Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lào Cai đã chủ trì phối hợp với các ngành Quân đội, Công an, Biên phòng, Kiểm lâm, Hải quan ký kết Nghị quyết liên ngành số 01/LN ngày 08/05/1999 về phối hợp tiếp nhận, quản lý, giải quyết tố giác và tin báo về tội phạm. Thứ 6 hàng tuần, Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân hai cấp chủ trì việc giao ban liên ngành...
MỘT SỐ KINH NGHIỆM TRONG GIẢI QUYẾT TỐ GIÁC,
TIN BÁO TỘI PHẠM CỦA VIỆN KIỂM SÁT TỈNH LÀO CAI
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lào Cai đã chủ trì phối hợp với các ngành Quân đội, Công an, Biên phòng, Kiểm lâm, Hải quan ký kết Nghị quyết liên ngành số 01/LN ngày 08/05/1999 về phối hợp tiếp nhận, quản lý, giải quyết tố giác và tin báo về tội phạm. Thứ 6 hàng tuần, Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân hai cấp chủ trì việc giao ban liên ngành. Tại hội nghị giao ban, các ngành thông báo cụ thể kết quả tiếp nhận, giải quyết các tin báo tội phạm và vi phạm pháp luật xẩy ra trong tuần theo chức năng nhiệm vụ của từng ngành; viện kiểm sát nhân dân thực hiện chức năng kiểm sát việc giải quyết tin báo, phát biểu ý kiến giải quyết đối với các vụ việc và tổng hợp chung báo cáo cấp uỷ, chính quyền địa phương; đồng thời thông báo kết quả giải quyết, quan điểm xử lý cho các ngành tham gia giao ban để phối hợp thực hiện. Tuy nhiên, hiệu quả công tác phối hợp mới chỉ phát huy trong phạm vi các ngành tham gia nghị quyết. Trong khi đó, các hành vi tội phạm và vi phạm pháp luật xảy ra ở hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, trên phạm vi rộng đến từng xã, phường, thôn, bản; mặt khác có lúc, có nơi cấp uỷ, chính quyền địa phương còn chưa quan tâm đúng mức, sự phối hợp giữa các cơ quan còn chưa chặt chẽ dẫn đến công tác tiếp nhận, quản lý và xử lý tin báo còn hạn chế, chưa kịp thời phát hiện và xử lý, nhất là vụ việc xẩy ra ở các xã vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn, thông tin liên lạc còn hạn chế.
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh uỷ Lào Cai ban hành Chỉ thị số 04-CT/TU ngày 15/05/2001 về “Tăng cường sự chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng đối với công tác tiếp nhận, quản lý và xử lý tin báo tội phạm, vi phạm pháp luật”. Chỉ thị đã quán triệt đến Ban cán sự Đảng các ngành nội chính, Đảng uỷ trực thuộc, cấp uỷ Đảng và chính quyền các cấp thực hiện những nội dung như: phát động sâu rộng trong quần chúng nhân dân tham gia phong trào bảo vệ an ninh tổ quốc, tích cực phát hiện và tố giác kịp thời các hành vi tội phạm và vi phạm pháp luật; cấp uỷ Đảng, chính quyền cơ sở nắm chắc diễn biến tình hình, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật ở địa phương; Ban cán sự Đảng Viện kiểm sát nhân dân chỉ đạo chặt chẽ việc xử lý các hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp và chủ trì phối hợp với các cơ quan nội chính, chính quyền cơ sở trong công tác tiếp nhận, quản lý, xử lý tin báo tội phạm, vi phạm pháp luật xẩy ra trên địa bàn tỉnh.
Ban thường vụ Tỉnh ủy giao cho Ban cán sự Đảng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Chỉ thị, tổng hợp báo cáo thường trực Tỉnh ủy hàng tuần và thông qua việc giao ban nội chính Tỉnh ủy vào ngày mùng 5 hàng tháng. Ban cán sự Đảng Viện kiểm sát nhân dân đã phối hợp với các Huyện ủy, Thành ủy giao trách nhiệm cho Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện tổ chức duy trì chế độ cung cấp thông tin, tổng hợp báo cáo hàng tuần, hàng tháng.
Hội đồng khoa học tỉnh Lào Cai giao cho Viện kiểm sát nhân dân tỉnh xây dựng đề tài: “Điều tra đánh giá thực trạng và xây dựng những giải pháp tiếp nhận, quản lý và xử lý các vi phạm, tội phạm trên địa bàn tỉnh Lào Cai, đề tài đã được nghiệm thu đưa vào ứng dụng từ tháng 1/2002. Theo đó, việc tiếp nhận, quản lý xử lý tin báo vi phạm và tội phạm được thực hiện từ cơ sở các xã, phường, thị trấn, Đồn biên phòng đến các cơ quan chức năng cấp tỉnh.
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh tham mưu cho Tỉnh uỷ tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 04 của Tỉnh uỷ, xác định rõ nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống vi phạm và tội phạm là trách nhiệm của tất cả các ngành, các cấp chính quyền, đoàn thể và quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng; hoạt động phối hợp của các cơ quan nội chính ở cả hai cấp trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, nhất là các cơ quan tiến hành tố tụng đạt hiệu quả tốt hơn; công tác cải cách tư pháp được thực hiện tốt theo lộ trình đã đề ra; nhân dân các dân tộc trong tỉnh nhận thức và hiểu rõ hơn trách nhiệm của mình trong bảo vệ an ninh tổ quốc, tích cực phát hiện các tội phạm, vi phạm pháp luật để xử lý theo quy định.
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh đã phối hợp với các ngành tổng kết Nghị quyết liên ngành số 02. Có thể nói trong gần 10 năm thực hiện Nghị quyết, công tác phối hợp của liên ngành nội chính tỉnh Lào Cai đã có bước chuyển biến mạnh mẽ, kết quả đó phản ánh tinh thần, trách nhiệm, sự đồng thuận, đoàn kết của các ngành nội chính trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.. Từ những kết quả đạt được, Liên ngành nội chính tỉnh Lào Cai thống nhất giao cho Viện kiểm sát nhân dân tỉnh chủ trì xây dựng Nghị quyết mới, nội dung:
Tiếp tục giữ nguyên hình thức giao ban trực tiếp hàng tuần tại Viện kiểm sát hai cấp như hiện nay. Đảm bảo nắm bắt kịp thời diễn biến tình hình vi phạm, tội phạm để báo cáo Tỉnh uỷ, Ủy ban nhân dân tỉnh và phối hợp giải quyết. Xem xét, bổ sung thêm giao ban cấp lãnh đạo hàng quý để đánh giá chung về tình hình thực hiện và phối hợp giải quyết trong quý. Bổ sung hình thức giao ban giữa các ngành nội chính cấp huyện với các xã để liên ngành cấp huyện có cơ sở thực hiện.
Về thành phần tham gia giao ban bổ sung thêm một số cơ quan thường xuyên tiếp cận nguồn tin báo như thanh tra ngành thuế, tài nguyên môi trường. Về thành phần cán bộ giao ban sẽ quy định cụ thể trong nghị quyết gồm: Chánh Văn phòng, phó Chánh Văn phòng; Phó Chánh thanh tra hoặc lực lượng chuyên ngành khác đảm bảo nội dung cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác.
Tiếp tục thực hiện sự phân công gắn với việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của từng ngành. Đồng thời xây dựng hệ thống thông tin chung thống nhất giữa các ngành để phục vụ công tác xây dựng chính sách, kiến nghị các biện pháp phòng ngừa chung có hiệu quả.
Viện kiểm sát nhân dân tiếp tục thực hiện việc tổng hợp chung tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật xảy ra trên địa bàn; thực hiện việc kiểm sát giải quyết theo quy định của pháp luật; duy trì thường xuyên chế độ báo cáo đối với cấp uỷ, chính quyền địa phương đồng thời thông báo bằng văn bản đối với các ngành tham gia giao ban nắm được và phối hợp thực hiện.
Do làm tốt công tác giải quyết tin báo, tố giác tội phạm ngay từ đầu nên Viện kiểm sát đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của ngành là thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, truy tố, xét xử án hình sự; đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội; góp phần bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, được nhân dân tin tưởng; thực hiện tốt nhiệm vụ cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay, khẳng định được vai trò, vị trí của ngành kiểm sát, đồng thời làm tốt công tác tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật và vai trò trợ giúp đối với các cơ quan liên quan trong việc áp dụng pháp luật.
Từ những kết quả trên, có thể rút ra một số kinh nghiệm như sau:
Phải tranh thủ được sự quan tâm, chỉ đạo, tin tưởng của cấp uỷ, chính quyền địa phương trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành thông qua hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Phải tạo được sự đồng thuận, đoàn kết, phối hợp của các ngành hữu quan, đặt dưới sự lãnh đạo thống nhất của cấp uỷ Đảng.
Thường xuyên đổi mới công tác chỉ đạo, nâng cao năng lực cán bộ cả về chuyên môn, nghiệp vụ và phẩm chất đạo đức; xử lý nghiêm minh các hành vi phạm tội, tạo được sự tin tưởng của quần chúng nhân dân đối với các cơ quan tư pháp nói chung và đối với ngành Kiểm sát nói riêng.
Thường xuyên tham mưu, đề xuất các biện pháp thiết thực, có hiệu quả trong công tác giải quyết tin báo, tố giác tội phạm.
Thái Hưng