Van ban nganh
VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
TỐI CAO Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-*- ******************************
Số: 54 /VP Hà-Nội, ngày 21 tháng 12 năm 1999
THÔNG BÁO
VỀ THỰC TRẠNG CÔNG TÁC VĂN THƯ VÀ HỒ SƠ
TÀI LIỆU LƯU TRỮ TRONG NGÀNH KSND
********
Thực hiện chương trình kế hoạch công tác năm 1999 của Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Văn phòng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao đã đến kiểm tra, hướng dẫn công tác văn thư-lưu trữ tại các Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố và huyện, thị thuộc các tỉnh, thành phố (Hà Nội, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Tháp, Tiền Giang, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau).
Qua thực tế kiểm tra, hướng dẫn trực tiếp ở các tỉnh, thành phố nói trên và nghiên cứu 45/61 bản báo cáo về công tác văn thư-lưu trữ của các Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên toàn quốc (theo tinh thần công văn số 898/VP ngày 13-5-1999 của Viện kiểm sát nhân dân Tối cao). Văn phòng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao nhận thấy thực trạng công tác văn thư-lưu trữ trong ngành kiểm sát nhân dân tuy đã đạt được một số ưu điểm, song còn một số nhược điểm cần phải kịp thời chấn chỉnh khắc phục như sau:
1- Tổ chức biên chế cán bộ làm công tác văn thư-lưu trữ.
a) Về tổ chức và biên chế: Việc tổ chức và biên chế cán bộ làm công tác văn thư-lưu trữ chưa ổn định, chưa có một mô hình rõ rệt nhất quán từ Viện kiểm sát nhân dân Tối cao đến Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh và huyện v.v...
- ở Viện kiểm sát tỉnh: Trên toàn quốc chỉ có Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh (Quảng Ninh, Phú Thọ, Lạng Sơn, Hải Dương, Hà Tây, Thái Bình, Nam Định, Nghệ An, Quảng Nam, Lâm Đồng, Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng) đã bố trí một cán bộ văn thư và một cán bộ lưu trữ chuyên trách. Các tỉnh còn lại đều bố trí kiêm nhiệm (Văn thư-lưu trữ, Cơ yếu-lưu trữ, thủ quỹ-lưu trữ, tổ chức-lưu trữ, đánh máy-lưu trữ v.v...).
- ở Viện kiểm sát cấp huyện: Hầu hết các đơn vị cấp huyện trong toàn ngành không có cán bộ bán chuyên trách làm công tác kiêm nhiệm văn thư-lưu trữ-đánh máy. Hồ sơ, tài liệu của khâu nghiệp vụ nào do bộ phận hoặc cán bộ nghiệp vụ của khâu đó trực tiếp quản lý (thậm chí có nơi đồng chí Viện trưởng kiêm luôn công tác văn thư-đánh máy văn bản).
b) Hình thức công tác văn thư:
Hiện nay hình thức tổ chức công tác văn thư trong toàn ngành chưa có một mô hình tổ chức thống nhất từ Viện kiểm sát nhân dân Tối cao đến các Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố (tổ chức thực hiện cả ba hình thức tập trung, phân tán và hỗn hợp).
Qua kiểm tra cho thấy việc chọn và áp dụng hình thức tổ chức văn thư hỗn hợp ở Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh cũng chưa thích hợp và hợp lý. Văn bản, công văn đi của phòng nghiệp vụ nào, do phòng nghiệp vụ đó tự đăng ký, ghi số, ngày, tháng, năm và vào sổ công văn đi của phòng. Do vậy việc quản lý văn bản, tài liệu đi của cơ quan còn nhiều sơ hở (số lượng tài liệu ra khỏi cơ quan bao nhiêu ? đi đến đâu? nội dung gì?) lãnh đạo Viện không nắm được, hạn chế đến công tác chỉ đạo điều hành tập trung thống nhất của toàn cơ quan. Nhiều nơi Viện kiểm sát huyện thị trực tiếp giao nhận văn bản, tài liệu, hồ sơ với các phòng nghiệp vụ mà không qua văn thư cơ quan. Thậm chí có đơn vị để cơ quan điều tra (công an) trực tiếp giao nhận hồ sơ, tài liệu với các phòng nghiệp vụ, không qua văn thư cơ quan để theo dõi quản lý theo quy định của Nhà nước và hướng dẫn của Viện kiểm sát nhân dân Tối cao.
2- Về ban hành văn bản quản lý Nhà nước về công tác văn thư-lưu trữ:
Qua các bản báo cáo và thực tế kiểm tra 12 đơn vị Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành thì chỉ có hai tỉnh: Cà Mau và An Giang đã ban hành văn bản hướng dẫn các Viện kiểm sát huyện, thị và các phòng nghiệp vụ về công tác văn thư-lưu trữ trong ngành kiểm sát theo quy định của Nhà nước và của Viện kiểm sát nhân dân Tối cao. Các tỉnh, thành phố còn lại chỉ quán triệt, đôn đốc, nhắc nhở về công tác này qua các lần giao ban thường kỳ, các đợt tập huấn nghiệp vụ và qua kiểm tra công tác định kỳ, qua sơ kết và tổng kết công tác hàng năm.
Riêng hai tỉnh Kiên Giang và Nam Định đã chủ động tập huấn về công tác văn thư-lưu trữ cho các phòng nghiệp vụ và huyện thị, thời gian 3 ngày theo tinh thần nội dung bản "Dự thảo quy định về công tác văn thư-lưu trữ trong ngành kiểm sát" của Viện kiểm sát nhân dân Tối cao dự thảo năm 1998.
3- Việc thu thập, bảo quản hồ sơ và kho tàng, cơ sở vật chất, trang thiết bị chuyên dùng cho công tác văn thư-lưu trữ ở các Viện kiểm sát nhân dân tỉnh và huyện thị:
a) Việc thu thập, bảo quản hồ sơ tài liệu lưu trữ.
- ở cấp tỉnh: Việc thu hồi bảo quản hồ sơ của các phòng nghiệp vụ thuộc Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh được thực hiện thường xuyên hàng năm, chưa có biểu hiện mất mát, thất lạc hồ sơ. Nhưng nhìn chung đang ở tình trạng bó gói, chất đống (Viện kiểm sát Thanh Hoá, Thái Nguyên, Đồng Nai, Cần Thơ...) hoặc dựng vào bao tải (Quảng Bình, Cà Mau v.v...), chưa được phân loại chỉnh lý, cố định đơn vị bảo quản, sắp xếp khoa học để bảo quản an toàn và thuận tiện trong khai thác và thống kê hồ sơ tài liệu lưu trữ hàng năm, chỉ một số ít các tỉnh đã chủ động chỉnh lý phân loại tương đối đầy đủ theo tinh thần công văn số 1780/VP ngày 26-9-1999 của Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, gồm có các tỉnh (Lạng Sơn, Tuyên Quang, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hải Dương, Hà Tây, Nam Định, thành phố Đà Nẵng, Đồng Tháp).
- ở cấp huyện: Việc thu thập và bảo quản hồ sơ chưa thực hiện đúng theo quy định và hướng dẫn của Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, số lượng hồ sơ, tài liệu có nhiều hay ít, còn mất bao nhiêu, còn từ năm nào đến năm nào cấp tỉnh không nắm được. Nhiều huyện thị của các tỉnh phía Nam, hồ sơ chỉ còn giữ được từ năm 1992 đến nay, còn từ 1976 đến 1991 không còn giữ được (do mối ăn mục nát, mất mát do thuyên chuyển...). Các huyện thị thuộc các tỉnh phía Bắc cũng có tình trạng tương tự như trên, thậm chí có huyện khi xây dựng trụ sở (hồ sơ đình chỉ điều tra đem bó gói gửi ở nhà dân, không ai quản lý) khi bắt được bị can, lục lại hồ sơ thì ruột hồ sơ thất lạc chỉ còn mỗi tờ bìa của hồ sơ.
Đặc biệt hai tỉnh Nghệ An và Thái Bình do trước đây việc quản lý thiếu chặt chẽ, cơ sở vật chất thiếu, kho tàng không có, nên toàn bộ hồ sơ tài liệu từ 1960 đến 1980 bị mục nát, mối mọt và đã đưa tiêu huỷ hoàn toàn. Nhưng không có quyết định tiêu huỷ, biên bản tiêu huỷ, danh mục các tài liệu đã tiêu huỷ, số lượng bao nhiêu đều không có.
b) Quy trình thu thập và quản lý khai thác hồ sơ tài liệu của Viện kiểm sát các cấp.
Tình trạng phổ biến chung hiện nay là ở tất cả các Viện kiểm sát cấp tỉnh và huyện thị trong toàn ngành, việc giao nộp hồ sơ vào lưu trữ cơ quan không tuân theo quy định, quy trình khoa học lưu trữ (không có sự kiểm tra cụ thể thành phần tài liệu trong từng hồ sơ khi giao nhận giữa các đơn vị với lưu trữ cơ quan, không có biên bản giao nhận, không có mục lục hồ sơ nộp lưu, không cố định (đóng tập) đơn vị bảo quản trước khi nộp vào lưu trữ. Một số tỉnh cũng đã có quy định, song chỉ là hình thức chung chung chiếu lệ, thiếu kiểm tra hướng dẫn cụ thể.
Đặc biệt nhiều tỉnh trong báo cáo nêu lên các quy trình tổ chức quản lý, thu thập, khai thác rất chặt chẽ và khoa học. Nhưng thực tế kiểm tra cụ thể thì hoàn toàn trái ngược.
c) Thành phần tài liệu và chất lượng hồ sơ ở từng khâu nghiệp vụ kiểm sát, hồ sơ quản lý Nhà nước trong ngành kiểm sát nhân dân.
Qua thực tế kiểm tra trực tiếp tại 12 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 14 Viện kiểm sát huyện thị, thuộc cả ba miền trong cả nước cho thấy:
- Thể thức văn bản của các tài liệu trong từng hồ sơ không đầy đủ, sai sót nhiều làm cho giá trị pháp lý của hồ sơ thấp.
- Trong mỗi hồ sơ còn nhiều bản nháp, bản trùng thừa và các tài liệu không có liên quan khác.
- Chất lượng hồ sơ không bảo đảm về (cơ, lý, hoá) như bị ẩm mốc, mối mọt, chuột cắn, gián nhấm, mục nát, rách, tẩy xoá vô nguyên tắc, nhiều trang mực phai mờ không đọc được. Tình trạng trên thể hiện ở các loại hồ sơ cụ thể như sau:
+ Khối hồ sơ kiểm sát xét xử dân sự: Rất nhiều hồ sơ, KSXX sơ thẩm không có quyết định đưa vụ án ra xét xử, nếu có thì lại không có dấu cơ quan và không có số, không ngày, tháng, năm.
- Phiếu đề xuất đường lối xử lý không có bút tích của lãnh đạo khi duyệt án.
- Bản kết luận của Viện kiểm sát tẩy xoá nhiều và không có chữ ký của người có thẩm quyền và không đóng dấu cơ quan.
- Nhiều hồ sơ không có báo cáo xét xử và không có án văn.
+ Hồ sơ kiểm sát xét xử phúc thẩm dân sự: Rất nhiều hồ sơ không có án văn sơ thẩm, bút ký phiên toà không có, hoặc nếu có chỉ qua loa chiếu lệ. Nhiều hồ sơ án văn phúc thẩm không có, bản kết luận của Viện kiểm sát chỉ gạch đầu dòng mấy ý và không rõ người gạch đầu dòng bản kết luận đó là ai, chức danh gì.
+ Khối hồ sơ kiểm sát xét xử hình sự:
- Một số hồ sơ lệnh khám xét không rõ ai ra lệnh và không có sự phê chuẩn của Viện kiểm sát.
- Các lệnh bắt, tạm giam không số, không ngày, tháng, năm và không có phê chuẩn của Viện kiểm sát.
- Một số hồ sơ đình chỉ điều tra lại không có quyết định khởi tố vụ án.
- Bản kết luận điều tra và cáo trạng được viết thêm (bằng bút mực) nhiều tình tiết, nhưng không rõ là cơ quan điều tra (viết thêm vào) hay kiểm sát viên thụ lý hồ sơ (viết thêm vào).
- Nhiều hồ sơ, các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, quyết định di lý, quyết định tách, nhập vụ án, quyết định điều tra bổ sung là các bản photocopy.
- Các bản luận tội của Viện kiểm sát tẩy xoá nhiều hoặc chỉ viết chiếu lệ bằng vài ba gạch đầu dòng và không có dấu cơ quan, không có chữ ký của người có thẩm quyền.
+ Hồ sơ giam giữ cải tạo và thi hành án: Hồ sơ các cuộc kiểm sát trại giam, nhà tạm giữ, trại cải tạo, kiểm sát thi hành án v.v... chỉ có duy nhất một biên bản làm việc giữa cơ quan kiểm sát với đối tượng được kiểm sát.
+ Hồ sơ quản lý Nhà nước trong ngành kiểm sát:
- Các hồ sơ kiểm tra công tác thường kỳ, đột xuất. Các hồ sơ về hội nghị chuyên đề, tổng kết công tác hàng năm, hồ sơ về thi đua khen thưởng... chỉ có mỗi một bản kết luận, hoặc bản kiến nghị trong từng loại hồ sơ. Các tập lưu văn bản đi..., nhìn chung Văn phòng Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh và ở các huyện thị đã được kiểm tra, đều không thực hiện đúng quy trình, quy định của Viện kiểm sát nhân dân Tối cao. Cho nên không lưu đầy đủ các loại hồ sơ, tài liệu nói trên, làm cho công tác chỉ đạo điều hành của Viện kiểm sát các cấp kém hiệu quả.
4- Quy trình xử lý, tiêu huỷ các loại tài liệu mật, trùng thừa, hồ sơ lưu trữ mục mát, mối mọt v.v... ở Viện kiểm sát nhân dân các cấp.
Theo báo cáo của Viện kiểm sát nhân dân các cấp thì việc xử lý, tiêu huỷ các loại tài liệu mật, trùng thừa, hồ sơ lưu trữ hết thời hạn sử dụng, hết giá trị và mốt mọt, mục nát v.v... đã được lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân các cấp chỉ đạo hướng dẫn tổ chức thực hiện rất chặt chẽ và cẩn trọng, tuân theo các quy định của Nhà nước và của Viện kiểm sát nhân dân Tối cao. Nhưng qua kiểm tra thực tế cho thấy nhiều Viện kiểm sát địa phương buông lỏng, thiếu hướng dẫn tổ chức thực hiện theo quy định của Nhà nước và của ngành. Một số Viện kiểm sát có quán triệt cho cán bộ và các đơn vị trực thuộc thực hiện các quy trình xử lý, tiêu huỷ tài liệu, hồ sơ lưu trữ phải đúng quy định của ngành. Song thực hiện đúng như thể nào, tổ chức thực hiện ra sao thì không có văn bản hướng dẫn quy định rõ ràng mà chỉ nhắc nhở chung chung qua một vài lần giao ban. Do vậy đã dẫn đến hậu quả là ở Viện kiểm sát cấp huyện tiêu huỷ những loại tài liệu hồ sơ nào, từ thời gian nào đến thời gian nào, số lượng bao nhiêu cấp tỉnh không nắm được. Thậm chí có Viện kiểm sát cấp tỉnh đã tiêu huỷ cả sổ thụ lý án các loại.
5- Kho tàng, cơ sở vật chất trang thiết bị chuyên dùng cho văn thư-lưu trữ ở Viện kiểm sát các cấp.
Nhìn chung các tỉnh trong toàn quốc đều dành một phòng có diện tích từ 15 hoặc 18m2 làm nơi để bảo quản tạm hồ sơ lưu trữ.
Riêng các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Phú Thọ, Cao Bằng, Tuyên Quang, Hải Dương, Hà Tây, Hà Nội, Nghệ An, Quảng Bình, Đà Nẵng, Lâm Đồng, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Kiên Giang, Cà Mau đã có một phòng kho tương đối bảo đảm được yêu cầu của một kho lưu trữ cấp tỉnh, có diện tích từ 40m2 trở lên. Đồng thời các tỉnh, thành phố nói trên đã trang bị khá đầy đủ các trang thiết bị (như: giá sắt, tủ sát, tủ sắt bảo mật, cặp ba giây, bình cứu hoả...) bảo đảm được các yêu cầu về bảo quản hồ sơ tài liệu theo quy định của Cục lưu trữ Nhà nước và của Viện kiểm sát nhân dân Tối cao.
Đặc biệt hai tỉnh An Giang và Kiên Giang còn trang bị tủ, giá sắt cho mỗi huyện thị một bộ để đựng hồ sơ tài liệu lưu trữ.
6- Về thực hiện chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm và chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật cho cán bộ, kiểm sát viên làm công tác lưu trữ chuyên trách, kiêm nhiệm ở Viện kiểm sát nhân dân các cấp.
Qua kiểm tra tại một số Viện kiểm sát cấp tỉnh và trực tiếp trao đổi với các đồng chí học viên tại lớp tập huấn công tác văn thư-lưu trữ cho các tỉnh phía Nam (từ ngày 18-10 đến 6-11-1999) cho thấy một số tỉnh đã giải quyết kịp thời chế độ cho cán bộ, kiểm sát viên trực tiếp và kiêm nhiệm làm văn thư-lưu trữ. Nhưng cũng còn nhiều tỉnh, thành phố việc giải quyết chế độ cho các đồng chí trực tiếp, kiệm nhiệm làm công tác này còn chậm chưa kịp thời như: Đồng Nai, Bến Tre, Bình Dương, Thái Nguyên, Bình Phước, Kiên Giang, An Giang v.v....
Qua thực trạng công tác văn thư-lưu trữ trong toàn ngành hiện nay, Văn phòng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao đề nghị các Viện kiểm sát tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân Tối cao thực hiện một số điểm về công tác văn thư-lưu trữ như sau:
1/ Tổ chức cho cơ quan trao đổi rút kinh nghiệm và chấn chỉnh công tác văn thư-lưu trữ thuộc đơn vị các đồng chí quản lý theo tinh thần công văn số 1780/VP ngày 26-9-1999 của Viện kiểm sát nhân dân Tối cao.
2/ Chấn chỉnh lại công tác văn thư cơ quan về việc chuyển giao công văn đi và tiếp nhận công văn đến, mọi công văn tài liệu chuyển đi và công văn tài liệu chuyển đến phải qua hệ thống sổ sách theo dõi của văn thư cơ quan, để giúp cho lãnh đạo cơ quan nắm được toàn bộ hoạt động của cơ quan, thực hiện việc chỉ đạo điều hành tập trung thống nhất. Đồng thời phải lưu đầy đủ các loại văn bản tài liệu đi của cơ quan mỗi văn bản đi đều phải lưu ít nhất 2 bản: Một bản để lập hồ sơ và theo dõi công việc ở đơn vị thừa hành, một bản lưu ở văn thư để tra tìm, phục vụ khai thác khi cần thiết. Những văn bản lưu ở văn thư phải sắp xếp theo từng loại, văn bản của năm nào để riêng năm ấy. Bản lưu phải là bản chính. Sau khi kết thúc năm văn thư, những văn bản lưu phải được lập thành hồ sơ và nộp lưu vào lưu trữ cơ quan. Trong trường hợp chưa có cán bộ lưu trữ chuyên trách mà do cán bộ văn thư kiêm nhiệm, tài liệu cùng để chung một tủ. Tuy nhiên cũng phải làm cho rõ tính chất khác nhau: chỗ nào là tài liệu văn thư, chỗ nào là tài liệu lưu trữ, ngăn này để tài liệu văn thư, ngăn kia để tài liệu lưu trữ. Tránh tình trạng không phân biệt được rõ ràng, dễ lẫn lộn như nhiều Viện kiểm sát cấp tỉnh cấp huyện như hiện này.
3/ Kiểm tra và hướng dẫn việc lập hồ sơ và các thành phần tài liệu trong từng hồ sơ thuộc các khâu nghiệp vụ kiểm sát phải thực hiện đúng quy định của quyết định số 24, ngày 06-8-1993 của Viện kiểm sát nhân dân Tối cao về việc lập hồ sơ án hình sự và các quy chế của các khâu kiểm sát (xét xử dân sự, giam giữ cải tạo, thi hành án, khiếu nại-tố cáo, kinh tế-lao động-hành chính...).
- Các văn bản trong từng hồ sơ phải là bản chính, trường hợp không có bản chính thì dùng bản sao y có giá trị như bản chính.
- Các văn bản phải có đầy đủ thể thức theo quy định của pháp luật (phải có số, ngày, tháng, năm, dấu cơ quan, chữ ký của người có thẩm quyền và chữ ký của người mà pháp luật quy định phải có).
- Các hồ sơ lập xong phải thống kê thành phần tài liệu, đánh số bút lục, viết chứng từ kết thúc, viết biên mục bên ngoài và đóng tập cố định đơn vị bảo quản cho từng hồ sơ.
4/ Cần bố trí sắp xếp cán bộ có nghiệp vụ văn thư-lưu trữ làm công tác văn thư lưu trữ chuyên trách ở cấp tỉnh và bán chuyên trách, kiêm nhiệm ở cấp huyện, quận.
Đối với các đơn vị hồ sơ tài liệu đang được bó gói tích đống như: Thanh Hoá, Cần Thơ, Thái Nguyên, Cao Bằng, Quảng Trị, Đồng Nai, Viện kiểm sát xét xử phúc thẩm 3 v.v... hoặc đang đựng trong các bao tải như: Quảng Bình, Cà Mau, thành phố Hà Nội v.v.... phải khẩn trương phân loại, chỉnh lý để đưa các hồ sơ tài liệu còn giá trị vào bảo quản, quản lý theo chế độ tài liệu lữu trữ quốc gia và loại bỏ các tài liệu vô dụng ra khỏi kho lưu trữ, trong quá trình tổ chức thực hiện phải tuân thủ theo tinh thần công văn số 1474/VP ngày 28-8-1997 và công văn số 1780/VP ngày 26-9-1999 của Viện kiểm sát nhân dân Tối cao.
5/ Việc tiêu huỷ tài liệu trùng thừa, tài liệu mục nát, mối mọt, hết giá trị sử dụng phải thực hiện nghiêm ngặt, chặt chẽ theo đúng quy định, hướng dẫn của Viện kiểm sát nhân dân Tối cao (phải lập Hội đồng thẩm định, phải có biên bản xét tiêu huỷ, quyết định hoặc chuẩn y của cơ quan chủ quản cấp trên cho phép tiêu huỷ và phải có danh mục các loại hồ sơ tài liệu đề nghị cho tiêu huỷ). Đối với các loại tài liệu mật, tối mật, tuyệt mật, tài liệu hạn chế phổ biến đã hết thời hạn sử dụng phải chọn lọc để tiêu huỷ riêng.
6/ Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa thực hiện chế độ phụ cấp độc hại và bồi dưỡng bằng hiện vật cho cán bộ chuyên trách, kiêm nhiệm làm văn thư-lưu trữ, cần khẩn trương giải quyết theo nội dung các văn bản số 396/TCCP-CCVC ngày 25-11-1995 của Bộ trưởng-Trưởng ban tổ chức cán bộ chính phủ, văn bản số 397/LTNN-TCCB ngày 16-10-1998 và văn bản số 180/LTNN-TCCB ngày 07-5-1999 của Cục trưởng Cục lưu trữ Nhà nước; văn bản số 151/TCCB ngày 14-10-1995 và văn bản số 04/TCCB ngày 12-01-1998 của Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ Viện kiểm sát nhân dân Tối cao. Đồng thời giải quyết chế độ công tác phí (lưu động trên 15 ngày/tháng như văn thư đi gửi công văn, ...) theo quy định tại thông tư 94/1998/TT-BTC ngày 30-6-1998 của Bộ tài chính và văn bản số 1758/TV-XDCB ngày 8-10-1998 của Viện kiểm sát nhân dân Tối cao.
Nhận được thông báo này đề nghị các đồng chí Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố và thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân Tối cao nghiên cứu, vận dụng thực hiện./.
T/L VIỆN TRƯỞNG
VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
CHÁNH VĂN PHÒNG
Đã ký: Lương Văn Xướng