CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

KẾ HOẠCH TỔNG KẾT THI HÀNH BỘ LUẬT TTHS NĂM 2003; THI HÀNH LUẬT TỔ CHỨC VKSND NĂM 2002 VÀ PHÁP LỆNH KIỂM SÁT VIÊN

03/08/2012
Cỡ chữ:   Tương phản
Vừa qua, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành các Kế hoạch về việc: Tổng kết việc thi hành Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, Tổng kết thi hành Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002, Pháp lệnh Kiểm sát viên, Viện kiểm sát nhân dân năm 2002 (sửa đổi năm 2011) và Kế hoạch khảo sát thực tiễn thi hành Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, Luật tổ chức VKSND năm 2002, Pháp lệnh Kiểm sát viên VKSND năm 2002 (sửa đổi năm 2011). Trang tin VKSTC đăng toàn văn, để các bạn nghiên cứu, tham khảo...
Vừa qua, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành các Kế hoạch về việc: Tổng kết việc thi hành Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, Tổng kết thi hành Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002, Pháp lệnh Kiểm sát viên, Viện kiểm sát nhân dân năm 2002 (sửa đổi năm 2011) và Kế hoạch khảo sát thực tiễn thi hành Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, Luật tổ chức VKSND năm 2002, Pháp lệnh Kiểm sát viên VKSND năm 2002 (sửa đổi năm 2011).
Trang tin VKSTC đăng toàn văn, để các bạn nghiên cứu, tham khảo.
 
VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
 
Số: 45/KH-VKSTC-V8
 
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
 
 

Hà Nội, ngày 21 tháng 5 năm 2012
 
KẾ HOẠCH
Tổng kết việc thi hành Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003
Trong ngành Kiểm sát nhân dân
Thực hiện nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân tối cao được phân công theo Kế hoạch số 37/KH-VKSTC ngày 14/5/2012 về Tổng kết thi hành Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 của Ban soạn thảo Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi), Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Kế hoạch tổng kết việc thi hành Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 trong ngành Kiểm sát với các nội dung sau đây:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
Tổng kết sâu sắc, toàn diện thực tiễn 8 năm thi hành Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2003 để chỉ rõ những kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, bất cập. Trên cơ sở kết quả tổng kết, xác định những nội dung của BLTTHS đã được thực tiễn kiểm nghiệm cần tiếp tục kế thừa; kiến nghị những nội dung cần sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.
2. Yêu cầu
2.1. Tổng kết các quy định của BLTTHS năm 2003 phải đảm bảo tính khách quan, toàn diện, chính xác.
2.2. Quá trình tổng kết phải làm rõ những kết quả đạt được, chưa đạt được so với yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm, yêu cầu cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phân tích nguyên nhân của những kết quả và hạn chế trong việc thực hiện BLTTHS năm 2003.
2.3. Đề xuất những kiến nghị cụ thể trong việc sửa đổi, bổ sung các quy định của BLTTHS.
2.4. Tổng kết phải đánh giá cả kỹ thuật trình bày BLTTHS; tính đồng bộ, thống nhất và chặt chẽ về kết cấu, bố cục, cách thức thể hiện; tính chuẩn mực của ngôn ngữ. Những thuận lợi và khó khăn trong việc thực hiện, áp dụng do kỹ thuật trình bày BLTTHS.
2.5. Phải bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ, mục đích, yêu cầu đặt ra.
II. NỘI DUNG TỔNG KẾT
Việc tổng kết được thực hiện trên cả hai phương diện: (1) Phân tích đánh giá các quy định của BLTTHS; (2) Đánh giá thực tiễn thực hiện các quy định của BLTTHS.
Các nội dung tổng kết cụ thể được xác định trong Đề cương báo cáo tổng kết ban hành kèm theo Kế hoạch này.
Khi tiến hành tổng kết, yêu cầu tập trung đánh giá sâu vào những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các quy định của BLTTHS, mà trọng tâm là các quy định liên quan đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Viện kiểm sát và kiến nghị, đề xuất phương hướng hoàn thiện.
III. CÁCH THỨC TỔNG KẾT
Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức lấy ý kiến ở Viện kiểm sát cấp mình, chỉ đạo các Viện kiểm sát nhân dân cấp dưới tổ chức lấy ý kiến của Viện kiểm sát cấp mình; tổng hợp ý kiến của Viện kiểm sát hai cấp và xây dựng báo cáo tổng kết chung, gửi về Viện kiểm sát nhân dân tối cao (qua Viện khoa học kiểm sát).
Các Vụ 1, 1A, 1B, 1C, 2, 3, 4, 7, Các Viện phúc thẩm I, II, III, Cục điều tra, Vụ Hợp tác quốc tế trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức lấy ý kiến ở đơn vị mình; xây dựng báo cáo tổng kết, gửi về Viện kiểm sát nhân dân tối cao (qua Viện khoa học kiểm sát).
Viện kiểm sát quân sự Trung ương tổ chức lấy ý kiến tại Viện kiểm sát cấp mình, chỉ đạo các Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu và tương đương tổ chức lấy ý kiến của Viện kiểm sát cấp mình và cấp dưới; xây dựng báo cáo tổng kết chung của Viện kiểm sát quân sự các cấp, gửi về Viện kiểm sát nhân dân tối cao (qua Viện khoa học kiểm sát).
IV. PHÂN CÔNG THỰC HIỆN
1. Trách nhiệm của Viện trưởng VKSND, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Tổng kết thực tiễn thi hành các quy định của BLTTHS năm 2003, mà trọng tâm là các quy định liên quan đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của đơn vị mình. Các nội dung tổng kết phải bám sát các phần của Đề cương Báo cáo tổng kết ban hành kèm theo Kế hoạch này.
2. Trách nhiệm của các Vụ 1, 1A, 1B, 1C, 2, 3, 4, 7, các Viện phúc thẩm I, II, III, Cục điều tra, Vụ Hợp tác quốc tế trực thuộc VKSND tối cao
Tổng kết thực tiễn thi hành các quy định của BLTTHS năm 2003 mà trọng tâm là các quy định liên quan đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của đơn vị mình. Các nội dung tổng kết phải bám sát các phần của Đề cương Báo cáo tổng kết ban hành kèm theo Kế hoạch này.
3. Trách nhiệm của Viện kiểm sát quân sự Trung ương
Tổng kết thực tiễn thi hành các quy định của BLTTHS năm 2003 trong quân đội, mà trọng tâm là các quy định liên quan đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của ngành Kiểm sát quân sự. Các nội dung tổng kết phải bám sát các phần của Đề cương Báo cáo tổng kết ban hành kèm theo Kế hoạch này.
4. Trách nhiệm của Viện khoa học kiểm sát VKSND tối cao
Viện khoa học kiểm sát có trách nhiệm là cơ quan thường trực của Viện kiểm sát nhân dân tối cao triển khai kế hoạch tổng kết việc thi hành BLTTHS năm 2003 trong ngành Kiểm sát.
Tổng hợp, xây dựng Báo cáo kết quả tổng kết thực tiễn thi hành BLTTHS năm 2003 trong ngành Kiểm sát để trình Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
5. Trách nhiệm của Văn phòng và Vụ hợp tác quốc tế VKSND tối cao
Văn phòng phối hợp với Viện khoa học kiểm sát tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch này trong ngành Kiểm sát; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị trong toàn ngành trong quá trình triển khai tổng kết việc thi hành BLTTHS năm 2003.
Vụ Hợp tác quốc tế triển khai các dự án quốc tế hỗ trợ cho hoạt động Tổng kết thực tiễn thi hành các quy định của BLTTHS năm 2003.
6. Trách nhiệm của Tạp chí kiểm sát, Báo bảo vệ pháp luật, Trang thông tin điện tử của Văn phòng VKSND tối cao
Tạp chí kiểm sát, Báo bảo vệ pháp luật, Trang thông tin điện tử của Văn phòng VKSND tối cao mở Chuyên mục tổng kết thực tiễn thi các quy định của BLTTHS năm 2003 và kiến nghị, sửa đổi nhằm tiếp nhận, phản ánh kịp thời các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà hoạt động thực tiễn trong và ngoài ngành Kiểm sát về việc tổng kết thực tiễn thi các quy định của BLTTHS năm 2003 và sáng kiến, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của BLTTHS. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về việc tổng kết thi hành và nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định của BLTTHS của các đơn vị trong toàn Ngành.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Trước ngày 30/8/2012, Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát quân sự Trung ương, tiến hành tổng kết, xây dựng báo cáo và gửi về Viện kiểm sát nhân dân tối cao (qua Viện khoa học kiểm sát. Đồng thời, gửi bản mềm qua email: hoanganhtuyen04@yahoo.com.vn).
2. Trước ngày 15/9/2012, Viện khoa học kiểm sát hoàn thành dự thảo Báo cáo tổng kết thực tiễn thi hành BLTTHS năm 2003 trong ngành Kiểm sát.
3. Trước ngày 30/9/2012, Viện khoa học kiểm sát chủ trì phối hợp với Văn phòng, Vụ hợp tác quốc tế tổ chức Hội thảo, Tọa đàm; xin ý kiến Thủ trưởng các đơn vị, Hội đồng khoa học Ngành, Ủy ban kiểm sát, Lãnh đạo viện Kiểm sát nhân dân tối cao, về dự thảo Báo cáo tổng kết; và hoàn thiện Báo cáo tổng kết thực tiễn thi hành BLTTHS năm 2003 trong ngành Kiểm sát.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị cần kịp thời báo cáo Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao để xem xét, giải quyết./.
(Kèm theo Kế hoạch này là Đề cương Báo cáo tổng kết việc thi hành Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003).
 

 

 Nơi nhận:
- VKSND tỉnh, thành phố trực thuộc TW (để thực hiện);
- Các đơn vị trực thuộc VKSNDTC được nêu trong Kế hoạch này (để thực hiện);
- VKSQSTW (để thực hiện);
- Đ/c Viện trưởng VKSNDTC (để báo cáo);
- Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (để báo cáo);
- Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội (để báo cáo);
- Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội (để báo cáo);
- Lưu VT, VKH.
KT. VIỆN TRƯỞNG
PHÓ VIỆN TRƯỞNG
 
 
 
(Đã Ký)
 
    Lê Hữu Thể
  
 
 

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
BAN SOẠN THẢO
LUẬT TỔ CHỨC VIỆN KIỂM SÁT
NHÂN DÂN (SỬA ĐỔI)
Số: 64/KH-VKSTC-V8
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
 
         Hà Nội, ngày 16 tháng 7 năm 2012
KẾ HOẠCH
Về việc tổng kết thi hành Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân
năm 2002, Pháp lệnh Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân
năm 2002 (sửa đổi năm 2011)
 
Ngày 26/11/2011, Quốc hội khóa XIII ban hành Nghị quyết số 20/2011/QH13 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII, trong đó dự án Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi) sẽ chính thức được thông qua trong nhiệm kỳ này; Ngày 29/12/2011, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 428/NQ-UBTVQH13 triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII, trong đó Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành hữu quan soạn thảo dự án Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi). Để triển khai nhiệm vụ được giao, VKSNDTC ban hành Kế hoạch tổng kết việc thi hành Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002, Pháp lệnh Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân năm 2002 (sửa đổi năm 2011) (sau đây gọi tắt là các luật, pháp lệnh) với các nội dung sau đây:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU, PHẠM VI TỔNG KẾT
1. Mục đích
Việc tổng kết thực tiễn thi hành các luật, pháp lệnh nhằm mục đích xác định một cách đầy đủ, rõ ràng, chính xác cơ sở thực tiễn của việc sửa đổi các luật, pháp lệnh; trên cơ sở đó, đề xuất các vấn đề cần sửa đổi, bổ sung và những nội dung mới để xây dựng Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) (sửa đổi), thống nhất điều chỉnh các quan hệ pháp luật trong các luật, pháp lệnh hiện hành.
2. Yêu cầu
Việc tổng kết thực tiễn thi hành các luật, pháp lệnh phải đáp ứng được các yêu cầu sau đây:
2.1. Việc tổng kết thực tiễn thi hành các luật, pháp lệnh phải bảo đảm tính khách quan, toàn diện, chính xác, tiết kiệm và hiệu quả.
2.2. Việc tổng kết, đánh giá thực tiễn thi hành các luật, pháp lệnh phải chỉ rõ những kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, bất cập trong việc thi hành các luật, pháp lệnh, trên cơ sở đó xác định những nội dung của các luật, pháp lệnh đã được thực tiễn kiểm nghiệm cần tiếp tục kế thừa; kiến nghị những nội dung của các luật, pháp lệnh cần được sửa đổi, bổ sung; đề xuất những nội dung mới để xây dựng Luật tổ chức VKSND (sửa đổi) đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền, thể chế hóa đúng đắn, kịp thời quy định của Hiến pháp về Viện kiểm sát nhân dân.
2.3. Việc tổng kết, đánh giá thực tiễn thi hành các luật, pháp lệnh phải bảo hoàn thành đúng tiến độ và đạt được mục đích, yêu cầu đề ra.
3. Phạm vi tổng kết
Thực tiễn thi hành các luật, pháp lệnh phải được tổng kết, đánh giá từ khi các văn bản này có hiệu lực pháp luật đến nay (số liệu tổng kết đến hết tháng 6/2012), cụ thể là:
- Từ 01/10/2002 đối với Luật tổ chức VKSND;
- Từ 15/10/2002 đối với Pháp lệnh Kiểm sát viên VKSND;
- Từ 01/7/2011 đối với Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Kiểm sát viên VKSND.
II. NỘI DUNG TỔNG KẾT
Việc tổng kết thực tiễn thi hành các luật, pháp lệnh cần tập trung vào các vấn đề sau:
- Tổng kết, đánh giá thực trạng thi hành quy định của các luật, pháp lệnh (gồm thực trạng quy định pháp luật và thực trạng tổ chức thi hành các luật, pháp lệnh);
- Đánh giá kỹ thuật trình bày các luật, pháp lệnh; tính đồng bộ, thống nhất và chặt chẽ về kết cấu, bố cục, cách thức thể hiện; tính chuẩn mực của ngôn ngữ; yêu cầu nhất thể hóa các luật, pháp lệnh hiện hành trong Luật tổ chức VKSND (sửa đổi).
(Nội dung tổng kết cụ thể được xác định trong Đề cương Báo cáo tổng kết ban hành kèm theo Kế hoạch này)
III. HÌNH THỨC TỔNG KẾT
Việc tổng kết thực tiễn thi hành các luật, pháp lệnh được thực hiện bằng các hình thức sau đây:
- VKSNDTC xây dựng Báo cáo tổng kết việc thi hành các luật, pháp lệnh trên cơ sở tổng hợp các báo cáo của các VKSND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các đơn vị thuộc VKSNDTC, VKSQS trung ương;
- Thu thập, xây dựng hệ thống các chuyên đề, bài viết có nội dung nghiên cứu về việc thi hành các luật, pháp lệnh;
- Tổ chức hội nghị, hội thảo về việc thi hành các luật, pháp lệnh;
- Tổ chức khảo sát việc thi hành các luật, pháp lệnh tại Viện kiểm sát địa phương.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Phân công thực hiện nhiệm vụ tổng kết
1.1. Các đơn vị có trách nhiệm xây dựng báo cáo tổng kết
1.1.1. Trách nhiệm của Viện khoa học kiểm sát
Viện khoa học kiểm sát là cơ quan Thường trực Tổ biên tập, có trách nhiệm giúp Ban soạn thảo Luật tổ chức VKSND (sửa đổi) vàLãnh đạo VKSNDTC triển khai Kế hoạch tổng kết việc thi hành các luật, pháp lệnh, gồm các nhiệm vụ cụ thể sau:
- Giúp Ban soạn thảo,Lãnh đạo VKSNDTC xây dựng kế hoạch, chương trình, tổ chức thực hiện các hoạt động tổng kết dưới các hình thức cần thiết;
- Giúp Ban soạn thảo, Lãnh đạo VKSNDTC hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị, các VKSND trong toàn ngành thực hiện hoạt động tổng kết;
- Xây dựng Báo cáo tổng kết thực tiễn thi hành các luật, pháp lệnh của ngành Kiểm sát nhân dân trình Lãnh đạo Viện VKSNDTC, Ủy ban kiểm sát VKSNDTC, Ban soạn thảo Luật tổ chức VKSND (sửa đổi) và các cơ quan có thẩm quyền;
- Kịp thời đăng tải các kết quả nghiên cứu, kết quả các hoạt động triển khai xây dựng Luật tổ chức VKSND (sửa đổi) trên cuốn Thông tin khoa học kiểm sát phát hành đến VKSND cấp huyện;
- Định kỳ hoặc theo yêu cầu của Ban soạn thảo hoặcLãnh đạo VKSNDTC, báo cáo về tiến độ thực hiện nhiệm vụ; đề xuất những vấn đề cần xin ý kiến các cấp, các cơ quan có thẩm quyền.
1.1.2. Trách nhiệm của các đơn vị trực thuộc VKSNDTC
Tổng kết việc thi hành các quy định của các luật, pháp lệnh liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy và cán bộ của đơn vị mình.
Các nội dung tổng kết phải bám sát các phần của Đề cương Báo cáo tổng kết được ban hành kèm theo Kế hoạch này.
1.1.3. Trách nhiệm của Viện trưởng VKSND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:
- Tổ chức hoạt động tổng kết trong phạm vi Viện kiểm sát hai cấp ở địa phương;
- Tổ chức việc xây dựng báo cáo tổng hợp về thực tiễn thi hành các quy định của các luật, pháp lệnh liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy và cán bộ của Viện kiểm sát hai cấp ở địa phương; sự lãnh đạo của Đảng và cơ chế giám sát hoạt động của Viện kiểm sát; mối quan hệ giữa Viện kiểm sát với các cơ quan khác trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ.
Nội dung tổng kết phải bám sát các phần của Đề cương Báo cáo tổng kết được ban hành kèm theo Kế hoạch này.
- Tổ chức họp Ủy ban kiểm sát để thảo luận và thông qua Báo cáo tổng kết trước khi gửi Báo cáo về VKSNDTC.
1.1.4. Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương có trách nhiệm báo cáo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ đạo việc tổng kết thực tiễn thi hành Luật tổ chức VKSND năm 2002, Pháp lệnh tổ chức Viện kiểm sát quân sự năm 2002, Pháp lệnh Kiểm sát viên VKSND năm 2002 (sửa đổi năm 2011) trong hệ thống Viện kiểm sát quân sự các cấp.
1.2. Các đơn vị có trách nhiệm hỗ trợ, bảo đảm các điều kiện cần thiết cho việc tổng kết
1.2.1. Trách nhiệm của Văn phòng VKSNDTC
Chủ trì, phối hợp với Viện khoa học kiểm sát giúp Lãnh đạo VKSNDTC tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này trong toàn ngành;
Có trách nhiệm bảo đảm kinh phí và các điều kiện vật chất cần thiết phục vụ cho việc tổng kết thực tiễn thi hành các luật, pháp lệnh, cho việc tổ chức các cuộc họp Tổ biên tập, Ban soạn thảo, Ủy ban kiểm sát, các cuộc họp khác có sự tham gia của Lãnh đạo VKSNDTC; căn cứ vào các nhiệm vụ có liên quan tại Kế hoạch này lập dự toán kinh phí hoạt động gửi Vụ Kế hoạch - Tài chính để báo cáo cơ quan có thẩm quyền.
1.2.2. Trách nhiệm của Vụ Kế hoạch - Tài chính VKSNDTC
Lập dự toán kinh phí bảo đảm phục vụ việc tổng kết, báo cáo Lãnh đạo VKSNDTC gửi cơ quan tài chính có thẩm quyền.
1.2.3. Trách nhiệm của Vụ Hợp tác quốc tế
Tìm kiếm, sắp xếp nguồn kinh phí từ các dự án quốc tế để phục vụ nhiệm vụ tổng kết;
Có trách nhiệm phối hợp với Viện khoa học kiểm sát giúp Lãnh đạo VKSNDTC trong việc tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học về tổng kết thực tiễn thi hành các luật, pháp lệnh, sử dụng nguồn kinh phí từ các dự án quốc tế.
1.2.4. Trách nhiệm của Tạp chí Kiểm sát, Báo Bảo vệ pháp luật, Trang thông tin điện tử của Văn phòng VKSNDTC
Mở Chuyên mục Xây dựng Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi) nhằm tiếp nhận, phản ánh kịp thời các ý kiến, thông tin, sáng kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, cá nhân trong và ngoài ngành Kiểm sát, giải đáp thắc mắc về việc tổng kết thi hành các luật, pháp lệnh và các nhiệm vụ khác phục vụ việc xây dựng Luật tổ chức VKSND (sửa đổi).
Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về các hoạt động xây dựng Luật tổ chức VKSND (sửa đổi) trong toàn ngành.
2. Tiến độ thực hiện
- Báo cáo tổng kết thực tiễn thi hành các luật, pháp lệnh của VKSND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các đơn vị thuộc VKSNDTC, Viện kiểm sát quân sự trung ương được gửi về VKSNDTC (Viện khoa học kiểm sát) trước ngày 30/9/2012.
- Viện khoa học kiểm sát tổng hợp, xây dựng dự thảo Báo cáo tổng kết thực tiễn thi hành các luật, pháp lệnh của toàn ngành trước ngày 31/10/2012.
3. Trách nhiệm kiểm tra
Văn phòng VKSNDTC phối hợp với Viện khoa học kiểm sát có trách nhiệm tổ chức kiểm tra việc tổng kết thực tiễn thi hành các luật, pháp lệnh của các đơn vị, Viện kiểm sát nhân dân trong toàn ngành.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị cần kịp thời báo cáo Lãnh đạo VKSNDTC để xem xét, giải quyết.
(Kèm theo Kế hoạch này là Đề cương Báo cáo tổng kết việc thi hành các luật, pháp lệnh)
 
Nơi nhận:
- Ủy ban thường vụ Quốc hội (để b/c);
- Uỷ ban Tư pháp của QH (để b/c);
- Uỷ ban Pháp luật của QH (để b/c);
- Viện trưởng VKSND tỉnh, TP trực thuộc TW (để t/h);
- Viện trưởng VKSQSTW (để t/h);
- Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc VKSNDTC (để t/h);
- Thành viên BST, TBT;
- Lưu VT, VKH.
VIỆN TRƯỞNG
TRƯỞNG BAN SOẠN THẢO
 
 
 
 
(Đã ký)
 
 
 
Nguyễn Hòa Bình
 
 
   
ĐỀ CƯƠNG BÁO CÁO TỔNG KẾT VIỆC THI HÀNH LUẬT TỔ CHỨC VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN NĂM 2002, PHÁP LỆNH KIỂM SÁT VIÊN VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN NĂM 2002 (SỬA ĐỔI NĂM 2011)
(Ban hành kèm theo Kế hoạch số 64/KH-VKSTC-V8 ngày 16/7/2012 của
Viện kiểm sát nhân dân tối cao)
  
PHẦN I
ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THI HÀNH LUẬT TỔ CHỨC VIỆN KIỂM SÁT
NHÂN DÂN NĂM 2002, PHÁP LỆNH KIỂM SÁT VIÊN VIỆN KIỂM SÁT
NHÂN DÂN NĂM 2002 (SỬA ĐỔI NĂM 2011)
 
I. TỔNG QUAN CHUNG
- Bối cảnh ra đời các luật, pháp lệnh;
- Vai trò, ý nghĩa của các luật, pháp lệnh.
II. VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÁC LUẬT, PHÁP LỆNH
- Các hoạt động triển khai thi hành các luật, pháp lệnh của cơ quan, đơn vị;
- Đặc điểm, tình hình của địa phương, đơn vị tác động đến việc triển khai thi hành các luật, pháp lệnh;
- Sự quan tâm, ủng hộ, phối hợp của các cơ quan Đảng, Nhà nước ở địa phương trong việc triển khai thi hành các luật, pháp lệnh.
III. THỰC TIỄN THI HÀNH CÁC QUY ĐỊNH CỦA CÁC LUẬT, PHÁP LỆNH
1. Thực tiễn thi hành các quy định của các luật, pháp lệnh về chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân (VKSND)
1.1. Thực tiễn thi hành các quy định về thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự;
1.2. Thực tiễn thi hành các quy định về điều tra vụ án hình sự;
1.3. Thực tiễn thi hành các quy định về thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự;
1.4. Thực tiễn thi hành các quy định về kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính, kinh tế, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật;
1.5. Thực tiễn thi hành các quy định về kiểm sát thi hành án;
1.6. Thực tiễn thi hành các quy định về kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù;
1.7. Thực tiễn thi hành các quy định về các công tác khác của Viện kiểm sát nhân dân
1.7.1. Thực tiễn thi hành các quy định về tiếp nhận các tin báo, tố giác về tội phạm;
1.7.2. Thực tiễn thi hành các quy định về tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, tố cáo; kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo;
1.7.3. Thực tiễn thi hành các quy định về thống kê tội phạm;
1.7.4. Thực tiễn thi hành các quy định về đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát.
Chú ý: Khi đánh giá thực tiễn thi hành quy định của các luật, pháp lệnh về từng lĩnh vực công tác thuộc chức năng, nhiệm vụ của VKSND cần làm rõ các vấn đề sau đây:
- Đánh giá khái quát những kết quả đạt được (chứng minh bằng phân tích số liệu);
- Trong quá trình triển khai thực hiện các quy định của các luật, pháp lệnh đã gặp những khó khăn, vướng mắc gì đối với từng lĩnh vực công tác? Tại sao? (do quy định chưa rõ ràng, chưa đầy đủ, chưa cụ thể, đã lạc hậu, thiếu tính khả thi, còn mâu thuẫn, chồng chéo với quy định của các bộ luật, luật, pháp lệnh khác, không phù hợp với chủ trương cải cách tư pháp…);
- Sự cần thiết của các quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND trong từng lĩnh vực công tác đã được nêu trong các luật, pháp lệnh đối với thực tiễn thực hiện các công tác này?.
2. Thực tiễn thi hành các quy định của các luật, pháp lệnh về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của VKSND
2.1. Việc thực hiện các nguyên tắc trong thực tiễn tổ chức và hoạt động của VKSND:
- Nguyên tắc tập trung thống nhất lãnh đạo trong ngành;
- Nguyên tắc kết hợp vai trò lãnh đạo của Viện trưởng với quyền thảo luận và quyết định theo đa số những vấn đề quan trọng của Ủy ban kiểm sát;
- Nguyên tắc bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và sự giám sát của cơ quan dân cử đối với VKSND.
2.2. Đánh giá những thuận lợi, khó khăn, bất cập trong việc thực hiện các nguyên tắc này trong thực tiễn tổ chức và hoạt động của VKSND;
2.3. Những bất cập về nội dung, cơ chế thực thi các nguyên tắc trước yêu cầu đổi mới tổ chức và hoạt động của VKSND theo chủ trương cải cách tư pháp của Đảng.
3. Thực tiễn thi hành các quy định của các luật, pháp lệnh về tổ chức bộ máy của VKSND
3.1. Thực trạng tổ chức bộ máy của VKSND:
- Hệ thống tổ chức VKSND; Cơ cấu tổ chức của VKSNDTC; Cơ cấu tổ chức của VKSND cấp tỉnh; Cơ cấu tổ chức của VKSND cấp huyện;
- Hệ thống tổ chức Viện kiểm sát quân sự; Cơ cấu tổ chức của VKSQS trung ương, VKSQS quân khu và tương đương, VKSQS khu vực.
3.2. Đánh giá những thuận lợi, khó khăn, bất cập trong thực tiễn áp dụng các quy định về tổ chức bộ máy của VKSND đối với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát;
3.3. Những bất cập của các quy định về tổ chức bộ máy của VKSND trước yêu cầu đổi mới tổ chức và hoạt động của VKSND theo chủ trương cải cách tư pháp của Đảng.
4. Thực tiễn thi hành các quy định của các luật, pháp lệnh về Viện trưởng, Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên, Điều tra viên VKSND
4.1. Thực tiễn thi hành các quy định về Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKSND
4.1.1. Thực trạng bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức chức vụ Viện trưởng, Phó Viện trưởng; thực trạng thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng, Phó Viện trưởng;
4.1.2. Đánh giá những thuận lợi, khó khăn, bất cập trong thực tiễn áp dụng các quy định này? Nguyên nhân? (do quy định chưa rõ ràng, chưa đầy đủ, chưa cụ thể, đã lạc hậu, thiếu tính khả thi, còn mâu thuẫn, chồng chéo với quy định của các bộ luật, luật, pháp lệnh khác…);
4.1.3. Những bất cập của các quy định trước yêu cầu “phân định rõ thẩm quyền quản lý hành chính với trách nhiệm, quyền hạn tư pháp…” theo chủ trương cải cách tư pháp của Đảng.
4.2. Thực tiễn thi hành các quy định về Kiểm sát viên, Điều tra viên VKSND
4.2.1. Đánh giá khái quát những kết quả đạt được trong việc xây dựng đội ngũ Kiểm sát viên, Điều tra viên của VKSND (chứng minh bằng việc phân tích các số liệu);
4.2.2. Đánh giá những thuận lợi, khó khăn, bất cập trong thực tiễn áp dụng các quy định về Kiểm sát viên, Điều tra viên đối với việc xây dựng đội ngũ Kiểm sát viên, Điều tra viên đáp ứng yêu cầu thực hiện chức năng, nhiệm vụ của VKSND (như các quy định về ngạch, bậc; cơ cấu ở từng cấp; trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn; cơ chế bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức; nguồn bổ nhiệm; việc bảo đảm các chế độ…); Nguyên nhân? (do quy định chưa rõ ràng, chưa đầy đủ, chưa cụ thể, đã lạc hậu, thiếu tính khả thi, còn mâu thuẫn, chồng chéo với quy định của các bộ luật, luật, pháp lệnh khác…).
4.2.3. Những bất cập của các quy định về Kiểm sát viên, Điều tra viên trong các luật, pháp lệnh trước yêu cầu xây dựng đội ngũ Kiểm sát viên, Điều tra viên phục vụ việc đổi mới tổ chức và hoạt động của VKSND theo chủ trương cải cách tư pháp của Đảng.
5. Thực tiễn thi hành các quy định của các luật, pháp lệnh về bảo đảm hoạt động của VKSND
5.1. Đánh giá khái quát về những kết quả đạt được trong việc bảo đảm hoạt động của VKSND (về biên chế cán bộ, kinh phí hoạt động, chính sách tiền lương, chế độ phụ cấp và đãi ngộ, chế độ ưu tiên, chính sách, chế độ khen thưởng, cơ sở vật chất, phương tiện, điều kiện làm việc...);
5.2. Đánh giá những thuận lợi, khó khăn, bất cập trong thực tiễn áp dụng các quy định? Nguyên nhân? (do quy định chưa rõ ràng, chưa đầy đủ, chưa cụ thể, đã lạc hậu, thiếu tính khả thi, còn mâu thuẫn, chồng chéo với quy định của các bộ luật, luật, pháp lệnh khác…).
5.3. Những bất cập của các quy định về bảo đảm hoạt động của VKSND trước yêu cầu đổi mới tổ chức và hoạt động của VKSND theo chủ trương cải cách tư pháp của Đảng.
6. Thực tiễn thi hành các quy định của các luật, pháp lệnh về trách nhiệm phối hợp của VKSND với cơ quan nhà nước khác và ngược lại trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của VKSND
6.1. Đánh giá thực trạng mối quan hệ phối hợp giữa VKSND với cơ quan nhà nước khác và ngược lại trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của VKSND;
6.2. Đánh giá những thuận lợi, khó khăn, bất cập trong thực tiễn áp dụng các quy định? Nguyên nhân? (do quy định chưa rõ ràng, chưa đầy đủ, chưa cụ thể, đã lạc hậu, thiếu tính khả thi, còn mâu thuẫn, chồng chéo với quy định của các bộ luật, luật, pháp lệnh khác, thiếu chế tài phù hợp, không phù hợp với chủ trương cải cách tư pháp…);
6.3. Sự cần thiết của quy định về trách nhiệm phối hợp của VKSND với cơ quan nhà nước khác và ngược lạiđã được nêu trong các luật, pháp lệnh đối với thực tiễn thực hiện chức năng, nhiệm vụ của VKSND.
7. Đánh giá kỹ thuật trình bày các luật, pháp lệnh
7.1. Bố cục (kết cấu chương, mục) của từng luật, pháp lệnh có khoa học, thống nhất, chặt chẽ;
7.2. Nội dung của từng luật, pháp lệnh và giữa các luật, pháp lệnh có mâu thuẫn, chồng chéo;
7.3. Tính chuẩn mực của ngôn ngữ trong các quy định của các luật, pháp lệnh.
 
PHẦN II
BỐI CẢNH, TÌNH HÌNH MỚI VÀ KIẾN NGHỊ XÂY DỰNG LUẬT TỔ CHỨC
VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN (SỬA ĐỔI)
 
I. BỐI CẢNH, TÌNH HÌNH MỚI
1. Chủ trương cải cách tư pháp
2. Sửa đổi Hiến pháp
II. KIẾN NGHỊ XÂY DỰNG LUẬT TỔ CHỨC VKSND (SỬA ĐỔI)
1. Về tên gọi của Luật tổ chức VKSND (sửa đổi)
2. Về bố cục của Luật tổ chức VKSND (sửa đổi) (kết cấu phần, chương, mục và nội dung tổng quát của các phần, chương, mục)
3. Kiến nghị các quy định của Luật tổ chức VKSND (sửa đổi)
3.1. Về vị trí, chức năng của VKSND;
3.2. Về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của VKSND;
3.3. Về nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND;
3.4. Về tổ chức bộ máy VKSND, cơ cấu tổ chức VKSND các cấp;
3.5. Về cán bộ của VKSND;
3.5.1. Về các chức vụ lãnh đạo: Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKSND;
3.5.2. Về các chức danh pháp lý:
a) Đối với Kiểm sát viên (khái niệm, ngạch, bậc; cơ cấu ở từng cấp; trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn; cơ chế bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức; nguồn bổ nhiệm; các chế độ…);
b) Đối với Điều tra viên.
c) Đối với Kiểm tra viên và các chức danh khác.
3.6. Về bảo đảm hoạt động của VKSND;
3.7. Về mối quan hệ giữa VKSND với các cơ quan nhà nước khác.
Chú ý: Khi kiến nghị xây dựng các quy định của Luật tổ chức VKSND (sửa đổi) về mỗi vấn đề nêu trên, cần làm rõ:
- Các quy định hiện hành của các luật, pháp lệnh cần tiếp tục kế thừa?
- Các quy định hiện hành cần sửa đổi? Phương án sửa đổi?
- Những quy định mới cần bổ sung (quy định hoàn toàn mới hoặc kế thừa từ các văn bản pháp luật khác hoặc luật hóa từ các văn bản hướng dẫn thi hành…).

  Để thay thế cho việc liệt kê tên các văn bản pháp luật này, chúng tôi sử dụng cụm từ “các luật, pháp lệnh” cho ngắn gọn.

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN
TỐI CAO
 

Số: 68/KH-VKSTC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
 
              Hà Nội, ngày  25 tháng 7 năm 2012
 
 

KẾ HOẠCH
KHẢO SÁT THỰC TIỄN THI HÀNH BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ NĂM 2003,
LUẬT TỔ CHỨC VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN NĂM 2002, PHÁP LỆNH KIỂM SÁT VIÊN VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN NĂM 2002 (SỬA ĐỔI NĂM 2011)
Thực hiện Kế hoạch số 37/KH-BST ngày 14/5/2012 của Ban soạn thảo Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) về tổng kết thực tiễn thi hành Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, Kế hoạch số 57/KH-VKSTC-V8 ngày 13/6/2012 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc xây dựng Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi) trong ngành Kiểm sát nhân dân năm 2012, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Kế hoạch khảo sátthực tiễn thi hành Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002, Pháp lệnh Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân năm 2002 (sửa đổi năm 2011) (sau đây gọi tắt là Bộ luật, các Luật, Pháp lệnh) tại một số tỉnh, thành phố, cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
Việc khảo sát thực tiễn thi hành Bộ luật, các Luật, Pháp lệnh nhằm các mục đích sau:
- Đánh giá toàn diện, đầy đủ, đúng đắn các quy định của Bộ luật, các Luật, Pháp lệnh qua thực tiễn thi hành;
- Chỉ rõ những kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế, vướng mắc, bất cập trong việc thi hành Bộ luật, các Luật, Pháp lệnh;
- Xác định những nội dung của Bộ luật, các Luật, Pháp lệnh đã được thực tiễn kiểm nghiệm cần tiếp tục kế thừa; kiến nghị những nội dung của Bộ luật, các Luật, Pháp lệnh cần được sửa đổi, bổ sung; kiến nghị các giải pháp bảo đảm việc thi hành có hiệu quả Bộ luật, các Luật, Pháp lệnh trên thực tế; đề xuất những nội dung mới để xây dựng Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi), Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi).
2. Yêu cầu
- Việc khảo sát được tiến hành tại một số tỉnh, thành phố đại diện cho các vùng, miền, các khu vực kinh tế của cả nước. Các tỉnh, thành phố được lựa chọn phải có đặc trưng cho vùng miền được khảo sát;
- Việc khảo sát phải khách quan, toàn diện, có sự tham gia đầy đủ của các cơ quan có liên quan đến việc thi hành Bộ luật, các Luật, Pháp lệnh;
- Việc khảo sát phải có sự chuẩn bị tốt về nội dung, bảo đảm tiết kiệm, thiết thực, hiệu quả, đạt được mục đích đề ra.
II. NỘI DUNG VÀ HÌNH THỨC KHẢO SÁT
1. Hình thức khảo sát
Việc khảo sát được thực hiện dưới hình thức hội nghị trao đổi, tọa đàm tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Nam Định, Hòa Bình (đại diện cho các tỉnh miền Bắc); Thừa thiên Huế, Đắk Lắk (đại điện cho các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên); thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu (đại diện cho các tỉnh miền Nam) với sự tham gia của các cơ quan, ban, ngành trong tỉnh được khảo sát.
2. Nội dung khảo sát
- Khảo sát để làm rõ những nội dung của Bộ luật, các Luật, Pháp lệnh được thực tế kiểm nghiệm, chứng minh tính phù hợp cần tiếp tục kế thừa; những trường hợp Bộ luật, các Luật, Pháp lệnh đã quy định rõ nhưng nhận thức còn khác nhau dẫn đến việc vận dụng không thống nhất; những quy định chưa rõ nhưng chưa được hướng dẫn giải thích; những quy định không khả thi, không phù hợp với thực tiễn; những vấn đề mới phát sinh cần được bổ sung đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế. Trên cơ sở đó đề xuất những giải pháp, kiến nghị cụ thể sửa đổi, bổ sung các quy định của Bộ luật, các Luật, Pháp lệnh.
- Khảo sát kỹ thuật trình bày Bộ luật, các Luật, Pháp lệnh về kết cấu chương, mục, điều, khoản; ngôn ngữ sử dụng trong Bộ luật, các Luật, Pháp lệnh. Những thuận lợi và khó khăn trong việc thực hiện, áp dụng Bộ luật, các Luật, Pháp lệnh do kỹ thuật trình bày và đề xuất phương hướng hoàn thiện.
- Khảo sát công tác triển khai thực hiện Bộ luật, các Luật, Pháp lệnh trên thực tiễn, phân tích những thuận lợi và khó khăn trong việc thực hiện các quy định của Bộ luật, các Luật, Pháp lệnh trên thực tế; trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp đảm bảo việc thi hành Bộ luật, các Luật, Pháp lệnh có tính khả thi và hiệu quả.
III. THỜI GIAN, THÀNH PHẦN THAM DỰ VÀ KINH PHÍ KHẢO SÁT
1. Thời gian thực hiện
Việc khảo sát tại các tỉnh, thành phố dự kiến được thực hiện trong thời gian từ 01/8/2012 - 31/8/2012.
Việc khảo sát tại mỗi tỉnh, thành phố thực hiện trong thời gian 1,5 ngày, trong đó:
- 01 ngày khảo sát thực tiễn thi hành Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003;
- 0,5 ngày khảo sát thực tiễn thi hành Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002, Pháp lệnh Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân năm 2002 (sửa đổi năm 2011).
2. Thành phần đại biểu tham dự Hội nghị
2.1. Thành phần đại biểu tham dự hội nghị khảo sát thực tiễn thi hành Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003:
- Các thành viên Đoàn khảo sát;
- Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố nơi khảo sát: Lãnh đạo viện, toàn bộ Kiểm sát viên khối hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố, Viện trưởng hoặc Phó Viện trưởng phụ trách hình sự Viện kiểm sát nhân dân các quận, huyện trực thuộc;
- Tổ biên tập, Tổ cộng tác viên xây dựng Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi) tại tỉnh, thành phố nơi tổ chức khảo sát;
- Đại diện các cơ quan: Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Tỉnh, Thành ủy, Ban pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố, Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh, thành phố Cơ quan điều tra, Tòa án, Cơ quan thi hành án, Đoàn luật sư, Hội luật gia, Sở tư pháp, Cơ quan kiểm lâm, Hải quan, cơ quan giám định, định giá, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố nơi tổ chức khảo sát.
2.2. Thành phần đại biểu tham dự hội nghị khảo sát thực tiễn thi hành Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002, Pháp lệnh Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân năm 2002 (sửa đổi năm 2011) dự kiến như sau:
- Các thành viên Đoàn khảo sát;
- Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố nơi khảo sát: Lãnh đạo Viện, Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các quận, huyện thuộc tỉnh, thành phố
- Tổ biên tập, Tổ cộng tác viên xây dựng Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi) tại tỉnh, thành phố tổ chức khảo sát;
- Đại diện các cơ quan: Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Tỉnh, Thành ủy, Ban pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh, thành phố Tòa án, Sở Nội vụ, Hội luật gia, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố nơi tổ chức khảo sát.
3. Kinh phí khảo sát
Kinh phí khảo sát sử dụng từ kinh phí hỗ trợ xây dựng Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi), Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi) và Kinh phí do Dự án JICA tài trợ
IV. PHÂN CÔNG THỰC HIỆN
1. Viện kiểm sát nhân dân tối cao thành lập 03 đoàn khảo sát tại một số tỉnh, thành phố, cụ thể như sau:
1.1. Đoàn khảo sát thực tiễn thi hành Bộ luật, các Luật, Pháp lệnh khu vực miền Bắc khảo sát tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Nam Định, Hòa Bình. Các thành viên của Đoàn gồm có:
- Ông Đặng Văn Khanh, Viện trưởng Viện khoa học kiểm sát, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Trưởng đoàn;
- Ông Nguyễn Văn Quảng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng;
- Bà Lại Thị Thu Hà, Phó trưởng phòng Viện khoa học kiểm sát, Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Bà Phạm Hoàng Diệu Linh, Phó trưởng phòng Viện khoa học kiểm sát, Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
1.2. Đoàn khảo sát thực tiễn thi hành Bộ luật, các Luật, Pháp lệnh khu vực miền Trung và Tây nguyên khảo sát tại các tỉnh Thừa Thiên Huế, Đắk Lắk. Các thành viên của Đoàn gồm có:
- Bà Nguyễn Thị Thủy, Phó Viện trưởng Viện khoa học kiểm sát, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Trưởng đoàn;
- Ông Hồ Đức Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Ông Hoàng Anh Tuyên, Phó trưởng phòng Viện khoa học kiểm sát, Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Bà Nguyễn Thị Thu Quỳ, Phó trưởng phòng Viện khoa học kiểm sát, Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
1.3. Đoàn khảo sát thực tiễn thi hành Bộ luật, các Luật, Pháp lệnh khu vực miền Nam khảo sát tại các thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Các thành viên của Đoàn gồm có:
- Bà Hoàng Thị Quỳnh Chi, Phó Viện trưởng Viện khoa học kiểm sát, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Trưởng đoàn;
- Ông Lê Thành Dương, Viện trưởng Viện Phúc thẩm III, Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Ông Nguyễn Xuân Hà, Trưởng phòng Viện khoa học kiểm sát, Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Ông Hoàng Thành Nam, Kiểm tra viên Viện khoa học kiểm sát, Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
2. Trách nhiệm của Đoàn khảo sát
- Xây dựng kế hoạch khảo sát;
- Xây dựng yêu cầu đối với các báo cáo tham luận tại hội nghị;
- Chuẩn bị giấy mời đại biểu tham dự hội nghị;
- Xây dựng các tài liệu hội nghị (bài phát biểu khai mạc, những vấn đề gợi ý thảo luận, in ấn các tài liệu hội nghị…).
- Tổng hợp kết quả khảo sát báo cáo Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
- Phối hợp cùng Viện kiểm sát nhân dân nơi tổ chức Hội nghị chuẩn bị tốt nội dung, công tác hậu cần và những vấn đề có liên quan.
3. Trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân các tỉnh, thành phố Hà Nội, Nam Định, Hòa Bình, Thừa thiên Huế, Đắk Lắk, thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu
- Liên hệ, đặt, đôn đốc các báo cáo tham luận theo đề cương, yêu cầu của Đoàn khảo sát; gửi các báo cáo tham luận cho Đoàn khảo sát đúng thời hạn;
- Gửi giấy mời các đại biểu tham dự Hội nghị;
- Chuẩn bị Hội trường tổ chức Hội nghị, việc trang trí, đón tiếp đại biểu và những vấn đề liên quan;
- Phối hợp với Đoàn khảo sát trong việc thực hiện nhiệm vụ, tạo điều kiện để Đoàn khảo sát hoàn thành tốt nhiệm vụ do Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao giao.
Trong quá trình thực hiện kế hoạch, nếu có vướng mắc đề nghị các đơn vị kịp thời thông báo về Viện kiểm sát nhân dân tối cao (qua Viện khoa học kiểm sát) để Viện khoa học kiểm sát tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét, quyết định.

Nơi nhận:
- Đ/c Viện trưởng VKSTC (để b/c);
- Các VKSND tỉnh, thành phố: Hà Nội, Nam Định, Hòa Bình, Thừa Thiên Huế, Đắk Lắk, thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu (để t/h);
- Các đơn vị có cán bộ tham gia Đoàn khảo sát;
- Các ông, bà thành viên Đoàn khảo sát (để t/h);
- Lưu VT, VKH.
KT. VIỆN TRƯỞNG
    PHÓ VIỆN TRƯỞNG   
 
 
(Đã ký)
 
 
 Lê Hữu Thể

Tìm kiếm