CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

TRƯỜNG ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG NGHIỆP VỤ KIỂM SÁT THỰC HIỆN NĂM ĐỨC TÍNH BÁC HỒ DẠY NGÀNH KIỂM SÁT: CÔNG MINH, CHÍNH TRỰC, KHÁCH QUAN, THẬN TRỌNG, KHIÊM TỐN

05/08/2008
Cỡ chữ:   Tương phản

TRƯỜNG ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG NGHIỆP VỤ KIỂM SÁT THỰC HIỆN NĂM ĐỨC TÍNH BÁC HỒ DẠY NGÀNH KIỂM SÁT: CÔNG MINH, CHÍNH TRỰC, KHÁCH QUAN, THẬN TRỌNG, KHIÊM TỐN

NGÔ VĂN ĐỌN - Hiệu trưởng Trường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát

 

Ngành Kiểm sát nhân dân ra đời cách đây gần nửa thế kỷ. Sớm xác định được tầm quan trọng của ngành, Bác Hồ đã đưa ra lời dạy đối với ngành Kiểm sát; đó là 5 đức tính: "Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn". Từ đó đến nay, dù ngành Kiểm sát không ít lần thay đổi chức năng nhiệm vụ cho phù hợp với từng thời kỳ lịch sử, nhưng lời dạy của Bác vẫn còn nguyên giá trị.

Ngành Kiểm sát là một trong những ngành có nhiệm vụ hết sức nặng nề là góp phần bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân; bảo vệ tài sản của Nhà nước, của tập thể, bảo vệ tính mạng, tài sản, tự do, danh dự và nhân phẩm của công dân. Với chức năng hiện nay là thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp thì mỗi cán bộ Kiểm sát rất cần phải thấm nhuần và thực hiện 5 đức tính mà Bác Hồ đã dạy.

Đức tính đầu tiên của cán bộ Kiểm sát cần phải có là công minh. Là một trong những ngành có nhiệm vụ góp phần bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất, người cán bộ Kiểm sát không thể thiếu đức tính này. Mỗi cán bộ Kiểm sát khi làm nhiệm vụ của mình phải luôn công bằng, bảo đảm “mọi công dân bình đẳng trước pháp luật”, không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hoá, nghề nghiệp. Công minh đòi hỏi người cán bộ Kiểm sát không được né tránh, không sợ trách nhiệm, không sợ “động chạm” đến bất kỳ thế lực nào khi làm nhiệm vụ; nói thì dễ nhưng để thực hiện được điều đó thì khó vô cùng. Trước bao nhiêu áp lực của cuộc sống, cán bộ Kiểm sát phải luôn trau dồi đạo đức, rèn luyện ý chí và giữ vững phẩm chất cách mạng thì mới gìn giữ được đức tính công minh. Công minh không có nghĩa là cứ truy tố, cứ xử lý thật nặng mà công minh là phải luôn tuân theo pháp luật, không để lọt tội phạm nhưng cũng không được làm oan người vô tội.

Bên cạnh đức tính công minh, cán bộ Kiểm sát cần phải chính trực. Chính trực đòi hỏi người cán bộ Kiểm sát phải luôn kiên quyết đấu tranh phòng chống tội phạm, biết phân biệt công tư, không lạm quyền, không luồn cúi, dung túng bao che cho tội phạm và những vi phạm pháp luật khác. Để rèn luyện đức tính này, mỗi cán bộ Kiểm sát phải luôn luôn nói đúng, làm đúng, phải làm sao để “uy lực không thể khuất phục, tiền tài không thể mua chuộc”.

Khách quan cũng là một đức tính không thể thiếu đối với cán bộ Kiểm sát. Khách quan có nghĩa phải xuất phát từ thực tế, thể hiện thực tế một cách trung thực, không thiên lệch, không suy diễn chủ quan. Sự thật như thế nào thì phải hiểu đúng và nói đúng, làm đúng như vậy. Tư tưởng thành kiến, cá nhân chủ nghĩa sẽ làm mất đi tính khách quan của vấn đề, dẫn đến sai lầm trong khi làm nhiệm vụ. Muốn khách quan, cán bộ Kiểm sát phải là người có tri thức. Không chỉ nắm vững kiến thức khoa học pháp lý, có kỹ năng nghiệp vụ tốt, cán bộ Kiểm sát phải là người có kiến thức xã hội phong phú. Có như vậy, người cán bộ Kiểm sát mới đạt đến chân lý khách quan, hiểu đúng sự thật khách quan của sự việc để có kết luận đúng. Nếu không có tri thức thì dễ dẫn đến suy diễn chủ quan, hiểu sai dẫn đến làm sai, có thể trở thành kẻ vô tình phá hoại.

Nghề nghiệp đòi hỏi cán bộ Kiểm sát phải hết sức thận trọng. Thận trọng là sự cân nhắc suy tính nghiêm túc, cẩn thận trong hành động để tránh sai sót. Chỉ cần thiếu thận trọng một chút thôi, rất có thể người cán bộ sẽ bỏ lọt tội phạm hoặc làm oan người vô tội. Chỉ cần thiếu thận trọng một chút thôi, một đốm lửa nhỏ có thể bùng cháy thành đám cháy lớn, hậu quả không thể lường hết được. Việc truy tố một người ra trước Toà ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, đến sinh mệnh chính trị của bản thân họ và cả gia đình họ. Chính vì vậy, người Kiểm sát cần xem xét toàn bộ vụ việc, không tuỳ tiện vội vàng, phải vận dụng đúng pháp luật, cân nhắc cẩn thận, kỹ càng để tránh sai sót. Do đó, khi làm nhiệm vụ người cán bộ Kiểm sát phải hết sức thận trọng để có thể truy tố đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Thận trọng không bao giờ thừa, đặc biệt đối với cán bộ ngành Kiểm sát nhân dân.

Một đức tính cần có đối với mọi cán bộ nói chung trong đó có cán bộ Kiểm sát nói riêng là khiêm tốn. Khiêm tốn là có ý thức và có thái độ đúng mức trong việc đánh giá bản thân, không tự mãn, tự kiêu, không tự cho mình là hơn người. Những cái ta biết là hữu hạn, những cái ta chưa biết là vô hạn cho nên người cán bộ Kiểm sát phải luôn khiêm tốn học hỏi, biết lắng nghe, tiếp thu những ý kiến phê bình, góp ý để hoàn thiện mình và làm tốt công tác được giao. Kiểm sát viên là người đại diện cho Nhà nước thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp. Nếu thiếu khiêm tốn thì người Kiểm sát khó gây được cảm tình, lòng tin của quần chúng nhân dân và khó có được sự giúp đỡ, phối hợp cần thiết của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi thực hiện nhiệm vụ. Khiêm tốn là một biện pháp, một phong cách để đạt tới sự thuyết phục, giáo dục cao. Một thái độ khiêm tốn, hoà nhã là sức mạnh trong giao tiếp và thuyết phục. Tuy nhiên, khiêm tốn khác với rụt rè, ngại va chạm, thiếu kiên quyết. Khiêm tốn nhưng vẫn thẳng thắn, dũng cảm, kiên quyết đấu tranh với cái ác, cái xấu, không ngừng học hỏi để đáp ứng với tình hình mới.

Để thực hiện được 5 đức tính này, người cán bộ Kiểm sát phải thường xuyên trau dồi rèn luyện, thể hiện trong công việc và tác phong hàng ngày từ những việc nhỏ nhất. Cán bộ Kiểm sát phải thực sự là mẫu người đại diện cho công bằng, dân chủ. Có như vậy ngành Kiểm sát mới thực hiện tốt nhiệm vụ lớn lao của mình.

Năm đức tính "Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn" được cụ thể hoá từ những đức tính của người cán bộ nói chung: "Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư". Các đức tính này có mối liên hệ biện chứng lẫn nhau, cái này không thể thiếu cái kia và ngược lại. Khi đã không chính trực thì làm gì có công minh. Khi đã không thận trọng thì làm gì có khách quan. Khi không có khiêm tốn thì công minh, chính trực, khách quan, thận trọng cũng không phát huy được tác dụng. Ở giai đoạn hiện nay, mỗi cán bộ nói chung và mỗi cán bộ Kiểm sát nói riêng đang từng giờ, từng phút đối mặt với những cám dỗ, thử thách và áp lực. Chỉ cần một phút lơi lỏng, một phút yếu lòng, một cán bộ tốt rất có thể sẽ trở thành người xấu, thậm chí là tội phạm. Một vài cá nhân xấu ảnh hưởng đến cả một ngành, thậm chí một quốc gia. Ở thời nào cũng vậy, những đức tính này luôn rất cần thiết và có lẽ càng cần thiết hơn trong giai đoạn hiện nay. Để ngành Kiểm sát thực hiện tốt nhiệm vụ, luôn giữ được lòng tin của nhân dân, mỗi cán bộ Kiểm sát phải luôn lấy nội dung 5 đức tính mà Bác Hồ dạy để thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện. Phải làm sao để khi nói đến Kiểm sát là nói đến “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”.

Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát mà tiền thân là “Trường Bổ túc cán bộ”; “Trường cán bộ Kiểm sát”; “Trường Cao đẳng Kiểm sát” đã có những đóng góp xứng đáng, quan trọng vào việc đào tạo, bồi dưỡng bổ sung cho Ngành một đội ngũ gồm nhiều thế hệ cán bộ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị vững vàng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của ngành Kiểm sát qua các thời kỳ.

Năm 1970, khi mới thành lập “Trường Bổ túc cán bộ” vào thời điểm cả nước ta chưa có một cơ sở đào tạo luật chính quy nào, đồng chí Hoàng Quốc Việt, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đầu tiên của ngành Kiểm sát đã khẳng định mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Kiểm sát trước hết phải có nhận thức đúng về vị trí, chức năng của Viện kiểm sát nhân dân trong việc bảo vệ chế độ, bảo vệ sự lãnh đạo của Đảng và quyền làm chủ của nhân dân đối với Nhà nước và xã hội. Kiểm sát viên là người trực tiếp thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân, phải tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân; phải vững vàng về chính trị, thông thạo về nghiệp vụ, trong sáng về phẩm chất đạo đức, phải có quan điểm giai cấp, quan điểm quần chúng và đi đúng đường lối của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Có tinh thần đấu tranh bảo vệ công lý và giữ vững nguyên tắc; phải rèn luyện theo 5 đức tính: "Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn" như lời Bác Hồ dạy.

Từ đó đến nay, Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao qua các thời kỳ luôn yêu cầu Nhà trường phải quán triệt và thực hiện đúng đắn mục tiêu trên trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngành Kiểm sát. Từ khi còn thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bổ túc cán bộ, đào tạo Trung cấp Kiểm sát rồi đào tạo Cao đẳng Kiểm sát, đối với tất cả các lớp các khoá trước khi triển khai nội dung chương trình chính khoá, Nhà trường đều tổ chức học tập chính trị đầu khoá cho học viên, sinh viên. Kết thúc đợt học tập chính trị đầu khoá, các sinh viên đều viết bài thu hoạch nêu rõ nhận thức của mình về vị trí, vai trò của Viện kiểm sát nhân dân, về yêu cầu đối với cán bộ Kiểm sát. Thật xúc động khi mới vào trường, mới qua đợt học tập sinh hoạt chính trị đầu khoá mà hầu hết các sinh viên là sinh viên hệ cử tuyển (KV0) lần đầu tiên xa gia đình, xa bản làng đến với mái trường Kiểm sát thân yêu đều thể hiện “chúng em thực sự biết ơn Đảng, Nhà nước, ngành Kiểm sát nhân dân đã quan tâm tới chúng em, những con em các dân tộc thiểu số từ mọi miền của đất nước; được học tập rèn luyện dưới mái trường Kiểm sát, chúng em nguyện ra sức phấn đấu thật tốt, học tập thật tốt, không ngừng rèn luyện phẩm chất đạo đức theo 5 đức tính mà Bác Hồ đã dạy cán bộ ngành Kiểm sát “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”.

Đến nay, nhiệm vụ của Nhà trường đã thay đổi cơ bản, từ thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực ở trình độ Cao đẳng Kiểm sát chuyển sang đào tạo, bồi dưỡng cán bộ với nhiều loại hình, nội dung và thời gian đào tạo, bồi dưỡng khác nhau. Nhưng 5 đức tính mà Bác Hồ dạy cán bộ Kiểm sát luôn được thể hiện trong từng bài giảng, từng chuyên đề để cán bộ Kiểm sát nhận thức, vận dụng đúng đắn vào hoạt động thực tiễn của mình.

Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát, “chiếc nôi” đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Ngành đến nay trải qua 37 năm xây dựng và trưởng thành đã đào tạo, bồi dưỡng được gần 10.000 lượt cán bộ ở các loại hình đào tạo, bồi dưỡng khác nhau. Những sinh viên, học viên được đào tạo, bồi dưỡng đều nắm chắc được kiến thức pháp lý và nghiệp vụ kiểm sát có hệ thống, vận dụng lý luận vào thực tiễn để nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân. Điều đáng ghi nhận và tự hào là nhiều sinh viên, học viên sau khi ra trường đã phấn đấu, rèn luyện, nhanh chóng trưởng thành đã và đang đảm nhiệm các chức vụ chủ chốt trong và ngoài Ngành. Trong các cơ quan Đảng và Nhà nước, đội ngũ cán bộ đã qua đào tạo, bồi dưỡng tại trường dù đang công tác trong ngành Kiểm sát hoặc công tác ở các ngành khác đều thấm nhuần sâu sắc 5 đức tính mà Bác Hồ dạy cán bộ Kiểm sát.

Thực tiễn đã và đang đặt ra cho ngành Kiểm sát nhân dân phải tập trung xây dựng ngành Kiểm sát trong sạch, vững mạnh, xây dựng đội ngũ Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, chuyên viên của ngành Kiểm sát có lập trường, tư tưởng vững vàng, tinh thông nghiệp vụ, đáp ứng được yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp và yêu cầu hội nhập quốc tế.

Xuất phát từ mục tiêu trên, đồng chí Trần Quốc Vượng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã chỉ đạo “phải xây dựng được một nền công tố mạnh”, “đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng hình ảnh người Công tố viên thực sự xứng đáng với vị trí, vai trò được Nhà nước giao”. Thực hiện mục tiêu trên, mỗi cán bộ Kiểm sát dù ở bất kỳ cương vị nào luôn phấn đấu, rèn luyện theo 5 đức tính mà Bác Hồ đã dạy cán bộ Kiểm sát “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”.

Tìm kiếm