Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về nêu cao tinh thần trách nhiệm của công chức, viên chức nói chung và cán bộ ngành Kiểm sát nói riêng có ý nghĩa hết sức to lớn, không chỉ trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mà còn có ý nghĩa trong việc bảo đảm pháp luật được thực thi.
Trong cuộc đời và sự nghiệp của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm nhận thấy và luôn căn dặn, nhắc nhở, yêu cầu cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải thực hiện tốt cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; đồng thời phải hết sức nêu cao tinh thần trách nhiệm trước nhiệm vụ, công việc được giao, dù là việc lớn hay việc nhỏ, việc đơn giản hay phức tạp, nhiệm vụ bình thường hay quan trọng, bí mật...
Theo Bác, tinh thần trách nhiệm là kết quả nhận thức đúng đắn về trách nhiệm của con người, từ đó chi phối hành động tích cực, tự giác của họ. Trong tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, Người đã nêu lên hệ thống các quan điểm toàn diện và sâu sắc về những phẩm chất đạo đức của con người Việt Nam trong thời đại mới. Người đề cập đến đạo đức công dân và đạo đức cách mạng, chuẩn mực đạo đức chung của mọi người và chuẩn mực đạo đức riêng của cán bộ, ngành nghề, lứa tuổi, cấp bậc, chức vụ. Trong đó, nêu cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức là phải hoàn thành mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, cấp trên giao phó; dám nghĩ dám làm, chủ động, sáng tạo để có kết quả cao nhất.
Trong giai đoạn hiện nay, ngành Kiểm sát đang đứng trước những yêu cầu mới về công tác xây dựng cán bộ, xây dựng ngành. Do vậy, cán bộ ngành Kiểm sát cần phải nghiêm túc học tập, rèn luyện và nêu cao tinh thần trách nhiệm theo gương Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người cán bộ Kiểm sát càng có nhận thức cao về trách nhiệm của mình thì càng nâng cao chất lượng công tác kiểm sát, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân, đồng thời trở thành tấm gương sáng cho thế hệ trẻ học hỏi, noi theo.
Để nêu cao tinh thần trách nhiệm, cán bộ Kiểm sát cần phải nhận thức và thực hiện các nội dung sau:
Một là, cán bộ Kiểm sát phải trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trung thành với lý tưởng cách mạng của Đảng; kiên định lý tưởng, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, phấn đấu hết sức mình cho sự thắng lợi, sự phát triển của công cuộc đổi mới vì “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Hai là, cán bộ Kiểm sát phải chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; kỷ luật của Ngành; chấp hành nghiêm túc các quy chế, quy định và nội quy, kỷ luật của cơ quan.
Do tính chất của công việc và yêu cầu của nhiệm vụ, cán bộ Kiểm sát phải đối mặt với những khó khăn, thử thách và đối diện với những mặt trái của xã hội. Vì vậy, cán bộ Kiểm sát phải nỗ lực phấn đấu, rèn luyện, giữ vững bản lĩnh chính trị để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Ba là, cán bộ Kiểm sát phải yêu ngành, yêu nghề, luôn trung thực, công minh, khách quan trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.
Người cán bộ Kiểm sát được giao một trọng trách rất lớn khi thực hiện công vụ, có liên quan đến nhiều người và nhiều mặt của đời sống xã hội. Do vậy, phải luôn trung thực để làm đúng pháp luật, nếu không trung thực có thể dẫn đến việc làm trái pháp luật, để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm hoặc gây thiệt hại cho người khác.
Bốn là, cán bộ Kiểm sát phải có bản lĩnh và ý chí bảo vệ công lý và pháp luật; kiên quyết đấu tranh chống tội phạm; không để lọt tội phạm, làm oan người vô tội và làm trái pháp luật; thấy đúng phải bảo vệ, thấy sai phải đấu tranh.
Bản lĩnh của cán bộ Kiểm sát thể hiện ở sự chính trực trong khi thực thi nhiệm vụ, công vụ. Theo đó, khi thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp, cán bộ Kiểm sát phải lấy pháp luật làm căn cứ, làm chuẩn mực để xem xét sự việc một cách khách quan, xử lý các vụ việc đúng pháp luật, có lý, có tình.
Năm là, cán bộ Kiểm sát phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, thận trọng, khiêm tốn trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ.
Cán bộ Kiểm sát phải thực hiện đầy đủ các quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm của cán bộ, công chức đã được quy định trong các văn bản pháp luật; thực hiện đúng và đầy đủ quy định của pháp luật và các quy chế nghiệp vụ của Ngành. Bên cạnh đó, cán bộ Kiểm sát phải luôn khiêm tốn, không tự mãn, tự kiêu, phải đặc biệt quan tâm đến việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Sáu là, cán bộ Kiểm sát phải gương mẫu, gắn bó mật thiết với quần chúng nhân dân; đoàn kết, thân ái, nêu cao tinh thần thương yêu đồng chí, thương yêu nhân dân. Có thái độ văn minh, lịch sự, không gây phiền hà, sách nhiễu người khác; đề cao trách nhiệm đạo đức nghề nghiệp khi thực hiện nhiệm vụ.
Như vậy, nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, XII, mỗi cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trong việc “nêu cao tinh thần trách nhiệm”, góp phần tích cực, thiết thực xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, thực sự phát huy vai trò lãnh đạo tiên phong, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.
Đối với ngành Kiểm sát nhân dân hiện đang trong công cuộc cải cách tư pháp như hiện nay, hơn lúc nào hết, cán bộ, Kiểm sát viên cần quyết tâm phấn đấu, rèn luyện làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Làm được điều này chính là góp phần thực hiện mục tiêu quan trọng của cải cách tư pháp “Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.”