Để nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm sát việc áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên, giao quyền sử dụng đất (QSDĐ) và tài sản gắn liền với đất, nhà ở, Kiểm sát viên phải nhạy bén, linh hoạt quan sát được toàn bộ diễn biến xảy ra, mỗi việc phát sinh đều phải có sự cân nhắc, đối chiếu với quy định của pháp luật.
Năm 2020, Viện kiểm sát hai cấp tỉnh Cà Mau đã kiểm sát việc cưỡng chế kê biên, giao tài sản được 68 việc (cuộc), trong đó có 58/68 việc cưỡng kê biên, giao quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, nhà ở. Qua kiểm sát, nhiều Kiểm sát viên đã phát hiện các vi phạm và trực tiếp có ý kiến kiến nghị ngay tại các cuộc cưỡng chế kê biên, giao tài sản nên đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc kiểm sát.
Tuy nhiên, vẫn còn một vài đơn vị chưa làm tốt công tác này. Để nâng cao chất lượng kiểm sát việc áp dụng biện pháp cưỡng chế, kê biên, giao quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất là nhà ở, Kiểm sát viên cần lưu ý thực hiện các thao tác nghiệp vụ như sau:
Thứ nhất, cán bộ, Kiểm sát viên làm công tác kiểm sát thi hành án dân sự (THADS) trước hết phải nắm vững chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát và vai trò trách nhiệm của Kiểm sát viên để có kỹ năng xử lý tình huống nhạy bén và đúng pháp luật, nắm chắc các văn bản pháp luật về THADS, những nội dung của các văn bản luật khác có liên quan đến THADS, như: Luật dân sự, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Hôn nhân gia đình… nhất là Luật THADS năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014). Nhận dạng được các dạng vi phạm cơ bản, thường xảy ra trong quá trình tổ chức THADS nói chung và trong cưỡng chế kê biên, giao tài sản thi hành án nói riêng, qua đó phát hiện các dạng vi phạm kịp thời kiến nghị, kháng nghị, yêu cầu khắc phục.
Thứ hai, trong quá trình trực tiếp kiểm sát việc cưỡng chế, kê biên giao tài sản, phải nắm chắc hồ sơ thi hành án; kiểm sát chặt chẽ việc chấp hành pháp luật của Hội đồng cưỡng chế kê biên, giao tài sản; đối chiếu các quy định của Luật THADS và các văn bản liên quan hướng dẫn công tác thi hành án. Sau khi cưỡng chế kê biên, giao tài sản thì tiếp tục kiểm sát việc thẩm định giá, bán đấu giá tài sản đã kê biên; thu, nộp, xử lý tiền bán tài sản, từ đó kịp thời phát hiện được các vi phạm và yêu cầu khắc phục. Khi kiểm sát, cần chú ý việc Hội đồng kê biên có tiến hành đo đạc, kiểm tra thực tế để lập biên bản ghi rõ vị trí, diện tích, ranh giới thửa đất được kê biên, theo quy định tại khoản 2 Điều 88, Điều 111 Luật THADS; tránh trường hợp khi kê biên chỉ ghi các thông số theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; hoặc lập biên bản không ghi rõ vị trí, diện tích, ranh giới thửa đất được kê biên; kê biên không đúng theo hiện trạng đất và tài sản gắn liền với đất. Khi kiểm sát việc bán đấu giá tài sản là quyền sử dụng đất và nhà ở, cần đảm bảo việc bán đấu giá theo đúng quy định của Luật Đấu giá tài sản năm 2017, áp dụng phương thức bán đấu giá tài sản qua phương tiện thông tin đại chúng, như: Báo, đài… nhằm tránh tình trạng cản trở hoặc thao túng việc bán đấu giá tài sản, giúp bán đấu giá thuận lợi, nhanh chóng. Việc bán đấu giá sẽ chấm dứt sau 3 lần đấu giá không thành. Nếu người được thi hành án không nhận tài sản để trừ nợ thì trả tài sản cho người phải thi hành án và yêu cầu người được thi hành án tìm thông tin tài sản khác của người phải thi hành án để thi hành.
Thứ ba, Kiểm sát viên kiểm sát xem tài sản cưỡng chế kê biên, giao tài sản có thuộc loại tài sản được kê biên theo quy định và có phải là tài sản riêng của người phải thi hành án không; nếu trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung phải kiểm sát việc Chấp hành viên đã thực hiện đầy đủ các thủ tục thông báo cho chủ sở hữu chung biết việc cưỡng chế và các thủ tục khác theo quy định tại Điều 74 Luật THADS và Điều 24 Nghị định 62/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ chưa. Đối với việc cưỡng chế phải huy động lực lượng thì khi xây dựng Kế hoạch cưỡng chế phải tuân thủ đầy đủ nội dung theo quy định tại Điều 73 của Luật THADS. Việc dự trù chi phí cưỡng chế có hợp lý không; việc gửi kế hoạch cưỡng chế cho Viện kiểm sát và các cơ quan liên quan có đúng thời gian quy định không; các thủ tục thông báo về việc cưỡng chế có đầy đủ, đảm bảo đúng quy định của pháp luật và Hội đồng cưỡng chế của cơ quan THADS có đầy đủ thành phần theo quy định không; việc tổ chức cưỡng chế được thực hiện có đúng thời gian và thành phần tham gia không.
Thứ tư, tại cuộc kiểm sát cưỡng chế kê biên, giao tài sản thi hành án, Kiểm sát viên phải nhạy bén, linh hoạt quan sát được toàn bộ diễn biến xảy ra, mỗi việc phát sinh đều phải có sự cân nhắc, đối chiếu với quy định của pháp luật, chú ý áp dụng Điều 117 Luật THADS năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014), để xác định thao tác nghiệp vụ của Chấp hành viên chủ trì buổi cưỡng chế kê biên, giao tài sản và các thành viên cơ quan chuyên môn phối hợp, xem xét việc Chấp hành viên xử lý khi phát sinh tình huống ngoài dự định có đúng quy định của pháp luật không. Biên bản cưỡng chế kê biên có phản ánh đúng và đầy đủ nội dung diễn biến cuộc kê biên cưỡng chế không… Nếu phát hiện có vi phạm trước, trong và sau cuộc cưỡng chế kê biên, giao tài sản của Chấp hành viên, đương sự hoặc các cơ quan có liên quan phối hợp thì có biện pháp khắc phục ngay, gửi văn bản yêu cầu, kiến nghị hoặc kháng nghị để công tác kiểm sát cũng như công tác THADS đạt hiệu quả; Kiểm sát viên là người ký biên bản sau cùng, sau khi kiểm tra toàn bộ nội dung biên bản, nếu biên bản có nhiều trang phải đề nghị ký xác nhận từng trang.
Có như vậy chất lượng công tác kiểm sát việc cưỡng chế kê biên quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, nhà ở ngày được nâng lên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của ngành Kiểm sát nhân dân trong tình hình hiện nay.