Ghi âm, ghi hình có âm thanh khi hỏi cung bị can; khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp của CQĐT tối cao là giải pháp hiệu quả để tránh trường hợp bị can phản cung, chối tội, thay đổi lời khai trong quá trình giải quyết vụ án. Tuy nhiên, quá trình thực hiện hoạt động này vẫn còn những khó khăn, hạn chế cần được tháo gỡ, đặc biệt là tăng cường năng lực để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Mặc dù ghi âm, ghi hình có âm thanh là hoạt động mới, trang thiết bị còn hạn chế nhưng đội ngũ Điều tra viên, Cán bộ điều tra Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao đã nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ đấu tranh với tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm tham nhũng, chức vụ trong hoạt động tư pháp, không bỏ lọt tội phạm và không làm oan người vô tội.
1. Quy định pháp luật về hoạt động ghi âm, ghi hình có âm thanh
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021 (sau đây viết tắt là BLTTHS năm 2015) đã có những quy định cụ thể về trình tự, thủ tục trong hoạt động hỏi cung bị can, đặc biệt là việc ghi âm, ghi hình có âm thanh trong hỏi cung bị can nhằm đấu tranh có hiệu quả với tội phạm và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; tăng cường giám sát hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, nâng cao trách nhiệm và sự thận trọng, khách quan của các cơ quan tiến hành tố tụng. Cụ thể, khoản 6 Điều 183 BLTTHS năm 2015 quy định: “Việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Việc hỏi cung bị can tại địa điểm khác được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo yêu cầu của bị can hoặc của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng”.
Dữ liệu ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh là một bộ phận của hồ sơ vụ án hình sự, giúp các cơ quan tiến hành tố tụng xác định sự thật khách quan của vụ án, chứng minh hành vi phạm tội. Việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh phải bảo đảm tính khách quan, minh bạch, nguyên vẹn của dữ liệu, vừa bảo đảm giá trị chứng minh của chứng cứ, vừa để bảo vệ Điều tra viên, Kiểm sát viên, tránh tình trạng bị vu cáo trong quá trình hỏi cung bị can.
Thông tư liên tịch số 01/2021/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNNPTNT-VKSNDTC ngày 29/11/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNNPTNT-VKSNDTC ngày 29/11/2017 của liên ngành trung ương quy định việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của BLTTHS năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố quy định: “Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra khi nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố qua dịch vụ bưu chính, điện thoại hoặc qua phương tiện thông tin khác thì ghi vào sổ tiếp nhận. Nếu cá nhân trực tiếp đến tố giác về tội phạm hoặc đại diện cơ quan, tổ chức trực tiếp đến báo tin về tội phạm thì lập biên bản tiếp nhận và ghi vào sổ tiếp nhận. Có thể ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc tiếp nhận”.
Ngày 01/02/2018, Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư liên tịch số 03/2018/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BQP hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh; sử dụng, bảo quản, lưu trữ kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.
Để thực hiện tốt hoạt động điều tra của VKSND theo quy định của Luật tổ chức VKSND năm 2014 và BLTTHS năm 2015, Viện trưởng VKSND tối cao đã ban hành Quyết định số 264/QĐ-VKSTC ngày 21/7/2020 quy định về trình tự, thủ tục trực tiếp ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh khi hỏi cung bị can, lấy lời khai trong các giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố, quy định việc bảo quản, lưu trữ, sử dụng kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Theo đó, việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc trụ sở Cơ quan điều tra VKSND tối cao phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Ngoài ra, Cơ quan điều tra VKSND tối cao có thể thực hiện việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong một số trường hợp khác: (1) Trực tiếp tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ trong hoạt động tư pháp theo quy định tại khoản 1 Điều 146 BLTTHS năm 2015; (2) Hỏi cung bị can tại địa điểm khác được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo yêu cầu của bị can hoặc của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng theo quy định tại khoản 6 Điều 183 BLTTHS năm 2015; (3) Lấy lời khai của người làm chứng, lấy lời khai người bị hại, đương sự theo quy định tại Điều 187, 188 BLTTHS năm 2015; (4) Tiến hành đối chất theo quy định tại khoản 4 Điều 189 BLTTHS năm 2015. Đồng thời, để triển khai thực hiện các quy định của BLTTHS, các bộ luật, Luật mới về tư pháp, nhằm nâng cao chất lượng công tác điều tra, phòng chống oan sai, bỏ lọt tội phạm; lãnh đạo VKSND tối cao đã giao Cơ quan điều tra phối hợp với các đơn vị có liên quan tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi Quy chế tiếp nhận, thu thập, quản lý, xử lý và giải quyết nguồn tin về tội phạm thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra VKSND tối cao.
Các văn bản pháp luật trên là cơ sở pháp lý cho việc thực hiện, cũng như hoàn thiện hoạt động ghi âm, ghi hình có âm thanh trong tố tụng hình sự, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và cải cách tư pháp trong thời gian tới.
2. Việc triển khai hoạt động ghi âm, ghi hình có âm thanh của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Với sự quyết tâm đấu tranh phòng chống tội phạm, Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã triển khai thực hiện hoạt động ghi âm, ghi hình có âm thanh một cách hiệu quả; sử dụng kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh để phục vụ công tác điều tra trong trường hợp bị can thay đổi lời khai; sử dụng, đánh giá chứng cứ để làm rõ hành vi phạm tội của bị can, đảm bảo việc giải quyết vụ án xâm phạm hoạt động tư pháp, tham nhũng, chức vụ trong hoạt động tư pháp được khách quan, toàn diện. Qua đó, giúp lãnh đạo Cơ quan điều tra VKSND tối cao kiểm tra việc chấp hành pháp luật của Điều tra viên, Cán bộ điều tra trong quá trình hỏi cung, lấy lời khai, đảm bảo việc khởi tố, điều tra theo đúng quy định của pháp luật, giải quyết vụ án chính xác, khách quan.
Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã được bố trí 02 phòng hỏi cung, lấy lời khai có lắp đặt thiết bị ghi âm, ghi hình có âm thanh tại trụ sở VKSND tối cao. Đây là phòng chuyên dụng bảo đảm đủ điều kiện về diện tích, ánh sáng, an toàn và được trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật để ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Tuy nhiên, các phương tiện, thiết bị kỹ thuật chưa được hiện đại tối ưu, cần nâng cấp để đạt chất lượng tốt nhất về âm thanh và hình ảnh. Từ khi được bố trí phòng hỏi cung, lấy lời khai và trang bị ghi âm, ghi hình có âm thanh, Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã thực hiện nhiều hoạt động ghi âm, ghi hình có âm thanh khi hỏi cung, lấy lời khai trong quá trình giải quyết vụ án hình sự; tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ trong hoạt động tư pháp theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, Cơ quan điều tra cũng đã chủ động phối hợp với Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án xâm phạm hoạt động tư pháp; tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp (Vụ 6) VKSND tối cao thực hiện tốt hoạt động điều tra này. Trước khi thực hiện hoạt động ghi âm, ghi hình có âm thanh, Điều tra viên thông báo cho Kiểm sát viên tiến hành trao đổi, chuẩn bị kế hoạch hỏi cung bị can, trình tự, thủ tục khi tiến hành hỏi cung bị can. Kết quả ghi âm, ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can được bảo quản, lưu trữ đầy đủ tại hệ thống máy chủ đặt tại trụ sở Cơ quan điều tra VKSND tối cao, đảm bảo an toàn, bí mật.
Bên cạnh những kết quả đạt được, quy định của pháp luật hiện hành về hoạt động ghi âm, ghi hình có âm thanh và thực tiễn hoạt động này của Cơ quan điều tra VKSND tối cao còn bộc lộ một số hạn chế sau:
Thứ nhất, theo Điều 183, 189 BLTTHS năm 2015, trước khi tiến hành hoạt động ghi âm, ghi hình có âm thanh trong quá trình hỏi cung bị can, đối chất, Điều tra viên phải thông báo, phối hợp với Kiểm sát viên. Với thẩm quyền và địa bàn điều tra trên phạm vi cả nước, Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã thành lập các phòng nghiệp vụ ở các khu vực để tiếp nhận, giải quyết tố giác tin báo về tội phạm và điều tra án hình sự; trong khi đó, Vụ 6 VKSND tối cao chỉ tổ chức tại Hà Nội. Do đó, quá tình tiến hành các hoạt động ghi âm, ghi hình có âm thanh và kiểm sát hoạt động này có nhiều khó khăn trong việc di chuyển, bố trí con người cũng như đảm bảo thời hạn tố tụng và tính bảo mật.
Thứ hai, về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ công việc. Hiện Cơ quan điều tra VKSND tối cao chỉ có 02 phòng hỏi cung chuyên dụng, bảo đảm đủ điều kiện, được trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật sử dụng để ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh đạt chất lượng, đặt tại trụ sở VKSND tối cao; các đại diện thường trực Cơ quan điều tra VKSND tối cao ở các khu vực khác thì chưa xây dựng phòng hỏi cung chuyên dụng. Các phương tiện, thiết bị kỹ thuật sử dụng để ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh (thiết bị thu hình ảnh, âm thanh, đầu ghi hình, máy chủ…) tại các phòng nghiệp vụ điều tra ở khu vực của Cơ quan điều tra VKSND tối cao cũng còn hạn chế.
Thứ ba, đội ngũ cán bộ, Điều tra viên được đào tạo hoặc có trình độ chuyên môn kỹ thuật và sử dụng thành thạo các thiết bị kỹ thuật, phương tiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh, có trách nhiệm quản lý thiết bị kỹ thuật, hệ thống phương tiện sử dụng để ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh và bảo quản, lưu trữ kết quả, dữ liệu ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh hiện còn thiếu so với yêu cầu công việc.
3. Một số đề xuất, kiến nghị
Để khắc phục những khó khăn, hạn chế nêu trên, cần có một số giải pháp như sau:
Một là, thống nhất về nhận thức và triển khai thực hiện nghiêm túc hoạt động ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can đã được quy định trong BLTTHS, các thông tư liên tịch và quy chế của Ngành; tổ chức các hội nghị, tập huấn chuyên sâu việc thực hiện ghi âm, ghi hình có âm thanh trong hỏi cung bị can; sử dụng, bảo quản, lưu trữ kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong quá trình điều tra cho đội ngũ Điều tra viên, Cán bộ điều tra; giúp trang bị các kiến thức cần thiết để thực hiện hoạt động ghi âm, ghi hình có âm thanh đúng quy định và thống nhất.
Hai là, sớm sửa đổi Quy chế phối hợp giữa Cơ quan điều tra VKSND tối cao với Vụ 6 VKSND tối cao để quy định về ghi âm, ghi hình có âm thanh trong quá trình hỏi cung bị can; lấy lời khai người làm chứng, đối chất, tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra VKSND tối cao theo quy định của pháp luật và của Ngành.
Ba là, tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện và trang thiết bị nghiệp vụ chuyên dụng, phục vụ hoạt động ghi âm, ghi hình có âm thanh của Cơ quan điều tra VKSND tối cao. Trong thời gian tới, phải cải tạo, xây dựng phòng hỏi cung, ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh tại trụ sở Cơ quan điều tra VKSND tối cao và các phòng nghiệp vụ ở các khu vực, đảm bảo việc thực hiện hoạt động này chủ động và tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
Bốn là, nâng cao năng lực, trình độ công nghệ thông tin của đội ngũ Điều tra viên, Cán bộ điều tra; trên cơ sở đó tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về công nghệ thông tin giúp giải quyết vụ án hình sự một cách hiệu quả, đảm bảo tính bảo mật theo quy định./.
Lê Hồng Thanh, Nguyễn Văn Vương