Vừa qua, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có Quyết định giám đốc thẩm số 06/2015/HS-GĐT ngày 17/4/2015 quyết định hủy Bản án hình sự phúc thẩm số 429/2012/HSPT ngày 07/8/2012 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội phần quyết định hình phạt...
Viện kiểm sát nhân dân tối cao rút kinh nghiệm
vụ án hình sự bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hủy án để xét xử lại
Vừa qua, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có Quyết định giám đốc thẩm số 06/2015/HS-GĐT ngày 17/4/2015 quyết định hủy Bản án hình sự phúc thẩm số 429/2012/HSPT ngày 07/8/2012 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội phần quyết định hình phạt đối với Đỗ Danh Khánh về tội “Bắt, giữ người trái pháp luật” và tổng hợp hình phạt của Đỗ Danh Khánh để xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật. Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự thông báo để Viện kiểm sát nhân dân các cấp nghiên cứu, tham khảo, rút kinh nghiệm.
Nội dung vụ án và quá trình tố tụng: Ngày 08/9/2009, Đỗ Danh Khánh, Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Thịnh An (Công ty Thịnh An) ký hợp đồng kinh tế với bà Thiều Thị Bản, Phó giám đốc Công ty cổ phần xây dựng hạ tầng kỹ thuật Gia Lộc (Công ty Gia Lộc) về việc Công ty của Khánh nhận san lấp 2 triệu m3 mặt bằng Khu liên hiệp hóa lọc dầu Nghi Sơn thuộc huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa với giá 80 tỷ đồng/01triệu m3.
Để ký hợp đồng trên, Công ty Gia Lộc yêu cầu anh Khánh nộp tiền bảo lãnh là 01 tỷ đồng/01 triệu m3; Khánh đồng ý và ký hợp đồng. Sau đó, Khánh ký hợp đồng hợp tác thi công với Phan Thanh Chi và Chi nộp 01 tỷ đồng để bảo lãnh theo yêu cầu của bà Bản (có phiếu thu do bà Bản xác nhận) và bà Bản hẹn một tháng sau sẽ giao mặt bằng cho Khánh và Chi thi công. Quá hẹn một tháng do chưa thực hiện việc giao mặt bằng bà Bản làm cam kết hẹn ngày 28/5/2010 sẽ giao mặt bằng thi công, nếu không giao thì phía bà Bản hoàn trả số tiền bảo lãnh và chịu nộp phạt 1% giá trị hợp đồng. Đến ngày 28/5/2010, Khánh và Chi không nhận được mặt bằng thi công nên thuê Phạm Minh Thông cùng đến Công ty Gia Lộc để đòi nợ, nhưng không đòi được.
Khoảng 20 giờ ngày 12/8/2010, Chi bàn với Phạm Minh Thông và Triệu Văn Cường đòi Khánh số tiền đã đặt cọc. Chi mượn một xe ô tô chở Thông và Cường đến nhà Khánh chờ và phát hiện xe của Khánh về rồi lại đi ngay. Chi lái xe bám theo xe Khánh đến đường Thanh Niên, quận Ba Đình, Hà Nội, Chi lái xe vượt lên chặn đầu, ép xe ô tô của Khánh vào lề đường. Cường và Thông xông sang, đập cửa và yêu cầu mọi người trong xe xuống xe, trong xe lúc này có ba con gái của Khánh và lái xe Nguyễn Văn Thịnh. Khi tất cả mọi người xuống xe, Cường lên xe cầm lái, Thông quát và bắt ba con gái của Khánh và Thịnh lên xe của Khánh để Cường lái đi.
Khi đi được một đoạn, Thông lấy điện thoại của Thịnh và Thùy Linh; đến dốc Hàng Than, Cường và Thông cho hai cháu nhỏ con Khánh xuống xe, còn Thịnh và Thùy Linh bị bắt đưa về khu vực Đền Lừ, quận Hoàng Mai, Hà Nội và đe dọa, bắt Thùy Linh gọi điện cho Khánh ra giải quyết nhưng Khánh đang ở Hải Phòng nên không giải quyết được. Thông lục cốp lấy toàn bộ giấy tờ xe của Khánh, ép Thùy Linh viết giấy giao xe và Thịnh ký với tư cách người làm chứng theo nội dung Thông đọc; sau đó cho Thùy Linh và Thịnh về. Khoảng 2 giờ sáng ngày 13/8/2010, Thông và Cường đem xe đi gửi và hôm sau đem bán được 370.000.000 đồng.
Sau khi lấy xe của Khánh, Chi đã bàn với Khánh việc giữ Lưu Văn Vương (con trai của Bản) để đòi tiền, Khánh đồng ý. Ngày 02/10/2010, Chi rủ Đặng Cao Cường, Đào Duy Phúc tổ chức bắt Vương. Cường đã rủ thêm Nguyễn Tài Anh, Phúc rủ thêm Vũ Văn Hiếu tổ chức bắt giữ Vương với mục đích ép bà Bản trả 1 tỷ đồng cho chúng. Để thực hiện hành vi trên, Chi giao cho Cường đến công trường Keang Nam (nơi Vương làm việc) để tìm hiểu. Đặng Cao Cường móc nối, bàn bạc với Dương Văn Thuật (là bảo vệ) và Trần Đăng Đạt (là phiên dịch viên tiếng Hàn Quốc) của công trường Keang Nam để thực hiện hành vi bắt giữ Vương. Ngày 11/12/2010, Chi, Cường, Hiếu, Phúc và Tài Anh cùng Đạt và Thuật đã dụ Vương ra khỏi cổng công trường Keang Nam, ép Vương lên xe ô tô rồi đưa Vương về nhà nghỉ Thành Đô ở khu đô thị Đền Lừ, quận Hoàng Mai.
Sau khi bắt giữ Vương, Chi đưa cho Đặng Cao Cường 5.000.000 đồng, Cường trả công cho Thuận và Đạt 2.500.000 đồng, còn lại 2.500.000 đồng giữ lại và tiêu hết. Chi giao cho Hiếu, Phúc, Cường, Tài Anh thay nhau trông giữ Vương và nhiều lần bắt Vương gọi điện về cho mẹ yêu cầu trả tiền cho Khánh. Trưa ngày 09/10/2010, do sợ lộ nên cả nhóm đã đưa Vương đến nhà nghỉ Hải Xuân 2 ở khu vực ngã ba Xuân Mai, Chương Mỹ, Hà Nội tiếp tục bắt giữ và ép gia đình Vương trả tiền, sau đó Chi, Cường, Tài Anh quay về nhà. Phúc gọi thêm Tạ Đình Hiệp đến trông giữ Vương và chiều cùng ngày đưa Vương đến nhà nghỉ Vũ Hùng ở khu chợ bê tông Xuân Mai, Chương Mỹ, Hà Nội. Ngày 13/10/2010, khi Hiệp đang giữ Vương ở nhà nghỉ Vũ Hùng thì bị cơ quan công an bắt giữ.
Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 220/2012/HSST ngày 27/4/2012, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội áp dụng khoản 1 Điều 123; điểm a khoản 4 Điều 135; điểm g, p khoản 1 Điều 46; Điều 47; điểm a khoản 1 Điều 50 Bộ luật hình sự, xử phạt Phan Thanh Chi 07 năm 06 tháng tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản” và 06 tháng tù về tội “Bắt, giữ người trái pháp luật”; tổng hợp hình phạt chung cho cả hai tội là 08 năm tù; xử phạt Đỗ Danh Khánh 05 năm tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản” và 03 tháng tù về tội “Bắt, giữ người trái pháp luật”; tổng hợp hình phạt chung cho cả hai tội là 05 năm 03 tháng tù.
Ngày 08/5/2012, Phan Thanh Chi có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Ngày 10/5/2012, Đỗ Danh Khánh có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Ngày 11/5/2012, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội có kháng nghị phúc thẩm số 11/KN-VKS-P1A đề nghị xét xử tăng hình phạt đối với các bị cáo Phan Thanh Chi, Đỗ Danh Khánh, Đào Duy Phúc, Vũ Văn Hiếu, Đặng Cao Cường và Nguyễn Tài Anh về tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo Điều 135 Bộ luật hình sự.
Tại Bản án hình sự phúc thẩm số 429/2012/HSPT ngày 07/8/2012, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội áp dụng khoản 1 Điều 123; điểm a khoản 4 Điều 135; điểm g, p khoản 1 Điều 46; Điều 47 và Điều 50 Bộ luật hình, xử phạt Phan Thanh Chi 12 năm 06 tháng tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản” và 06 tháng tù về tội “Bắt, giữ người trái pháp luật”; tổng hợp hình phạt chung cho cả hai tội 13 năm tù; xử phạt Đỗ Danh Khánh 10 năm 06 tháng tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản” và 06 tháng tù về tội “Bắt, giữ người trái pháp luật”; tổng hợp hình phạt chung cho cả hai tội là 11 năm tù.
Tại Kháng nghị số 48/2014/KN-HS ngày 23/9/2014, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao kháng nghị Bản án hình sự phúc thẩm số 429/2012/HSPT ngày 07/8/2012 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội. Đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy Bản án hình sự phúc thẩm nêu trên về phần hình phạt đối với Đỗ Danh Khánh để xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.
Tại Quyết định giám đốc thẩm số 06 ngày 17/4/2015 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, quyết định hủy Bản án hình sự phúc thẩm số 429/2012/HSPT ngày 07/8/2012 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội phần quyết định hình phạt đối với Đỗ Danh Khánh về tội “Bắt, giữ người trái pháp luật” và tổng hợp hình phạt của Đỗ Danh Khánh để xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.
Một số vấn đề cần rút kinh nghiệm
Trong vụ án này, Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt Đỗ Danh Khánh 05 năm tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản” và 03 tháng tù về tội “Bắt, giữ người trái pháp luật”; tổng hợp hình phạt chung của cả hai tội buộc bị cáo phải chấp hành là 05 năm 03 tháng tù. Sau khi xét xử sơ thẩm, bị cáo Đỗ Danh Khánh kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, Viện kiểm sát chỉ kháng nghị theo hướng tăng nặng hình phạt đối với các bị cáo về tội “Cưỡng đoạt tài sản”, không kháng nghị theo hướng tăng nặng hình phạt về tội “Bắt, giữ người trái pháp luật”. Tuy nhiên, Tòa án cấp phúc thẩm xét xử lại tăng hình phạt đối với Đỗ Danh Khánh về tội “Bắt, giữ người trái pháp luật” từ 03 tháng tù tăng lên 06 tháng tù là vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 249 Bộ luật tố tụng hình sự.
Những thiếu sót nêu trên có trách nhiệm chính thuộc về Hội đồng xét xử song có một phần trách nhiệm của Kiểm sát viên thực hành quyền công tố tại phiên tòa. Đây là vụ án các bị cáo phạm nhiều tội nhưng Viện kiểm sát chỉ kháng nghị tăng hình phạt đối với tội “Cưỡng đoạt tài sản” đối với các bị cáo (trong đó có bị cáo Đỗ Danh Khánh), không kháng nghị tăng hình phạt đối với tội “Bắt, giữ người trái pháp luật”. Tại phiên tòa Kiểm sát viên chưa tranh luận làm rõ lý do kháng nghị tăng hình phạt để bảo vệ kháng nghị mà chỉ tranh luận chung chung, nêu các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ... Khi Hội đồng xét xử tuyên tăng hình phạt đối với bị cáo Khánh về tội “Bắt, giữ người trái pháp luật” Kiểm sát viên cũng chưa kịp thời phát hiện được vi phạm của Hội đồng xét xử. Đến khi kiểm sát bản án cũng không phát hiện ra những vi phạm để báo cáo kháng nghị giám đốc thẩm. Những thiếu sót này của Hội đồng xét xử và của Kiểm sát viên thực hành quyền công tố tại phiên tòa cần được rút kinh nghiệm chung.
Hải Yến