSD đất của bên thứ ba, ngoài GCNQSD đất đã cấp cho nguyên đơn hoặc bị đơn thì phải xác định bên thứ ba là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

- Trường hợp đất tranh chấp mà GCNQSD đất đã cấp cho nguyên đơn hoặc bị đơn nhưng theo hồ sơ địa chính trước đó do người khác kê khai, đăng ký trên sổ mục kê hoặc sổ địa chính…thì người kê khai, người đăng ký trên sổ mục kê, sổ địa chính được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

- Trường hợp vụ án có đương sự yêu cầu Tòa án hủy GCNQSD đất đã cấp thì cơ quan đã cấp GCNQSD đất được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo quy định tại khoản 1, khoản 3 Điều 34 Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015.

TG (Giới thiệu)
Tìm kiếm