Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn xác định “Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và chế độ, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng. Phải thường xuyên chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, đổi mới công tác cán bộ gắn với đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng…”.
Chính vì vậy, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm công tác của ngành Kiểm sát nói chung và VKSND huyện An Lão nói riêng, xem đây là một trong những phương pháp để phát huy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng thực hiện tốt công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp để đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong thời đại mới.
Trong giai đoạn trước năm 2015, VKSND huyện An Lão có 7 biên chế với trình độ đại học đúng chuyên ngành nhưng chỉ có 50% cán bộ có trình độ lý luận chính trị theo yêu cầu. Thực trạng này phần nào gây ảnh hưởng tới kết quả thực hiện nhiệm vụ chung của toàn ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định cũng như chưa đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm tại địa phương. Bên cạnh đó, An Lão là một huyện miền núi xa xôi ở phía Tây Bắc của tỉnh Bình Định, nằm cách xa các trung tâm đào tạo, điều kiện kinh tế của huyện còn gặp nhiều khó khăn. Điều này đã gây nên những hạn chế, khó khăn nhất định khi cán bộ của đơn vị tham gia các lớp đào tạo nâng cao trình độ.
Xác định nhiệm vụ đào tạo cán bộ là chìa khóa then chốt để cải thiện chất lượng công tác
Nhận thấy những hạn chế, khó khăn này, trên cơ sở vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, trong giai đoạn từ 2015 đến nay, VKSND huyện An Lão xác định nhiệm vụ đào tạo cán bộ cần được chú trọng thực hiện thường xuyên và liên tục, xem công tác đào tạo con người là chìa khóa then chốt để cải thiện chất lượng công tác.
Công tác tổ chức cán bộ, trong đó có công tác đào tạo cán bộ luôn được thể hiện cụ thể trong Kế hoạch công tác hàng năm của đơn vị, tập trung đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ thuộc diện quy hoạch; ưu tiên đào tạo cán bộ trẻ, cán bộ nữ, là người dân tộc thiểu số có nhiều triển vọng phát triển để làm cơ sở tạo nguồn. Hàng năm, đơn vị lập danh sách cử công chức đi học các lớp nghiệp vụ bảo đảm đúng đối tượng, tiêu chuẩn, vị trí và thời gian công tác theo quy định của VKSND tối cao; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên; tạo điều kiện, khuyến khích cán bộ, công chức trẻ theo học chương trình đào tạo sau Đại học; thường xuyên chăm lo, giáo dục bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp và ý thức trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên.
Ngoài ra, đơn vị quyết tâm phát huy ý chí tự lực, tự cường trong công tác tự đào tạo để thực hiện tốt công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp thông qua nhiều hình thức. VKSND huyện An Lão đã tích cực tham gia các hoạt động do VKSND tỉnh Bình Định và VKSND cấp trên tổ chức, như: Cuộc thi “Chúng tôi là Kiểm sát viên”, “Kỹ năng soạn thảo cáo trạng, bài phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa dân sự sơ thẩm”, “Kỹ năng soạn thảo bản luận tội và bài phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa hành chính”, “Nâng cao kỹ năng, chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa hình sự sơ thẩm”, “Tìm hiểu và nâng cao nhận thức về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Đồng thời, tham gia các phiên tòa giả định, phiên toà rút kinh nghiệm trực tuyến để nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ.
Lãnh đạo đơn vị chỉ đạo, bố trí cán bộ, Kiểm sát viên thực hiện nhiệm vụ theo hướng vừa “chuyên sâu về nghiệp vụ”, vừa “mở rộng hiểu biết, kinh nghiệm về nhiều lĩnh vực chuyên môn khác”. Tăng cường công tác kiểm tra chéo giữa các bộ phận nghiệp vụ trong đơn vị nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục sai phạm, thiếu sót. Tăng cường kiểm tra đột xuất đối với bộ phận và cá nhân có nhiều hạn chế để từ đó Lãnh đạo Viện có chỉ đạo kịp thời nhằm thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu nhiệm vụ.
Ngoài ra, với chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, các cán bộ, Kiểm sát viên phải nắm chắc những quy định của pháp luật. Vì vậy, đơn vị luôn duy trì và thực hiện nghiêm túc việc đọc báo đầu giờ, quán triệt các văn bản mới, văn bản rút kinh nghiệm, hướng dẫn nghiệp vụ của cấp trên, đồng thời trao đổi những vướng mắc trong quá trình làm việc để cùng bàn bạc, tìm cách tháo gỡ.
Tự đào tạo thông qua công tác đánh giá cán bộ
Thông thường, giữa lý luận và thực tiễn bao giờ cũng có khoảng cách nhất định. Nhận thức được việc này, Lãnh đạo VKSND huyện An Lão luôn quan tâm, chú trọng phân công Kiểm sát viên lâu năm hướng dẫn các Kiểm sát viên trẻ mới vào Ngành để truyền đạt những kinh nghiệm trong giải quyết các vụ việc cụ thể.
Lãnh đạo Viện đề ra phương châm “chỉ có đánh giá đúng, thực chất mới bố trí, sử dụng cán bộ một cách hợp lý nhằm phát huy năng lực của cán bộ”. Do vậy, các cán bộ phụ trách bộ phận sẽ căn cứ Hệ thống chỉ tiêu nghiệp vụ để lập bản đăng ký cụ thể việc thực hiện chỉ tiêu thi đua và chịu trách nhiệm thực hiện với Lãnh đạo. Sau khi đăng ký, mỗi bộ phận đều quyết tâm cao nhất để hoàn thành bản đăng ký thi đua trong thời gian sớm nhất. Thông qua đó tạo sự lan tỏa, thúc đẩy phong trào tự học tập, tự nghiên cứu, trao đổi kỹ năng nghiệp vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ Kiểm sát viên của VKSND huyện An Lão “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”.
Cuối mỗi đợt thi đua, Lãnh đạo Viện đều có đánh giá cụ thể về kết quả đạt được. Đây cũng là cơ hội để Lãnh đạo Viện kiểm tra năng lực của mỗi cán bộ, Kiểm sát viên, đánh giá sở trường của từng cán bộ một cách công tâm, công bằng, qua đó bố trí, sắp xếp vị trí việc làm cho cán bộ một cách hiệu quả.
Nhờ những cải tiến trong công tác đào tạo, trong thời gian từ năm 2015 đến nay, chất lượng công tác của đơn vị không ngừng được nâng cao. VKSND huyện An Lão được Lãnh đạo VKSND tối cao và VKSND tỉnh Bình Định tặng nhiều Giấy khen, Bằng khen cho tập thể và cá nhân trong các đợt thi đua.
Phương hướng thực hiện công tác tự đào tạo trong thời gian tới
Trong thời gian tới, VKSND huyện An Lão tiếp tục chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng tại chỗ gắn với tổng hợp những kinh nghiệm, kỹ năng từ thực tiễn để nâng cao hơn nữa trình độ, năng lực của cán bộ, Kiểm sát viên.
Đơn vị sẽ vận dụng Quy chế phối hợp đã ký kết với Tòa án cùng cấp để tổ chức thực hiện có hiệu quả 100% vụ án hình sự, áp dụng công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa để Kiểm sát viên trong đơn vị ứng dụng thành thạo công nghệ thông tin phục vụ cho quá trình giải quyết vụ án.
Đây là giải pháp tự đào tạo vừa sát với thực tiễn, vừa tiết kiệm chi phí, lại đạt hiệu quả nhanh chóng trong việc nâng cao kỹ năng, trình độ của Kiểm sát viên trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự.
Bên cạnh đó, đơn vị sẽ thường xuyên phối hợp với Tòa án cùng cấp tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm để cán bộ, Kiểm sát viên tham dự cùng học tập, trao đổi, rút kinh nghiệm để nâng cao kỹ năng nghiệp vụ.
Có thể khẳng định, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ và đào tạo cán bộ vẫn còn nguyên giá trị đến ngày nay. Nhận thức đúng đắn và vận dụng những tư tưởng của Người là một trong những cơ sở quan trọng để VKSND huyện An Lão quán triệt sâu sắc đến cán bộ, Kiểm sát viên về ý nghĩa, tầm quan trọng, mục tiêu của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong tình hình mới. Không chỉ bồi dưỡng về trình độ chuyên môn nghiệp vụ mà còn phải quan tâm thường xuyên đến công tác giáo dục chính trị tư tưởng, phẩm chất đạo đức cho cán bộ, Kiểm sát viên và rèn luyện đức tính người cán bộ Kiểm sát theo lời dạy của Bác Hồ: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”, từ đó đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay.