Thực hiện Biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học ký ngày 14/6/2023 và Chương trình hợp tác giữa hai Nhà trường giai đoạn 2024-2025 ký ngày 30/5/2024, vừa qua, Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội đã phối hợp với Trường Đại học Kiểm sát Liên bang Nga tổ chức Hội thảo khoa học “Cơ sở lý luận, pháp lý và cơ cấu tổ chức của hoạt động kiểm sát ở Liên bang Nga và Việt Nam” bằng hình thức trực tuyến.
Tham dự Hội thảo, về phía Trường Đại học Kiểm sát Liên bang Nga có ông Igor Mikhailovich Matskevich, Hiệu trưởng; bà Subanova Natalya Viktorovna, Phó Hiệu trưởng điều phối Hội thảo cùng các đại biểu trình bày tham luận.
Về phía Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, có ông Nguyễn Văn Khoát, Hiệu trưởng Nhà trường đồng chủ trì cùng các đồng chí trong Ban Giám hiệu; GS. TS. Võ Khánh Vinh, Lãnh đạo các đơn vị thuộc Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội và các đại biểu trình bày tham luận.
Về phía Vụ 13 VKSND tối cao có bà Nguyễn Thị Thu Trang, Phó Trưởng phòng Đối ngoại cùng tham dự.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Igor Mikhailovich Matskevich chia sẻ, Hội thảo được thực hiện dựa trên cơ sở mục I của Chương trình hợp tác giữa Trường Đại học Kiểm sát Liên bang Nga và Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội, Chương trình năm 2024 - 2025 nhằm thực hiện Bản ghi nhớ về hiểu biết lẫn nhau trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học, cho phép mở rộng hợp tác kể cả học thuật và khoa học, mở ra những cơ hội mới cho các nhà khoa học của cả hai Trường.
Tiếp nối lời phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Văn Khoát nhấn mạnh, Hội thảo được tổ chức là cơ hội để củng cố, tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai Nhà trường trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học nói riêng và mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Viện kiểm sát hai nước nói chung.
Hội thảo được chia sẻ với 6 chuyên đề, tập trung các nội dung mang tính tương đồng, về cơ sở lý luận, pháp lý và cơ cấu tổ chức của hoạt động kiểm sát và kinh nghiệm thực thi trong thực tiễn hai nước: “Kinh nghiệm trong hoạt động kiểm sát của Liên bang Nga về bảo vệ quyền của người chưa thành niên”; “Vai trò của Viện kiểm sát nhân dân Việt Nam trong việc bảo vệ quyền của người tham gia tố tụng là người chưa thành niên”; “Đặc trưng trong hoạt động kiểm sát đối với hoạt động của các Cơ quan điều tra và điều tra sơ bộ”; “Hoạt động điều tra sơ bộ và đặc trưng của hoạt động kiểm sát các hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự; “Hệ thống thi hành án hình sự của Liên bang Nga và hoạt động giám sát”; “Tổ chức hệ thống thi hành án hình sự của Việt Nam và hoạt động kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong thi hành án hình sự của Viện kiểm sát nhân dân”.
Phát biểu bế mạc, Bà Subanova Natalya Viktorovna mong muốn sẵn sàng trao đổi để xúc tiến các hoạt động vào năm 2025, trước hết là Kế hoạch Hội nghị bàn tròn dành cho các nhà khoa học trẻ và sinh viên hai Trường về chủ đề: Tiền điện tử và áp dụng chứng cứ điện tử, tổ chức bởi Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội. Bên cạnh đó, còn bao gồm một số sự kiện khác như trao đổi thông tin pháp luật, trao đổi và đăng các bài báo khoa học, sự hợp tác giữa Ban Biên tập tạp chí khoa học hai Trường.
Ông Nguyễn Văn Khoát thay mặt Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội cảm ơn phát biểu của bà Subanova; sự đóng góp, trao đổi, thảo luận sôi nổi và hiệu quả của các đại biểu từ điểm cầu của hai Nhà trường đối với những nội dung liên quan đến vấn đề lý luận, pháp lý trong cơ cấu tổ chức của hoạt động kiểm sát ở Việt Nam và Liên bang Nga. Đồng chí cũng hoàn toàn nhất trí với những gợi mở về chủ đề mà bà Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kiểm sát Liên bang Nga đã chia sẻ và nhấn mạnh, những vấn đề liên quan đến tiền điện tử, chứng cứ điện tử, trí tuệ nhân tạo… cũng là những vấn đề mà Nhà trường đặc biệt quan tâm nhằm trang bị những kiến thức cho Kiểm sát viên, học viên, sinh viên trong thời gian tới.