Chiều 01/10, tại Nhà Quốc hội, GS.TS Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội dự lễ công bố Nghị quyết số 05/2021/UBTVQH15 ngày 29/9/2021của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện nghiên cứu lập pháp.
Dự lễ công bố còn Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương; Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh; Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các thành viên Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng đông đảo cán bộ, công chức, người lao động của Viện nghiên cứu lập pháp.
Công bố Nghị quyết số 05/2021/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Nghiên cứu lập pháp, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, Viện Nghiên cứu lập pháp là cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội có chức năng nghiên cứu khoa học lập pháp, tổ chức thông tin khoa học lập pháp để tham mưu chính sách, tư vấn, hỗ trợ, phục vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đại biểu Quốc hội trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội; giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội quản lý hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và Văn phòng Quốc hội.
Viện Nghiên cứu lập pháp có Viện trưởng, các Phó Viện trưởng và công chức, viên chức, người lao động. Biên chế và cơ cấu ngạch công chức, viên chức của Viện Nghiên cứu lập pháp do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định trên cơ sở vị trí việc làm và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện Nghiên cứu lập pháp. Ngoài số biên chế theo quy định, Viện Nghiên cứu lập pháp được sử dụng chế độ chuyên gia và cộng tác viên.
Phát biểu tại lễ công bố, GS.TS Vương Đình Huệ - Chủ tịch Quốc hội, chúc mừng Viện Nghiên cứu lập pháp đã có khung khổ pháp lý mới để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Viện nghiên cứu lập pháp - thiết chế quan trọng có tính chất đặc thù là cơ quan thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội cho biết cách đây 13 năm với tư duy và tâm nhìn xa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lúc đó là Chủ tịch Quốc hội đã ký ban hành Nghị quyết thành lập Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hỗ trợ Quốc hội trong công tác lập pháp. Sau 13 năm hình thành và phát triển, Viện Nghiên cứu lập pháp đã triển khai các nhiệm vụ được giao, đạt được những kết quả khả quan, tích cực. Tuy nhiên trong quá trình hoạt động cũng cho thấy cần tiếp tục hoàn thiện, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, tinh gọn bộ máy và nâng cao năng lực hiệu quả hoạt động của Viện Nghiên cứu lập pháp.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định việc ban hành Nghị quyết số 05/2021/UBTVQH15 là một trong những sản phẩm, thành quả đầu tiên của việc thực hiện Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 và Nghị quyết số 161 của Quốc hội khóa 14 về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
GS.TS Vương Đình Huệ - Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tin tưởng, với khung pháp lý, cơ chế chính sách được kiện toàn, Viện Nghiên cứu lập pháp sẽ có cơ sở để đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, lịch sử hơn 75 năm qua Quốc hội đã hoàn thành chức năng, nhiệm vụ của mình, đóng góp rất nhiều cho công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc nhưng với yêu cầu của Đảng, Nhà nước, sự mong mỏi của Nhân dân và cử tri, bắt buộc chúng ta phải tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả và chất lượng; nhấn mạnh tiến lên một bước về phía trước dù khó khăn nhưng chúng ta không được phép dừng lại.
Về các nhiệm vụ trong thời gian tới, GS.TS Vương Đình Huệ - Chủ tịch Quốc hội lưu ý Viện Nghiên cứu lập pháp:
Một là tổ chức Đảng quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo việc quán triệt nội dung Nghị quyết ở Viện Nghiên cứu lập pháp và các cơ quan của Quốc hội để tổ chức thực hiện đầy đủ và đúng với Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Hai là, căn cứ vào Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm ban hành các quy định về chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị trực thuộc, củng cố bộ máy bên trong của Viện Nghiên cứu lập pháp; đề xuất kiện toàn đội ngũ lãnh đạo; hoàn thiện các quy chế quản lý nội bộ; tuyển dụng nhân lực có trình độ và hình thành đội ngũ chuyên gia, cộng tác viên, từng bước thiết lập quan hệ với các cơ sở nghiên cứu trong nước và mở ra hợp tác quốc tế.
Ba là đề nghị Văn phòng Quốc hội đảm bảo kinh phí và các cơ sở vật chất khác để Viện Nghiên cứu lập pháp sớm thực hiện ngay công tác chuyên môn và đảm bảo các chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Viện Nghiên cứu pháp luật luật pháp như Nghị quyết đã quy định.
Bốn là tích cực tham gia vào các chuyên đề theo phân công của Đảng đoàn Quốc hội; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Viện Nghiên cứu lập pháp về nghiên cứu khoa học và tổ chức thông tin xuất bản, tạp chí nghiên cứu lập pháp và quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ phát huy vai trò là cơ quan nghiên cứu, tham mưu về lập pháp và thông tin lập pháp; tham gia tích cực vào công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời gắn kết chặt chẽ, tham gia có hiệu quả với Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội trong tất cả các khâu của quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Viện Nghiên cứu lập pháp cũng phải hoàn thiện các báo cáo chuyên đề khoa học, các ấn phẩm, kết quả nghiên cứu của các đề tài liên quan đến hoạt động của Quốc hội để phục vụ cho Kỳ họp; phối hợp chặt chẽ với Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cung cấp kịp thời tài liệu cho đại biểu Quốc hội.
Năm là, đề nghị Ban Công tác đại biểu phối hợp chặt chẽ, giúp đỡ Viện Nghiên cứu lập pháp trong quá trinhh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết. Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan hữu quan tăng cường phối hợp, giúp đỡ có hiệu quả với Viện Nghiên cứu lập pháp.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển cho biết sẽ cùng tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Viện Nghiên cứu lập pháp nỗ lực triển khai thực hiện tốt Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, góp phần vào đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Quốc hội; đồng thời bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phối hợp của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan hữu quan trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao./.