CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Quyền kháng nghị của Viện kiểm sát trong thi hành án hình sự

09/12/2021
Cỡ chữ:   Tương phản
Việc xác định thẩm quyền kháng nghị của Viện kiểm sát trong thi hành án hình sự còn một số vướng mắc trong thực tiễn, đặc biệt là đối với các quyết định về tha tù trước thời hạn có điều kiện, quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh... Vì vậy, một số đơn vị, địa phương còn lúng túng, chưa thực sự chú trọng phát hiện vi phạm để ban hành kháng nghị.

Trong hoạt động tư pháp, thi hành án hình sự (THAHS) là giai đoạn đóng vai trò rất quan trọng, đảm bảo cho bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật được thực hiện nghiêm túc, công lý được thực thi trên thực tế. Chính vì vậy, kiểm sát THAHS là khâu công tác cần được quan tâm, chú trọng để thực hiện tốt chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp.

Một trong những nhiệm vụ, quyền hạn đặc biệt quan trọng trong chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp nói chung, kiểm sát THAHS nói riêng là kháng nghị đối với các quyết định, hành vi của Tòa án, cơ quan THAHS, cơ quan được giao một số nhiệm vụ THAHS có vi phạm nghiêm trọng theo các thủ tục luật định. Tuy nhiên, thời gian qua, ở một số đơn vị, địa phương, có lúc, có nơi còn lúng túng hoặc chưa thực sự chú trọng việc phát hiện các vi phạm trong khâu công tác này để ban hành kháng nghị. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hạn chế nêu trên, trong đó có nguyên nhân quy định của pháp luật về tố tụng hình sự, THAHS chưa thực sự rõ ràng, cụ thể về quyền kháng nghị của Viện kiểm sát.

Về quyền kháng nghị của Viện kiểm sát trong thi hành án hình sự

Khác với quyền kháng nghị của Viện kiểm sát (VKS) đối với các bản án, quyết định của Tòa án trong giải quyết vụ án hình sự (như quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ vụ án; quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ vụ án đối với bị can, bị cáo…) phải được giải quyết theo trình tự xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm hoặc thủ tục xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, kháng nghị của VKS trong THAHS có thể được chia làm 02 loại với thẩm quyền, trình tự, thủ tục và hậu quả pháp lý khác nhau dựa trên quy định tại Điều 167, Điều 169 Luật THAHS năm 2019 và Điều 42 Quy chế công tác kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, THAHS, ban hành kèm theo Quyết định số 501/QĐ-VKSTC ngày 12/12/2017 của Viện trưởng VKS nhân dân tối cao (Quy chế số 501).

Loại thứ nhất là kháng nghị theo quy định về tố tụng hình sự (kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm) đối với các quyết định do Tòa án ban hành theo trình tự, thủ tục luật định. Khi VKS kháng nghị đối với các quyết định này thì thẩm quyền, thủ tục, thời hạn kháng nghị sẽ được thực hiện theo quy định về xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm.

Loại thứ hai là kháng nghị đối với các quyết định, hành vi khác của Tòa án, của cơ quan THAHS, cơ quan được giao một số nhiệm vụ THAHS, quy định tại khoản 4 Điều 169, khoản 5 Điều 167 Luật THAHS năm 2019. Thẩm quyền, trình tự thủ tục giải quyết đối với loại kháng nghị này không áp dụng Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) mà chỉ áp dụng các quy định về THAHS, cụ thể như sau:

Thẩm quyền kháng nghị các quyết định của Tòa án theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm:

Theo quy định tại khoản 4 Điều 167, khoản 3 Điều 169 Luật THAHS năm 2019, khoản 2 Điều 42 Quy chế số 501 thì VKS kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm những quyết định sau đây của Tòa án cùng cấp và cấp dưới: Quyết định miễn, giảm thời hạn chấp hành án phạt tù; quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện, quyết định hủy quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện; quyết định rút ngắn thời gian thử thách của án treo; quyết định rút ngắn thời gian thử thách của người được tha tù trước thời hạn có điều kiện; quyết định giảm thời hạn, miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ; quyết định miễn chấp hành thời hạn cấm cư trú, miễn chấp hành thời hạn quản chế còn lại.

Mặc dù BLTTHS năm 2015 không có quy định cụ thể về việc kháng nghị đối với những loại quyết định này, tuy nhiên căn cứ Điều 330 có thể xem những quyết định trên là một loại quyết định sơ thẩm của Tòa án, bên cạnh các quyết định về giải quyết vụ án như quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ vụ án, quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can, bị cáo… để thực hiện việc kháng nghị.

Một số quy định của BLTTHS năm 2015 về quyền kháng nghị của VKS đối với các quyết định của Tòa án bao gồm: Khoản 11 Điều 368 quy định VKS có quyền kháng nghị, phạm nhân có quyền khiếu nại đối với quyết định về việc chấp nhận hoặc không chấp nhận đề nghị tha tù trước thời hạn có điều kiện, quyết định hủy quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền giải quyết kháng nghị, khiếu nại các quyết định trên được thực hiện theo Chương XXII và Chương XXXIII của Bộ luật này. Theo khoản 2 Điều 469 thì quyết định của Hội đồng xét giảm thời hạn hoặc miễn chấp hành hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện nếu có khiếu nại, kháng cáo, kháng nghị thì giải quyết theo quy định tại các chương XXI, XXII, XXIV, XXV, XXVI và XXXI của Bộ luật này.

Ngoài ra, khoản 2 Điều 453 BLTTHS năm 2015 quy định việc kháng nghị của VKS đối với quyết định của Tòa án về việc áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh được thực hiện như đối với quyết định sơ thẩm quy định tại Bộ luật này.

Như vậy, có thể xác định rằng các quyết định trên đều có thể bị kháng nghị theo thủ tục xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm. Tuy nhiên, cần lưu ý, khi ban hành quyết định kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm đối với các quyết định nêu trên của Tòa án, VKS cần tuân theo khoản 2 Điều 337, Điều 379, Điều 401 BLTTHS năm 2015 về thời hạn kháng nghị đối với quyết định của Tòa án. Đối với việc kháng nghị theo hướng không có lợi cho người bị kết án như: Kháng nghị theo hướng hủy bỏ quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện, hủy bỏ quyết định rút ngắn thời hạn thử thách,… thì thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm là 01 năm kể từ ngày quyết định có hiệu lực pháp luật, thời hạn kháng nghị tái thẩm là 01 năm kể từ ngày VKS nhận được tin báo về tình tiết mới.

Thẩm quyền kháng nghị đối với các quyết định, hành vi khác của Tòa án, quyết định, hành vi của cơ quan THAHS, cơ quan được giao một số nhiệm vụ THAHS:

Theo khoản 5 Điều 167, khoản 4 Điều 169 Luật THAHS năm 2019; khoản 1 Điều 42 Quy chế số 501 thì VKS kháng nghị hành vi, quyết định của Tòa án (trừ những quyết định được kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm); cơ quan THAHS; cơ quan, tổ chức được giao một số nhiệm vụ THAHS và cá nhân có liên quan trong việc THAHS khi có vi phạm pháp luật nghiêm trọng, xâm phạm quyền con người, quyền công dân, lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân để yêu cầu chấm dứt, khắc phục và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Đối với loại kháng nghị này thì thẩm quyền, trình tự, thủ tục được thực hiện theo quy định của Luật THAHS năm 2019. Tòa án, cơ quan THAHS, cơ quan được giao một số nhiệm vụ THAHS có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được kháng nghị; nếu không nhất trí với kháng nghị đó thì các cơ quan này có quyền khiếu nại lên VKS cấp trên trực tiếp; VKS cấp trên trực tiếp phải giải quyết trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại. Quyết định của VKS cấp trên trực tiếp phải được thi hành (khoản 4 Điều 169 Luật THAHS năm 2019).

Một số vấn đề về xác định thẩm quyền kháng nghị của Viện kiểm sát

Trong thực tiễn, việc xác định thẩm quyền kháng nghị của VKS thường gặp một số vướng mắc như sau:

Về xác định thẩm quyền kháng nghị của VKS đối với các quyết định về tha tù trước thời hạn có điều kiện, hiện nay có hai quan điểm:

Quan điểm thứ nhất: Căn cứ khoản 11 Điều 368 BLTTHS năm 2015, khoản 6 Điều 11 Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT- BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 09/02/2018 quy định phối hợp thực hiện quy định của BLTTHS năm 2015 về tha tù trước thời hạn có điều kiện (Thông tư liên tịch số 04/2018) thì VKS không có quyền kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm mà chỉ có thẩm quyền kháng nghị phúc thẩm. Bởi lẽ, theo quy định trên thì: Trình tự, thủ tục, thẩm quyền giải quyết kháng nghị, khiếu nại các quyết định quy định tại khoản này được thực hiện theo Chương XXII (Xét xử phúc thẩm) và Chương XXXIII (Khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự) của BLTTHS năm 2015. Vì điều luật không quy định quyền kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm (Chương XXV), tái thẩm (Chương XXVI) nên VKS cũng không có quyền kháng nghị theo những thủ tục này.

Quan điểm thứ hai: Các quyết định về tha tù trước thời hạn có điều kiện là quyết định sơ thẩm của Tòa án, được ban hành bởi Hội đồng xét tha tù trước thời hạn có điều kiện gồm Chánh án và 02 Thẩm phán, do Chánh án làm Chủ tịch Hội đồng theo Điều 368 BLTTHS năm 2015 và Thông tư liên tịch số 04/2018. Vì đây là quyết định sơ thẩm của Tòa án nên mới có quy định về kháng nghị phúc thẩm. Theo Điều 27 BLTTHS năm 2015 thì bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật mà phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc có tình tiết mới theo quy định của Bộ luật này thì được xem xét lại theo trình tự giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

Thực tiễn cho thấy, có trường hợp phát hiện các quy định về tha tù trước thời hạn có vi phạm nghiêm trọng nhưng đã quá thời hạn kháng nghị phúc thẩm nên đã kháng nghị hoặc đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, tuy nhiên do có vướng mắc nêu trên nên chưa được giải quyết. Theo tác giả, quan điểm thứ hai là phù hợp với quy định cũng như thực tiễn áp dụng pháp luật, bởi lẽ, mặc dù Điều 368 BLTTHS năm 2015 quy định trình tự, thủ tục, thẩm quyền giải quyết kháng nghị, khiếu nại các quyết định này được thực hiện theo Chương XXII (Xét xử phúc thẩm) và Chương XXXIII (Khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hình sự) của BLTTHS năm 2015. Tuy nhiên, khoản 2 Điều 469 BLTTHS năm 2015 (Chương XXXIII) quy định: Đối với quyết định Hội đồng xét giảm thời hạn hoặc miễn chấp hành hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện nếu có khiếu nại, kháng cáo, kháng nghị thì giải quyết theo quy định tại các chương XXI, XXII, XXIV, XXV (Thủ tục giám đốc thẩm), XXVI (Thủ tục tái thẩm) và XXXI của Bộ luật này. Như vậy, điều luật cũng đã quy định rõ quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện có thể bị kháng nghị theo cả thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm và tái thẩm. Cũng bởi lẽ trên mà khoản 2 Điều 42 Quy chế số 501 đã khẳng định VKS kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm đối với một số quyết định của Tòa án cùng cấp và cấp dưới, trong đó có quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện, quyết định hủy quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện.

Về xác định thẩm quyền kháng nghị đối với quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với quyết định của Tòa án:

Bắt buộc chữa bệnh là biện pháp tư pháp do Chánh án Tòa án có thẩm quyền ra quyết định theo quy định của BLTTHS năm 2015, Luật THAHS năm 2019. Khi phát hiện vi phạm nghiêm trọng trong quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh, một số VKS đã ban hành kháng nghị theo khoản 5 Điều 167, Điều 169 Luật THAHS năm 2019. Ví dụ: Hồ sơ áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với Phạm Hoàng Q, sinh năm 1995, bị kết án 02 năm tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản” thể hiện như sau: Qua trưng cầu giám định pháp y tâm thần, kết quả xác định: Về y học, hiện nay Q bị bệnh rối loạn sự thích ứng với phản ứng hỗn hợp lo âu trầm cảm; hiện Q chưa đủ năng lực nhận thức và điều khiển hành vi để làm việc với cơ quan pháp luật. Mặc dù Phạm Hoàng Q chỉ “chưa đủ khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi” mà không thuộc trường hợp “mất khả năng nhận thức hoặc mất khả năng điều khiển hành vi” để áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh theo Điều 452 BLTTHS năm 2015, nhưng Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh K vẫn ra Quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với Phạm Hoàng Q và phạm nhân được bắt buộc chữa bệnh tại Viện pháp y tâm thần BH. Quá trình trực tiếp kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh của Viện pháp y tâm thần BH, VKS tỉnh K đã phát hiện vi phạm nêu trên và ban hành kháng nghị, yêu cầu Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh K hủy bỏ quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với Q, đồng thời đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh K thông báo kết quả thực hiện kháng nghị trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được kháng nghị. Như vậy, VKS tỉnh K đã căn cứ khoản 5 Điều 167 và khoản 4 Điều 169 Luật THAHS năm 2019, kháng nghị đối với các quyết định, hành vi khác của Tòa án mà không phải là kháng nghị theo thủ tục của BLTTHS năm 2015.

Về vấn đề này, theo tác giả thì: Khoản 2 Điều 453 BLTTHS năm 2015 quy định: Việc kháng cáo, kháng nghị quyết định của Tòa án về việc áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh được thực hiện như đối với quyết định sơ thẩm quy định tại Bộ luật này. Do đó, có thể khẳng định rằng thẩm quyền kháng nghị quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh của Tòa án được thực hiện theo quy định tại BLTTHS năm 2015. Căn cứ các điều 27, 336, 361, 362, 371, 372, 373, 398, 400 BLTTHS năm 2015 thì VKS có quyền kháng nghị quyết định sơ thẩm của Tòa án theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm. Vì vậy, việc căn cứ vào quy định tại khoản 5 Điều 167 và khoản 4 Điều 169 Luật THAHS năm 2019 để kháng nghị đối với quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh của Tòa án là chưa phù hợp với quy định của pháp luật, mà thay vào đó cần kháng nghị theo thủ tục xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm. Từ đó, tác giả kiến nghị cần bổ sung quyền kháng nghị theo thủ tục xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm đối với quyết định này vào Điều 42 Quy chế số 501.

Viện kiểm sát phát hiện vi phạm để thực hiện quyền kháng nghị đối với các quyết định THAHS của Tòa án thông qua các phương thức: Trực tiếp phát hiện thông qua việc tham gia các phiên họp xét giảm, miễn thời hạn chấp hành án, tha tù trước thời hạn có điều kiện; phiên họp xét rút ngắn thời gian thử thách của người được hưởng án treo; phiên họp xét quyết định buộc chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo,… của Tòa án; phát hiện vi phạm thông qua quyết định,  hồ sơ thi hành án được gửi và thông qua kiểm sát trực tiếp. Vì vậy, Kiểm sát viên cần lưu ý về một số dạng vi phạm thường xảy ra trong thực tế thường liên quan đến điều kiện giảm án, xét tha tù trước thời hạn có điều kiện. Ví dụ: Vụ Trần Văn D, sinh năm 1995 bị Tòa án nhân dân thành phố H, tỉnh H xử phạt 03 năm tù về tội “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản”. Ngày 01/07/2019, Ban giám thị trại giam T có văn bản đề nghị tha tù trước thời hạn có điều kiện cho phạm nhân Trần Văn D với thời hạn còn lại là 01 năm 02 tháng 23 ngày. Tại Quyết định số 06/2019/HSST-QĐ ngày 06/08/2019, Hội đồng xét tha tù trước thời hạn có điều kiện của Tòa án nhân dân tỉnh H đã quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với Trần Văn D với thời hạn còn lại là 01 năm 01 tháng 02 ngày. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh H nhận thấy: Quá trình xét xử xác định Trần Văn D cùng đồng phạm thực hiện hành vi phạm tội mang tính chất “xã hội đen”, dùng hung khí nguy hiểm là dao phóng lợn, truy tìm, buộc bị hại gọi điện về gia đình mang tiền đến nhằm chiếm đoạt tài sản, thể hiện sự coi thường pháp luật. Việc Hội đồng xét tha tù trước thời hạn có điều kiện của Tòa án nhân dân tỉnh H chấp nhận đề nghị của Trại giam T về việc tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với D với thời hạn còn lại 01 năm 01 tháng 02 ngày là chưa thận trọng, có thể ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội. Do đó, Viện trưởng VKS nhân dân tỉnh H đã ban hành kháng nghị phúc thẩm, đề nghị Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xem xét theo hướng hủy quyết định tha tù trước thời hạn của Tòa án nhân dân tỉnh H, không chấp nhận tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với Trần Văn D. Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã chấp nhận toàn bộ kháng nghị của VKS nhân dân tỉnh H.

Những vi phạm khác thường gặp là về chế độ quản lý giam giữ, giáo dục phạm nhân, việc đảm bảo các quyền đối với phạm nhân. Ví dụ: Vi phạm về bố trí giam giữ phạm nhân theo Điều 30 Luật THAHS năm 2019; vi phạm về chế độ ăn, mặc, ở, sinh hoạt, chăm sóc y tế đối với phạm nhân, việc thực hiện những quy định đối với phạm nhân là người dưới 18 tuổi…; vi phạm trong việc giao, gửi bản án, ra quyết định hoặc ủy thác ra quyết định về THAHS, việc gửi quyết định THAHS cho VKS, người bị kết án và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; vi phạm trong việc giám sát, giáo dục người được hưởng án treo, người chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ… của Ủy ban nhân dân cấp xã./.

Nguồn: kiemsat.vn
Tìm kiếm