CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Một số vấn đề về phòng, chống ma túy loại cần sa theo quy định của pháp luật Việt Nam

29/07/2019
Cỡ chữ:   Tương phản

 

Vừa qua, báo cáo về tình hình ma túy của Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) tiếp tục khẳng định Cần sa là loại ma túy phổ biến thứ đứng thứ nhất trên toàn cầu. Trong đó, Đông Nam Á là khu vực đang đối mặt với cuộc khủng hoảng tội phạm ma túy nghiêm trọng nhất thế giới. Trong phạm vi bài viết, chúng tôi xin giới thiệu một số nội dung về phòng, chống ma túy loại cần sa đến những người làm công tác phòng, chống ma túy nói chung và công chức, Kiểm sát viên trực tiếp thực hiện nhiệm vụ công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử án hình sự về ma túy:

1. Một số vấn đề về cần sa

Cần sa được sử dụng như chất thức thần hoặc dùng làm thuốc, dược liệu.Cây cần sa đã được sử dụng từ lâu cho ra sợi gai dầu, tinh dầu gai dầu hay được phục vụ cho y tế, cũng như giải trí. Những sản phẩm gai dầu công nghiệp được làm ra từ những cây cần sa đã được lựa chọn để tăng cường sản xuất chất xơ. Cây cần sa cũng là một nguồn tài nguyên nông nghiệp quan trọng. Các sợi gai dầu mạnh mẽ đã được sử dụng để làm dây thừng, quần áo, dệt may, vật liệu xây dựng và nhiều hơn nữa. Nó cũng tạo ra các hạt tiêu thụ dinh dưỡng chứa đầy các axit amin thiết yếu (Omega 3-6-9 thường được bán qua những lọ thuốc tiền triệu), protein và các khoáng chất có giá trị khác. Các phụ phẩm cần sa cũng có thể được sản xuất thành dầu ăn và thậm chí có thể hoạt động như một loại nhiên liệu sinh học bền vững.

Trong số các hợp chất Cannabinoid có trong cây cần sa, thì Tetrahydrocannabinol (THC) là chất có ảnh hưởng đến Hệ thần kinh trung ương của con người. Nó cũng có tác dụng làm cho thanh thản, trầm tĩnh, chống nôn mửa. Tetrahydrocannabinol (THC) và cannabidiol (CBD) là hai hợp chất nổi tiếng nhất của cần sa, mặc dù có rất nhiều hợp chất khác cũng cung cấp một loạt các hiệu ứng độc đáo khác, trong đó, chất thức thần chính (hay chất gây phê) trong cần sa là tetrahydrocannabinol (THC); nó là 1 trong 483 hợp chất được biết đến trong cây cần sa, bao gồm ít nhất 113 hợp chất cannabinoid, như: Cannabidiol (CBD), cannabinol (CBN) và tetrahydrocannabivarin (THCV),... các terpene và các flavonoid, cung cấp một số lợi ích trong lĩnh vực y tế. Nếu không có kiểm soát của cơ sở y tế, khó mà phân biệt được việc sử dụng (lạm dụng) cần sa làm chất kích thích với việc dùng nó làm thuốc chữa bệnh. Cần sa thường được phân loại theo tỷ lệ các hợp chất sau:

(1) THC cao, CBD thấp (hưng phấn hơn);

(2) CBD cao, THC thấp (sáng suốt, minh mẫn hơn);

(3) THC và CBD cân bằng (hưng phấn nhẹ).

Trên thế giới hiện nay, việc sử dung cần sa thường được chia thành hai mục đích chính, gồm giải trí và y tế (yại Việt Nam, cần sa và các chế phẩm từ cần sa thuộc các chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng trong y học và đời sống xã hội). Người sử dụng cần sa để có mục đích như giải trí, hưởng thụ, giảm stress và kích thích sáng tạo. Sử dụng cho mục đích y tế, dùng cần sa để giảm bớt các triệu chứng như đau, lo âu, mất ngủ, mất cảm giác ngon miệng và hơn thế nữa. Thường khi sử dụng cần sa sẽ đem đến các hiệu ứng ảnh hưởng đến tinh thần cũng như thể chất, chẳng hạn như bạn sẽ có cảm giác phê (high) hay đơ (Stoned). Đặc điểm nhận dạng chung khi sử dụng như vui, cao hứng, thư giãn, tăng sự thèm ăn (đồ ngọt),... Tác dụng phụ có thể bao gồm: Mất trí nhớ ngắn hạn, khô miệng, kỹ năng vận động bị suy giảm, mắt đỏ, có thể cảm thấy hoang tưởng, hoặc lo âu,... Người sử dụng cần sa sẽ bắt đầu có cảm giác phê trong vòng vài phút sau khi hút cần, hay phải mất đến 30 phút sau khi ăn, hiệu ứng phê có thể kéo dài từ 2 - 6 tiếng tùy thể trạng, cơ địa của mỗi người sử dụng.

a) Khái quát về THC và CBD

Tetrahydrocannabinol (THC) là thành phần chính trong cây cần sa, THC là hợp chất tác động lên thần kinh ảnh hưởng đến cảm giác của người sử dụng bằng cách tạo cơn “phê”. THC cũng có một loạt các lợi ích trong y tế và thường được sử dụng để giảm đau, chống buồn nôn và trầm cảm, trong số nhiều tác dụng khác. THC được phân lập lần đầu tiên vào năm 1964 bởi nhà khoa học Israel (Giáo sư Raphael Mechoulam). Kể từ đó, nhiều hợp chất cannabinoid khác đã được phát hiện. Lượng THC trong cần sa phụ thuộc vào giống cây và các điều kiện khác nơi cây cần sa được trồng, phát triển. Ngày nay, các một số giống chứa trung bình từ 10-30% THC.

Có một số cách sử dụng để hấp thụ THC trong cần sa như: Hút, hóa hơi, hay ăn uống. Tuy nhiên, hút là cách phổ biến nhất để sử dụng cần sa và là cách nhanh nhất để hấp thu THC cùng các hợp chất khác vào cơ thể. Khi hút cần sa, THC đi trực tiếp vào phổi và ngấm vào máu. Phổi có thể hấp thụ khói chỉ vài giây sau khi hút, do diện tích bề mặt khổng lồ của chúng được bao phủ bởi hàng triệu túi khí, những túi khí nhỏ xíu (alveoli) sẵn sàng cho phép THC xâm nhập vào trong máu. Một khi vào trong máu, THC nhanh chóng đi vào não.

Khi THC đi vào cơ thể, nó kích hoạt các con đường được gọi là các thụ thể cannabinoid. Khi THC gắn vào một thụ thể, nó thay đổi cách thức hoạt động của não bộ. Những thay đổi này có thể có lợi hoặc có hại, tùy thuộc vào cách sử dụng THC. Nhiều loại hợp chất cannabinoid gắn vào các thụ thể này, bao gồm cả các cannabinoid được tạo ra bởi cơ thể một cách tự nhiên. Các cannabinoid được tạo ra trong cơ thể, cùng với các thụ thể cannabinoid, là thành phần của Hệ thống Cannabinoid nội sinh (trong cơ thể người - Endocannabinoid System). Hệ thống Cannabinoid nội sinh trải rộng trong cơ thể con người. Các thụ thể cannabinoid cũng là một trong những loại thụ thể xuất hiện nhiều ở não bộ. Điều này giải thích tại sao THC có những hiệu ứng đa dạng như vậy đối với tâm trí và cơ thể. Các thụ thể cannabinoid type 1 (CB1) chủ yếu được tìm thấy trong não. Khi THC gắn vào một thụ thể CB1, nó tạm thời thay đổi cách hoạt động của một tế bào não. Những thay đổi này tạo ra cảm giác phê. THC cũng gây ra những thay đổi đáng kể lên cơ thể. Các thụ thể cannabinoid trong cơ thể được gọi là thụ thể cannabinoid type 2 (CB2). Các thụ thể CB2 được tìm thấy trên tất cả các loại tế bào, bao gồm các tế bào tiêu hóa, tim mạch, gan, thận, xương, da, phổi và miễn dịch.

Hiện nay, cần sa là một trong những loại chất kích thích giải trí phổ biến nhất được sử dụng để thay đổi trạng thái của một người sử dụng phụ thuộc. Nó thường được sử dụng để đạt được cảm giác tức thời của sự hưng phấn, còn được gọi là “phê”. Bên cạnh đó, có những tác động tâm lý khác của THC. Những hiệu ứng này thay đổi tùy vào mỗi người, tùy thuộc vào sức mạnh và lượng cần sa được sử dụng và cách sử dụng cần sa. Những hiệu ứng của THC bao gồm cảm giác thư giãn và êm dịu, mắt có thể giãn ra và các giác quan khác có thể được tăng cường. THC cũng có thể thay đổi suy nghĩ, trí nhớ, nhận thức về thời gian, và gây ảo giác hoặc ảo tưởng. Các hiệu ứng tức thì của THC thường được cảm nhận từ 10 đến 30 phút sau khi tiêu thụ. Các tác động tâm lý của THC bao gồm: Cảm giác hưng phấn và thư giãn; biến dạng thời gian; tăng cường kinh nghiệm giác quan; tăng cường xã hội hóa (cười và nói); tăng sự thèm ăn (đồ ăn vặt, có xu hướng thích đồ ăn ngọt như sô cô la,...).

Cannabidiol (CBD) là một trong số hơn 100 loại cannabinoid tự nhiên trong cây cần sa. Sau THC, nó là thành phần nổi bật nhất của cần sa và dễ dàng được tìm thấy trong cây gai dầu. Không giống như THC, CBD không gây phê, hiệu ứng mà cần sa được biết tới. Do đó, nó thường được sử dụng nhiều hơn cho mục đích y học chứ không phải giải trí. Cho đến những năm 1940, nhà hóa học Roger Adams đã tách biệt CBD đầu tiên khỏi cây cần sa. Trong những năm 1960, Giáo sư Raphael Mechoulam đã xác định cấu trúc của CBD và THC chính xác hơn với sự trợ giúp của công nghệ mới có sẵn. Qua vài thập kỷ, bằng chứng cho thấy cần sa có thể được sử dụng để điều trị các triệu chứng như viêm khớp, động kinh, lo âu và tâm thần phân liệt dấy lên sự quan tâm giữa các nhà khoa học và các bác sĩ.

CBD cũng hoạt động trên cả hai thụ thể CB1 và ​​CB2, nhưng ít dễ dàng hơn THC và hoạt động theo những cách khác, tạo ra phản ứng ngược lại ở thụ thể CB2 so với THC. Cùng với các thụ thể cannabinoid, CBD kích hoạt thụ thể serotonin, có thể giải thích cách nó hoạt động như một loại thuốc chống trầm cảm, chống lo âu và chất bảo vệ thần kinh. CBD cũng hoạt động trên một số loại thụ thể opioid, có khả năng làm giảm một số tác dụng giảm đau của nó. CBD cũng điều biến Thụ thể Tạm thời Vanilloid Type 1 (Transient Vanilloid Receptor type 1, viết tắt là TPVR-1), một thụ thể được kích hoạt bởi phân tử thực phẩm cay capsaicin, có khả năng xúc tiến kéo theo CBD như một loại thuốc giảm đau và chống viêm. Một khi CBD đã tác dụng lên cơ thể, nó chủ yếu được bài tiết qua nước tiểu. Chu kỳ bán rã của CBD là 9 tiếng.

b) Sự tương tác của THC và CBD

Sự kết hợp giữa THC và CBD phức tạp hơn so với việc tổng hợp các hiệu ứng của CBD và THC. CBD có thể làm chậm việc thanh lọc THC khỏi cơ thể, do đó làm tăng lượng THC còn tồn đọng. Ngoài ra một số bằng chứng cho thấy CBD ngăn chặn hoạt động của THC lên thụ thể CB1, giúp hạn chế sự hoang tưởng hay lo âu có thể gặp phải khi sử dụng THC. Mức độ tương đối của THC và CBD trong một giống cần sa hoặc chiết xuất là rất quan trọng. Tỷ lệ THC cao so với CBD (tỷ lệ THC so với CBD) sẽ tạo ra cảm giác phê (high) hơn cho người dùng và mang lại lợi ích điều trị cho một số người. Tỷ lệ THC thấp so với CBD mang lại nhiều hiệu quả điều trị hơn và hầu như không gây phê.

2. Những kiến thức cơ bản nhất về tinh dầu vape (tinh dầu thuốc lá điện tử) sử dụng CBD và tinh dầu CBD và tình hình phòng, chống tội phạm về ma túy liên quan đến cần sa

Do thị trường sử dụng CBD nói riêng cũng như sử dụng cần sa nói chung ở các nước phát triển hoặc những nơi đã hợp pháp hóa cần sa với một mục đích nhất định (dùng cần sa y tế là hợp pháp ở nhiều quốc gia gồm Hà Lan, Colombia, Uruguay, Canada, Úc, Thái Lan) vẫn đang là vấn đề còn nhiều tranh cãi nên hiện tại vẫn còn rất nhiều điều khó nắm bắt những thông tin đầy đủ giữa tinh dầu thuốc lá điện tử (vape) sử dụng CBD và tinh dầu CBD thông thường. Chính xác là tinh dầu vape (E-juice,Vape juice hay E-liquid) và tinh dầu CBD (CBD oils).

Khi sử dụng tinh dầu vape CBD cần một thiết bị hóa hơi hay còn gọi là thiết bị đốt thuốc lá điện tử để cung cấp nhiệt độ vừa đủ khiến tinh dầu vape CBD bốc hơi, khi hít vào sẽ được cơ thể hấp thụ qua phổi vào thẳng vào mạch máu một cách nhanh chóng hơn. Sẵn tiện cũng rất thích hợp với những người dùng có sở thích thả hơi nước bay đầy phòng để tạo không gian mờ ảo.Còn với dầu CBD thông thường thì người dùng sẽ cho dầu này vào miệng và cơ thể sẽ hấp thụ và đưa CBD vào mạch máu thông qua thực tràng, dạ dày, cuối cùng là vào mạch máu. Điều đó nghĩa là các thiết bị hóa hơi sẽ không thể làm bốc hơi các loại dầu CBD thông thường mà không làm cháy một lượng lớn dầu CBD được.

Hiện nay, những người nghiện cần sa, đặc biệt là một bộ phận “dân chơi” sử dụng cần sa thông qua thiết bị hóa hơi điện tử. Chất dẫn đốt chính là các loại E-juice,Vape juice hay E-liquid với các hương vị khác nhau như chuối, dâu, táo, xoài,... và để tăng độ phê (high) thì lựa chọn số một là sử dụng thêm vài giọt THC hoặc CBD thấm vào bông (đầu đốt của thiết bị hóa hơi) và thông qua quá trình đốt, việc hóa hơi sẽ tạo ra độ phê (high) phù hợp với nhu cầu của người sử dụng. Có thể kể tên như: @Tokyobananaejuice (banana hoặc các vị khác tùy nhu cầu của người sử dụng) với thông tin sản phẩm là Max Vg 60ML 0,3% Nicotine; Cannabidiol 4500mg (THC) Max Chill; FDA,…

Tội phạm ma tu‎ý tiếp tục tăng, quy mô lớn, tính chất, phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, nguy hiểm và manh động hơn. Các đối tượng đã lợi dụng cơ chế quản lý thông thoáng trong xuất nhập khẩu hàng hóa, tập kết ma túy số lượng lớn tại Việt Nam rồi vận chuyển bằng đường biển sang nước thứ ba; một số đối tượng quốc tịch nước ngoài đến Việt Nam “núp bóng” đầu tư kinh doanh, sản xuất làm bình phong để điều hành đường dây ma túy xuyên quốc gia với số lượng ma túy đặc biệt lớn. Điển hình, như: Vụ bắt giữ hơn 1,1 tấn ma túy tổng hợp liên quan đến các đối tượng người Trung Quốc tại Tp. Hồ Chí Minh; vụ bắt giữ hơn 700kg ma túy tổng hợp tại tỉnh Nghệ An;... Tuy nhiên, chưa có một đánh giá nào sâu sắc, thống kê cụ thể số lượng người phạm tội và các hành vi cụ thể liên quan đến cần sa và các chế phẩm từ cần sa. Qua thông tin của lực lượng Kiểm sát viên làm công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự về ma túy cho thấy cơ quan chức năng mới chỉ tập trung bắt giữ được những đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến lá cây cần sa khô; việc tấn công tội phạm nhằm vào những người sử dụng cần sa ở dạng chế phẩm khác như THC và CBD còn hạn chế. Vì vậy, chúng tôi đưa ra kiến nghị đối với lực lượng chức năng về công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý hiệu quả hơn đối với các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến cần sa và các chế phẩm từ cần sa.

3. Một số quy định của pháp luật Việt Nam về phòng, chống ma túy loại cần sa

a) Luật phòng, chống ma túy (Theo văn bản hợp nhất số 13/VBHN-VPQH ngày 23/7/2013 của Văn phòng Quốc hội): Khoản 6 Điều 2 quy định: Cây có chứa chất ma túy bao gồm cây thuốc phiện (cây anh túc), cây cô ca, cây cần sa hoặc cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định.

b) Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017): Trong Bộ luật này, cụm từ “cần sa” được nhắc đến 35 lần, dẫn chiếu trực tiếp tại 06 Điều luật (từ Điều 247 đến Điều 252) trên tổng số 13 điều luật (từ Điều 247 đến Điều 259), quy định tại Chương XX Các tội phạm về ma túy, cụ thể:

- Điều 247. Tội trồng cây thuốc phiện, cây cô ca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy;

- Điều 248. Tội sản xuất trái phép chất ma túy;

- Điều 249. Tội tàng trữ trái phép chất ma túy;

- Điều 250. Tội vận chuyển trái phép chất ma túy;

- Điều 251. Tội mua bán trái phép chất ma túy;

- Điều 252. Tội chiếm đoạt chất ma túy.

c) Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống, chống bạo lực gia đình: Tại khoản 3 Điều 21 về “Vi phạm các quy định về phòng, chống và kiểm soát ma túy” quy định mức phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi trồng các loại cây thuốc phiện, cây cần sa và các loại cây khác có chứa chất ma túy.

d) Nghị định số 73/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất: Cần sa và các chế phẩm từ cần sa thuộc các chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng trong y học và đời sống xã hội; việc sử dụng các chất này trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm theo quy định đặc biệt của cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời, cần sa và các chế phẩm từ cần sa cũng không nằm trong danh mục các chất ma túy được dùng hạn chế trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm hoặc trong lĩnh vực y tế theo quy định của cơ quan có thẩm quyền hoặc danh mục các chất ma túy được dùng trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm hoặc trong lĩnh vực y tế, thú y theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

đ) Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 của Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật hình sự năm 1999 (được sửa đổi bởi Thông tư liên tịch 08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 14/11/2015): Hướng dẫn một số điểm quy định liên quan đến cần sa khi áp dụng các điều luật của Bộ luật hình sự đối với một số tội phạm về ma túy.

TS. Đỗ Thành Trường

Trưởng phòng Tham mưu tổng hợp - Văn phòng VKSND tối cao

 

Tìm kiếm