1. Báo Công lý số 85 ngày 23/10/2015 có bài “Xung quanh những tố cáo phức tạp tại TADICO( Đà Nẵng): Cần được xác minh, xử lý nghiêm theo quy định” của nhóm phóng viên báo. Nội dung: Công ty Cổ phần kỹ thuật Cơ điện lạnh Đà Nẵng (gọi tắt là Công ty TADICO) trước đấy đã được nhận Huân chương lao động hạng...
Lãnh đạo VKSND tối cao chỉ đạo xử lý các tin báo chí nêu có liên quan đến hoạt động của ngành Kiểm sát nhân dân từ ngày 23/10/2015 đến ngày 29/10/2015
1. Báo Công lý số 85 ngày 23/10/2015 có bài “Xung quanh những tố cáo phức tạp tại TADICO( Đà Nẵng): Cần được xác minh, xử lý nghiêm theo quy định” của nhóm phóng viên báo. Nội dung: Công ty Cổ phần kỹ thuật Cơ điện lạnh Đà Nẵng (gọi tắt là Công ty TADICO) trước đấy đã được nhận Huân chương lao động hạng Nhì nhưng nhiều năm gần đây theo tố cáo của nội bộ thì lãnh đạo công ty có nhiều sai phạm lớn về quản lý kinh tế và đối mặt với nhiều khoản nợ nần chồng chất, đang đứng trước nguy cơ phá sản. Theo tố cáo của bà Phạm Thị Hương, nguyên Phó tổng Giám đốc phụ trách tài chính của Công ty, ông Trần Văn Quý, Tổng Giám đốc có hành vi làm giả chứng từ để chiếm đoạt nhiều tỷ đồng của Công ty. Chỉ tính riêng dự án xây dựng thiết bị thông gió và điều hòa không khí nhà ga hành khách của sân bay quốc tế Đà Nẵng, ông Quý đã làm giả hợp đồng mua bán vật tư, nâng khống giá vật tư để chiếm đoạt hơn 10 tỷ đồng, ông Quý còn chuyển cả tiền của Công ty cho Công ty TNHH sản xuất và thương mại Tân Định do vợ ông Quý làm Giám đốc vay và chi tiêu cá nhân dần đến việc bị “thụt quỹ”. Các hành vi này có dấu hiệu phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” cần được khởi tố, điều tra để xử lý về hình sự.
Yêu cầu VKSND thành phố Đà Nẵng kiểm tra lại vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 5, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
2. Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh số 285 ngày 24/10/2015 có bài “Tính cả lãi để xác định tiền chiếm đoạt” của tác giả Hoàng Yến. Nội dung: Tháng 7/2010, bà Ngô Minh Chiến trú tại thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước có ký hợp đồng vay của ông N.V.T 9 tỷ đồng với lãi suất 2%/tháng. Tháng 4/2012, hai bên chốt số nợ của bà Chiến với ông T là 2,9 tỷ đồng (gồm 2,5 tỷ đồng tiền gốc và 400 triệu đồng tiền lãi, bà Chiến khẳng định việc vay mượn này là quan hệ dân sự và xác định rõ trách nhiệm trả nợ của mình với ông Chiến, không có ý định chiếm đoạt, không bỏ trốn nhưng tháng 11/2004, bà vẫn bị Công an tỉnh Bình Phước khởi tố, bắt tạm giam về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Kết luận điều tra mới đây của Công an tỉnh Bình Phước còn xác định bà Chiến đã chiếm đoạt của ông T 5,2 tỷ đồng chứ không phải là 2,9 tỷ đồng. Trong số 5,2 tỷ đồng này Cơ quan điều tra tính cả số tiền lãi đến khi kết thúc điều tra là 2.3 tỷ đồng. Về việc này nhiều Thẩm phán và chuyên gia pháp luật cho rằng việc tính cả số lãi như trên để kết luận bà Chiến chiếm đoạt là không đúng, làm xấu đi tình trạng của bị can và gây khó khăn cho cơ quan tố tụng khi truy tố và xét xử vì cả luật tố tụng hình sự và các văn bản hướng dẫn đều không cho phép tính cả tiền lãi vào số tiền bị can chiếm đoạt vì giá trị chiếm đoạt chỉ được tính bằng số tiền gốc mà bị can đã lấy. Như vậy kết luận điều tra của cơ quan điều tra kết tội cho bà Chiến số tiền như trên là không đúng pháp luật cần phải được xem xét lại khi truy tố và xét xử.
Yêu cầu VKSND tỉnh Bình Phước kiểm tra lại vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 3, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
3. Báo Pháp luật Việt Nam số 299 ngày 26/10/2015 có bài “Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cơ khí thiết bị điện Hà Nội bị tố cáo” của tác giả Đặng Vũ. Nội dung: Thời gian vừa qua, ông Trần Huy Thịnh và Đoàn Thế Sáng là những cổ đông của Công ty Cổ phần Cơ khí, thiết bị điện Hà Nội đã tố cáo ông Nguyễn Trung Kiên là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty đã có hành vi làm giả các Biên bản họp hội đồng quản trị và Quyết định của Đại hội Cổ đông nhằm vay 25 tỷ đồng của Ngân hàng VIB chi nhánh Hà Đông và 166 tỷ đồng của Ngân hàng VIB chi nhánh Yên Bái để đầu tư xây dựng nhà máy thủy điện Mường Kim II tại tỉnh Hà Giang, mua khống vật tư thiết bị để đầu tư xây dựng thủy điện Mường Kim II, Sử dụng hóa đơn mua vật tư của Công ty Cổ phần chế tạo thiết bị điện Đông Anh làm chứng từ khấu trừ thuế giá trị gia tăng để tham ô, chiếm đoạt gẩn 2,2 tỷ đồng, tìm cách chuyển nhượng nhà máy cho đối tác khác trái pháp luật. Về việc này, Cục Chống tham nhũng Thanh tra chính phủ đã có Công văn số 148/TTCP-C.IV ngày 11/8/2015 gửi Ngân hàng phát triển Việt Nam đề nghị xem xét việc thu hồi nợ để tránh thiệt hại cho Ngân hàng, Văn phòng Chính phủ cũng đã có Văn bản số 8272/VPCP ngày 12/10/2015 chuyển đơn và đề nghị Bộ Công an xác minh, xem xét và giải quyết đúng pháp luật.
Yêu cầu VKSND thành phố Hà Nội kiểm tra lại vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 5, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.
4. Báo Pháp luật Việt Nam số 302 ngày 29/10/2015 có bài “Xin lỗi oan sai trong phòng kín” của tác giả Thanh Xuân. Nội dung: Sáng ngày 28/10/2015, tại hội trường Nhà văn hóa phường Vĩnh Phước, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, VKSND tỉnh Sóc Trăng, VKSND thị xã Vĩnh Châu đã tổ chức buổi xin lỗi vợ chồng ông Phạm Văn Lé và bà Thạch Thị Xem cùng ông Phạm Văn Lén (em ruột ông Lé) vì đã truy tố oan ông Lé về tội Giết người, truy tố oan bà Xem và ông Lén về tội “Không tố giác tội phạm” Tuy nhiên ông Lé và những người bị oan vẫn rất bức xúc vì buổi xin lỗi này diễn ra rất “bí mật”, được thực hiện trong thời gian 15 phút, chỉ có đại diện Công an thị xã Vĩnh Châu và Phó chủ tịch UBND phường Vĩnh Phước tham dự, không có sự tham gia của những người trong gia đình 3 người bị oan và nhân dân trong xóm nên ông Lé vẫn gặp khó khăn trong việc tái hòa nhập với cộng đồng, người nhà của nạn nhân bị chết vẫn thực hiện việc lăng mạ và còn có lần chặn đường đánh ông Lé.
Yêu cầu VKSND tỉnh Sóc Trăng kiểm tra lại vụ việc trên, báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách và Vụ 7, đồng thời gửi báo cáo về Văn phòng VKSND tối cao để theo dõi.