Thông qua công tác kiểm sát xét xử phúc thẩm vụ án dân sự, VKSND cấp cao tại Đà Nẵng thông báo rút kinh nghiệm vụ án “Tranh chấp chia di sản thừa kế và hủy Giấy chứng nhận...
Thông qua công tác kiểm sát xét xử phúc thẩm vụ án dân sự, VKSND cấp cao tại Đà Nẵng thông báo rút kinh nghiệm vụ án “Tranh chấp chia di sản thừa kế và hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” (GCNQSDĐ) bị TAND cấp cao tại Đà Nẵng hủy toàn bộ bản án dân sự sơ thẩm để xét xử lại.
Nội dung vụ án
Nguyên đơn bà Nguyễn Thị P trình bày:
Cha, mẹ bà là cụ Nguyễn Phú C (chết năm 1956) và cụ Võ Thị T (chết năm 2012). Sau khi cha bà chết, mẹ bà sinh em gái là bà Nguyễn Thị H (cùng mẹ, khác cha).
Bà P yêu cầu chia di sản thừa kế thửa đất số 01, tờ bản đồ số 6, diện tích khoảng 6.000m2, tại xã Trà Bình, huyện T, tỉnh Q là của mẹ và được cụ ruột là Võ K lưu hạ lại.
Năm 1962, mẹ bà về ở với vụ Võ K trên mảnh đất này. Năm 1965, cụ Võ K chết, mẹ bà tiếp tục quản lý, sử dụng và đã xây dựng nhà ở cấp 4 trên đất.
Ngày 13/12/1999, mẹ bà được Nhà nước cấp GCNQSDĐ với diện tích 5.820m2, thửa đất số 01, tờ bản đồ số 6, xã Trà Bình, huyện T, tỉnh Q.
Năm 2012, mẹ bà chết, bà yêu cầu chia đôi diện tích đất này cho bà và bà H, mỗi người nhận một nửa. Đối với tài sản trên đất là căn nhà cấp 4 và cây trồng, bà yêu cầu nhận nhà và thanh toán lại giá trị cho bà H.
Bị đơn bà Nguyễn Thị H trình bày:
Nguồn gốc thửa đất trên là đất của gia tộc họ Võ để lại. Theo trích lục của Sở địa chính tỉnh Q, thửa đất được Chính phủ Đại Nam Trung kỳ cấp cho cố ngoại của bà là cụ Phan Thị D (cố D có 2 người con là cụ Võ K và cụ Võ P. Vợ con của cụ K đều chết trước năm 1960. Cụ Võ P có 3 người con gồm: Cụ Võ L khi tham gia cách mạng đổi tên thành Vũ Huỳnh L, cụ Võ Thị H và cụ Võ Thị T là mẹ bà H). Mảnh đất trên được vụ Võ K quản lý, sử dụng cho đến năm 1965.
Năm 1995, cụ Vũ Huỳnh L, cụ Võ Thị H và cụ Võ Thị T (là 3 chị em) bàn bạc thống nhất giao cho bà P (con cụ T) quản lý, sử dụng mảnh đất để lo thờ cúng, nhưng bà P không đồng ý nên cả 3 người thống nhất giao mảnh vườn cho bà H.
Ngày 13/12/1999, mẹ bà là Võ Thị T được UBND huyện Trà Bồng cấp GCNQSDĐ với diện tích 5.820m2, thửa đất số 01, tờ bản đồ số 6, xã Trà Bình, huyện T, tỉnh Q. Nay, bà yêu cầu hủy GCNQSDĐ này.
Quá trình giải quyết của Tòa án
Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 26/2018/DS-ST ngày 10/10/2018, TAND tỉnh Q quyết định:
“…Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị P về chia di sản thừa kế; không chấp nhận yêu cầu của bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan về việc hủy GCNQSDĐ cấp cho hộ bà Võ Thị T…”
Bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 81/2019/DS-PT ngày 09/7/2019, TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã hủy toàn bộ Bản án dân sự sơ thẩm nêu trên để giải quyết lại.
Những vấn đề cần rút kinh nghiệm
Trong vụ án này, các đương sự tranh chấp về người để lại di sản thừa kế. Nguyên đơn cho rằng di sản là của cụ Võ Thị T để lại. Bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cho rằng di sản là của cố Phan Thị D để lại. Cố D chết để lại cho 2 con là cố Võ K và cố Võ P. Cố Võ K và cố Võ P chết thì di sản để lại cho những người thuộc hàng thừa kế tiếp theo gồm: Cụ L, cụ H và cụ T. Đồng thời, bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan yêu cầu hủy GCNQSDĐ đã cấp cho cụ Võ Thị T.
Về việc đánh giá chứng cứ
Tòa án cấp sơ thẩm cho rằng di sản tranh chấp là của cụ Võ Thị T để lại, từ đó, xác định bà P, bà H là người được hưởng di sản thừa kế là chưa đủ cơ sở vững chắc, bởi những căn cứ sau đây:
- Bà Nguyễn Thị P cung cấp GCNQSDĐ của cụ Võ Thị T được cấp năm 1999. Bà P cho rằng nhà đất là của cố K cho cụ Võ Thị T vì cụ T ở với cố K. Sau khi cố K chết, cụ Võ Thị T tiếp tục quản lý và sử dụng nhà đất. Tuy nhiên, bà P cũng thừa nhận không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc tài sản đó là của cố K và không có giấy tờ cô K tặng cho cụ T.
Hồ sơ xin đăng ký quyền sử dụng đất ngày 28/9/1999 của cụ Võ Thị T thể hiện diện tích đất 5.820m2 thuộc thửa số 1, tờ bản đồ số 6 là đất thổ cư có nguồn gốc “Ông bà lưu hạ.”
Tại Biên bản họp gia đình ngày 07/4/2008, có 3 người gồm: Cụ T, cụ L và cụ H đều thống nhất di sản để làm nơi thờ cúng là tài sản của cha mẹ để lại.
Tại Đơn đề nghị ngày 02/3/2008, cụ Võ Thị T thừa nhận cụ T là người đứng tên GCNQSDĐ và nhất trí để 02 em là Võ H và Võ L (Vũ Huỳnh L) cùng đứng tên diện tích đất trên.
- Phía bị đơn và người có quyền lợi liên quan cung cấp chứng cứ là Bản trích lục Đại Nam Trung Kỳ Chánh Phủ (Tỉnh Q – Sở địa chánh) cấp cho cố Phan Thị D diện tích đất là 01 mẫu, 01 sào, 02 thước vào năm 1939. Vì vậy, có căn cứ xác định di sản nêu trên là của cố Phan Thị D để lại. Khi cố D chết để lại cho 02 con là cố K và cố P (cố K không có con). Nay, cố K và cố P đã chết, di sản thuộc hàng thừa kế tiếp theo đó là cụ Võ L (Vũ Huỳnh L), cụ Võ H, cụ Võ Thị T. Cụ H và cụ T đã chết, các con được hưởng phần di sản của 02 cụ. Khi chia di sản thừa kế, phải tính công sức quản lý, tôn tạo di sản của cụ Võ Thị T và người quản lý sau này. Bản án dân sự sơ thẩm không chấp nhận chứng cứ là Bản trích lục Đại Nam Trung Kỳ Chánh Phủ (tỉnh Q – Sở địa chánh) cấp cho cố Phan Thị D năm 1939 là thiếu sót.
Bản án sơ thẩm quyết định không rõ ràng
Ngày 13/12/1999, cụ Võ Thị T được UBND huyện T cấp GCNQSDĐ với diện tích 5.820m2, thửa đất số 01, tờ bản đồ số 6, xã Trà Bình, huyện T, tỉnh Q. Quá trình giải quyết vụ án, bị đơn phản tố yêu cầu hủy GCNQSDĐ đã cấp cho cụ T.
Bản án dân sự sơ thẩm chấp nhận yêu cầu chia di sản thừa kế của nguyên đơn, chia thửa đất thành 2 phần cho những người thừa kế nhưng không chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn hủy GCNQSDĐ là mâu thuẫn; không tuyên các bên được quyền liên hệ với cơ quan chức năng để được cấp GCNQSDĐ được chia là thiếu sót.
Tòa án cấp phúc thẩm không thể khắc phục được những vi phạm, thiếu sót trên của Tòa án cấp sơ thẩm nên phải hủy bản án sơ thẩm để giải quyết lại.
Thanh Hằng
(Giới thiệu)