CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Đánh giá lời khai nhận của người có ma túy để xác định tội danh và lần phạm tội

10/10/2019
Cỡ chữ:   Tương phản

Trong những năm vừa qua hệ thống các văn bản pháp luật hướng dẫn thi pháp luật hình sự nói chung và các tội phạm về ma túy nói riêng ngày càng hoàn thiện. Tuy nhiên việc xác định tội danh và việc áp dụng tình tiết phạm tội nhiều lần đối với 01 số tội phạm liên quan đến ma túy gặp không ít khó khăn. Chủ yếu đối với tội mua bán trái phép chất ma túy và tàng trữ trái phép chất ma túy với số lượng nhỏ thuộc khung cấu thành cơ bản của tội phạm (khoản 1 của Điều luật). Việc chứng minh động cơ, mục đích phạm tội của bị can, bị cáo có ý nghĩa quan trọng để xác định có tội hay không có tội, bị can bị khởi tố, truy tố, xét xử ở khung khoản nào của Điều luật.

Quá trình thực hiện các Cơ quan tiến hành tố tụng đã áp dụng Thông tư liên tịch số 17/2007 ngày 24/12/2007 của Bộ công an - Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Tòa án nhân dân tối cao - Bộ tư pháp hướng dẫn thi hành đối với các tội phạm về ma túy (gọi tắt là TTLT số 17), cho đến nay 1 số nội dung của TTLT số 17 vẫn còn phù hợp với BLHS 2017.

Về xác định tội danh: Đối với tội mua bán trái phép chất ma túy được quy định tại Điều 251 BLHS 2017 có khung hình phạt tư 2 đến 7 năm tù và Hướng dẫn tại mục 3.3- TTLT số 17 quy định:

“3.3. “Mua bán trái phép chất ma túy” là một trong các hành vi sau đây: 

a) Bán trái phép chất ma túy cho người khác (không phụ thuộc vào nguồn gốc chất ma túy do đâu mà có) bao gồm cả việc bán hộ chất ma túy cho người khác để hưởng tiền công hoặc các lợi ích khác; 

b) Mua chất ma túy nhằm bán trái phép cho người khác;

c) Xin chất ma túy nhằm bán trái phép cho người khác;

d) Dùng chất ma túy nhằm trao đổi thanh toán trái phép (không phụ thuộc vào nguồn gốc chất ma túy do đâu mà có); 

đ) Dùng tài sản không phải là tiền đem trao đổi, thanh toán… lấy chất ma túy nhằm bán lại trái phép cho người khác;

e) Tàng trữ chất ma túy nhằm bán trái phép cho người khác;

g) Vận chuyển chất ma túy nhằm bán trái phép cho người khác.

Người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức cho người thực hiện một trong các hành vi mua bán trái phép chất ma túy được hướng dẫn từ điểm a đến điểm g tiểu mục 3.3 này đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trái phép chất ma túy”. 

Thực tiễn xảy ra vướng mắc chủ yếu ở dạng: Tàng trữ chất ma túy nhằm bán trái phép cho người khác; mua chất ma túy nhằm bán trái phép cho người khác. Cơ quan điều tra khai thác được động cơ, mục đích của bị can, qua lời khai của người có ma túy ( yếu tố lỗi nằm trong mặt chủ quan của người phạm tội)

Về tội tàng trữ trái phép chất ma túy, Điều 249 BLHS năm 2017 quy định: Người nào tàng trữ trái phép chất ma túy mà không nhằm mục đích mua bán, vận chuyển, sản xuất trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Như vậy để phân biệt giữa tội mua bán trái phép chất chất ma túy và tội tàng trữ trái phép chất ma túy trong trường hợp cụ thể này, đó là động cơ mục đích của người thực hiện hành vi phạm tội. Cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh người tàng trữ trái phép chất ma túy có nhằm mục đích bán hay không để định tội danh. Các tài liệu chứng minh về mục đích như: Lời khai của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, nhân chứng, vật chứng... thuận lợi nhất chính là lời khai của bị can và đồng phạm. Khi có nhiều nguồn chứng cứ thì việc đánh giá mục đích tội phạm là dễ dàng và chính xác. Tuy nhiên mục đích tàng trữ chỉ có duy nhất lời thừa nhận của người tàng trữ trái phép chất ma túy khai, thì khó khăn trong việc đánh giá động cơ, mục đích của bị can, bị cáo, bởi nó phụ thuộc vào ý chí của người thực thi pháp luật và chính bản thân người tàng trữ trái phép chất ma túy.

Về tình tiết phạm tội nhiều lần: Tại mục 2.3, phần I - TTLT số 17 có quy định: “ Tình tiết “phạm tội nhiều lần” quy định tại khoản 2 các điều 193, 194, 195, 196, 197, 198, 200 và 201 của BLHS được hiểu là đã có từ hai lần phạm tội trở lên ( hai lần sản xuất trái phép chất ma túy trở lên, hai lần tàng trữ trái phép chất ma túy trở lên, hai lần bán trái phép chất ma túy trở lên…) mà mỗi lần phạm tội có đủ yếu tố cấu thành tội phạm quy định tại khoản 1 điều luật tương ứng, đồng thời trong số các lần phạm tội đó chưa có lần nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trong trường hợp này người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về tổng số lượng chất ma túy của các lần cộng lại, nếu điều luật có quy định về số lượng chất ma túy để định khung hình phạt”

Thực tiễn đã xảy ra (được áp dụng chủ yếu trước khi BLHS năm 2017 có hiệu lực thi hành) đối với tội mua bán trái phép chất ma túy:

+ Về định tội: Khi định tội danh đối với những trường hợp tàng trữ trái phép chất ma túy nhằm bán, theo lời khai nhận của người tàng trữ nhằm mục đích để bán, thì xác định là tội mua bán trái phép chất ma túy. Nếu nhằm mục đích để sử dụng hoặc không nhằm mục đích bán, vận chuyển, sản xuất thì phạm tội tàng trữ trái phép chất ma túy nếu thỏa mãn các yếu tố định lượng hặc điều kiện khác do luật định nếu thỏa mãn các yếu tố định lượng hoặc điều kiện khác do luật định.

+ Về tình tiết phạm tội nhiều đối với tội mua bán trái phép chất ma túy: Chỉ áp dụng trường hợp người phạm tội hai lần bán trái phép chất ma túy trở lên (theo TTLT số 17), có nghĩa là: Khi chứng minh hành vi phạm tội của người thực hiện, thì các Cơ quan tiến hành tố tụng buộc phải chứng minh người có hành vi bán trái phép chất ma túy bán cho ai, bao nhiêu lần cho người khác và phải có địa chỉ rõ ràng. Còn trong trường hợp người thực hiện hành vi 01 lần mua bán trái phép chất ma túy hoàn thành và 01 lần tàng trữ trái phép chất ma túy nhằm bán với số lượng thuộc khung cơ bản của điều luật thì cũng chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự ở khoản 1 của điều luật với tổng khối lượng ma túy được xác định. Vi dụ: Nguyễn Văn A bán cho B 0,1 gam Hê rô in thu được 500.000đ, ngoài ra A còn tàng trữ 0,2 gàm Hê rô in để bán, thì A cũng chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 194 BLHS năm 1999 với khối lượng ma túy là 0,3 gam Hê rô in. Còn nếu trong trường hợp người bán trái phép chất ma túy có 02 lần trở lên mua bán trái phép chất ma túy hoàn thành và tàng trữ trái phép 01 lượng ma túy khác nhằm để bán, thì cũng chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trái phép chất ma túy với tổng khối lượng ma túy của các lần và tàng trữ trái phép cộng lại với tình tiết định định khung tăng nặng là mua bán nhiều lần

Nhưng từ 1/1/2018 khi BLHS năm 2017 có hiệu lực thi hành, tội mua bán trái phép chất ma túy và tội tàng trữ trái phép chất ma túy được tách riêng thành hai điều luật, có khung hình phạt khác nhau, thì xảy ra nhiều vấn đề khó khăn trong việc định tội danh, xác định số lần phạm tội, tập chung chủ yếu vào những vụ án nhỏ, lẻ thuộc khoản 1 của Điều luật (tập trung ở điều 249, 251 BLHS). Cơ quan điều tra thu giữ vật chứng có khối lượng rõ ràng, lượng ma túy ít thuộc khoản 1 của Điều luật (Điều 249 BLHS); thông thường chỉ có lời khai nhận duy nhất của người phạm tội về mục đích tàng trữ trái phép chất ma túy, lời khai ổn định từ khi bị phát hiện cho đến khi truy tố và kể cả đến giai đoạn xét xử, nhất là người tàng trữ trái phép chất ma túy khai nhận: Mục đích tàng trữ ma túy để bán cho người khác. Khi xảy ra trường hợp trên còn có nhiều quan điểm khác nhau về tội danh, về số lần phạm tội. Cụ thể:

1/ Quan điểm thứ nhất: Về định tội: Từ khi bị bắt quả tang đến khi truy tố, nếu người bị bắt, sau đó là bị can, bị cáo đều khai nhận khối lượng ma túy tàng trữ nhằm mục đích bán, thì truy tố, xét xử về tội mua bán trái phép chất ma túy. Đến giai đoạn xét xử nếu bị cáo không thừa nhận mục đích để bán, thì căn cứ vào lời khai của người tàng trữ từ khi bị bắt quả tang, bị tạm giữ cho đến khi truy tố, để buộc tội mua bán trái phép chất ma túy. 

Về áp dụng tình tiết phạm tội nhiều lần: Ngoài ra bị can còn bán bán trái phép chất ma túy từ 01 lần trở lên khác, thì bị can phải chịu trách nhiệm hình sự với tình tiết định khung phạm tội nhiều lần.

2/ Quan điểm thứ hai: Về định tội: Nếu chỉ có duy nhất lới khai của người tàng trữ trái phép chất ma túy về mục đích để bán, thì truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tàng trữ trái phép chất ma túy là phù hợp và đảm bảo an toàn đúng theo Bộ luật tố tụng hình sự về đánh giá chứng cứ (nhưng có thể bỏ lọt tội phạm, trong trường hợp khối lượng ma túy dưới mức khối lượng cấu thành cơ bản của Điều luật, thực tế người tàng trữ trái phép chất ma túy nhằm để bán).

Về áp dụng phạm tội nhiều lần: Ngoài ra bị can còn mua bán bán trái phép chất ma túy hoàn thành từ 01 lần trở lên khác, thì bị can phải chịu trách nhiệm hình sự về hai tội mua bán trái phép chất ma túy và tội tàng trữ trái phép chất ma túy. Bị can còn phải chịu trách nhiệm hình sự với các tình tiết định khung hình phạt khác theo quy định của pháp luật, kể cả tội mua bán trái phép chất ma túy với tình tiết phạm tội nhiều lần.

3/ Quan điểm thứ ba: Từ khi bị bắt thu giữ vật chứng đến khi truy tố, nếu người tàng trữ trái phép chất ma túy đều khai nhận khối lượng ma túy tàng trữ nhằm mục đích bán, thì truy tố, xét xử về tội mua bán trái phép chất ma túy. Đến giai đoạn xét xử nếu bị cáo không thừa nhận mục đích để bán, thì dùng lời khai nhận của bị cáo từ khi bị bắt quả tang cho đến khi truy tố, để buộc tội mua bán trái phép chất ma túy.

Ngoài ra bị can còn bán trái phép chất ma túy 01 lần khác, thì bị can phải chịu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trái phép chất ma túy với tổng khối lượng ma túy đã bán và bị thu giữ. Lý do: Bị can không thỏa mãn điều kiện: hai lần bán trái phép chất ma túy trở lên, như hướng dẫn của TTLT số 17.

4/ Quan điểm thứ tư: 

Trường hợp thứ nhất, người thực hiện hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy có khối lượng thuộc khoản 1 Điều 249 BLHS, chỉ có duy nhất lời khai của người có ma túy về mục đích tàng trữ trái phép chất ma túy, không cần biết họ để làm gì, thì xét xử về tội tàng trữ trái phép chất ma túy theo khoản 1 Điều 249 BLHS năm 2017. 

Ví dụ: Nguyễn Văn A bị bắt quả tang tại phường Tiên Cát - TP Việt Trì, đang có 0,12 gam hê rô in, A khai nhằm để chuẩn bị bán hoặc cần thiết A sử dụng..., ngoài ra không có tài liệu chứng cứ nào khác phản ánh mục đích của A, thì truy cứu trách nhiệm hình sự đối với A về tội tàng trữ trái phép chất ma túy theo khoản 1 Điều 249 BLHS.

Trường hợp thứ hai, chỉ có duy nhất lời khai của người thực hiện hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy về mục đích tàng trữ, mà khối lượng chất ma túy thuộc khoản 1 Điều 249 BLHS 2017 và ngoài ra người này còn mua bán trái phép chất ma túy với 01 người khác đã xong (hoặc có 01 khối lượng ma túy khác nhằm để bán, làm rõ được mục đích bán), thì người này phải chịu trách nhiệm hình sự về hai tội: Tội tàng trữ trái phép chất ma túy và tội mua bán trái phép chất ma túy.

Ví dụ: Ngày 06/2/2018, tại phường Tiên Cát - TP Việt Trì, Nguyễn Văn A bán cho Trần Văn B, 0,14 gam ma túy Heroine thu được 500.000đ. Đến ngày 8/2/2018, A bị bắt quả tang tại phường Tiên Cát - TP Việt Trì, đang có 0,12 gam hê rô in, A khai nhằm để chuẩn bị bán hoặc mục đích khác, ngoài ra không có tài liệu chứng cứ nào khác phản ánh mục đích của A tàng trữ 0,12 gam Hê rô in. Do vậy, A phải chịu trách nhiệm hình sự về hai tội: Tội mua bán trái phép chất ma túy theo Khoản 1 Điều 251 đối với khối lượng ma túy đã bán và tội tàng trữ trái phép ma túy theo khoản 1 Điều 249 BLHS đối với khối lượng ma túy bị thu giữ khi bắt quả tang. 

Trong trường hợp này, nếu làm rõ được mục đích của việc tàng trữ trái phép chất ma túy để bán (lời khai của người tàng trữ trái phép chất ma túy phù hợp với tài liệu, chứng cứ khác), thì người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trái phép chất ma túy với tình tiết định khung từ 2 lần trở lên theo điểm b khoản 2 Điều 251 BLHS năm 2017.

Trường hợp thứ ba, người phạm tội có 02 lần trở lên bán trái phép chất ma túy và còn tàng trữ 01 khối lượng ma túy nhất định, thì chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội đó về tội mua bán trái phép chất ma túy với tình tiết phạm tội từ 02 lần trở lên và với khối lượng ma túy xác định được (bao gồm cả đã bán và thu giữ được). Lý do: Với lượng ma túy còn lại và hành vi phạm tội 2 lần trở lên, có hệ thống, thì mục đích cất giữ số ma túy còn lại cùng không nằm ngoài mục đích của người tội phạm đã thực hiện. Bên cạnh đó cũng phản ánh một phần thực tế của tội phạm và quyền của bị can theo điểm d, h khoản 2 Điều 60 BLTTHS năm 2015.

Như vậy trong những quan điểm trên, trong cùng 01 quan điểm, có điểm có lợi cho người phạm tội, nhưng cũng điều bất lợi cho người phạm tội. Để đảm bảo nguyên tắc suy đoán vô tội, xác định sự thật vụ án quy định tại Điều 13, 15 Bộ luật tố tụng hình sự và theo tác giả quan điểm thư tư là phù hợp.

Từ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực tiễn áp dụng các quy định của Bộ luật Hình sự, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền có hướng dẫn, trao đổi: Về cách định tội danh trong trường hợp chỉ có duy nhất lời khai của người tàng trữ trái phép chất ma túy nhằm mục đích bán, vận chuyển, sản xuất trái phép chất ma túy hoặc người tàng trữ tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy nhằm mục đích bán. Về phạm tội nhiều lần, đối với nhóm tội mua bán, vận chuyển, sản xuất trái phép chất ma túy. Đặc biệt, Một người bán trái phép chất ma túy cho người khác đã hoàn thành và còn tàng trữ trái phép 01 khối lượng ma túy khác chứng minh được mục đích để bán, vận chuyển, sản xuất trái phép chất ma túy, thì người đó có phạm tội 2 lần hay không?

Lê Hồng Minh - PVT VKSNDTP Việt Trì

(Theo Trang tin điện tử VKSND tỉnh Phú Thọ)

 

 

Tìm kiếm