CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

MỐI QUAN HỆ GIỮA NĂM ĐỨC TÍNH CỦA NGƯỜI CÁN BỘ KIỂM SÁT VỚI ĐẠO ĐỨC, TÁC PHONG CỦA NGƯỜI CÁN BỘ CÁCH MẠNG THEO TƯ TƯỞNG VÀ ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH

05/08/2008
Cỡ chữ:   Tương phản

MỐI QUAN HỆ GIỮA NĂM ĐỨC TÍNH CỦA NGƯỜI CÁN BỘ KIỂM SÁT VỚI ĐẠO ĐỨC, TÁC PHONG CỦA NGƯỜI CÁN BỘ CÁCH MẠNG THEO TƯ TƯỞNG VÀ ĐẠO ĐỨC HỒ CHÍ MINH

NGUYỄN THỊ NGỌC - VKSND thành phố Đà Nẵng

 

Tư tưởng, đạo đức, tác phong của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện bản lĩnh kiên định, giàu tình cảm, giàu lòng nhân ái, yêu nước thương dân, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hướng cho mỗi chúng ta, mỗi người cán bộ cách mạng rèn luyện, phấn đấu theo đạo đức cách mạng. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ cách mạng “phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư… phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân''.

Trong tác phẩm "Sửa đổi lề lối làm việc'', Chủ tịch Hồ Chí Minh coi ''Cần, kiệm, liêm chính'' là một tiêu chuẩn của đạo đức cách mạng. Người khẳng định ''Một dân tộc biết cần, kiệm, liêm, chính là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh, tiến bộ''. Đối với cán bộ ngành Kiểm sát nói riêng, Người dạy cán bộ Kiểm sát phải "Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn''. Bản thân lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ Kiểm sát đã tự nói lên sự mong mỏi của Người về một đội ngũ cán bộ Kiểm sát trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là "người chiến sĩ trên mặt trận bảo vệ pháp chế".

Năm đức tính "Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn'' có quan hệ biện chứng với nhau để tạo thành một khuôn mẫu phẩm chất đạo đức của người cán bộ Kiểm sát; vừa thể hiện bản lĩnh chính trị, tính khoa học, tính nghiêm minh, bản chất nhân đạo, nhân văn của công tác kiểm sát và của người cán bộ Kiểm sát. Thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy đối với cán bộ Kiểm sát chính là tiền đề xoá bỏ những thứ bệnh như gây mất đoàn kết nội bộ, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, của Nhà nước, tham ô, tham nhũng, tư lợi hay sự tha hoá, biến chất về chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống.

Năm điều Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy cán bộ Kiểm sát nói riêng cũng xuất phát từ phạm trù là đạo đức. Vì đạo đức chính là gốc của con người, của người cán bộ cách mạng. Nội hàm đạo đức cách mạng trong tư tưởng Hồ Chí Minh là tận trung với nước, tận hiếu với dân, thật sự "Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư", đối với cán bộ Kiểm sát là công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn.

Để thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ cách mạng, cán bộ Kiểm sát, chúng ta cần quán triệt các nguyên tắc xây dựng đạo đức mới:

Một là, nói phải đi đôi với làm, phải nêu gương sáng về đạo đức; học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra một điểm rất quan trọng, có giá trị vô cùng thiết thực đối với người cán bộ cách mạng: "Trước mặt quần chúng không phải cứ viết lên trán chữ cộng sản mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước''.

Hai là, xây dựng đạo đức mới, tạo môi trường đạo đức trong sáng, lành mạnh cho con người, cho cộng đồng, khơi dậy ý thức vươn lên tự nguyện của con người vươn tới cái chân, thiện, mỹ, tạo ra năng lực trau dồi đạo đức của mỗi cá nhân, loại bỏ cái ác, cái xấu, vô đạo đức, ''khi làm bất cứ việc gì cũng đừng nghĩ đến mình trước, khi hưởng thụ thì mình nên đi sau, phải lo cho thiên hạ trước, vui sau thiên hạ. Đem chí công vô tư mà đến với người, đến với việc, quan tâm làm gương về việc siêng năng, tiết kiệm, trong sạch, chớ kiêu ngại, tự mãn, tự đại, phải nói ít làm nhiều, thân ái, đoàn kết''.

Ba là, phải luôn rèn luyện để nâng cao phẩm chất, đạo đức; kiên quyết chống lại bệnh cơ hội, chủ nghĩa cá nhân, chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy lợi và cả chạy tội, chống bệnh nói nhiều làm ít, bệnh quan liêu, xa dân, thích nghe thành tích, ngại nghe sự thật; kiên quyết chống tham nhũng, nhũng nhiễu nhân dân.

Bốn là, thực hiện nghiêm chỉnh và triệt để lời dạy của Bác Hồ đối với người cán bộ Kiểm sát phải "Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn''. Phải luôn nâng cao nhận thức chính trị bằng việc nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quán triệt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng; nắm vững tri thức pháp luật, học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, gương mẫu trong việc chấp hành Hiến pháp và pháp luật, tham gia tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiên quyết đấu tranh bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Như vậy, năm đức tính mà Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy cán bộ Kiểm sát với đạo đức, tác phong nói chung của người cán bộ cách mạng theo tư tưởng và đạo đức, tác phong của Hồ Chí Minh liên quan mật thiết với nhau. Trong đó, đạo đức tác phong của người cán bộ cách mạng theo tư tưởng đạo đức, tác phong của Hồ Chí Minh là tiền đề, là cái gốc, là điều kiện cần, còn 5 đức tính Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy cán bộ Kiểm sát là điều kiện đủ để trở thành người cán bộ Kiểm sát chuẩn mực để thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó, nhân dân trông đợi.

Tìm kiếm