Hiện nay tình hình tội phạm về ma túy trên địa bàn thành phố Hải Phòng có nhiều diễn biến phức tạp. Các đối tượng phạm tội thuộc nhiều thành phần khác nhau trong xã hội, có sự cấu kết chặt chẽ với các tổ chức phạm tội ở nước ngoài. Các băng nhóm tội phạm manh động với thủ đoạn phạm tội tinh vi, quy mô phạm tội về ma túy lớn hơn trước đây rất nhiều. Thực tiễn đòi hỏi các cơ quan chức năng thành phố Hải Phòng phải có những giải pháp kịp thời, quyết liệt và bền vững trong công tác đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này.
Nhiệm vụ của các cơ quan bảo vệ pháp luật phải nghiên cứu nhân thân người phạm tội về ma túy trên địa bàn thành phố một cách toàn diện, từ đó, đề ra các biện pháp, tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục, đấu tranh đúng đối tượng, đem lại hiệu quả trong việc kiểm soát tình hình, diễn biến tội phạm về ma túy trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
Theo số liệu thống kê, từ năm 2013 đến 31/5/2018 Tòa án nhân dân hai cấp thành phố Hải Phòng xét xử 6.507 vụ/11.163 bị cáo, trong đó số vụ xét xử về ma túy là 2.228 vụ/2.906 bị cáo (chiếm tỷ lệ 34% số vụ, 26% số bị cáo). Đa số tội phạm bị xét xử thuộc về nhóm tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy (Trong đó, tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy chiếm tỷ lệ 96% số vụ/92% số bị cáo; tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy được đưa ra xét xử chiếm 4% số vụ/ 8% về số bị cáo). Năm 2013 số vụ án về ma túy được đưa ra xét xử là 393 vụ với 519 bị cáo, đến năm 2017 số vụ án về ma túy được đưa ra xét xử là 448 vụ với 584 bị cáo. Như vậy, trong vòng 3 năm số vụ án về ma túy tăng lên 55 vụ/65 bị cáo. Hiện nay, tội phạm về ma túy xảy ra trên địa bàn thành phố Hải Phòng diễn biến hết sức phức tạp, các đối tượng phạm tội có xu hướng manh động hơn, sử dụng vũ khí “nóng” và chống trả quyết liệt lực lượng Công an khi bị bắt giữ. Nhiều bị can, bị cáo trong giai đoạn điều tra, truy tố xét xử ngoan cố, không nhận tội, chống đối đến cùng. Thành phần xã hội của người phạm tội về ma túy hiện nay cũng đa dạng hơn, ở nhiều ngành nghề khác nhau. Các đối tượng buôn bán ma túy với số lượng ma túy lớn với nhiều chất ma túy mới[1]. Người phạm tội về ma túy bị bắt tại Hải Phòng ở nhiều địa phương khác đến, có sự cấu kết chặt chẽ với các đối tượng ở nước ngoài, một số tổ chức tội phạm về ma túy buôn bán xuyên quốc gia ở Hải Phòng hoạt động tinh vi khó phát hiện.
Để đấu tranh có hiệu quả đối với tội phạm về ma túy trên địa bàn thành phố Hải Phòng, cần nghiên cứu nhân thân người phạm tội về ma túy một cách toàn diện dưới nhiều góc độ khác nhau, từ đó tìm ra điều kiện, nguyên nhân làm phát sinh tội phạm và đề xuất phương hướng, giải pháp phòng ngừa tội phạm về ma túy có tính khả thi cao.
Một số yếu tố xã hội và địa lý của người phạm tội mà túy trên địa bàn thành phố Hải Phòng, bao gồm:
- Yếu tố địa lý học:
Khi nghiên cứu địa lý học dưới góc độ tội phạm học cho thấy sự tương tác giữa nơi con người sinh trú với các đặc điểm tự nhiên - xã hội tác động đến hành vi phạm tội của con người. Người phạm tội về ma túy trên địa bàn thành phố Hải Phòng chủ yếu sinh sống ở Hải Phòng, còn lại ở các tỉnh, thành phố và quốc gia khác đến Hải Phòng phạm tội bị bắt. Một số đối tượng ở tỉnh khác đến Hải Phòng rất đa dạng.
- Đặc điểm về độ tuổi: Khi phân tích đặc điểm về độ tuổi của người phạm tội, cần đặt độ tuổi đó trong một tổng thể với các yếu tố, đặc điểm, điều kiện khác như: Giới tính, tâm lý, đạo đức, nhu cầu, lợi ích và khả năng đáp ứng chúng. Chẳng hạn, với nhu cầu làm việc để có kinh tế chu cấp cho bản thân và gia đình, giảm sự phụ thuộc kinh tế, mong muốn làm giàu,.v.v. Tội phạm về ma túy trên địa bàn thành phố Hải Phòng chủ yếu bị xét xử là tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Các đối tượng phạm tội ở nhiều độ tuổi khác nhau: Dưới 18 tuổi chiếm 0,2 %; từ 18 đến 30 tuổi chiếm 20%; từ 31 đến 70 tuổi chiếm 75%; từ 71 tuổi trở lên chiếm 4,8%. Ở độ tuổi khác nhau, tâm sinh lý con người có sự thay đổi và tác động mạnh mẽ tới nhận thức và hành vi mà họ thực hiện. Độ tuổi từ từ 31 đến 70 chiếm tỷ lệ cao nhất, mức độ này duy trì đều trong nhiều năm. Độ tuổi này con người đủ nhận thức và đã có sự ảnh hưởng nhất định trong cuộc sống, xã hội. Độ tuổi từ 18 đến 30 tuổi ở mức độ trung bình, nhóm tuổi dưới 18 và trên 71 tuổi chiếm tỷ lệ thấp.
Đặc điểm về độ tuổi của những người phạm tội về ma túy trên đây cho biết “mức độ tích cực phạm tội” và các đặc điểm về hành vi chống đối xã hội của những người thuộc lứa tuổi khác nhau. Việc nghiên cứu đặc điểm về độ tuổi là một trong những đặc điểm nhân thân người phạm tội, cho phép làm sáng tỏ phần nào nguyên nhân và điều kiện của tình hình tội phạm về ma túy, để xây dựng các giải pháp phòng ngừa có hiệu quả đối với từng nhóm tuổi cụ thể.
- Đặc điểm về giới tính
Từ năm 2013 đến 31/7/2018. số nam giới phạm tội về ma túy trên địa bàn thành phố Hải Phòng là 2.383 người, chiếm tỷ lệ 82%, nữ giới là 523 người chiếm tỷ lệ 18 %. Nguyên nhân của tình trạng trên là do đặc điểm tâm sinh lý và đặc điểm xã hội. Nam giới có ưu thế về thể chất và thường là người lao động chính trong gia đình. Những tư tưởng, quan niệm xã hội về nam giới ảnh hưởng không nhỏ đến nếp suy nghĩ, tư duy và hành động của “phái mạnh”. Ngoài ý nghĩa tích cực của “phái mạnh”, có những tư tưởng, quan niệm tác động tiêu cực đến hành vi vi phạm pháp luật, phá vỡ các quy tắc và chuẩn mực xã hội.
Từ những phân tích khái quát trên, có thể thấy đặc điểm giới tính của nam giới là một trong những yếu tố cần xem xét khi nghiên cứu nguyên nhân và điều kiện của tình hình tội phạm về ma túy trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Tất nhiên, phải đặt đặc điểm giới tính đó trong một tổng thể các yếu tố như các điều kiện giáo dục, với các đặc điểm về chuẩn mực hành vi và hoạt động sống, với tính chất của các quan hệ lao động, gia đình, lối sống và những mối quan hệ khác so với nữ giới.
- Đặc điểm về nghề nghiệp, thành phần xã hội
Người phạm tội về ma túy trên địa bàn thành phố Hải Phòng bị phát hiện, xử lý chủ yếu không có nghề nghiệp và lao động tự do, tái phạm và tái phạm nguy hiểm, là đối tượng nghiện chất ma túy. Sự phát triển về kinh tế xã hội tác động đến thành phần xã hội của người phạm tội về ma túy trên địa bàn thành phố Hải Phòng. Hiện nay, đối tượng phạm tội mở rộng ra các thành phần xã hội khác nhau, có nghề nghiệp ổn định. Việc buôn bán, vận chuyển, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy mang lại lợi ích kinh tế rất cao, do vậy các đối tượng đã bất chấp bị xử phạt nặng vẫn phạm tội với số lượng và quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, manh động và táo bạo hơn, có nhiều hình thức phạm tội hơn.
Đặc điểm về nghề nghiệp, thành phần xã hội của những người phạm tội về ma túy trên địa bàn thành phố Hải Phòng cho thấy thái độ tiêu cực hoặc thiếu trách nhiệm của người phạm tội đối với việc thực hiện nghĩa vụ công dân, trong đó có nghĩa vụ lao động, nghĩa vụ tôn trọng trật tự an toàn xã hội, tôn trọng quyền được bảo vệ về tính mạng, sức khỏe, tài sản của công dân... Thái độ tiêu cực đó là sản phẩm tích tụ của các yếu tố, điều kiện, hoản cảnh, nhân tố xã hội tiêu cực khác nhau, trong đó tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm, thu nhập thấp, thiếu thốn kinh tế do tính chất nghề nghiệp là cơ bản. Những điều này cần được cân nhắc khi xây dựng các biện pháp phòng ngừa tình hình tội phạm về ma túy trên phạm vi cả nước nói chung và trên địa bàn thành phố Hải Phòng nói riêng.
- Đặc điểm tâm lý, đạo đức của những người phạm tội về ma túy
Việc nghiên cứu tâm sinh lý của người phạm tội về ma túy cần nhìn nhận đa chiều, tổng hợp để có thể phân tích được diễn biến tâm lý của bị cáo, từ đó tìm ra lý do phạm tội và các biện pháp cần áp dụng nhằm tác động tích cực đến ý thức tự cải tạo, giáo dục của họ. Bản chất của hành vi phạm tội về ma túy xét đến cùng là tổng hòa các quan hệ tâm – sinh lý – xã hội, trong đó xã hội là cái tồn tại khách quan, bên ngoài và giữ vai trò quy định đối với tâm – sinh lý, tức là cái bên trong (cá nhân con người). Tâm sinh lý bên trong tùy phụ thuộc vào cái bên ngoài, song nó có vai trò độc lập tương đối trong cơ chế hành vi. Do vậy, nghiên cứu tình hình tội phạm về ma túy trên địa bàn thành phố Hải Phòng dưới góc độ cơ chế hành vi phạm tội sẽ mở ra nhiều khả năng tiếp cận gần nhất tới nguyên nhân dẫn đến việc thực hiện hành vi, đưa ra được những cơ sở vững chắc cho công tác đấu tranh ngăn chặn những hành vi vi phạm này.
Con người khi thực hiện hành vi phải chịu sự điều tiết xã hội bao gồm hệ thống luật pháp, phong tục và các chuẩn mực về đạo đức, văn hóa nhưng không phải ai cũng tôn trọng và làm theo các quy tắc của xã hội và đó là lý do tạo ra hiện tượng lệch chuẩn xã hội. Như vậy, hành vi lệch chuẩn khi thực hiện hành vi phạm tội về ma túy là hành vi đi chệch khỏi những quy tắc, chuẩn mực của xã hội. Khi phân tích về các yếu tố tiêu cực thuộc về chủ thể của tội phạm về ma túy trên địa bàn thành phố Hải Phòng, cần lưu ý thêm rằng tình hình tội phạm nói trên có tính chất xã hội và bị quyết định về mặt xã hội. Tính quyết định xã hội đó được thực hiện thông qua con người (cá nhân) và những đặc điểm cá nhân cũng được hình thành dưới sự tác động của xã hội. Tính quyết định về mặt xã hội được “trung chuyển” đến cá nhân dựa trên cơ sở tác động của các đặc điểm tự nhiên, sinh học. Ở nghĩa này, đặc điểm sinh học của cá nhân là điều kiện, chứ không phải là nguyên nhân của hành vi. Sự ảnh hưởng đó được biểu hiện chủ yếu về mặt thực tế của cơ chế hành vi phạm tội. Bởi tội phạm về ma túy được thực hiện do lỗi cố ý, nên các đặc điểm sinh học tạo ra cái nền và quyết định nội dung xã hội của cá nhân, từ đó hình thành hành vi phạm tội.
Hành vi lệch chuẩn của người phạm tội về ma túy có liên quan nhiều đến môi trường tiêu cực hoặc các hiện tượng, quá trình tiêu cực tồn tại khách quan. Các nguyên nhân đó bao gồm: Sự trống rỗng và thiếu hụt về chuẩn mực giá trị, mức độ tác động thấp của các chuẩn mực xã hội lên cá nhân, tính không kiên định, sự tản mạn và mâu thuẫn giữa các chuẩn mực, sự suy giảm về chức năng giáo dục của các môi trường xã hội hóa, trạng thái dồn nén và căng kéo của xã hội công nghiệp – đô thị hóa, sự mâu thuẫn quyền lợi giữa các giai cấp, sự mâu thuẫn giữa nhu cầu đòi hỏi quá cao trong đời sống so với khả năng thỏa mãn có giới hạn trong thực tế, sự ràng buộc cộng đồng yếu…
Những yếu tố tiêu cực về nhân thân người phạm tội là một trong những nguyên nhân gây ra tình hình tội phạm về ma túy trên địa bàn thành phố. Chúng là hệ quả của sự tác động qua lại giữa con người với những yếu tố tiêu cực (hiện tượng, quá trình tiêu cực) thuộc môi trường xã hội, bao gồm: Gia đình, nhà trường, cơ quan, đơn vị, tổ chức... mà ở đó Nhà nước là chủ thể quản lý. Sự tác động đó ở mức độ nhất định chịu ảnh hưởng của những đặc điểm sinh học của con người cụ thể. Những yếu tố tiêu cực thuộc môi trường xã hội mà Nhà nước là chủ thể quản lý và những yếu tố tiêu cực thuộc về cá nhân con người, trong sự tác động qua lại với nhau hình thành đặc điểm nhân thân tiêu cực (lệch chuẩn) của cá nhân đó.
Tình hình tội phạm về ma túy trên địa bàn thành phố Hải Phòng sẽ còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới. Các đối tượng phạm tội thuộc nhiều thành phần xã hội khác nhau, có sự câu kết chặt chẽ, sử dụng nhiều phương thức thủ đoạn tinh vi và sử dụng công nghệ cao trong quá trình thực hiện tội phạm. Cơ quan chức năng thực hiện việc quản lý muốn kiểm soát và hạn chế tình hình tội phạm về ma túy cần phải thực hiện công tác điều tiết xã hội, nhằm định hướng hành vi của cá nhân, tác động đúng đối tượng để kịp thời phát hiện, ngăn ngừa hành vi vi phạm. Tinh thần tố giác tội phạm của người dân, cộng đồng xã hội cần phải được nâng cao, ra sức ngăn chặn và kiểm soát những hành vi lệch chuẩn của cá nhân, nhằm tạo ra môi trường sống lành mạnh, ổn định và phát triển.
[1] Phòng CSĐT tội phạm về ma túy, Công an TP Hải Phòng đã bắt giữ một vụ tàng trữ và sử dụng trái phép “nấm ma túy” hay còn gọi là “nấm thần”, “nấm thức thần”, “nấm ma thuật”... nấm có chất psilocin và psilotcin. Hai hoạt chất này nằm trong danh mục 1 - các chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng cả trong y học lẫn đời sống xã hội của Nghị định 73/2018 quy định về danh mục chất ma túy và tiền chất.
TS. Lê Thị Thu Dung
VKSND thành phố Hải Phòng