CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Thông báo rút kinh nghiệm giải quyết vụ án lao động

16/03/2021
Cỡ chữ:   Tương phản
Thông qua công tác kiểm sát việc giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm đối với vụ án lao động, VKSND tối cao thông báo đến VKSND các cấp kinh nghiệm kiểm sát giải quyết vụ án lao động về “Đơn phương chấm dứt hợp lao động”.

1. Nội dung vụ án

Ngày 25/8/2010, ông D vào làm việc tại Công ty M với công việc là nhân viên bảo trì cơ khí. Ngày 01/01/2011, ông D và Công ty M ký hợp đồng lao động chính thức với thời hạn 01 năm, từ ngày 01/01/2011 đến ngày 31/12/2011. Sau khi hết hạn hợp đồng lao động, ngày 01/01/2012, ông D và Công ty M tiếp tục ký hợp đồng lao động số 05/12/HĐLĐ với thời hạn 01 năm, từ ngày 01/01/2012 đến ngày 31/12/2012. Công việc theo hợp đồng là nhân viên bảo trì cơ khí, tiền lương và phụ cấp là 5.500.000 đồng/tháng.

Ngày 29/02/2012, bà L là Trưởng phòng nhân sự của Công ty M gặp ông D và giao Quyết định chấm dứt thời gian làm việc đối với ông D với lý do “không phù hợp yêu cầu công việc”. Cùng ngày 29/02/2012, bà L thừa lệnh Tổng giám đốc ký Quyết định về việc cho thôi việc số 11/2012 với nội dung cho ông D nghỉ việc từ ngày 29/02/2012. Sau khi nhận quyết định, ông D bắt đầu nghỉ việc từ ngày 29/02/2012. Cho rằng Công ty M đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái quy định của pháp luật, ông D khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết:

- Buộc Công ty M phải trả đầy đủ lương tháng 02/2012 cho ông D là 5.500.000 đồng, phụ cấp lương tháng 02/2012 là 1.000.000 đồng, tiền tăng ca là 2.475.000 đồng, tiền lãi cho số tiền trên đến ngày xét xử sơ thẩm là 1.066.230 đồng; tiền trợ cấp mất việc làm 18 tháng (tiền lương thời gian không được làm việc từ tháng 3/2012 đến ngày xét xử sơ thẩm 30/9/2013) là 99.000.000 đồng, phụ cấp lương 18 tháng là 18.000.000 đồng; bồi thường 02 tháng tiền lương do chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật là 13.000.000 đồng; 30 ngày tiền lương do vi phạm thời gian báo trước là 6.500.000 đồng; tiền bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp 18 tháng là 9.450.000 đồng.

- Buộc Công ty M phải nhận ông D quay trở lại làm việc.

2. Quá trình giải quyết vụ án

2.1. Tại Bản án lao động sơ thẩm số 1/2012/LĐ-ST ngày 30/9/2013 và Thông báo sửa chữa, bổ sung bản án số 04/TB-TA ngày 16/10/2013, TAND thị xã A, tỉnh B quyết định:

(1) Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông D đối với Công ty M về việc: Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

(2) Buộc Công ty M bồi thường cho ông D do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật các khoản tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, tổng cộng: 86.302.866 đồng.

(3) Buộc Công ty M nhận ông D quay trở lại làm việc.

(4) Không chấp nhận yêu cầu phản tố của Công ty M đối với ông D về việc yêu cầu bồi thường số tiền 5.250.000 đồng.

Sau khi có Bản án sơ thẩm ngày 14/10/2013, Công ty M có đơn kháng cáo toàn bộ bản án.

2.2. Tại Bản án lao động phúc thẩm số 68/2013/LĐ-PT ngày 25/12/2013, TAND tỉnh B quyết định:

(1) Chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của Công ty M. Sửa Bản án lao động sơ thẩm 17/2013/LĐ-ST ngày 30/9/2013 của TAND thị xã A như sau:

+ Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông D đối với Công ty M về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

+ Chấp nhận một phần yêu cầu Công ty M thanh toán tiền lương tháng 2/2012: Buộc Công ty M thanh toán cho ông D tiền lương, phụ cấp và tiền làm thêm giờ của tháng 2/2012 là 5.491.50 đồng.

(2) Không chấp nhận yêu cầu phản tố của Công ty M đối với ông D về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

2.3. Tại Quyết định giám đốc thẩm số 03/2017/LĐ-GĐT ngày 07/7/2017, Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại TP. HC quyết định:

(1) Chấp nhận Kháng nghị số 02/2017/KN-HNGĐ ngày 04/4/2017 của Chánh án TAND cấp cao tại TP. HC.

(2) Hủy toàn bộ Bản án lao động phúc thẩm số 68/2013/LĐ-PT ngày 25/12/2013 của TAND tỉnh B.

(3) Giữ nguyên Bản án lao động sơ thẩm số 17/2013/LĐ-ST ngày 30/9/2013 của TAND thị xã A, tỉnh B.

2.4. Tại Quyết định giám đốc thẩm số 01/2020/LĐ-GĐT ngày 15/9/2020, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao quyết định:

(1) Chấp nhận Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 01/2020/KN-LĐ ngày 27/5/2020 của Chánh án TAND tối cao đối với Quyết định giám đốc thẩm số 03/2017/LĐ-GĐT ngày 07/7/2017 của Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại TP. HC.

(2) Hủy Quyết định giám đốc thẩm số 03/2017/LĐ-GĐT ngày 07/7/2017 của Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại TP. HC về nội dung “Giữ nguyên Bản án lao động sơ thẩm số 17/2013/LĐ-ST ngày 30/9/2013 của TAND thị xã A, tỉnh B”; hủy Bản án lao động phúc thẩm số 68/2013/LĐ-PT ngày 25/12/2013 của TAND tỉnh B.

(3) Giao hồ sơ vụ án cho TAND tỉnh B xét xử phúc thẩm lại theo hướng sửa Bản án lao động sơ thẩm số 17/2013/LĐ-ST ngày 30/9/2013 của TAND thị xã A về phần nội dung: “Buộc Công ty M nhận ông D trở lại làm việc”.

3. Những vấn đề cần rút kinh nghiệm

3.1. Về việc đánh giá chứng cứ

Theo tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án thể hiện: Ngày 29/02/2012, bà L - Trưởng phòng Phòng Nhân sự Công ty M ký “Quyết định về việc chấm dứt thời gian làm việc” đối với ông D; quyết định có đóng dấu vuông của Phòng Nhân sự. Cùng ngày 29/02/2012, bà L thừa lệnh Tổng giám đốc Công ty ký “Quyết định về việc cho thôi việc” số 11/2012 đối với ông D; quyết định có đóng dấu tròn (dấu pháp nhân) của Công ty M. Quá trình giải quyết vụ án, bà L xác định việc ký 02 quyết định trên là công việc thường xuyên của Phòng Nhân sự, có sự chỉ đạo từ trước của Ban Giám đốc công ty. Đồng thời, theo “Danh sách lao động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế” của Công ty M lập ngày 01/3/2012 (do Tổng Giám đốc ký) và Biên bản xác minh ngày 19/9/2013 tại Bảo hiểm xã hội tỉnh B xác định: Căn cứ vào “Quyết định về việc cho thôi việc” đối với ông D ngày 29/02/2012, ngày 01/3/2012, Công ty M đã báo giảm lao động với ông D bắt đầu từ tháng 3/2012. Như vậy, có đủ căn cứ xác định “Quyết định về việc cho thôi việc” số 11/2012 ngày 29/02/2012 do bà L ký thừa lệnh Tổng Giám đốc Công ty M có hiệu lực pháp luật, làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của hai bên ký kết hợp đồng lao động và Công ty M đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với ông D.

Tuy nhiên, Tòa án cấp phúc thẩm không căn cứ những tài liệu nêu trên mà căn cứ văn bản ủy quyền của Tổng Giám đốc Công ty M về việc giao cho bà H – Nhân viên Phòng Kế toán quản lý con dấu của Công ty từ ngày 25/11/2011 (Văn bản do Công ty ban hành, lưu hành nội bộ, không liên quan đến thẩm quyền, quy chế về quản lý nhân sự) để xác định “Quyết định về việc cho thôi việc” ngày 29/12/2012 do bà L ký thừa lệnh Tổng Giám đốc Công ty không đúng thẩm quyền, vô hiệu, là đánh giá chưa toàn diện, đầy đủ và khách quan tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án. Bởi vi phạm này, tại Quyết định giám đốc thẩm số 01/2020/LĐ-GĐT ngày 15/9/2020, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã tuyên hủy Bản án phúc thẩm số 68/2013/LĐ-PT ngày 25/12/2013 của TAND tỉnh B.

3.2. Về việc áp dụng pháp luật

Hợp đồng lao động số 05/2012/HĐLĐ ký ngày 01/01/2012 giữa ông D và Công ty M có thời hạn từ ngày 01/01/2012 đến ngày 31/12/2012. Do hai bên không tiếp tục ký kết hợp đồng lao động mới và ông D đã không làm việc tại Công ty M từ ngày 29/02/2012 nên Hợp đồng số 05 hết hạn vào ngày 01/01/2013 nhưng đến ngày 30/9/2013, Tòa án mới xét xử sơ thẩm. Tại Tòa án, Công ty M đã trình bày về việc hợp đồng lao động giữa Công ty và ông D đã hết thời hạn và Công ty không có nhu cầu nhận ông D trở lại làm việc. Như vậy, Tòa án cấp sơ thẩm và Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại TP. HC căn cứ quy định tại Điều 41 Bộ luật Lao động năm 1994 (được sửa đổi, bổ sung năm 2002, 2006, 2007) tuyên buộc Công ty M nhận ông D trở lại làm việc mà không xem xét đến thời hạn, hiệu lực của hợp đồng lao động là không đúng pháp luật.

Từ vụ án nêu trên, VKSND tối cao thấy cần phải rút kinh nghiệm những nội dung sau:

Một là, khi xem xét, đánh giá tài liệu, chứng cứ phải xem xét đầy đủ, toàn diện các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ, đánh giá khách quan về giá trị chứng minh của chứng cứ.

Hai là, trong việc áp dụng pháp luật phải nghiên cứu đầy đủ các quy định pháp luật có liên quan, khi xem xét, đánh giá về việc giải quyết hậu quả của hợp đồng lao động vô hiệu cần xem xét về thời hạn hợp đồng, giá trị hiệu lực của hợp đồng, vi phạm của các bên trong hợp đồng để áp dụng đầy đủ các quy định của Bộ luật Lao động trong giải quyết vụ án.

TL (tổng hợp)
Tìm kiếm