Trên cơ sở kết quả kiểm sát trực tiếp việc tuân theo pháp luật trong công tác thi hành án treo, án phạt cải tạo không giam giữ (từ năm 2012 – 2014) tại 127 xã với 402 bị án, VKSND cấp huyện của VKSND tỉnh Quảng Ngãi đã phát hiện nhiều vi phạm tại UBND cấp xã trong việc thực hiện nhiệm vụ giám sát...
VKSND tỉnh Quảng Ngãi ban hành kiến nghị đối với Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi
Trên cơ sở kết quả kiểm sát trực tiếp việc tuân theo pháp luật trong công tác thi hành án treo, án phạt cải tạo không giam giữ (từ năm 2012 – 2014) tại 127 xã với 402 bị án, VKSND cấp huyện của VKSND tỉnh Quảng Ngãi đã phát hiện nhiều vi phạm tại UBND cấp xã trong việc thực hiện nhiệm vụ giám sát, giáo dục người chấp hành án theo quy định tại khoản 1 Điều 63 và khoản 1 Điều 74 Luật thi hành án hình sự, vi phạm thể hiện các dạng sau đây:
- UBND cấp xã không mở sổ sách quản lý theo dõi người chấp hành án; hồ sơ không có bản cam kết của người chấp hành án, không có quyết định phân công người trực tiếp giám sát, giáo dục người chấp hành án hoặc có Quyết định nhưng quyết định không có số, ngày, tháng, năm, con dấu, chữ ký của người có thẩm quyền vi phạm điểm c, d khoản 1 Điều 62, điểm b khoản 1 Điều 63, điểm b khoản 1 Điều 74 Luật thi hành án hình sự (104 trường hợp);
- Người được hưởng án treo và án phạt cải tạo không giam giữ không thực hiện nghĩa vụ 03 tháng một lần phải nộp bản tự nhận xét (hoặc có nộp nhưng không đầy đủ) về nghĩa vụ chấp hành án cho người trực tiếp giám sát, giáo dục theo quy định tại khoản 4 Điều 64, khoản 4 Điều 75 Luật thi hành án hình sự nhưng UBND xã, người trực tiếp giám sát, giáo dục người chấp hành án không nhắc nhở, yêu cầu người chấp hành án thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của người chấp hành án, vi phạm điểm c khoản 1 Điều 63; điểm c khoản 1 Điều 74 Luật thi hành án hình sự (42 trường hợp);
- Công tác phối hợp giữa UBND cấp xã với gia đình người chấp hành án trong việc giám sát, giáo dục chưa tốt nên trong thời gian chấp hành án, bị án đã phạm tội mới (13 trường hợp). Việc theo dõi, quản lý người chấp hành án chưa chặt chẽ, nhiều bị án bỏ đi khỏi địa phương nhưng UBND cấp xã không biết nên không theo dõi, giám sát được, cũng không phối hợp với gia đình và cơ quan, tổ chức nơi người đó cư trú, làm việc để xác minh làm rõ bị án đi đâu và yêu cầu họ trở về thực hiện nghĩa vụ chấp hành án của mình, vi phạm điểm e khoản 1 Điều 63, điểm g khoản 1 Điều 74 Luật thi hành án hình sự (33 trường hợp);
- Nhiều trường hợp người chấp hành án có nhiều tiến bộ, có đủ điều kiện để rút ngắn thời gian thử thách của án treo; miễn, giảm thời hạn án phạt cải tạo không giam giữ nhưng UBND cấp xã không lập hồ sơ đề nghị Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện xem xét đề nghị Tòa án rút ngắn thời gian thử thách của án treo; miễn, giảm thời hạn án phạt cải tạo không giam giữ cho bị án, vi phạm điểm g khoản 1 Điều 63, điểm h khoản 1 Điều 74 Luật thi hành án hình sự (42 trường hợp);
- UBND cấp xã không thực hiện việc bổ sung hồ sơ người chấp hành án theo quy định của pháp luật như : Hồ sơ không có bản tự nhận xét của người chấp hành án, không có bản nhận xét của người trực tiếp được giao giám sát, giáo dục người chấp hành án, vi phạm điểm b, điểm c khoản 1 Điều 68; điểm b, điểm c khoản 1 Điều 80 Luật thi hành án hình sự (97 trường hợp);
- UBND cấp xã không thực hiện việc bàn giao hồ sơ cho Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện khi người chấp hành án đã chấp hành xong thời gian thử thách của án treo hoặc đã chấp hành xong án phạt cải tạo không giam giữ để xem xét cấp giấy chứng nhận chấp hành xong thời gian thử thách của án treo, chấp hành xong án phạt cải tạo không giam giữ cho các bị án, vi phạm khoản 3 Điều 62, khoản 3 Điều 73 Luật thi hành án hình sự (143 trường hợp);
- UBND cấp xã làm thất lạc hồ sơ, không thực hiện được nhiệm vụ thi hành án, vi phạm Điều 63 Luật thi hành án hình sự (08 trường hợp). Để công tác thi hành án treo, án phạt cải tạo không giam giữ tại UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, kịp thời khắc phục và không để xảy ra các tồn tại, vi phạm nêu trên, Viện trưởng Viện KSND tỉnh Quảng Ngãi ban hành Kiến nghị số 1883/KN-VKS-P8 ngày 28/10/2015 đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo UBND các cấp trong tỉnh thực hiện một số nội dung sau:
- Thực hiện đúng, đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp xã trong việc giám sát, giáo dục người chấp hành án treo, án phạt cải tạo không giam giữ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự năm 2010 và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
VKSND các huyện của Quảng Ngãi đã ban hành nhiều kiến nghị, kháng nghị yêu cầu UBND cấp xã phải tổ chức khắc phục vi phạm và trả lời cho VKSND theo quy định tại Điều 143 Luật Thi hành án hình sự và Điều 26 Luật tổ chức VKSND.
- UBND cấp huyện hàng năm cần mở hội nghị tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác thi hành án treo, án phạt cải tạo không giam giữ tại các xã, phường, thị trấn trong tỉnh.
- Hàng năm, có cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí cho hoạt động thi hành án treo, cải tạo không giam giữ; nhất là hỗ trợ hàng tháng cho cán bộ, người được phân công giám sát, giáo dục người chấp hành án treo, án phạt cải tạo không giam giữ tại UBND cấp xã trong tỉnh. Đồng thời cần có chế tài đối với những người được phân công giám sát, giáo dục đối với người chấp hành án nhưng không hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Những kiến nghị trên, đã được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi có văn bản số 5777/UBND-NC ngày 11/11/2015 chỉ đạo UBND các cấp tăng cường công tác giám sát, giáo dục người thi hành án treo, án phạt cải tạo không giam giữ trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi./.
Huỳnh Tám