CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Vướng mắc trong điều tra, truy tố, xét xử tội phạm về ma túy

29/10/2019
Cỡ chữ:   Tương phản

Ma túy là chất gây nghiện, mức độ nguy hiểm khi sử dụng không thể lường trước, đặc biệt đối với con người khi sử dụng nó hệ lụy gây ra lại càng nguy hiểm ở mức độ cao, là nguyên nhân làm phát sinh nhiều loại tội phạm giết người, gây thương tích, hiếp dâm, cướp tài sản, hủy hoại tài sản, …Và còn là nguyên nhân của sự đỗ vỡ hạnh phúc gia đình, phá vỡ truyền thống tôn sư trọng đạo, làm băng hoại đạo đức xã hội (cha con không nhìn mặt nhau, vợ chồng ly tan, tài sản tiêu tan, trò vô lễ thậm chí đánh thầy,…). Vì thế loại tội phạm về ma túy, Pháp luật hình sự Việt Nam có chế tài rất nghiêm khắc, hình phạt quy định có mức phạt tù thấp nhất là 01 năm tù, cao nhất là tử hình. Mặc dù mức hình phạt nghiêm khắc là vậy, nhưng loại tội phạm này vẫn không giảm, ngày càng manh động, liều lĩnh, phương pháp thủ đoạn thực hiện và che giấu tội phạm ngày càng xảo quyệt, tinh vi.

Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định hẳn một chương (chương 18) các tội phạm về ma túy  với 10 điều (từ Điều 192 đến 201) sau đó được sửa đổi, bổ sung vào năm 2009 đã bãi bỏ Điều 199 (tội sử dung trái phép chất ma túy).

Bộ luật Hình sự năm 2015 đang có hiệu lực thi hành quy định tại Chương 20 các tội phạm về ma túy với 13 điều (từ Điều 247 đến 259).

Bộ luật Hình sự năm 1999 sau khi có hiệu lực, các ngành Tư pháp Trung ương: Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp ban hành Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy”, và được sửa đổi, bổ sung một số điểm bởi Thông tư liên tịch số 08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 14/11/2015(sau đây viết gọn là Thông tư liên tịch số 08).

Sau khi Bộ luật hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành, Chính phủ ban hành Nghị định số 19/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 quy định về việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy tại một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo tinh thần của Nghị định này, về cơ bản vẫn dựa trên Thông tư liên tịch số 08 để tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy. Về nguyên tắc tính, Nghị định quy định theo một nguyên tắc chung, đó là: Trường hợp các chất ma túy đều được quy định trong cùng một điểm tại các khoản của điều luật quy định, thì cộng khối lượng hoặc thể tích của các chất ma túy đó lại với nhau và đối chiếu với quy định về khối lượng hoặc thể tích của các chất ma túy đó trong các khoản của điều luật được áp dụng để xác định tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất ma túy thuộc trường hợp quy định tại khoản nào của điều luật tương ứng để truy tố, xét xử; Trường hợp các chất ma túy đều có khối lượng hoặc thể tích dưới mức tối thiểu đối với từng chất đó theo quy định tại khoản 1 của điều luật tương ứng, thì phải tính tỷ lệ phần trăm về khối lượng hoặc thể tích của từng chất ma túy so với mức tối thiếu đối với từng chất đó quy định ở khoản 1 để so sánh theo tỷ lệ phần trăm mà xác định điểm, khoản của điều luật tương ứng để truy tố, xét xử; Trường hợp các chất ma túy đều có khối lượng hoặc thể tích dưới mức tối thiểu đối với từng chất đó theo quy định tại khoản 2 của điều luật tương ứng, thì phải tính tỷ lệ phần trăm về khối lượng hoặc thể tích của từng chất ma túy so với mức tối thiếu đối với từng chất đó quy định ở khoản 3 để so sánh theo tỷ lệ phần trăm mà xác định điểm, khoản của điều luật tương ứng để truy tố, xét xử; Trường hợp các chất ma túy đều có khối lượng hoặc thể tích dưới mức tối thiểu đối với từng chất đó theo quy định tại khoản 3 của điều luật tương ứng, thì phải tính tỷ lệ phần trăm về khối lượng hoặc thể tích của từng chất ma túy so với mức tối thiếu đối với từng chất đó quy định ở khoản 4 để so sánh theo tỷ lệ phần trăm mà xác định điểm, khoản của điều luật tương ứng để truy tố, xét xử.

Tuy nhiên, Nghị định chỉ quy định cách tính tổng khối lượng hoặc thể tích của một chất ma túy được giám định, chưa quy định trong trường hợp bắt được đối tượng đang sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ hoặc chiếm đoạt chất ma túy khi thu giữ, niên phong, gởi giám định, thì kết quả giám định gói ma túy niên phong gởi giám định có chứa thành phần của nhiều chất ma túy khác nhau, không thể tách riêng từng chất ma túy thì cách tính tổng khối lượng hoặc thể tích được thực hiện như thế nào?

Thực tiễn trường hợp này đã xảy ra ở Cần Thơ. Vào khoảng 21 giờ ngày 01/01/2018, Huỳnh Thị Thu Vân điện thoại cho Tô Thành Nghiệp để hỏi mua 05 viên thuốc lắc (loại ma tuý tổng hợp), khoảng 20 phút sau, Nghiệp điện thoại hẹn Vân vào hẻm nhỏ gần quán nhậu Mạnh Tuấn trên đường Trần văn Khéo để giao ma tuý cho Vân, với giá của 05 viên là 1.500.000đ. Nhận ma tuý xong, trên đường đi về thì Vân bị bắt.

Tiến hành khám xét chỗ ở của Nghiệp nằm trên đường Nguyễn Việt Hồng, phường An Phú, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ, lực lượng Công an phát hiện thu giữ 01 hộp giấy hình chữ nhật có nắp, bên trong gồm: 01 bọc nilon chứa 39 viên nén màu xanh không rõ hình dạng; 01 bọc nilon có chứa 14 viên nén hình thang màu xanh; 01 bọc nilon có chứa 03 viên nén hình tròn màu vàng; 02 bọc nilon có chứa chất bột màu trắng.

Kết quả giám định 05 viên thuốc lắc thu giữ của Vân là ma tuý, trọng lượng 1,8106 gram loại MDMA.

Kết quả giám định số ma túy thu giữ của Tô Thành Nghiệp: 03 viên hình tròn màu vàng trong 01 bọc nilon là ma tuý có trọng lượng 1,0973 gram loại MDMA, Methamhetamine, Methylphenidate; 14 viên nén màu xanh trong bọc nilon là ma tuý có trọng lượng 4,8825 gram, loại Amphetamine, MDMA; 39 viên nén màu xanh đựng trong 01 gói nilon là ma tuý có trọng lượng 13,5572 gram, loại MDMA; chất bột màu trắng có trong 02 gói nilon là ma tuý có trọng lượng 0,3560 gram, loại Ketamine.

Số ma túy thu giữ kết quả giám định trong 03 viên hình tròn màu vàng có chứa thành phần của 03 loại là MDMA, Methamhetamine, Methylphenidate; 14 viên nén màu xanh có chứa thành phần của 02 loại là Amphetamine, MDMA.

Nghị định 19 chỉ hướng dẫn cách tính tổng trọng lượng của chất ma túy khi thu giữ giám định chỉ có thành phần một chất (01 loại) ma túy. Vụ án nêu trên rõ ràng viên ma túy thu giữ gởi giám định chứa thành phần của 02 chất ma túy, có viên chứa đến 03 chất ma túy. Vậy cách tính tổng trọng lượng của một chất ma túy trong viên ma túy được giám định chứa đến 02, 03 chất ma túy, thận chí có viên ma túy khi giám định chứa đến 05, 06 chất ma túy, thì trong trường hợp này cách tính tổng trọng lượng chưa được hướng dẫn.

Vụ án trên chỉ là một điển hình của rất nhiều vụ án thực tiễn đã xảy ra, cho thấy cần có văn bản hướng dẫn cụ thể về cách tính tổng khối lượng hoặc thể tính chất ma túy đối với gói ma túy (viên ma túy) hoặc lọ dung dịch ma túy (bình dung dịch ma túy) thu giữ được gởi giám định có chứa thành phần của nhiều chất ma túy. Nghị định số 19 cũng chưa quy định về cách tính trong trường hợp này. Vì vậy đề nghị Chính phủ cần sửa đổi Nghị định theo quy định cách tính đối với số ma túy thu giữ giám định có chứa thành phần của nhiều chất ma túy./.

Nguyễn Tấn Cường

(Theo Trang thông tin điện tử VKSND TP Cần Thơ)

 

 

Tìm kiếm