CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Tin hoạt động VKSND địa phương Thành phố Hồ Chí Minh – Sơn La – Thái Bình – Gia Lai – Hậu Giang

04/05/2024
Cỡ chữ:   Tương phản
Tin hoạt động VKSND địa phương ngày 04/5/2024 gồm những nội dung chính sau: VKSND Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Chủ tịch UBND Thành phố áp dụng biện pháp phòng ngừa tội phạm sử dụng công nghệ cao; VKSND huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La phối hợp tổ chức phiên tòa xét xử lưu động tại Trường THPT huyện Quỳnh Nhai; VKSND huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình phối hợp với Tòa án nhân dân cùng cấp tổ chức phiên tòa trực tuyến rút kinh nghiệm vụ án dân sự sơ thẩm; VKSND huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai tiến hành trực tiếp kiểm sát việc thi hành án hình sự tại Ủy ban nhân dân các xã trên địa bàn huyện; VKSND huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang ký kết Quy chế phối hợp với cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện.

VKSND Thành phố Hồ Chí Minh: Theo thống kê của VKSND Thành phố Hồ Chí Minh (VKSND Thành phố), trong năm 2023, trên địa bàn thành phố phát sinh 1.653 vụ án về tội phạm sử dụng công nghệ cao để chiếm đoạt tài sản, tăng 1.129 vụ so với cùng kỳ năm 2022 (tăng 316%). Thủ đoạn các đối tượng sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội ngày càng tinh vi, có sự liên kết giữa các đối tượng trong và ngoài nước và thường xuyên thay đổi phương thức hoạt động và thủ đoạn mới, nhằm lẩn tránh sự phát hiện của các cơ quan bảo vệ pháp luật.  Thông qua kết quả thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, truy tố, xét xử các vụ án trên, VKSND Thành phố đã ban hành kiến nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh áp dụng các biện pháp phòng ngừa tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Kiến nghị nêu rõ một số thủ đoạn các đối tượng sử dụng để chiếm đoạt tài sản thông qua giải quyết các vụ án, như: Giả mạo nhân viên ngân hàng, gọi điện thông báo chuyển nhầm tiền, cần rà soát tài khoản để lấy lại tiền; hoặc giả mạo cán bộ địa chính, văn phòng đăng ký đất đai, cảnh sát khu vực yêu cầu người dân kê khai, bổ sung thông tin căn cước công dân, tài khoản định danh điện tử; đánh cắp quyền truy cập các tài khoản mạng xã hội, sử dụng mạo danh chủ tài khoản nhắn tin đề nghị chuyển hộ tiền, vay tiền hoặc mua thẻ cào điện thoại; tạo ra các ứng dụng, website cho vay tiền, quảng cáo trên mạng xã hội (Facebook, Zalo) với mục đích tìm người muốn vay tiền để thực hiện hành vi lừa đảo…

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm xâm phạm sở hữu nói chung, tội phạm sử dụng công nghệ cao nói riêng, VKSND Thành phố kiến nghị Chủ tịch UBND Thành phố chỉ đạo các Sở, Ban, Ngành liên quan của Thành phố một số nội dung. Cụ thể: Đối với Sở Thông tin và Truyền thông, cần chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí, truyền thông của thành phố mở các chuyên mục, điểm tin tuyên truyền đấu tranh phòng, chống tội phạm trên không gian mạng, với nội dung, hình thức tuyên truyền sinh động, phù hợp, thu hút đông đảo tầng lớp nhân dân theo dõi. Chỉ đạo doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet trên địa bàn thành phố phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền sâu rộng trên nền tảng hạ tầng kỹ thuật sẵn có về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm như gửi tin nhắn SMS qua ứng dụng của nhà mạng với thông điệp cảnh báo phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm. Yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông, Internet lưu giữ bảo mật thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hạ tầng mạng, có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn việc cung cấp dịch vụ có nội dung lừa đảo. Tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sử dụng các giải pháp kỹ thuật công nghệ để tự bảo vệ trước sự tấn công của tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Đối với các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể khác của thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện và thành phố Thủ Đức, cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, để cho mỗi người dân hiểu và tuân thủ pháp luật, không cho người khác sử dụng tài khoản ngân hàng, không nhận thuê mở, bán tài khoản ngân hàng, không tạo điều kiện cho các đối tượng sử dụng tài khoản ngân hàng vào mục đích vi phạm pháp luật. Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các cơ quan tổ chức, doanh nghiệp và người dân về các nguy cơ mất an ninh, an toàn trên mạng Internet, viễn thông cũng như ảnh hưởng, tác động của công nghệ thông tin đến đời sống xã hội. Quán triệt cho cán bộ, đảng viên tuyên truyền nâng cao ý thức cảnh giác cho người thân, gia đình khi sử dụng các hình thức thanh toán trực tuyến, chia sẻ thông tin cá nhân, đời sống riêng tư, tình cảm trên mạng xã hội, các hình thức nhận thưởng, tặng quà, mua bán hàng hóa, đầu tư tiền ảo, tiền điện tử, huy động vốn... trên mạng Internet, viễn thông, không để tội phạm lợi dụng hoạt động và trở thành nạn nhân của tội phạm sử dụng công nghệ cao.

VKSND huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La: Vừa qua, VKSND huyện Quỳnh Nhai phối hợp với Tòa án nhân dân cùng cấp tổ chức xét xử lưu động 02 vụ án “Tàng trữ trái phép chất ma túy” tại Trường THPT huyện Quỳnh Nhai.

Toàn cảnh phiên tòa xét xử lưu động

Tại phiên tòa, Kiểm sát viên trực tiếp thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử đã chủ động xét hỏi, làm rõ các tình tiết, chứng cứ buộc tội, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo và bảo vệ cáo trạng truy tố của Viện kiểm sát. Phần xét hỏi vừa làm rõ hành vi phạm tội của bị cáo, vừa mang tính chất tuyên truyền để học sinh nhận biết được hành vi phạm tội, tính chất nguy hiểm cho xã hội của tội phạm và tác hại của ma túy đến sức khỏe con người, làm phá vỡ hạnh phúc gia đình, ảnh hưởng đến trật tự trị an trên địa bàn huyện.

Kết thúc phiên tòa, Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo L.V.H 30 tháng tù; bị cáo L.V.L 24 tháng tù cùng về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy” theo quy định tại điểm c, khoản 1 Điều 249 Bộ luật Hình sự.

Thông qua quá trình xét hỏi, luận tội, tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử và Kiểm sát viên đã chủ động phổ biến các quy định của pháp luật hình sự, Luật Phòng chống ma túy và tác hại, hệ lụy khi sử dụng ma túy. Qua đó, giúp các em học sinh nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tích cực đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm ma túy nói riêng trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai.

VKSND huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình: Vừa qua, VKSND huyện Thái Thụy phối hợp với Tòa án nhân dân cùng cấp tổ chức phiên tòa trực tuyến rút kinh nghiệm vụ án dân sự sơ thẩm về “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất”.

Để tham gia phiên tòa đạt hiệu quả, chất lượng cao, Kiểm sát viên đã nghiên cứu kỹ hồ sơ, nắm chắc nội dung vụ án, hồ sơ kiểm sát được xây dựng đúng theo yêu cầu của Ngành. Tại phiên tòa, Kiểm sát viên kiểm sát chặt chẽ việc tuân theo pháp luật tố tụng của Hội đồng xét xử, Thẩm phán, Thư ký Tòa án, việc chấp hành pháp luật của những người tham gia tố tụng; kịp thời điều chỉnh bài phát biểu đúng với diễn biến phiên tòa và đúng quy định của pháp luật.

Việc tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến, có sử dụng số hóa hồ sơ tạo điều kiện cho các Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Chuyên viên VKSND hai cấp được học tập, nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình tham gia xét xử, tranh tụng tại phiên tòa, đáp ứng yêu cầu công tác của Ngành trong tình hình mới.

VKSND huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai: Thực hiện Kế hoạch công tác kiểm sát năm 2024, vừa qua, VKSND huyện Chư Pưh đã tiến hành trực tiếp kiểm sát việc thi hành án hình sự tại Ủy ban nhân dân các xã trên địa bàn huyện.

Tại các buổi làm việc, đồng chí Lê Viết Hùng, Phó Viện trưởng VKSND huyện công bố quyết định, kế hoạch kiểm tra đối với Ủy ban nhân dân các xã Ia Le, Ia Blứ, Ia Phang và đại diện Ủy ban nhân dân các xã báo cáo kết quả thực hiện công tác theo nội dung kế hoạch kiểm tra.

Đoàn kiểm sát đã tiến hành kiểm tra toàn bộ sổ sách, các báo cáo, văn bản, tài liệu và hồ sơ liên quan đến công tác thi hành án hình sự, làm việc với một số cán bộ liên quan. Kết quả kiểm tra cho thấy, UBND các xã đã lập hồ sơ giám sát giáo dục những người được hưởng án treo, án phạt cải tạo không giam giữ; yêu cầu người chấp hành án thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình; định kỳ nhận xét bằng văn bản về quá trình chấp hành án của người chấp hành án. Bên cạnh đó, Đoàn đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế và thiếu sót cần khắc phục trong công tác quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành hình sự tại cộng đồng để Ủy ban nhân dân các xã kịp thời khắc phục nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian tới.

VKSND huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang: Vừa qua, VKSND huyện Long Mỹ và cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện tổ chức Lễ ký kết Quy chế phối hợp hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện công tác tiếp nhận, kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm của lực lượng Công an xã trên địa bàn.

Đại biểu tham dự Lễ ký kết Quy chế phối hợp chụp ảnh lưu niệm

Phát biểu tại buổi Lễ, Lãnh đạo VKSND và Công an huyện cùng nhấn mạnh, việc ký kết Quy chế phối hợp hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện công tác tiếp nhận, kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm của lực lượng Công an xã trên địa bàn nhằm tạo sự phối hợp chặt chẽ giữa hai cơ quan cũng như giữa các Điều tra viên, Công an xã, thị trấn với Kiểm sát viên, tăng cường sự trao đổi, tương tác, hỗ trợ lẫn nhau. Qua đó giải quyết kịp thời, đúng pháp luật những vướng mắc phát sinh trong công tác, nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án hình sự, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.

HQ (tổng hợp)
Tìm kiếm