CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

The Supreme People’s Procuracy of Viet Nam

Một số vấn đề cần rút kinh nghiệm khi giải quyết vụ án “Tham ô tài sản”

27/02/2016
Cỡ chữ:   Tương phản
Qua nghiên cứu trả lời thỉnh thị vụ án Vi Văn T cùng đồng phạm bị khởi tố và đề nghị truy tố về tội “Tham ô tài sản”, quy định tại Điều 278 Bộ luật hình sự do Viện kiểm sát nhân dân huyện S, tỉnh B báo cáo thỉnh thị, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh B phát hiện thấy việc giải quyết vụ án còn tồn tại sai sót cần rút kinh nghiệm...

Một số vấn đề cần rút kinh nghiệm khi giải quyết vụ án “Tham ô tài sản”

Qua nghiên cứu trả lời thỉnh thị vụ án Vi Văn T cùng đồng phạm bị khởi tố và đề nghị truy tố về tội “Tham ô tài sản”, quy định tại Điều 278 Bộ luật hình sự do Viện kiểm sát nhân dân huyện S, tỉnh B báo cáo thỉnh thị, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh B phát hiện thấy việc giải quyết vụ án còn tồn tại sai sót cần rút kinh nghiệm. Trang thông tin điện tử VKSND tối cao trích đăng để bạn đọc tham khảo:

Vi Văn T là Trưởng thôn và Ngô Ngọc O là Phó thôn - kiêm Thủ quỹ thôn nhiệm kỳ 2010-2012. Trong quá trình quản lý thôn, các khoản thu của thôn đều do Vi Văn T trực tiếp quản lý, chi tiêu.

Thực hiện Nghị quyết của Đảng ủy thị trấn T, ngày 18/7/2011, Uỷ ban nhân dân (UBND) thị trấn  ra Quyết định số 35a/QĐ-UBND về việc thu tiền đóng góp xây dựng đường bê tông thôn N năm 2011 (do UBND thị trấn làm chủ đầu tư) theo đó thôn N phải đóng góp 100.000.000 đồng. Trong các ngày 09 và 15/10/2011, Vi Văn T đã giao cho Ngô Ngọc O 70.000.000 đồng để nộp tiền làm đường cho UBND thị trấn nhưng O không nộp mà giữ lại sử dụng cá nhân. Vi Văn T cũng giữ lại 30.000.000 đồng để sử dụng cá nhân. Ngày 11/01/2012, công trình làm đường bê tông thôn hoàn thành và ngày 10/3/2012 đã quyết toán xong nhưng T và O không nộp số tiền 100.000.000 đồng cho UBND thị trấn theo kế hoạch. Đến tháng 5/2012, T và O hết nhiệm kỳ và không được bầu lại vào Ban quản lý thôn nhưng cũng không bàn giao sổ sách và số tiền 100.000.000 đồng trên cho Ban quản lý thôn mới. Do đã chi tiêu hết số tiền trên của thôn và UBND thị trấn nhiều lần đôn đốc nên T và O có nhiều lần gặp Nguyễn Quang S là Chủ tịch UBND thị trấn xin cho thôn nộp sau và đề nghị S tạo điều kiện cho viết phiếu thu thôn đã nộp 100.000.000 đồng để T và O bàn giao cho Ban quản lý thôn mới. S biết rõ T và O chưa nộp 100.000.000 đồng nhưng vẫn đồng ý và cho phép T và O chỉ phải nộp 60.000.000 đồng (trong đó nộp vào quỹ là 28.000.000 đồng, chi trả giám sát công trình 32.000.000 đồng), còn lại số tiền 40.000.000 đồng UBND thị trấn không thu nữa mà để lại cho thôn và S sẽ chỉ đạo viết phiếu thu đủ 100.000.000 đồng để T và O làm chứng từ bàn giao. Nguyễn Quang S cũng thừa nhận nội dung này. Ngày 06/7/2012, khi O đến UBND thị trấn và chỉ nộp 28.000.000 đồng thì S đã chỉ đạo Nguyễn Văn H - Kế toán và Nguyễn Huy T - Thủ quỹ của UBND thị trấn lập phiếu thu số 08 nhưng ghi ngày 09/3/2012 với nội dung O nộp 100.000.000 đồng “Tiền quỹ thôn để xây dựng đường giao thông thôn”. Đến ngày 03 và 23/04/2013, O mới nộp tiền cho ông Nguyễn Huy T và Nguyễn Văn U - đại diện Ban giám sát công trình của thôn tổng số 32.000.000 đồng theo chỉ đạo của S. Lợi dụng vào phiếu thu này, T và O đã chia nhau số tiền 40.000.000 đồng, mỗi người là 20.000.000 đồng.

Một số thiếu sót cần rút kinh nghiệm

Về tài liệu, căn cứ phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Quang S:

Trước khi Viện kiểm sát nhân dân huyện trả hồ sơ vụ án và yêu cầu khởi tố bị can đối với Nguyễn Quang S, cả S, T và O đều khai nhận nội dung nêu trên. Sau khi nhận hồ sơ vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện S tiến hành hỏi cung đối với T, O và ghi lời khai của những người liên quan khác. Trong đó tại lời khai ngày 07/8/2014, Nguyễn Quang S khai T và O nhiều lần ra gặp S xin khất cho nộp sau nên S đã tạo điều kiện cho T và O, nhưng Viện kiểm sát nhân dân huyện S không kịp thời phát hiện Nguyễn Quang S thay đổi lời khai. Khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện ra Quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Quang S, Viện kiểm sát nhân dân huyện S đã không yêu cầu Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện S đấu tranh với các bị can nhằm củng cố chứng cứ, mà ra quyết định phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Quang S là chưa đảm bảo căn cứ vững chắc.

Thiếu sót trong đối chất:

Sau khi khởi tố, Nguyễn Quang S thay đổi lời khai không thừa nhận việc chỉ đạo cho thôn  số tiền 40.000.000 đồng mà chỉ thừa nhận do thông cảm nên đã đồng ý và chỉ đạo thủ quỹ và kế toán viết phiếu thu số 08 đề ngày 06/7/2013 thu 100.000.000 đồng khống để tạo điều kiện cho T và O bàn giao với Ban quản lý thôn mới. Vi Văn T, Ngô Ngọc O vẫn giữ nguyên lời khai ban đầu. Lời khai của Vi Văn T và Ngô Ngọc O là chứng cứ quan trọng để xem xét xử lý đối với Nguyễn Quang S. Do có mâu thuẫn trong lời khai của Vi Văn T, Ngô Ngọc O với lời khai của Nguyễn Quang S, nên ngày 18/9/2014 Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện S đã cho T, O và S đối chất. Tuy nhiên Cơ quan điều tra lại tiến hành đối chất đồng thời cả 03 bị can (đối chất tay ba) là không đảm bảo tính khách quan dẫn đến việc trong và sau khi đối chất Vi Văn T và Ngô Ngọc O thay đổi lời khai theo lời khai của Nguyễn Quang S. Mặt khác nội dung biên bản đối chất còn sơ sài và không chặt chẽ.

Tồn tại trong việc thu thập tài liệu chứng cứ chứng minh và làm rõ hành vi phạm tội của các bị can trong vụ án:

Quá trình điều tra, có nhiều nội dung Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Sơn Động chưa điều tra, xác minh, thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ như: Thu thập quyển sổ tay của T mà O khai khi giao tiền cho Th đã ghi chép và ký nhận vào sổ; Thu thập tài liệu, sổ sách (sổ quỹ tiền mặt của UBND thị trấn, sổ tay của T) thể hiện việc thu và hạch toán số tiền 28.000.000 đồng S, T, H khai đã nhập quỹ của UBND thị trấn và tài liệu thể hiện việc chi trả số tiền 16.000.000 đồng cho các thành viên ban giám sát của UBND thị trấn và việc chi số tiền 16.000.000 của ông U cho các thành viên ban giám sát tự nguyện của thôn; Giám định chữ viết, chữ ký trên các giấy biên nhận tiền giữa T, O và T; Xác minh, lấy lời khai các đối tượng nhận tiền công giám sát công trình. Ngoài hành vi nêu trên thì T và O còn có hành vi chuyển nhượng trái thẩm quyền quyền sử dụng hồ nước tưới tiêu Đồng Lọc, có dấu hiệu của tội “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ” quy định tại Điều 282 Bộ luật hình sự, nhưng Cơ quan điều tra tách ra để xem xét sau là xử lý chưa triệt để vụ án.

Do trong quá trình thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân huyện S đã không kịp thời phát hiện những thiếu sót nêu trên để yêu cầu Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện S khắc phục; Không chủ động thực hiện các quyền năng của Viện kiểm sát quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự  (trực tiếp hỏi cung bị can, yêu cầu đối chất cũng như tham gia cùng đối chất…) để khắc phục, hạn chế những tồn tại thiếu sót dẫn đến vụ án phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung ở cả giai đoạn truy tố và xét xử, gây khó khăn cho việc xem xét, giải quyết đối với vụ án.

TT

Tìm kiếm