TÌM HIỂU VỀ NĂM ĐỨC TÍNH BÁC HỒ DẠY CÁN BỘ KIỂM SÁT: CÔNG MINH, CHÍNH TRỰC, KHÁCH QUAN, THẬN TRỌNG, KHIÊM TỐN
TRẦN THANH DŨNG - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ - VKSND tỉnh Sóc Trăng
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là một cuộc vận động lớn nhằm khơi dậy và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp, đấu tranh khắc phục sự suy thoái về đạo đức lối sống; chặn đứng, đẩy lùi quan liêu tham nhũng, lãng phí và các tệ nạn xã hội; hình thành, phát triển các giá trị đạo đức của chủ nghĩa xã hội, xây dựng con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa có nhân cách cao đẹp, bản lĩnh chính trị vững vàng, lối sống văn minh, xây dựng các quan hệ xã hội lành mạnh, tiến bộ.
Lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn được các thế hệ cán bộ cách mạng thấm nhuần để thực hiện. Cuối tháng 5 đầu tháng 6/1949, để cổ vũ phong trào "Thi đua ái quốc" và xây dựng đời sống mới, Bác Hồ viết bài “Cần, kiệm, liêm, chính”. Trong bài viết, Bác Hồ đã chỉ rõ rằng: “Cần, kiệm, liêm, chính là nền tảng của đời sống mới, nền tảng của thi đua ái quốc.
Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông.
Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc.
Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính.
Thiếu một mùa, thì không thành trời.
Thiếu một phương, thì không thành đất.
Thiếu một đức, thì không thành người.
Trước lúc đi xa, trong Di chúc của Người, Bác Hồ đã căn dặn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”.
Mỗi ngành nghề, mỗi tầng lớp nhân dân, Bác Hồ luôn có những lời nói về đạo đức thật giản dị, không kiểu cách, luôn mang tính thời sự nóng hổi nhưng rất gần gũi và vô cùng sâu sắc. Nhân dịp toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang sôi nổi nghiên cứu học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, ngành Kiểm sát nhân dân tổ chức nghiên cứu và thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh với cán bộ Kiểm sát đã đem lại cho toàn thể cán bộ, Kiểm sát viên trong ngành niềm tự hào và thấy rõ hơn trách nhiệm của mình trước yêu cầu, nhiệm vụ mới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy cán bộ Kiểm sát phải công minh, chính trực; nghĩa là khi thực hiện nhiệm vụ phải bảo đảm tính công bằng, minh bạch, ngay thẳng, sáng suốt, không thiên vị, không mờ ám. Khi xử lý một hành vi vi phạm pháp luật, xử lý một người có hành vi phạm tội, phải thận trọng, khách quan, đúng người, đúng tội, không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội, bảo đảm cho pháp luật được thực thi nghiêm chỉnh và thống nhất. Tính công minh, chính trực mà Bác Hồ đã dạy là để đảm bảo cho người cán bộ Kiểm sát có đủ bản lĩnh chính trị vững vàng để khi giải quyết, kết luận vấn đề phải dám quyết đoán, dám chịu trách nhiệm, không chần chừ do dự, không hữu khuynh né tránh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy cán bộ Kiểm sát phải khách quan, có nghĩa là phải xuất phát từ thực tế khách quan khi xem xét giải quyết vấn đề, nhất là vấn đề có liên quan đến số phận con người, không suy diễn, không bóp méo sự thật, không chủ quan khinh xuất; phải xem xét sự việc một cách khách quan, toàn diện để tìm ra sự thật và bản chất của vấn đề, không vì tư lợi cá nhân mà bóp méo, bẻ cong sự thật. Tính khách quan còn đòi hỏi người cán bộ Kiểm sát khi giải quyết công việc, phải xem xét sự việc một cách toàn diện, đi sâu vào bản chất, không định kiến, cố chấp mà phạm phải chủ quan. Đức tính này là phương pháp tư duy biện chứng theo chủ nghĩa duy vật, giúp người cán bộ Kiểm sát kết luận vấn đề một cách khách quan, toàn diện và chính xác.
Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy cán bộ Kiểm sát phải thận trọng, nghĩa là cẩn thận, cân nhắc, suy tính kỹ trước sau; thận trọng khi giải quyết công việc, thận trọng khi ăn nói. Khi xem xét một vấn đề nào đó, cán bộ Kiểm sát phải xem xét ở nhiều giác độ khác nhau, kỹ lưỡng từng mặt của vấn đề theo quan điểm lịch sử cụ thể; cẩn trọng, tránh chủ quan, khinh suất. Ngược lại có tôn trọng khách quan thì ta mới thận trọng khi giải quyết công việc. Vì vậy, khách quan và thận trọng có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, cái này làm tiền đề cho cái kia; do đó khách quan và thận trọng luôn có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, nhất là đối với cán bộ làm công tác pháp luật nói chung và cán bộ Kiểm sát nói riêng như Bác Hồ đã dạy: Các bạn là bậc trí thức, các bạn có cái trách nhiệm nặng nề và vẻ vang là làm gương cho dân trong mọi việc… phải “phụng công, thủ pháp (chăm lo việc công, gìn giữ pháp luật), “chí công vô tư” cho nhân dân noi theo.
Đối với ngành Kiểm sát nhân dân, thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp là hoạt động trên lĩnh vực rất nhạy cảm, liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của những tổ chức, cá nhân, thậm chí đến tính mạng con người. Vì vậy, tính thận trọng là rất cần thiết và rất quan trọng trong mỗi người cán bộ Kiểm sát. Để đảm bảo sự thận trọng, chúng ta phải chống bệnh đại khái, qua loa, thận trọng chứ không ngại khó, chây ì, tắc trách; không chủ quan nóng vội nhưng cũng không chần chừ do dự.
Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy cán bộ Kiểm sát phải khiêm tốn, nghĩa là không đánh giá cao bản thân, không tự kiêu, tự mãn, biết nhường nhịn với người khác. Cán bộ tư pháp nói chung, cán bộ Kiểm sát nói riêng là trí thức cách mạng, cho nên đã là trí thức thì lại càng phải khiêm tốn; vì không như vậy thì sẽ sinh ra tự mãn, kiêu căng, tự cao, tự đại. Theo chúng tôi, là người cán bộ Kiểm sát đòi hỏi càng phải khiêm tốn vì trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ngày càng gay go, phức tạp, thực tiễn vô cùng đa dạng, phong phú, người cán bộ Kiểm sát dù có giỏi đến đâu cũng không thể sáng suốt bằng tập thể, bằng sự hỗ trợ, giúp đỡ của nhân dân. Vì vậy, có khiêm tốn mới tạo ra sự gần gũi, sự ủng hộ của nhân dân và đồng nghiệp; mới được dân thương, dân quý, dân mến.
Cũng như có "công minh" thì mới có "chính trực"; có "thận trọng" thì mới có "khách quan". Nhưng nếu chỉ nói công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, không thôi thì chưa hoàn toàn, mà là cán bộ Kiểm sát còn phải khiêm tốn nữa. Vì có như vậy mới vừa hồng, vừa chuyên như Bác Hồ đã từng dạy.
Năm đức tính "công minh", "chính trực", "khách quan", "thận trọng" và"khiêm tốn" có quan hệ chặt chẽ với nhau, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, làm nên tính cách của người cán bộ Kiểm sát dưới chế độ dân chủ nhân dân, cho đến ngày hôm nay, chúng vẫn luôn còn mang tính thời sự nóng hổi.
Gần nửa thế kỷ qua, kể từ khi mới thành lập, dưới sự lãnh đạo của các Cấp uỷ Đảng, ngành Kiểm sát nhân dân luôn luôn coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch vững mạnh, có lập trường quan điểm vững vàng, am hiểu chuyên môn nghiệp vụ, luôn luôn trau dồi phẩm chất đạo đức, góp phần xây dựng nền pháp chế xã hội chủ nghĩa. Với chức năng, nhiệm vụ được giao là thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, hàng ngày, hàng giờ cán bộ Kiểm sát phải tiếp xúc giải quyết rất nhiều vụ việc liên quan đến nhiều đối tượng khác nhau trong xã hội, đòi hỏi mỗi cán bộ Kiểm sát phải hết sức tỉnh táo, nhạy bén, thận trọng trong giải quyết công việc. Rất nhiều thế hệ cán bộ, Kiểm sát viên đã nguyện suốt đời phấn đấu thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu, vượt qua mọi khó khăn thử thách để vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ; dũng cảm đấu tranh chống tiêu cực để bảo vệ lẽ phải, bảo vệ công lý, xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ. Những tấm gương phấn đấu và cống hiến lớn lao cho sự nghiệp của ngành mà chúng ta cần học tập như các đồng chí Hoàng Quốc Việt, Trần Quyết… nguyên là lãnh đạo ngành Kiểm sát nhân dân và các cán bộ, Kiểm sát viên khác.
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Sóc Trăng được thành lập năm 1992 (chia tách từ tỉnh Hậu Giang cũ), trăm sự khởi đầu nan, ngay từ buổi đầu còn gặp nhiều khó khăn, nhưng với quyết tâm cao độ, nhiều thế hệ lãnh đạo và cán bộ Kiểm sát viên của Ngành luôn tự rèn luyện và giữ gìn được phẩm chất đạo đức trong sáng thực hiện tốt lời dạy thiêng liêng của Bác Hồ kính yêu tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, vượt qua mọi khó khăn, cám dỗ để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành mà Đảng và Nhà nước giao phó.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vừa quán triệt, thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ đối với ngành Kiểm sát, ở một bộ phận cán bộ Kiểm sát viên của Ngành nói chung và cán bộ Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Sóc Trăng nói riêng chưa sâu, thiếu rèn luyện, ít hoặc không chịu khó tu dưỡng, đã dẫn đến sa sút về phẩm chất đạo đức và ý chí chiến đấu, khuất phục trước sự cám dỗ của đồng tiền, dẫn đến vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật, thậm chí trở thành tội phạm. Những cán bộ này vô tình hay cố ý quên đi lời căn dặn của Bác Hồ, tự mình đánh mất đi hình ảnh tốt đẹp của người cán bộ Kiểm sát trong lòng nhân dân.
Có thể nói, gần nửa thế kỷ qua, nhưng lời dạy của Người đối với cán bộ ngành Kiểm sát vẫn còn nguyên giá trị, nóng hổi tính thời sự, nhất là trong điều kiện nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Thực hiện tốt cuộc vận động học tập và làm theo lời dạy của Bác Hồ đối với ngành Kiểm sát, mỗi cán bộ Kiểm sát viên của Ngành nói chung, và Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Sóc Trăng nói riêng nguyện tiếp tục tu dưỡng, rèn luyện làm theo lời dạy của người. Cụ thể là:
- Tiếp tục tổ chức quán triệt và thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 06-CT/TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 03/VKSTC/CT-V9 ngày 16/4/2007 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về tổ chức cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
- Thường xuyên tổ chức học tập, nêu cao tinh thần tự rèn luyện đạo đức cách mạng, rèn luyện 5 đức tính mà Bác Hồ đã dạy mỗi cán bộ, Kiểm sát viên.
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống của Ngành, nêu gương sáng và học tập các đơn vị và cá nhân thực hiện tốt 5 đức tính của Bác Hồ dạy cán bộ Kiểm sát để toàn Ngành học tập và làm theo;
- Phát động phong trào thi đua sôi nổi, liên tục trong việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong toàn Ngành, nhất là học tập và làm tốt những điều Bác dạy về “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”; học tập và thực hiện đúng 5 đức tính “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Trước mắt, phát động phong trào rèn luyện phấn đấu để trở thành Kiểm sát viên giỏi, cán bộ Kiểm sát giỏi; Kiểm sát viên tiêu biểu, cán bộ Kiểm sát tiêu biểu mẫu mực.
- Quyết tâm xây dựng ngành Kiểm sát nhân dân trong sạch, vững mạnh toàn diện đáp ứng với lòng mong mỏi của Bác Hồ, và với yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước và hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành.